HÒA BÌNH, Việt Nam (NV) – Gần đến ngày phiên tòa xử Bác Sĩ Hoàng Công Lương, vụ tám bệnh nhân chạy thận tử vong ở bệnh viện tỉnh Hòa Bình, thì mạng xã hội phát hiện ông Trương Quý Dương, cựu giám đốc bệnh viện, đang “vi vu ở Canada.”
Theo báo Tuổi Trẻ, dự trù ngày 15 Tháng Năm tới đây, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tai biến chạy thận tại tỉnh Hòa Bình sẽ được mở lại tại Tòa Án Nhân Dân tỉnh Hòa Bình sau khi bị hoãn một tuần.
Trước đó, hôm 7 Tháng Năm, tòa án ở Hòa Bình mở phiên tòa xét xử ba bị cáo liên quan vụ tám bệnh nhân chạy thận tử vong hồi Tháng Năm, 2017, xảy ra tại khoa Hồi Sức Cấp Cứu, bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hòa Bình, gồm ông Trần Văn Sơn – cán bộ phòng Vật Tư, Trang Thiết Bị Y Tế bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hòa Bình, ông Bùi Mạnh Quốc – giám đốc công ty Trâm Anh, và Bác Sĩ Hoàng Công Lương – người phụ trách việc chạy thận nhân tạo.
Ông Quốc bị truy tố về tội vô ý làm chết người. Bác Sĩ Lương và ông Sơn bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nhiều người dân Việt Nam, cũng như các bác sĩ và nhân viên y tế đều cho rằng Bác Sĩ Lương vô tội, và đến nay đã có hơn 15,400 bác sĩ và nhân viên y tế gửi chữ ký “ủng hộ Bác Sĩ Lương” và kêu gọi tòa “xử đúng người đúng tội.”
Riêng phiên tòa ngày 7 Tháng Năm đã phải hoãn vì ông Trương Quý Dương, giám đốc bệnh viện thời điểm xảy ra vụ tai biến, vắng mặt và có đơn đề nghị xử vắng mặt. Và có thể tiếp tục vắng mặt tại phiên tòa ngày 15 Tháng Năm tới đây.
Ông Dương được xác định là người đại diện bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hòa Bình ký gói thầu với công ty Cổ Phần Dược Phẩm Thiên Sơn. Công ty này sau đó chuyển gói thầu cho công ty Xử Lý Nước Trâm Anh để nhận “sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị y tế tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hòa Bình.”
Vụ tám bệnh nhân tử vong được cơ quan điều tra kết luận là do “nước dùng lọc thận nhiễm hóa chất.”
Báo Lao Động tường thuật: “Viện Kiểm Sát Nhân Dân cho rằng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với cả ông Trương Quý Dương lẫn công ty Thiên Sơn” tuy vậy ông này vẫn có lệnh triệu tập đến tòa với vai trò “người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.”
Sau khi vụ tai biến chạy thận xảy ra hồi Tháng Năm, 2017, đến ngày 9 Tháng Tám, ông Dương bị cách chức giám đốc.
Luật Sư Lê Văn Thiệp, người bào chữa cho Bác Sĩ Lương được báo Lao Động dẫn lời: “Nếu việc xét xử không có mặt của ông Trương Quý Dương thì sẽ có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Nếu ông Dương không có mặt tại phiên tòa thì vụ án có thể sẽ bị bế tắc.”
Hồi Tháng Sáu, 2017, báo VOV cho hay: “Năm 2001, khi còn làm giám đốc Trung Tâm Y Tế huyện Kim Bôi, ông Trương Quý Dương từng bị kết luận ‘vi phạm chính sách về quản lý kinh tế, làm trái quy định, chi tiêu không đúng mục đích, buộc phải bồi thường công quỹ hơn 48 triệu đồng (hơn $2,110).’ Ông Dương bị kiến nghị kiểm điểm, xử lý kỷ luật.”
“Thế nhưng, chỉ vài tháng sau, ông Dương được điều chuyển làm giám đốc Trung Tâm Bảo Vệ Sức Khỏe Bà Mẹ Trẻ Em và Kế Hoạch Hóa Gia Đình tỉnh Hòa Bình. Cuối năm 2004, công an tỉnh Hòa Bình điều tra, xác minh theo đơn thư tố cáo, làm rõ một số sai phạm liên quan đến ông Dương. Sau đó, ông Dương lại được cất nhắc làm giám đốc bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hòa Bình cho đến khi xảy ra vụ tai biến chạy thận,” tờ báo viết.
Còn lần này, khi phiên tòa sắp diễn ra, ông Trương Quý Dương lại đang “vi vu ở Canada.”
Hiện chưa thấy cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình làm rõ việc ông Dương xuất cảnh khi nào.
Bác Sĩ Võ Xuân Sơn, làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn, bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Một thảm họa y khoa xảy ra với tám bệnh nhân chết oan bởi sự tắc trách của một nhóm người, trong đó, ông Trương Quý Dương là người có vai trò quan trọng nhất. Vậy mà, ông ta không những không bị truy tố, mọi tội lỗi được đổ lên đầu một bác sĩ điều trị, mà bây giờ, khi người bác sĩ vô tội kia phải bước ra trước vành móng ngựa, thì ông ta lại đang ung dung ở xứ người. Về mặt đạo lý, đó là một nỗi nhục cho đạo lý làm người, của cá nhân ông Trương Quý Dương, của các cán bộ thuộc viện kiểm sát, tòa án, và các lãnh đạo đảng và chính quyền tỉnh Hòa Bình. Về mặt pháp lý, ông Trương Quý Dương là người có trách nhiệm liên quan mật thiết đến vụ án. Tại sao lại có thể để cho ông ấy xuất cảnh?” (T.K.)
No comments:
Post a Comment