Theo VOA-Trân Văn/16/05/2018
Dự án Metro Cát Linh - Hà Đông.
Sau năm năm ngóng chờ, cuối cùng, Bộ trưởng Giao thông – Vận tải của Việt Nam cũng đã được nhà thầu Trung Quốc tạo điều kiện để “kiểm tra và đi thử” trên tuyến metro Cat Linh – Hà Đông.
Theo tường thuật của báo giới Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Việt Nam rất hào hứng với sự kiện vừa kể. Ông không chỉ khen: “Đường sắt Cát Linh - Hà Đông êm hơn đường sắt quốc gia”, mà còn nhắn nhủ dân chúng Hà Nội rằng, họ… sắp có “một tuyến đường sắt rất tốt và hiện đại”. Cứ như lời ông Thể thì tuyến metro Cát Linh – Hà Đông sẽ vận hành kỹ thuật vào tháng 10 và vận hành thương mại vào tháng 12 năm nay…
Ông Thể nói vậy thì biết vậy bởi ai mà biết đường sắt Cát Linh – Hà Đông có vận hành kỹ thuật vào tháng 10 và vận hành thương mại vào tháng 12 năm nay hay không!..
***
Trên giấy tờ, tuyến metro Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13 cây số và phải hoàn tất hồi 2013, tuy nhiên đến năm 2014, nhà thầu Trung Quốc thề sẽ hoàn tất tuyến metro Cát Linh – Hà Đông vào tháng 6 năm 2015.
Đến tháng 6 năm 2015, thời điểm khánh thành được dời lại tới cuối năm 2015. Cuối năm 2015, báo giới Việt Nam cho biết phải đến hết quí 1 năm 2016, công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông mới hoàn tất và có thể chạy thử.
Sang năm 2016, sự kiện duy nhất liên quan tới tuyến metro Cát Linh – Hà Đông là chính phủ Việt Nam đề nghị Trung Quốc cho vay thêm tiền để nhà thầu Trung Quốc hoàn tất tuyến metro Cát Linh – Hà Đông.
Các chuyên gia, báo giới và dân chúng từng tỏ ra hết sức phẫn nộ trước sự tráo trở của nhà thầu Trung Quốc (lúc đầu, tính toán chi phí thực hiện dự án metro Cát Linh – Hà Đông chỉ có 553 triệu Mỹ kim, nửa chừng đòi đưa thêm 339 triệu Mỹ kim).
Thông thường, không hoàn tất công trình đúng hạn, nhà thầu sẽ bị phạt. Thế nhưng đối với công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông, tuy nhà thầu trễ ba năm so với thời hạn đã cam kết, không những không áp dụng bất kỳ hình thức chế tài nào đối với nhà thầu, chính quyền Việt Nam còn đề nghị Trung Quốc cho vay thêm để thỏa mãn yêu cầu của nhà thầu.
Thương lượng tới lui, giữa năm 2016, Trung Quốc đồng ý cho Việt Nam vay thêm 250 triệu Mỹ kim để giao cho nhà thầu Trung Quốc hoàn tất công trình metro Cát Linh – Hà Đông. Đáp lại, nhà thầu Trung Quốc hứa sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến metro Cát Linh – Hà Đông để “chạy thử liên động toàn hệ thống” vào tháng 10 năm 2017.
Tới tháng 10 năm ngoái, nhà thầu Trung Quốc bảo rằng chỉ có thể cho “tàu công trình chạy trên một số đoạn” của tuyến metro này. Cam kết “chạy thử liên động toàn hệ thống” được dời tới quý 1 năm nay. Đến cuối tháng 3 năm nay – không phải nhà thầu Trung Quốc mà Bộ Giao thông – Vận tải Việt Nam chủ động đề nghị chính phủ Việt Nam cho dời hẳn chuyện “chạy thử liên động toàn hệ thống” tới... cuối năm!
Có một điểm đáng lưu ý là cách nay chưa đầy hai tháng, lúc chủ động đề nghị chính phủ Việt Nam cho nhà thầu Trung Quốc dời hẳn chuyện “chạy thử liên động toàn hệ thống” tới... cuối năm, Bộ Giao thông – Vận tải Việt Nam từng phỏng đoán, phải đến năm 2021, công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông mới hoàn tất và cũng phải đến thời điểm đó mới có thể khai thác – sử dụng công trình này.
Chưa hết, theo một văn bản do Bộ Tài chính Việt Nam gửi cho Bộ Giao thông – Vận tải và Ngân hàng Đầu tư – Phát triển Việt Nam (BIDV) hồi đầu năm nay thì chỉ tính riêng 250 triệu Mỹ kim mà Việt Nam hỏi vay thêm Trung Quốc hồi giữa năm 2016 để hoàn tất công trình metro Cát Linh – Hà Đông, từ 2018 trở đi, mỗi năm, Việt Nam phải trả cho Trung Quốc 650 tỉ đồng gồm cả vốn lẫn lãi.
Bộ Tài chính Việt Nam không cho biết, hàng năm, Việt Nam phải trả thêm bao nhiêu tiền cho vốn và lãi của khoản 553 triệu Mỹ kim mà trước đó Việt Nam đã vay Trung Quốc cũng để thực hiện dự án metro Cát Linh – Hà Đông. Cứ cho là mức độ… “ưu đãi” mà Trung Quốc dành cho cả hai khối nợ (553 triệu Mỹ kim và 250 triệu Mỹ kim) giống nhau, mỗi năm, Việt Nam sẽ phải trả cho Trung Quốc chừng… 2.000 tỉ đồng.
Liệu sự bất bình của dân chúng về chuyện mỗi năm Việt Nam phải trả chừng… 2.000 tỉ đồng tiền lãi cho một công trình trễ hạn đã năm năm, không mang lại bất kỳ lợi ích nào về kinh tế, xã hội, có liên quan gì đến chuyện ông Thể trấn an, cuối năm nay truyến metro Cát Linh – Hà Đông có thể “vận hành thương mại” hay không?
Nếu thật sự tuyến metro Cát Linh – Hà Đông có thể “vận hành thương mại” vào cuối năm nay thì vì sao tháng 3 vừa rồi, Bộ Giao thông – Vận tải lại đề nghị chính phủ Việt Nam cho phép “điều chỉnh” thời điểm “kết thúc dự án” là… 2021. Từ 2018 đến 2021 là ba năm, mỗi năm công khố mất chừng 2.000 tỉ để trả lãi cho những khoản đã vay nhằm thực hiện công trình metro Cát Linh – Hà Đông, vì lẽ gì mà Bộ Giao thông – Vận tải tính sai tới ba năm? Do thiếu kinh nghiệm, tính toán kém hay do có biệt nhãn với nhà thầu Trung Quốc, thành ra cố tình kéo thời điểm phải hoàn tất công trình giãn ra thêm ba năm?
***
Công trình xây dựng tuyến metro Cat Linh – Hà Đông từng được quảng bá như một… “điển hình” cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc về vốn, nhà thầu, công nghệ… Đến nay, tuy “điển hình” ấy cung cấp hàng loạt bằng chứng cho thấy, Việt Nam luôn là phía phải “ngậm đắng, nuốt cay”! Thế nhưng chỉ sau một chuyến “kiểm tra và đi thử”, ông Thể quên hết những đắng cay mà Việt Nam nói chung và Bộ Giao thông – Vận tải nói riêng từng phải nếm. Theo ông, công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông: “Không chỉ mang lại ý nghĩa về giao thông mà còn tạo đột phá về kinh tế xã hội, đặc biệt thắt chặt tình nghĩa giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
Thậm chí ông còn nói thêm rằng: Chúng tôi đã yêu cầu phía Trung Quốc cung cấp những thiết bị tốt nhất để có sự cạnh tranh với những nhà đầu tư khác, tạo dựng niềm tin để còn thực hiện những dự án đường sắt đô thị khác!
Do vay tiền của Trung Quốc để xây dựng tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, ngoài việc phải dùng nhà thầu Trung Quốc xây dựng hạ tầng cho tuyến metro, Việt Nam còn phải mua những thứ còn lại của Trung Quốc (hệ thống đường ray, hệ thống thông tin – tín hiệu và 13 đoàn tàu có tổng trị giá là 200 triệu Mỹ kim). Tháng 2 năm ngoái, dư luận Việt Nam rúng động khi giới hữu trách Việt Nam loan báo, họ sẽ tuyển 600 người để vận hành tuyến metro Cát Linh - Hà Đông và đến thời điểm đó đã tuyển, gửi 200 người sang Trung Quốc nhờ đào tạo. Nhiều người thắc mắc, chỉ một tuyến metro dài 13 cây số mà cần chừng đó lao động, thế thì khi hoàn tất 300 cây số metro ở Hà Nội như dự kiến sẽ cần bao nhiêu. Chẳng lẽ phải tuyển 10.000 người? Tại sao những tuyến metro ở các quốc gia Đông Nam Á khác đã được tự động hóa gần như hoàn toàn thì tuyến metro Cát Linh – Hà Đông lại cần nhiều nhân lực đến vậy, liệu công nghệ của Trung Quốc có lạc hậu quá không?
Trừ ông Thể và một số viên chức hữu trách vừa tham dự chuyến “kiểm tra và đi thử”, chẳng ai tỏ tường tuyến metro Cát Linh – Hà Đông vận hành ra sao. Ông Thể khen nó “êm hơn”, “rất tốt và hiện đại” thì cứ hy vọng nó sẽ như thế. Không hy vọng, nuôi bất bình thì làm được gì? Ngoài tư cách Bộ trưởng Giao thông – Vận tải, ông Thể còn là Ủy viên Dự khuyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, Đại biểu nhân dân tại Quốc hội Việt Nam. Dự án metro Cát Linh – Hà Đông rõ ràng là rất “êm”. Nếu không, làm gì có chuyện trễ hạn năm năm, mỗi năm, cả trăm triệu người chia nhau trả thêm 2.000 tỉ tiền lãi mà không cần phải truy cứu trách nhiệm của ai.
No comments:
Post a Comment