Mỹ Lan RFA-2018-04-23
Sản phẩm điều trị ung thư Vinaca được làm từ bột than tre tại một cơ sở tư nhân tại Hải Phòng-youtube.com
2 triệu VNĐ cho 1 lọ thực phẩm chức năng “made in Vietnam” được quảng cáo có công dụng chữa và hỗ trợ điều trị ung thư ống tiêu hoá số 1 thế giới hiện nay. Thế nhưng, thay vì bao gồm thành phần carbon nano như quảng cáo trên bao bì nhãn mác, nguyên liệu chủ yếu của loại thực phẩm chức năng này lại được sản xuất từ bột than tre, tại một cơ sở sản xuất vô cùng mất vệ sinh và được đóng gói thủ công bởi những công nhân không chút kiến thức về sản xuất dược liệu.
Điều đáng nói là loại thực phẩm chức năng này trong một thời gian ngắn đã được tiêu thụ ra thị trường không ít thông qua các đại lý mở rộng từ Bắc vào Nam. Bao nhiêu bệnh nhân nhẹ dạ đã dốc hầu bao để mua loại thuốc giả mà họ kỳ vọng là có thể chữa lành căn bệnh hiểm nghèo đang mắc? Đã bao nhiêu gia đình đang dần khánh kiệt bởi mua phải những loại thuốc giả không hề giúp người thân thuyên giảm bệnh tật mà thậm chí còn mắc bệnh nặng hơn bởi sử dụng thuốc độc hại, kém chất lượng?
Những tác dụng phụ của thuốc gây nên những rối loạn về khí huyết, mạch máu, thể dịch, kháng thể .. ở người bệnh vô hình chung làm cho bệnh tăng thêm - Bác sỹ Đỗ Thị Thuân
Nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng từ Hà Nội lên án đó là một hành động vô cùng độc ác, vô cảm và tàn nhẫn:
“Người bị bệnh ung thư thì đã giống như là một lần tuyên án rồi và người ta cần một cơ hội để chữa bệnh. Việc chữa được hay không đó là một cơ hội may rủi, nhỏ nhoi để sống sót và họ có duy nhất cơ hội đó để hy vong. Việc làm thuốc giả giống như là tước đi nốt cơ hội cuối cùng của họ mà thêm vào đó còn là nhát dao bồi vào cơ thế vốn đã yếu đuối đó”
Về góc độ chuyên môn, bác sỹ Đỗ Thị Thuân, nguyên Giám đốc bệnh viện Giao thông- Vận tải Hà Nội cho biết thuốc giả là những loại thuốc hàm lượng không đạt tiêu chuẩn cũng như nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, khi sử dụng có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh:
“Đãng nhẽ ngày nào người ta cũng phải có thuốc uống thì mới ngăn chặn được căn bệnh nhưng không có thuốc thì làm cho bệnh nó phát triển nặng thêm và tạo gánh nặng cho người bệnh mà trong khi đó tiền người ta vẫn phải bỏ ra thuốc mà lại không có tác dụng. Chưa kể là những cái tác dụng phụ của thuốc, nó gây nên những rối loạn về khí huyết, về mạch máu, thể dịch, kháng thể .. ở người bệnh vô hình chung làm cho bệnh tăng thêm”
Một nhà quản lý trong ngành dược phẩm muốn giấu tên cho rằng việc sản xuất thuốc giả dưới mọi hình thức là rất nguy hiểm và cần phải truy cứu ở mức độ hình sự. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng thuốc ở Việt Nam quá lớn nên đã có nhiều doanh nghiệp cố tình tìm kiếm lợi nhuận để sản xuất thuốc giả bất chấp điều đó gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ và cả sinh mạng của bệnh nhân.
“Các doanh nghiệp tuy là ngành kinh doanh có điều kiện nhưng việc thành lập rất dễ dàng vì nó là kinh tế thị trường mà. Trong khi đó lực lượng chức năng lại quá mỏng và quan trọng hơn nữa là cái đạo đức của doanh nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của những người hành nghề. Họ cố tình chộp giật chắp vá khi mà có thể bị tội nhưng họ vấn cố tình làm để tìm kiếm lợi nhuận một cách không chính đáng”
Liên quan đến những chế tài đối với các doanh nghiệp sai phạm quy định của Bộ Y tế trong lĩnh vực này, ông Đỗ Trung Hưng, Vụ phó Vụ pháp chế Bộ y tế cho biết:
“Cái đấy thì bây giờ Luật Dược đã có quy định rồi thì Bộ Y tế đang sửa đổi về những trường hợp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì trong đó có cả trong lĩnh vực dược”
Tuy nhiên, ông này từ chối cung cấp thêm thông tin về các chế tài cụ thể được áp dụng đối với các trường hợp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dược phẩm không đúng với tiêu chuẩn của Bộ.
Rất nhiều các đơn vị sản xuất và họ là sân sau của cơ quan quản lý nên họ cũng rất hạn chế lượng thuốc tốt cũng như những loại thuốc được cung cấp miễn phí đến cho người dân. Tất nhiên đây chỉ là thuyết âm mưu thôi nhưng chúng ta đều hiểu rằng họ đang gây cản trở để thuốc của họ đến với người bệnh thay vì những loại thuốc được cho tặng miễn phí kia - Nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng
Trong khi đó tại Việt Nam xảy ra những vụ việc cụ thể là gần 20.000 viên thuốc chữa ung thư máu trị giá gần 14ty đồng được công ty Novartis (Thuỵ Sĩ) viện trợ cho các bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tuỷ tại bệnh viên Truyền máu huyết học Thành phố Hồ Chí Minh lại bị đem thiêu huỷ hồi tháng tháng 5/2017. Còn tại bệnh viên Ung bướu TP.HCM, 267 viên thuốc Nexavar, trị giá hơn 250 triệu đồng được viện trợ để điều trị ung thư gan và thận cho bệnh nhân tại đây cũng gặp tình cảnh tương tự. Lý do được đưa ra là không đủ các giấy tờ cần thiết để hoàn tất thủ tục nhập cảnh dẫn tình trạng thuốc bị lưu kho quá lâu, đến khi phía bệnh viện cung cấp được đủ giấy tờ thì những loại thuốc nói trên đã quá thời gian sử dung, do đó buộc phải tiêu huỷ. Là một người có nhiều mối quan tâm đến các vấn đề của xã hội, nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng cho rằng:
“Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam có rất nhiều các đơn vị sản xuất và họ là sân sau của cơ quan quản lý nên họ cũng rất hạn chế lượng thuốc tốt cũng như những loại thuốc được cung cấp miễn phí đến cho người dân. Tất nhiên đây chỉ là thuyết âm mưu thôi nhưng chúng ta đều hiểu rằng họ đang gây cản trở để thuốc của họ đến với người bệnh thay vì những loại thuốc được cho tặng miễn phí kia”
Quay trở lại câu chuyện sản xuất thuốc ung thư giả bằng than tre Vinaca, sau những ồn ào xung quanh việc làm giả thành phần cho đến việc lọt vào top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam của doanh nghiệp này, mới đây Bộ Y tế đã chính thức khẳng định, sản phẩm "Vinaca ung thư Co3.2" không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nào cấp phép lưu hành và cũng không được cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với thực phẩm chức năng. Thế nhưng, người tiêu dùng đặt câu hỏi vì sao không đăng ký và không được phép lưu hành nhưng loại sản phẩm này lại được bán tràn lan trên thị trường thậm chí mở rộng địa bàn kinh doanh trên nhiều địa phương mà vẫn không bị một lực lượng chức năng nào “sờ gáy”, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và làm mất niềm tin của người tiêu dùng. Chúng tôi đã tìm cách liên lạc nhiều lần với ông Nguyễn Tất Đạt, Cục phó Cục Quản lý Dược , Bộ Y tế để hỏi về vấn đề này tuy nhiên ông này đã không bắt máy.
No comments:
Post a Comment