Thời gian gần đây, chuyện giáo dục nước nhà như được mùa nở rộ những sự ghẻ lở của nó. Từ chuyện lớn lao như phong giáo sư, đào tạo tiến sĩ cho đến những cấp thấp như học sinh mẫu giáo bị bạo hành, học sinh lớn hơn thì đánh nhau xé quần áo.
Không chỉ có học sinh với nhà trường, mà phong trào bạo lực trong giáo dục đã được "Xã hội hóa" triệt để.
Chuyện trò đánh thầy
Mới đây, câu chuyện cô giáo bị phụ huynh là luật sư hẳn hoi buộc phải quỳ đã gây xôn xao dư luận xã hội. Người ta đặt câu hỏi: "Khi cô giáo quỳ xuống: Đạo đức xã hội đang ở đâu?". Những phản ứng xã hội không chỉ với chuyện cô giáo phải quỳ xuống, đi ngược với truyền thống người Việt xưa nay là "tôn sư, trọng đạo". Mà đó là chuyện những cán bộ có chức, có quyền, hiểu biết luật pháp hẳn hoi nhưng vẫn không thể từ bỏ thói bạo lực và côn đồ khi hành xử.
Rồi những vụ việc sau giờ học, học sinh dùng dao đâm thầy giáo nhập viện hay học sinh tát vào mặt cô giáo trong giờ học cứ liên tiếp vụ này đến vụ khác.
Chỉ cần vào Google với cụm từ học sinh đánh thầy giáo, ngay lập tức hàng loạt vụ được liệt kê:
- Ngày 27/10 khi thầy Nguyễn Hữu Hiếu (37 tuổi), giáo viên bộ môn Hóa học Trường THCS thị trấn Thanh Chương đang làm việc với phụ huynh M. thì M. đến đến trường và dùng dao đuổi chém thầy giáo.
- 10h trưa ngày 24/4, tại trường Cao đẳng kỹ thuật - mỹ nghệ Việt Nam (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Bức xúc vì bị thầy đuổi ra khỏi lớp học, sau khi tan học, 2 học sinh chặn ở cổng trường, dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp vào đầu thầy giáo. Do không chế được, giáo viên này đã phản kháng lại, hai bên ẩu đả và hậu quả thầy giáo bị vỡ mũi.
- Tại trường THPT Nguyễn Huệ, Tây Sơn, Bình Định. NThầy giáo đã không kiềm chế được nóng giận đã chửi mắng một học sinh nam, sau đó tát liên tiếp 4 cái vào mặt cậu này khiến cho một nam sinh khác bức xúc. Sau khi bị thầy tát, nam sinh này đã tiến về phía thầy giáo để tấn công lại ngay trên bục giảng.
- 6h30 ngày 27/11, nam sinh Trần (16 tuổi) và Tôn (18 tuổi) cùng học lớp 11 Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện, để làm rõ vụ tấn công gây trọng thương thầy Nguyễn Văn Tân (35 tuổi) - giáo viên môn Vật lý trường THPT Đồng Phú.
Và còn vô số vụ khác mà không thể thống kê được hết.
Chuyện học sinh ngày nay đánh thầy, chửi cô đã như là chuyện "chuyện thường ngày ở... mọi nơi". Đến mức, xã hội cũng chỉ kêu lên một tiếng rồi im, và thầy cô giáo bị đánh cứ vậy vào viện mà... chữa vết thương.
Đến thầy đánh trò
Thế nhưng, lại liên tiếp những chuyện "chẳng giống ai trong" của ngành giáo dục nước nhà liên tục được xã hội quan tâm không chỉ từ phía học sinh hay phụ huynh mà lại từ phía những thầy cô giáo, những người được làm một nghề xã hội coi là mẫu mực và nhà cầm quyền thì ca ngợi là "nghề cao quý nhất trong mọi nghề cao quý" (Phạm Văn Đồng).
Không chỉ là chuyện trò đánh thầy, mà cụm từ "thầy giáo đánh học sinh" cũng có kết quả phong phú không kém. Thậm chí còn nhiều vụ việc không thể ngờ.
Hàng loạt vụ việc thầy đánh học sinh làm loạn mạng xã hội, thầy giáo dâm ô với học sinh, thầy giáo bắt học sinh đổi tình lấy điểm, cô giáo dạy trẻ hành hạ trẻ con, Hiệu trưởng, hiệu phó đi xe vào trường gây tai nạn cho học sinh và trốn trách nhiệm... đã và đang diễn ra như một sự bình thường trong một nền giáo dục không bình thường.
Khi cô giáo buộc học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, cả xã hội ngỡ ngàng nhìn lại cách hành xử của hệ thống giáo dục hiện nay để tìm hiểu thực chất của nó là gì?
Và cả hai thực hành bạo lực
Thực ra, trong cuộc sống, cha ông ta đã nói: "Không có lửa làm sao có khói". Chính vì vậy mà khi cô giáo bị buộc phải quỳ xuống, gây lên những cơn sóng dư luận xã hội, thì người ta tìm hiểu đằng sau những vụ việc, trách nhiệm thuộc về phía cô giáo và nhà trường ra sao.
Hẳn nhiên, việc bắt giáo viên phải quỳ xuống, đó là biểu tượng của một nền giáo dục ngược, được hình thành qủa bao nhiêu năm tháng ngành giáo dục hết cải tiến đến cải cách và tiền của đổ vào đó như nước sông, nước biển. Điều đó không thể ai chấp nhận được.
Nhưng, người ta không biết rằng: Sở dĩ cô giáo phải quỳ xuống, là bởi trước đó cô giáo đã liên tục bắt học sinh quỳ hàng tiếng đồng hồ, mà bắt cả lớp phải quỳ, dù những học sinh khác không có lỗi. Chính điều đó đã gây nên nhiều bức xúc cho các học sinh và phụ huynh.
Người ta cũng biết rằng: Cô giáo buộc học sinh uống nước giẻ lau bảng, không hẳn chỉ vì cô ấy là giáo viên. Mà bởi cô ta còn là con của Phó phòng giáo dục của Huyện An Dương (Hải Phòng). Vì nếu chỉ là con nông dân, để chạy được vào chân giáo viên hàng trăm triệu đồng từ mồ hôi nước mắt qua những gánh thóc của bố mẹ, thậm chí là phải bán thân, đổi tình lấy biên chế, thì có cho kẹo cô ấy cũng không dám hành động man rợ như vậy.
Và chỉ giả sử là cô giáo đó không có thế lực, là những bà mẹ, ông bố thiếu hiểu biết để giáo dục con cái nên người tử tế nhưng là quan chức, mà là con nông dân, thì chỉ cần một đợt luân chuyển giáo viên giữa các vùng sâu vùng xa mà chi phí chạy chọt về dạy gần nhà là cả chục, cả trăm triệu... thì thử hỏi cô ta có dám hiên ngang hành động với học sinh như vậy không?
Người ta cũng biết, trong hệ thống giáo dục hiện nay, nhiều cô giáo, thầy giáo tỏ ra lỗ mãng, thiếu văn hóa, không được sự kính trọng của xã hội là có nguyên nhân của nó.
Dù nhà nước đã giải thích rằng lương giáo viên thấp, đời sống khó khăn, nên việc thiếu tư cách của giáo viên là khách quan do đời sống xã hội.
Thực ra chưa hẳn là như vậy. Con số báo cáo trước Quốc hội cho biết: Ngân sách hàng năm dành cho ngành giáo dục là một con số tỷ lên rất lớn. Có điều, từ ông bộ trưởng trở xuống cho đến các hiệu trưởng, tổ trưởng... chỉ nhăm nhăm dự án và bỏ túi. Việc mấy chục năm nay, ngành giáo dục luôn tiến hành hết cải tiến, rồi cải lùi, hết hô hào "2 không" rồi "4 không"... chỉ là những lời nói trên môi miệng quan chức cộng sản, hoàn toàn không có tác dụng trong thực tế.
Việc đội ngũ giáo viên có nhiều người thiếu tư cách của con người bình thường, chưa nói đến tính sư phạm cần thiết, có nguyên nhân sâu xa từ định hướng giáo dục của nền giáo dục "hoàn toàn Việt Nam" mấy chục năm qua.
Nhiều giáo viên muốn yêu nghề hay rèn luyện tư cách, cũng không dễ dàng khi sống trong một môi trường xã hội mặc nhiên coi "vật chất quyết định ý thức" và luôn được rao giảng như một định hướng của cuộc sống.
Thực ra, chính hệ thống công quyền Cộng sản đã coi thường nghề thầy giáo trước hết. Có lẽ trong đời sống xã hội Việt Nam xưa nay, chưa bao giờ có "những chuyện lạ" như trong "thời đại rực rỡ nhất" hiện nay khi quan chức điều cô giáo đi làm tiếp viên - một công việc mà xã hội coi như là công việc gần gũi của các cô gái bán thân và bán dâm kiếm tiền.
Cũng chưa bao giờ giáo viên được coi là đối tượng bị đè nén, coi thường đến nhục nhã khi buộc họ phải dùng đồng lương ít ỏi của mình để "Đăng ký mua thịt chống ế cho nông dân". Vì sao chỉ là giáo viên mà không phải hàng ngũ quan chức khác?
Và bất nhân hơn hết, giáo viên được huy động làm những việc thất đức nhất như buộc phải đưa học sinh đi tắm biển nhiễm độc để lừa bịp người dân ăn cá, muối bị đầu độc bởi Formosa theo chương trình cụ thể của Phòng giáo dục Huyện Thạch Hà như năm vừa qua.
Khi hệ thống quan chức cộng sản đã ngang nhiên coi thường và kinh bỉ hệ thống giáo viên, thầy cô như vậy, thì thử hỏi con cái họ và đám dân đen do họ lãnh đạo, soi đường, sẽ có thái độ ra sao với nghề giáo viên?
Có lẽ điều này, để ứng nghiệm lời nói: "Hãy xem việc cộng sản làm, đừng tin lời cộng sản nói" khi nhà nước ca ngợi "giáo viên là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý nhất".
- Ngày 10/04/2018
J.B Nguyễn Hữu Vinh
No comments:
Post a Comment