Tuesday, April 10, 2018

Lỗi của Tổng Bí thư, của Chủ tịch Nước, của Thủ tướng hay của Bộ trưởng công an? *

Thảo Vy (VNTB) Theo Luật Công an Nhân dân, thì mọi sai trái đang diễn ra với hàng loạt cấp tướng đang xộ khám, thì đầu danh sách chịu trách nhiệm là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản. Đứng thứ hai là Chủ tịch Nước. Thứ ba mới là Bộ trưởng Bộ Công an. Thủ tướng Chính phủ chỉ giữ vai trò chung chung gọi là quản lý hành chánh về mặt ngân sách Nhà nước (Điều 5.1, Luật Công an Nhân dân).

Đổi mới hệ thống chính trị để Đảng là lãnh đạo tuyệt đối

Chiều ngày 9-4, cổng thông tin điện tử của Bộ Công an đăng tải bài báo dạng phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về Đề án tái cơ cấu Bộ Công an. [http://bit.ly/2GkemyH]

Bài báo có đoạn viết về câu trả lời của Bộ trưởng Tô Lâm: “Mục tiêu kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Công an gắn với hoàn thiện cơ chế, đổi mới phương thức lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với CAND, bảo đảm thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở; xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Đảng ủy Công an Trung ương với các tỉnh ủy, thành ủy; kiện toàn Đảng ủy Công an Trung ương có cơ cấu, số lượng hợp lý; thống nhất thực hiện chế độ thủ trưởng đơn vị đồng thời là bí thư cấp ủy để lãnh đạo chỉ đạo kịp thời, hiệu quả các mặt công tác công an”.

Bộ trưởng Tô Lâm nói rằng, “Việc triển khai thực hiện Đề án là phù hợp với các chủ trương, nghị quyết về đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, giảm tầng nấc trung gian trong điều hành; không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ của CAND”.
VNTB - Lỗi của Tổng Bí thư, của Chủ tịch Nước, của Thủ tướng hay của Bộ trưởng công an? 
Cụm từ đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị mà Bộ trưởng nói đến, liệu có phải là sắp tới đây Điều 5.1, Luật Công an Nhân dân chỉ còn mỗi nội dung: “Công an nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam”?.

Điều 5.1 hiện tại ghi thế này: “Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Công an nhân dân: Công an nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an”.

Theo điều luật vừa nêu, thì xem ra Bộ trưởng Bộ Công an chịu sức ép từ 3 nơi theo thứ tự: Bộ Chính trị, Văn phòng Chủ tịch Nước, và Văn phòng Chính phủ. Thế nhưng rất khó hiểu khi tuy Bộ chính trị có quyền uy “lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp”, song vai trò thống lĩnh lực lượng công an nhân dân lại thuộc về Chủ tịch nước. Tuy vậy, hệ thống hành chánh, chế độ lương và ngân sách chi tiêu cho lực lượng này lại phụ thuộc vào Chính phủ. Liệu ông Bộ trưởng Bộ Công an sẽ nghe theo lời của ai, hay là cùng lúc phải làm hài lòng cho cả 3 nơi?

Lỗi của ai?

Như lời trần tình của Bộ trưởng Tô Lâm trong bài báo đăng trên trang Bộ Công an (nguồn đã dẫn), có thể hiểu sở dĩ thời gian dài vừa qua trong ngành công an xảy ra nhiều vụ tham nhũng, nhiều phe nhóm hình thành để lũng đoạn tài sản quốc gia, gây mất niềm tin trong dân chúng…, có phần lỗi khách quan là hệ thống chính trị chưa thực sự giúp Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối và trực tiếp lực lượng công an (!?).

Một trong những giải pháp giúp củng cố quyền lực lãnh đạo cho Đảng cộng sản, là đề án nhất thể hóa một số chức danh tổ chức đảng kiêm nhiệm chức danh tương đồng của chính quyền, và các đoàn thể chính trị-xã hội. Mục đích còn là để tinh giản số cán bộ được hưởng lương, phụ cấp và tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị. Nôm na, để có quyền lực lãnh đạo tuyệt đối, sắp tới đây người đứng đầu Đảng Cộng sản cần kiêm luôn chức danh Chủ tịch Nước, và có thể luôn quyền uy trong quyết định toàn bộ ngân sách quản trị quốc gia mà lâu nay vẫn thuộc quyền của Quốc hội và Chính phủ.

Dĩ nhiên để làm được điều đó thì cần phải sửa luật cho đồng bộ. Bộ trưởng Tô Lâm nói rằng ông sẽ, “Đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo để sớm sửa đổi, điều chỉnh, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định của Đảng, tạo cơ sở chính thức cho các tổ chức, hoạt động của lực lượng Công an” (trích trong bài phỏng vấn – nguồn đã dẫn).

Thế nhưng việc sửa luật không đơn giản. Trước tiên phải sửa Luật tổ chức Chính phủ. Dắt dây kéo theo là sửa Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Đơn cử, muốn ‘nhất thể hóa’ hai chức bí thư và chủ tịch huyện/ xã thì phải sửa luật, chứ không phải Đảng bảo thế mà làm được ngay. Chủ tịch huyện/ xã do Hội đồng Nhân Dân cùng cấp bầu ra, chứ bí thư là bí thư của đảng, do Đảng tự bầu ra, dân không bầu ra bí thư. Do vậy, về cơ bản, muốn ‘nhất thể hóa’ thì phải sửa đổi chí ít hai luật – bầu cử và tổ chức chính quyền địa phương.

Bởi nếu bí thư ngồi vào ghế chủ tịch huyện/ xã rồi, thì cần gì bầu bán chủ tịch trong phiên họp đầu, kỳ họp đầu mỗi khóa Hội đồng Nhân Dân? Làm gì còn cạnh tranh? Và liệu có còn dân chủ ở cơ sở, dù chỉ hình thức? Hay chỉ còn dân chủ trong Đảng?

Luật có như thế nào đi nữa thì cũng phải hợp luật chơi chung

Trong vô số rối rắm đó, xin tạm kết bài viết này bằng Điều 2 của Luật Công an Nhân dân: “Luật này áp dụng đối với Công an nhân dân, cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng điều ước quốc tế đó”.

“Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng điều ước quốc tế đó”. Ràng buộc này có là một rào cản cho Đề án có tên “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” mà ông Tô Lâm đang bắt đầu khởi động?


* Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả về vấn đề được nêu

No comments:

Post a Comment