Kính Hòa RFA-2018-03-22
Ông Nguyễn Phú Trọng (hàng đầu bên trái) và ông Nguyễn Tấn Dũng (hàng đầu bên phải) tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, đầu năm 2016.AFP
Chỉ trong vòng vài ngày của tháng 3/2018, người ta thấy có đến hai vụ án kinh tế, hình sự lớn có dính dáng đến nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đó là vụ công ty Mobifone của nhà nước mua công ty truyền hình An Viên (AVG), vụ ông Đinh La Thăng đầu tư vào ngân hàng Đại Dương.
Liệu vị cựu Thủ tướng này sẽ bị dính dáng đến pháp luật Việt Nam trong thời gian sắp tới hay không?
Ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị dính đến pháp luật
Đầu tháng 3/2018, trước khi các vụ án, phiên xử này diễn ra, nhà bình luận chính trị nội bộ Việt Nam tại Sài Gòn là nhà báo Phạm Chí Dũng bình luận với đài RFA như sau:
Người ta đồn từ khá lâu nay là ông Dũng trong thời gian gần đây đã bị gọi là thiết lập biện pháp ngăn chận đặc biệt.
-Nhà báo Phạm Chí Dũng.
“Rất nhiều người đang nói tới ông Nguyễn Tấn Dũng, bất chấp cái chuyện trong Tết nguyên đán vừa rồi, Bí thư thành ủy Sài Gòn là ông Nguyễn Thiện Nhân có đến thăm ông Nguyễn Tấn Dũng, thậm chí tri ân ông Nguyễn Tấn Dũng, rồi sau đó là mời Nguyễn Tấn Dũng tham dự một hội nghị gọi là tìm cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh. Bất chấp những chuyện đó, vẫn có những nghi ngại đồn đoán rất lớn về số phận không an lành của ông Nguyễn Tấn Dũng. Người ta đồn từ khá lâu nay là ông Dũng trong thời gian gần đây đã bị gọi là thiết lập biện pháp ngăn chận đặc biệt.”
Tin ông Nguyễn Thiện Nhân chúc Tết ông Nguyễn Tấn Dũng được một số báo đưa tin, cũng như đăng trên trang web của cơ quan đảng Thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 9/2/2018.
Ngày 14/3/2018, báo chí Việt Nam đồng loạt đăng bản kết luận của Thanh tra chính phủ Việt Nam về sai phạm của việc công ty Mobifone mua công ty tư nhân AVG, trong đó AVG đã được nâng giá quá cao làm tổn thất vốn của nhà nước do Mobifone quản lý.
Ông Phạm Chí Dũng bình luận về bản kết luận này:
“Trong cái vụ Mobiphone mua AVG, hoàn toàn không thấy nhắc tới bóng dáng công ty VCSC (Bản Việt) của bà Nguyễn Thanh Phượng con gái ông Nguyễn Tấn Dũng, trong bốn công ty tư vấn, trong khi trước đó có nhiều đồn đoán, dư luận là công ty của bà Phượng đã trực tiếp tư vấn cho Mobilefone mua AVG, và nâng giá lên rất cao. Thế nhưng mà gần đây lại xuất hiện một thông tin đáng chú ý là trong bốn công ty tư vấn đó có một công ty tên là AMAX, một công ty rất nhỏ, đưa ra cái giá khả thi nhất, giá mua thấp nhất, khoảng tám ngàn mấy trăm tỉ, thì đó chính là công ty của bà Nguyễn Thanh Phượng.”
Ngày 20/3/2018, trong phiên xử ông Đinh La Thăng liên quan đến Ngân hàng Đại Dương, theo báo chí Việt Nam tường thuật, ông Thăng nói rằng ông không làm gì sai mà chỉ tuân theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ngày 22/3/2018, từ Sài Gòn ông Phạm Chí Dũng nhắc lại quan điểm của ông rằng ông Nguyễn Tấn Dũng đang có nguy cơ phải dính dáng đến pháp luật:
“Tôi vẫn còn giữ quan điểm nhận định đó, vấn đề là thời điểm mà thôi. Tại thời điểm này tôi cho là Nguyễn Tấn Dũng tạm thời yên ổn. Bây giờ có quá nhiều vụ việc mà ông Dũng để lại dấu vết. Sờ vào vụ nào cũng thấy bóng dáng ông ấy, chẳng hạn vụ bên công an, vụ Mobifone mua AVG, vụ Đinh La Thăng, tất cả những vụ như vậy đều thấy ông ấy. Chẳng qua ổng là Thủ tướng, phải ký duyệt, phải chỉ đạo, bút phê nhiều vấn đề. Tôi cho là bản thân ông ấy cũng không nhớ mình bút phê, chỉ đạo cái gì liên quan.”
Một số nhà bình luận chính trị khác cũng đồng quan điểm với ông Phạm Chí Dũng. Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm từ Hawaii trả lời cho chúng tôi rằng không loại trừ khả năng ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị đụng đến.
Blogger Trương Duy Nhất thì nêu quan điểm rằng với tất cả những lời khai của các bị cáo như ông Đinh La Thăng, có đề cập đến vị cựu Thủ tướng thì ít nhất việc ông Nguyễn Tấn Dũng phải ra tòa làm nhân chứng là một việc làm hợp lý. Luật sư Lê Công Định cũng cho rằng đứng về khía cạnh pháp luật thuần túy thì ông Nguyễn Tấn Dũng phải ra tòa làm nhân chứng.
Không chắc ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ dính đến pháp luật
Tuy nhiên cũng có ý kiến thận trọng hơn cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ an toàn.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội ở Hà Nội, trong một lần bình luận với chúng tôi trước đây nói với chúng tôi rằng có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng, đương kim Tổng Bí thư, sẽ không nặng tay với người trên danh nghĩa là đồng chí của ông, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Người ta không làm được việc đấy (kết tội tham nhũng) mà chỉ kết tội cố ý làm trái, thế này thế kia, mà bản thân cái điều cố ý làm trái ấy đã bị bỏ đi rồi.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
Dù không loại trừ khả năng ông Nguyễn Tấn Dũng phải ra tòa, sau phiên xử ông Thăng vào ngày 20/3/2018, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với chúng tôi:
“Đồng chí của họ thì họ có thể giết như chơi, nhưng vấn đề ở chổ là nó rắm rối, nó ràng buộc chằng chịt lẫn nhau. Ông đánh tôi thì tôi cũng có thể thò ra chuyện khác là ông toi. Họ phải cân nhắc là vì nó có thể đụng tới mình.”
Theo quan điểm từ trước đến nay của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, những vụ án lớn tại Việt Nam có liên quan đến các viên chức cao cấp đều mang tính chính trị, dù vấn đề tham nhũng, liên quan đến luật pháp cũng là một chuyện thực tế. Ngay sau khi ông Đinh La Thăng bị bắt hồi năm ngoái, 2017, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với chúng tôi rằng vụ án này thực chất là Đảng Cộng sản Việt Nam xử ông Đinh La Thăng, chứ không phải luật pháp xử ông Đinh La Thăng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A bình luận với chúng tôi về hình ảnh ông Nguyễn Tấn Dũng đằng sau việc xử các vụ án lớn đang diễn ra:
“Đối với ông Tấn Dũng thì chỉ là vấn đề chính trị. Ngay cả đối với ông Thăng, người ta không nói cái chuyện là ông tham nhũng, ông cầm ngần này tiền, từ ai, có chứng cứ vật chứng hẳn hoi, người ta không làm được việc đấy mà chỉ kết tội cố ý làm trái, thế này thế kia, mà bản thân cái điều cố ý làm trái ấy đã bị bỏ đi rồi.”
Nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Quang A là một điều đáng chú ý vì theo báo chí Việt Nam, tội danh cố ý làm trái đã bị loại khỏi luật hình sự Việt Nam từ ngày 1/1/2018, tuy nhiên trong bản tin truyền hình của báo Thanh Niên ngày 20/3/2018 vẫn đề cập đến tội danh này.
Chúng tôi hỏi ông Phạm Chí Dũng về bình luận của Tiến sĩ Nguyễn Quang A về tính chính trị trong các vụ án có hình bóng ông cựu Thủ tướng, ông nói rằng dù quan điểm của ông là ông NguyễnTấn Dũng sẽ bị dính đến pháp luật, nhưng ông đồng ý với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, vì rằng nền chính trị Việt Nam dựa quá nhiều vào những thỏa thuận chính trị, ngầm hay công khai giữa các phe nhóm khác nhau, cho nên chuyện pháp luật chỉ là thứ yếu.
No comments:
Post a Comment