Hoàng Tất Thắng (Danlambao) - Cách chức là biện pháp kỷ luật, nhằm tướt lấy quyền hành, hủy bỏ chức vụ của một người trong hệ thống của một tổ chức, hội đoàn, công ty, hay trong mọi cơ quan chính phủ, dù là hành chánh công quyền, hay trong tập thể công an cảnh sát và quân đội ở bất cứ đâu, bất kỳ nước nào, khi họ đang vẫn còn nắm giữ và đang còn có thẩm quyền thực thi chức trách đã được giao phó. So với từ chức là ý thức tự giác chủ quan của từng cá nhân hữu quan, hoặc so với quyết định miễn nhiệm, hay bãi nhiệm là sự chế tài mức độ nhẹ và trung bình, lệnh cách chức do một thượng cấp ban hành xuống một thuộc cấp buộc phải thi hành, có tính trừng phạt nặng nề hơn cả, bởi tính chất nghiêm trọng của vấn đề, hay của sự việc, do đương sự gây ra, cho thấy họ không còn xứng đáng với sự tín nhiệm và trọng trách được giao phó. Do đó, cách chức không thể có tính hồi tố trên các chức trách quá khứ của đương sự, bởi nó hoàn toàn không có hiệu lực, hay tác dụng gì của ý nghĩa trừng phạt, cũng như qua đó không thể thay thế cho các biện pháp truy cứu trách nhiệm cá nhân vi phạm về mặt tư pháp và luật lệ hiện hành.
Do đảng CSVN luôn cho mình có tư cách pháp nhân cao hơn cả hiến pháp và mọi luật định tư pháp, nên đối với các cán bộ, đảng viên do đảng bố trí nắm giữ những chức trách trong hệ thống cai trị nhà nước đều chỉ chịu trách nhiệm trước kỷ luật của đảng, ngoài ra gần như đều được miễn nhiễm về mặt tư pháp công quyền.
Từ một công an khu vực quèn, đến một ủy viên trung ương đảng quyền uy, nếu có vi phạm vào bất cứ sự vụ phạm pháp nào, đều cần phải có sự chuẩn y trước của đảng bộ quản lý đương sự, của ủy ban kỷ luật đảng, hệ thống tư pháp nhà nước mới có quyền khởi động điều tra, truy cứu (1) đưa tới hệ quả đầu voi đuôi chuột, phạm các tội tày đình chỉ phải chịu những bản án (?) nhẹ hều như đùa, từ khiển trách, kiểm điểm, cảnh cáo, tù treo, đến về hưu đối với mọi trọng tội, kể luôn cả tội giết người, bởi các bị can đều đã thành khẩn thú nhận dù trình độ hạn chế - tức cách nói luồn lách khi công nhận bản thân dốt nát, nhưng vẫn không khước từ trách nhiệm của đảng giao phó và đảng thì luôn ưu ái với những người có nhân thân tốt, một thứ áo giáp che thân, một loại miễn tử kim bài có trong thời cổ đại, được đảng cộng sản Việt Nam phục dựng lại dưới cái tên mới là thành phần cơ bản (?). Ủy viên bộ chính trị đảng thì thuộc vào hàng các ông thánh, không phải chịu bất kỳ một ràng buộc tư pháp cỏn con nào. Khi về hưu, thì đó đã là cách đảng cộng sản gia ân cho đảng viên hạ cánh an toàn, để có thể phủi sạch hết trách nhiệm trước mọi hành vi phạm pháp khi đang còn tại chức.
Sự sụp đổ của các chế độ cộng sản tại Nga và Đông Âu, đồng thời trước sự phát triển vũ bão của kỹ thuật tin học, internet, để mưu tìm sống còn đảng cộng sản Việt Nam không còn có thể duy trì được sự toàn quyền tha hồ tự tung, tự tác sau bức màn tre như trước đó vài thập niên, buộc đảng phải có một vài thay đổi, để chỉnh đốn bộ mặt méo mó của đảng trước công luận.
Quyền lực đảng dù vẫn còn phủ trùm mọi ngóc ngách xã hội, nhưng cũng trở nên khó khăn hơn khi phải bao che cho quá nhiều đảng viên phạm pháp, trong thời kỳ đảng vất bỏ sự tung hô vô sản, hô hào mọi người làm giàu, khiến tuyệt đại đa số đảng viên có chức, có quyền đều trở thành đủ hạng quan tham lớn, nhỏ khác nhau, nhưng đều chung một loài hối mại quyền thế, vùi đầu tham nhũng, đục khoét quốc khố, ăn chận phần trăm tỷ lệ hoa hồng, cướp đất của dân theo cách mua rẻ bán mắc, thu lợi nhuận ngất ngưởng, đặt ra hàng chục ngàn thứ thuế, thứ phí tận thu, lạm thu, bóc lột triệt để tiền bạc trong dân... thông qua lợi thế của những kẻ toàn quyền giữa một nền kinh tế tư bản hoang dã, bởi khái niệm quái thai, dị dạng là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Do đó dù không muốn nhưng đảng CSVN cũng phải buộc lòng đem ra xử vài con dê tế thần, vừa nhằm mục đích dàn xếp, phân chia quyền lợi ổn thỏa giữa các thế lực tranh ăn trong đảng, vừa bôi phấn, thoa son lại cho bộ mặt đã rệu rã của đảng sau hơn 80 năm cướp đoạt chính quyền và tham quyền cố vị.
Cái khó ló cái khôn! riêng trong trường hợp các đảng cộng sản đã là hạng đại lưu manh thượng thừa, nên Hà Nội mới nảy ra chiêu trò cách chức một số cán bộ quan tham đã về hưu, tức đã được đảng cho hạ cánh an toàn và cách cái chức vụ họ đã không còn nắm giữ, cho đảng lớn tiếng rêu rao đó là hình thức chế tài nghiêm khắc của đảng? một hình thức phạt vạ độc nhất vô nhị, chưa từng có ở Việt Nam và ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, kể cả ở trong rừng châu Phi. Tuy đảng có cứu được tay chân bộ hạ khỏi sa vào vòng lao lý, nhưng mặt khác Hà Nội đã phơi hẳn ra bộ mặt vừa thô bỉ, vô luân, lại vừa dốt nát, không có một chút ấn tượng gì về liêm sỉ con người, chà đạp lên mọi khái niệm tư pháp, về giá trị cưởng hành cần có của luật pháp đối với mọi loại tội phạm và hoàn toàn chỉ có tác dụng làm thêm một trò khôi hài, giễu dở dưới cái nhìn của công chúng.
Quan tham đầu tiên bị đảng CSVN trừng phạt với hình thức cách các chức vụ cũ là Vũ huy Hoàng. Tháng 4/2016 bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng về hưu, tới tháng 11/2016 bị ban Bí thư Trung ương đảng cách chức Bí thư Ban Cán sự đảng bộ Công thương và qua tháng 1/2017 thì bị cách luôn chức Bộ trưởng Bộ Công thương, tức sau khi đương sự đã ăn lương hưu được hơn 8 tháng.
Tháng 4/2017 các quan tham Bùi Cách Tuyến, Nguyễn Thái Lai, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường và Võ Kim Cự, cựu bí thư tỉnh ủy, cựu chủ tịch tỉnh Hà Tỉnh, đều bị đảng và nhà nước cộng sản cách chức, do các liên đới trách nhiệm trong vụ Formosa. Trong đó Bùi Cách Tuyến đã về hưu từ tháng 5/2015, tức đúng 2 năm, Nguyễn Thái Lai về hưu tháng 12/2015, tức gần 16 tháng và Võ Kim Cự cũng đã rời các chức vụ có liên quan đến sự vụ từ tháng 10/2015, tức gần 18 tháng.
Tháng 8/2017, quan tham Nguyễn Phong Quang, cựu bí thư và chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu phó trưởng ban thường trực chỉ đạo tây Nam bộ, đã nghỉ hưu tháng 5/2016, vẫn bị đảng và nhà nước CSVN cách hết các chức vụ trước đó gần 19 tháng do y nắm giữ, về tội biển thủ, tham nhũng ngân sách và tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, nhân viên sai trái.
Tháng 12/2017 quan tham Phạm Văn Vọng, cựu bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc, về hưu từ tháng 8/2017, tức đã được 4 tháng vẫn bị đảng truy cứu trách nhiệm về tội cướp đất, bổ nhiệm cán bộ do có dung dưỡng, bao che vượt thẩm quyền, để cách chức bí thư tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010 đến 2015 của y.
Tháng 2/2018 quan tham Lê Phước Thanh, cựu bí thư tỉnh ủy, cựu chủ tịch tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn từ năm 2015 trở về trước và đã nghỉ hưu từ tháng 9/2015, tức đã hưu 30 tháng, cũng bị đảng và nhà nước CSVN cách chức các chức vụ trước đó do Lê Phước Thanh nắm giữ.
Bộ máy công quyền của Ba Đình phải bóp trán, vắt óc từ rất nhiều đỉnh cao trí tuệ để cố ngụy biện cho sự sáng tạo độc đáo và trước các hành động không giống ai này của đảng, tuy thấy lạ (?), nhưng đây là một hình thức kỷ luật mới??? (2).
Tháng 11/2016, Nguyễn Hạnh Phúc, tổng thư ký quốc hội cộng sản trân tráo lý giải rằng đây là việc khó, do chưa có quy trình kỷ luật những người không còn chức vụ, nhưng ban bí thư đã giao thì phải nghiên cứu về tính pháp lý để có căn cứ khi xem xét và cần phải làm chặt chẽ vì kỷ luật nghiêm minh, nhưng phải đúng pháp luật (?).
Tháng 9/2017, Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch quốc hội lại đưa ra một quan điểm có giá trị nhân văn hơn (?), cao quý hơn về nhân cách và khí tiết của cán bộ cách mạng, cho rằng khi về hưu mà còn bị cách các chức vụ cũ thì ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của bản thân, của gia đình, chuyện nhỏ như đi chợ mà bị người ta nói làm sai phạm bị cách chức thì đau khổ lắm (?).
Trước đó chỉ ít ngày, Phạm Thế Dũng, cựu chủ tịch tỉnh Gia Lai phản ứng trước tin tức sắp bị đảng cộng sản chế tài kỷ luật cảnh cáo vì tàn phá hàng chục ngàn ha rừng, đã nói thẳng toẹt về hưu 2 năm rồi, nay muốn phạt gì thì phạt. Trong khi khí tiết người cộng sản mà Nguyễn Thị Kim Ngân muốn đề cao cũng đã quá dơ dáy, đã biểu lộ quá rõ trong phiên tòa tháng 1/2018, xử tội tham nhũng của Đinh La Thăng, một ủy viên bộ chính trị và Trịnh Xuân Thanh, một tỉnh ủy viên, thay nhau khóc lóc, kể lể trước tòa và van xin đảng trưởng tha tội, để được làm ma tự do, hay được chết trong vòng tay của gia đình.
Nhìn tư cách của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Nguyễn Phương Uyên, Đỗ Thị Minh Hạnh... trong các phiên tòa vài năm trước, hay của Phan Kim Khánh, Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, Trần Hoàng Phúc, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Nam Phong trong các phiên tòa mới đây, thì không cần phải khua chiêng, gióng trống để lu loa, ngụy biện như băng đảng CSVN, cũng rất dễ dàng để thấy được thế nào là khí tiết của một con người chân chính và đúng nghĩa.
2/2018.
________________________________
(1) Chỉ thị 15/CT/TW ngày 0/7/2007 của bộ chính trị về sự lãnh đạo của đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra và xử lý các vụ án.
(2) Trần Quốc Thuận, cựu phó chủ tịch thường trực văn phòng quốc hội, RFA, 2/2018.
No comments:
Post a Comment