Human Rights Watch - Tình hình nhân quyền Việt Nam xấu đi nghiêm trọng trong năm 2017. Công an đã bắt giữ ít nhất là 21 người với các tội danh “an ninh quốc gia” có phạm vi áp dụng quá rộng, thường được vận dụng để trừng phạt những tiếng nói phê phán chính phủ và các hoạt động ôn hòa.
Chính quyền Việt Nam thường vận dụng những điều luật hình sự có nội dung mơ hồ để đàn áp bất đồng chính kiến, trong đó có tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” “phá hoại khối đoàn kết dân tộc,” “tuyên truyền chống nhà nước,” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước.” Các điều luật khác, như gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ cũng được sử dụng để đè nén việc thực thi các quyền tự do chính trị và dân sự cơ bản.
Tháng Sáu năm 2017, Quốc hội, cơ quan hoạt động dưới sự kiểm soát hiệu quả của Đảng Cộng sản cầm quyền, đã sửa đổi bộ luật hình sự để hình sự hóa hành vi chuẩn bị thực hiện một số hoạt động bị cấm liên quan tới an ninh quốc gia. Những người vi phạm sẽ phải đối mặt với mức án năm năm tù giam. Bộ luật sửa đổi cũng quy trách nhiệm hình sự cho các luật sư nếu họ không tố cáo chính các thân chủ của mình với chính quyền về một số tội danh, trong đó có các tội về an ninh quốc gia.
Trong năm 2017, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 21 blogger và nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có các cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Tôn và Phạm Văn Trội vì đã thực thi các quyền dân sự và chính trị của họ theo cách bị chính quyền cho là gây nguy hại tới an ninh quốc gia. Tại thời điểm viết báo cáo này, có ít nhất mười người khác đã bị đưa ra xét xử, quy tội và kết án từ 5 đến 10 năm tù.
Chính quyền Việt Nam tiếp tục giam giữ nhiều người không xét xử, trong đó có blogger Hồ Văn Hải (bút danh Bác sĩ Hồ Hải), bị giữ từ tháng Mười một năm 2016, các nhà vận động nhân quyền Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà bị giữ từ tháng Mười hai năm 2015.
Tháng Năm, một phiên tòa phúc thẩm đã giữ nguyên bản án tù nhiều năm đối với Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng. Tháng Mười hai năm 2016, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình kết án Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng lần lượt là 13 và 12 năm, vì bị cho là thành lập một nhóm dân chủ với tên gọi Lực lượng Quốc dân Dựng cờ Dân chủ.
Tháng Sáu, một tòa án ở Khánh Hòa kết án blogger nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (bút danh Mẹ Nấm) 10 năm tù giam vì đăng tải lên mạng các bài viết phê phán chính quyền và các tài liệu thu thập từ các nguồn công khai, trong đó có báo chí nhà nước. Tháng bảy, một tòa án ở tỉnh Hà Nam xử nhà hoạt động nổi tiếng Trần Thị Nga chín năm tù giam vì các bài viết trên mạng internet.
Nạn hành hung cơ thể các nhà vận động và blogger tiếp tục xảy ra thường xuyên. Tháng Sáu năm 2017, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố một bản phúc trình nêu bật 36 vụ trong khoảng thời gian từ tháng Giêng năm 2015 đến tháng Tư năm 2017, trong đó các nhà hoạt động ở Việt Nam bị những người mặc thường phục đánh đập, thường gây thương tích nghiêm trọng. Tình trạng côn đồ đánh đập các nhà vận động nhân quyền xảy ra ở nhiều vùng miền, nhiều khi ngay trước mặt cảnh sát mặc sắc phục mà họ không làm gì để ngăn chặn việc hành hung.
Một trường hợp điển hình xảy ra hồi tháng Hai năm 2017, khi một nhóm người mặc thường phục bắt cóc cựu tù nhân chính trị Nguyễn Trung Tôn và bạn anh, Nguyễn Viết Tứ trên đường, lôi hai người vào một chiếc xe van, và lái đi. Ở trong xe, những người đó lột quần áo của Tôn và Tứ, dùng áo khoác của chính hai người trùm đầu họ, dọa dẫm và đánh nhiều lần bằng gậy sắt rồi bỏ họ xuống một khu rừng xa nơi bắt cóc họ. Các vết thương nặng do vụ đánh đập gây ra khiến Nguyễn Trung Tôn phải đến một bệnh viện địa phương để mổ. Công an không điều tra nghiêm túc vụ việc này hay bắt giữ một kẻ tình nghi nào. Tháng Bảy, Nguyễn Trung Tôn bị bắt với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”
Hạn chế Quyền Tự do Nhóm họp, Lập hội và Đi lại
Việt Nam cấm thành lập và hoạt động đối với các đảng phái chính trị, công đoàn và tổ chức nhân quyền độc lập. Chính quyền yêu cầu phải đăng ký trước đối với các buổi tụ tập đông người, và từ chối cấp giấy phép cho các buổi gặp gỡ, tuần hành hay nhóm họp đông người nếu bị coi là không hợp ý về mặt chính trị. Tháng Chín, công an sử dụng vũ lực quá mức cần thiết khi giải tán những người biểu tình trước cổng một nhà máy dệt thuộc sở hữu của Hồng Kông ở tỉnh Hải Dương. Nhiều người đã bị thương tích.
Hàng trăm người ở các tỉnh miền trung, như Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối Formosa, một tập đoàn thép Đài Loan đã xả chất thải độc ra biển, gây nên thảm họa môi trường biển quy mô lớn vào tháng Tư năm 2016.
Tình trạng trưng thu đất đai khiến người dân địa phương bị mất chỗ ở mà không được nhận đền bù thỏa đáng là một trong những vấn nạn lớn nhất ở trong nước. Tháng Tư, người dân xã Đồng Tâm ở Hà Nội làm một việc chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam là khống chế 38 cảnh sát và cán bộ địa phương làm con tin trong suốt một tuần liên quan đến một vụ tranh chấp đất đai kéo dài đã nhiều năm. Người dân đã thả hết con tin sau khi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung hứa sẽ tiến hành thanh tra đầy đủ toàn bộ vụ việc.
Công an địa phương sử dụng vũ lực và đe dọa để ngăn cản các nhà hoạt động không tham gia được các cuộc biểu tình và hội luận về nhân quyền, hay tham dự các phiên tòa xử các nhà hoạt động bè bạn. Tháng Năm, chính quyền cản trở các nhà hoạt động nổi tiếng Phạm Đoan Trang, Nguyễn Quang A, và Nguyễn Đan Quế không cho họ rời nhà trong thời gian diễn ra đối thoại song phương về nhân quyền giữa chính phủ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.
Công an cũng chặn không cho các nhà hoạt động nhân quyền ra nước ngoài, đôi khi đưa ra các lý do an ninh quốc gia mơ hồ. Tháng Giêng năm 2017, công an cấm cựu tù nhân chính trị Phạm Thanh Nghiên rời Việt Nam khi cô muốn đi Thái Lan với mục đích cá nhân. Tháng Tư, họ lại cản trở không cho vợ của Nguyễn Văn Đài, một người đang bị tạm giữ vì lý do chính trị, chị Vũ Minh Khánh, đi Đức để thay mặt chồng nhận giải thưởng nhân quyền của Hiệp hội Thẩm phán Đức. Tháng Năm, công an chặn không cho nhà hoạt động Phan Châu Thành mang quốc tịch Ba Lan nhập cảnh vào Việt Nam, và tháng Sáu lại ngăn chặn cựu tù nhân chính trị Đỗ Thị Minh Hạnh không cho sang Áo thăm mẹ đang bị ốm. Cũng trong tháng Sáu, chính quyền Việt Nam tước quốc tịch Việt của cựu tù nhân chính trị Phạm Minh Hoàng và trục xuất ông sang Pháp.
Quyền Tự do Tôn giáo
Chính quyền giám sát, sách nhiễu và đôi khi đàn áp mạnh tay đối với các nhóm tôn giáo hoạt động bên ngoài hệ thống tôn giáo chính thức do nhà nước kiểm soát. Chính quyền thường xuyên theo dõi các chi phái không được công nhận của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, các nhà thờ tại gia Tin lành và Công giáo độc lập, các chùa Phật giáo Khmer Krom và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tháng Sáu, chính quyền tỉnh An Giang đặt thanh chắn barie để ngăn không cho người dân tới dự lễ ở Quang Minh Tự nhân ngày thành lập Phật giáo Hòa Hảo.
Những người Thượng phải đối mặt với tình trạng bị các lực lượng an ninh theo dõi, dọa nạt, bắt giữ tùy tiện và ngược đãi. Chính quyền buộc thành viên của các nhóm Cơ đốc giáo độc lập của người Thượng phải công khai từ bỏ tín ngưỡng.
Chính sách đàn áp của chính quyền Việt Nam đã khiến hàng trăm người Thượng chạy trốn sang Campuchia và Thái Lan. Chính quyền Việt Nam đã đối phó với phong trào trốn sang Campuchia của người Thượng bằng cách gây sức ép chính quyền Campuchia chặn các cửa khẩu và từ chối cấp quy chế tị nạn cho những người đã sang được đến đất Campuchia. Theo Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, UNHCR, Việt Nam đã gây sức ép với Liên Hiệp Quốc và các quốc gia cho người tị nạn nhập cư không nhận người Thượng.
Tháng Tư, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã kết án ít nhất năm người Thượng từ 8 đến 10 năm tù về tội gọi là tham gia các nhóm tôn giáo độc lập không được chính quyền phê chuẩn.
Hệ thống Tư pháp Hình sự
Các tòa án Việt Nam tiếp tục chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. Các phiên tòa xử blogger và các nhà hoạt động về nhân quyền đều liên tiếp vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế về xét xử công bằng. Công an thường xuyên đe dọa người nhà và bạn bè muốn đến dự những phiên tòa xử các nhà hoạt động.
Tình trạng công an bạo hành, đôi khi gây ra cái chết trong khi bị giam giữ, cũng phổ biến trong năm 2017. Tháng Năm năm 2017, công an tỉnh Vĩnh Long bắt ông Nguyễn Hữu Tấn với cáo buộc về hành vi tuyên truyền chống nhà nước. Sau khi bắt giữ, công an thông báo với gia đình rằng ông đã tự tử bằng con dao do một cán bộ điều tra bỏ lại trong phòng hỏi cung. Gia đình đã phản đối, và chỉ ra nhiều điểm mâu thuẫn giữa các dấu vết họ thấy trên thi thể ông Nguyễn Hữu Tấn và một cuốn băng video không rõ hình do công an chiếu nhanh cho họ xem.
Tháng Tám, Trần Anh Doanh kể với một phóng viên rằng công an Thị xã Sơn Tây, Hà Nội đánh mình dã man để buộc nhận tội trộm cắp. Tháng Chín, Võ Tấn Minh chết trong khi bị công an Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận tạm giữ, và gia đình phát hiện nhiều vết bầm tím trên lưng, chân và tay anh. Ban đầu công an tuyên bố Võ Tấn Minh tham gia một vụ xô xát, nhưng sau đó đình chỉ công tác năm công an viên và khởi tố vụ án “dùng nhục hình.”
Những người phụ thuộc ma túy, trong đó có cả trẻ vị thành niên, vẫn thường bị quản chế tại các trung tâm cai nghiện, nơi họ bị cưỡng bức làm việc dưới danh nghĩa “lao động trị liệu.” Nếu vi phạm nội quy của trung tâm hoặc không hoàn thành định mức công việc sẽ bị phạt bằng hình thức đánh đập hoặc nhốt vào các phòng kỷ luật, nơi những người bị nhốt nói rằng họ bị cắt khẩu phần ăn uống. Báo chí nhà nước đưa tin rằng trong sáu tháng đầu năm 2017, chính quyền đưa 3.168 người vào các trung tâm ở Thành phố Hồ Chí Minh, tăng tổng số người nghiện bị quản chế ở thành phố này lên 11.317 người. Tháng Tám, chính phủ ban hành Nghị định 97 mở rộng diện đối tượng có thể bị đưa đi cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm.
Các Đối tác Quốc tế Chủ chốt
Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nhưng các tranh chấp về lãnh thổ trên biển tiếp tục làm phức tạp mối quan hệ giữa hai nước.
Mặc dù Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương từ tháng Giêng năm 2017, Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tăng cường các mối quan hệ kinh tế và quân sự. Trong chuyến thăm Nhà Trắng hồi tháng Năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hứa Việt Nam sẽ hợp tác với Hoa Kỳ trong các vấn đề thương mại, an ninh khu vực và di dân.
Tháng Mười một, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tới Việt Nam dự một hội nghị thượng đỉnh khu vực và gặp gỡ các quan chức Việt Nam ở Hà Nội, nhưng không công khai nêu các quan ngại về nhân quyền và dân chủ trong chuyến đi.
Tháng Tám, Đức phản đối vụ bắt cóc cựu lãnh đạo PetroVietnam Trịnh Xuân Thanh, người đang xin tị nạn ở thủ đô Berlin, và đã trục xuất hai nhà ngoại giao Việt Nam bị cho là có liên quan tới vụ việc này.
Trong năm nay, phái đoàn của Liên minh Châu Âu (EU) khi tới Việt Nam đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc bắt giữ và kết án một số nhà hoạt động, nhưng Brussels vẫn im lặng về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Tháng Hai, Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu (EP) đã tới thăm Việt Nam. Phái đoàn EP ghi nhận rằng Việt Nam đã đạt được tiến bộ về kinh tế và xã hội và bắt đầu quá trình tăng cường các quyền kinh tế và xã hội, nhưng cũng bày tỏ quan ngại về hiện trạng của các quyền dân sự và chính trị, bao gồm quyền tự do ngôn luận, lập hội, tôn giáo và tín ngưỡng. Tháng Chín, chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của EP phát biểu rằng nhân quyền là vấn đề trọng tâm trong đàm phán thương mại giữa EU với Việt Nam.
No comments:
Post a Comment