Hòa Ái, phóng viên RFA 2018-01-18
Ảnh minh họa: Đợt thi tuyển công chức trực tuyến do Bộ Nội Vụ tổ chức trước đây. File photo
Truyền thông quốc nội vào trung tuần tháng Giêng đưa tin Kiểm toán Nhà nước phát hiện hơn 57 ngàn cán bộ trong công tác quản lý biên chế công chức, viên chức.
Đóng thuế nuôi cán bộ dư thừa
Cộng đồng cư dân mạng tại Việt Nam, trong những ngày qua đặc biệt quan tâm đến thông tin Kiểm toán Nhà nước phát hiện dư thừa 57.175 cán bộ, tính đến thời điểm đầu tháng Giêng năm 2018. Nhiều người bày tỏ sự phản đối gay gắt vì họ cho rằng con số thừa biên chế này góp phần không nhỏ vào bội chi ngân sách hàng năm của Chính phủ, và hiển nhiên nguồn thu ngân sách chủ yếu là do người dân đóng thuế vào.
Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Chí Tuyến chia sẻ anh không thể im lặng khi cả 90 triệu người dân, trong đó có anh phải đóng thuế để nuôi một bộ máy nhà nước cồng kềnh như thế. Facebooker Nguyễn Chí Thuyến nói với RFA:
57.175 cán bộ, theo như con số của báo chí đưa, cứ tính bình quân mỗi cán bộ nhận lương cơ bản 5 triệu đồng/tháng thì tổng số tiền lương chiếm gần 3.500 tỷ đồng/năm. Đây là số tiền rất lớn. 3.500 tỷ có thể xây được bao nhiêu trường học, xây được bao nhiêu bệnh viện hay dùng để mua thuốc chữa bệnh cho người nghèo…Đấy là các nhu cầu rất cần thiết trong xã hội
-Facebooker Nguyễn Chí Tuyến
“57.175 cán bộ, theo như con số của báo chí đưa, cứ tính bình quân mỗi cán bộ nhận lương cơ bản 5 triệu đồng/tháng thì tổng số tiền lương chiếm gần 3.500 tỷ đồng/năm. Đây là số tiền rất lớn. 3.500 tỷ có thể xây được bao nhiêu trường học, xây được bao nhiêu bệnh viện hay dùng để mua thuốc chữa bệnh cho người nghèo…Đấy là các nhu cầu rất cần thiết trong xã hội. Số tiền tôi nói chỉ là lương ‘cứng’ (cơ bản) vì không chỉ là lương thôi. Một bộ máy con người như thế, mà chúng tôi gọi là ‘ăn không ngồi rồi’ thì còn ‘nhàn cư vi bất thiện’, họ nghĩ ra đủ trò để hành hạ người dân thường.”
Trước đó, trong năm 2016, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng lên tiếng là không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy có đến 11 triệu người hưởng lương và mang tính chất lương ở Việt Nam, trong đó có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi còn trong vai trò Phó Thủ tướng cũng đã tuyên bố đội ngũ công chức chỉ có khỏang 30% có thể đáp ứng được nhu cầu công việc. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Lê Doãn Hợp còn nhấn mạnh rằng 30% cán bộ còn lại không chỉ không làm được việc mà còn vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi hối lộ.
Bên cạnh đó, hồi cuối tháng 10 năm 2016, các chuyên gia dự báo có khoảng 700 ngàn công chức, viên chức (chiếm 30%) làm việc không có hiệu quả, mà dư luận gọi là “công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Trước thông tin vừa nêu, báo giới trong nước dẫn lời của Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi nói rằng giả sử số liệu dự báo này là đúng thì rõ ràng làm cản trở năng suất lao động của xã hội.
Càng tinh giản biên chế, bộ máy càng phình ra
Giải thích về bộ máy nhà nước cồng kềnh tồn tại trong nhiều năm, thậm chí ngày càng bị rơi vào tình trạng “lạm phát” lãnh đạo, theo kết quả giám sát về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, được Đoàn Giám sát Quốc hội công bố vào tháng 8 năm ngoái, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết nguyên nhân là vì:
"Nhà nước Việt Nam là nhà nước thoát ra trong một cuộc chiến tranh và nhiều người làm nhà nước không được đào tạo cho nên cứ chia việc ra làm nên thành một bộ máy cồng kềnh, không khoa học. So với những nước tiên tiến thì người ta được đào tạo chính quy có hệ thống, pháp luật rõ ràng nên gọn nhẹ."
Trước gánh nặng về ngân sách trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức tại Việt Nam, Bộ Chính trị hồi tháng 4 năm 2015 ban hành Nghị quyết số 39, đề ra mục tiêu tinh giản tối thiểu 10% số biên chế cho đến năm 2021. Và, tại Hội nghị Trung ương 6, khóa 12, diễn ra hồi vào trung tuần tháng 10 năm 2017, Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu giảm tối thiểu 400 ngàn biên chế trong vòng 4 năm nữa.
Việt Nam cho biết trong năm 2016 đã tinh giản được 10 ngàn biên chế. Trong khi số liệu tinh giản biên chế trong năm 2017 chưa được phổ biến, thì Kiểm toán Nhà nước công bố phát hiện hơn 57 ngàn cán bộ dư thừa, khiến cho những người quan tâm tin rằng mục tiêu tinh giản biên chế của Nhà nước không đạt hiệu quả.
Trả lời câu hỏi của truyền thông đưa ra hồi tháng 10 năm 2017 rằng vì sao tình hình tinh giản biên chế chưa được cải thiện, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng một trong những mấu chốt là do lỗi trong thiết kế bộ máy và cơ chế vận hành bị thiếu phối hợp đồng bộ. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân còn nhấn mạnh ngay cả các bộ, ngành Trung ương còn có sự chồng chéo chức năng và hầu như không một ai dám đụng vào vì thuộc “vấn đề nhạy cảm”.
Trong khi đó, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam khẳng định với RFA mục tiêu tinh giản biên chế của Nhà nước đặt ra chỉ là một cái vòng lẩn quẩn. Giáo sư Tương Lai nhận định:
Tham nhũng từ trên xuống dưới. Càng lên cao thì càng tham nhũng lớn. Trên chóp bu tham nhũng thì cấp dưới tội gì không tham nhũng và cứ thế tham nhũng xuống tận cơ sở. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn. Cho nên cả bộ máy đó không phương cứu chữa. Vì vậy, bộ máy biên chế càng ngày càng phình ra, không có cách nào giảm được đâu. Giảm chỗ này thì sẽ phình sang chỗ khác
-GS.Tương Lai
“Bộ máy hành chính của đảng và hành chính của nhà nước thì nhân viên bám vào biên chế với đồng lương không cao nhưng ai cũng muốn bám lấy biên chế vì bên cạnh lương thì còn bổng. Bổng đã lớn nhưng còn dựa vào quyền để đục khoét của dân thì tham nhũng này mới là khủng khiếp. Tham nhũng từ trên xuống dưới. Càng lên cao thì càng tham nhũng lớn. Trên chóp bu tham nhũng thì cấp dưới tội gì không tham nhũng và cứ thế tham nhũng xuống tận cơ sở. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn. Cho nên cả bộ máy đó không phương cứu chữa. Vì vậy, bộ máy biên chế càng ngày càng phình ra, không có cách nào giảm được đâu. Giảm chỗ này thì sẽ phình sang chỗ khác.”
Đài RFA ghi nhận các chuyên gia kinh tế Việt Nam, từ 20 năm trước, đã từng khuyến cáo Chính phủ Hà Nội nên bỏ hẳn biên chế để giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia, cũng như cần hướng tới một nền công vụ hiện đại, với các công chức có trình độ đào tạo, kinh nghiệm chuyên môn phù hợp với vị trí được bổ nhiệm. Tuy nhiên, Đảng lãnh đạo và Nhà nước Việt Nam quyết tâm thực hiện chính sách tinh giản biên chế mà kết quả trước mắt được dư luận gọi là “càng tinh giản thì càng phình ra”.
Chúng tôi xin được kết thúc bài ghi nhận với thắc mắc chưa có lời đáp của một số cư dân mạng rằng không rõ trong hơn 57 ngàn cán bộ dư thừa được Kiểm toán Nhà nước phát hiện trong năm 2017, có bao nhiêu người được “nâng đỡ không trong sáng”, như trường hợp Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, ông Ngô Văn Tuấn đã nâng đỡ không trong sáng đối với cán bộ, bà Trần Vũ Quỳnh Anh và thông tin về biện pháp xử lý hàng ngàn cán bộ dư thừa này có được phổ biến công khai, minh bạch cho người dân hay không, qua trưng dẫn câu hỏi của Facebooker Doanh Nguyễn “Thanh tra Chính phủ ăn lương rồi làm gì? Thừa hàng chục ngàn cán bộ mà cả năm mới phát hiện ra? Chả trách đất nước cứ nghèo mãi? Người dân đến bao giờ mới không còn cảnh đóng thuế nuôi một nhóm không nhỏ những người ăn bám được gọi là ‘cán bộ’? Và khi nào thì dân chúng không phải nghe quan chức giải trình rằng ‘dư thừa cán bộ như thế là đúng quy trình?’”, còn ý kiến của Facebooker Vũ Văn Hiến rằng “Để biên chế dư là do cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Bao giờ những vụ việc dư thừa cán bộ được xử lý nghiêm minh, thì bấy giờ người dân mới có niềm tin là Nhà nước đang quyết tâm thực hiện tinh giản biên chế”.
No comments:
Post a Comment