BÌNH ĐỊNH, Việt Nam (NV) – Hôm 21 Tháng Giêng, báo Đất Việt cho hay, Bí Thư Tỉnh Ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng nói với Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Vừa rồi, sau cổ phần hóa, 100% cổ phần của Cảng Quy Nhơn đã thuộc về tư nhân. Cán bộ và nhân dân Bình Định rất buồn, mong muốn trung ương làm sao để Cảng Quy Nhơn lại là của nhà nước. Nếu được như thế, cán bộ, nhân dân Bình Định sẽ rất mừng.”
Cảng Quy Nhơn có sáu cầu tàu có thể tiếp nhận được các loại tàu đến 30,000 tấn, có hệ thống 20,960 mét vuông kho, 201,000 mét vuông bãi, 48,000 mét vuông bãi chứa container…
Ban đầu cảng này do Tổng Công Ty Hàng Hải Việt Nam – Vinalines (quốc doanh) làm chủ, sau đó được cổ phần hóa, chuyển thành Công Ty Cổ Phần Cảng Quy Nhơn hồi Tháng Bảy, 2013. Hiện Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Khoáng Sản Hợp Thành đang nắm giữ 86.23% vốn điều lệ Cảng Quy Nhơn, với tổng trị giá 440 tỷ đồng ($19.3 triệu). Việc thâu tóm 86.23% cổ phần được ghi nhận “diễn ra chỉ trong hai năm” và báo Đấu Thầu tường thuật: “Sự mâu thuẫn về tỉ lệ sở hữu nhà nước giữa việc xây dựng phương án và thực tế thoái vốn tại Cảng Quy Nhơn cùng với tiến trình thoái vốn vội vàng càng khiến cho dư luận đặt dấu hỏi.”
Theo báo Đất Việt, hồi Tháng Tư, 2017, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương “đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn vì cho rằng vụ mua bán này có dấu hiệu làm thất thoát tài sản nhà nước.”
Tờ báo cũng cho hay: “Nhiều tài sản, thiết bị của Cảng Quy Nhơn được định giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế. Hàng chục cần cẩu, xe cẩu, xe nâng, tàu lai chuyên dụng trị giá hàng trăm tỷ đồng nhưng chỉ được định giá… hơn 1.9 tỷ đồng ($83,410).”
Đáng lưu ý, Cảng Quy Nhơn là nơi ông Trần Duy Tùng, con trai ông Trần Bắc Hà làm thành viên Hội Đồng Quản Trị cho đến Tháng Mười Một, 2017. Thời điểm đó, báo Dân Việt tiết lộ tuy làm chức danh này nhưng ông Tùng “chỉ nhận mức lương 1.6 triệu đồng/tháng.”
Báo này viết thêm: “Chỉ một tháng sau khi có tin đồn liên quan đến cha mình là ông Trần Bắc Hà (bị bắt), ông Trần Duy Tùng rút lui khỏi Công Ty Cổ Phần Cảng Quy Nhơn. Tin đồn sau đó được xác định là thất thiệt, không có căn cứ nhưng đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam khi đó bốc hơi gần $2 tỷ.”
Bình luận về tin Bình Định xin “đưa trở lại nhà nước” Cảng Quy Nhơn, nhà báo tự do Bạch Hoàn viết trên trang Facebook cá nhân: “Tôi đến chịu cái tư duy của người đứng đầu tỉnh Bình Định. Cảng Quy Nhơn đã cổ phần hóa lâu rồi. Bây giờ đưa trở lại nhà nước kiểu gì? Đưa bằng ý chí chính trị à? Ngu không để đâu cho hết. Chưa kể cổ phần hóa là chủ trương đúng đắn. Cái gì nhà nước cũng muốn làm đến bao giờ? Tư duy như trẻ con lên ba vậy mà đứng đầu một địa phương thì sao địa phương phát triển được? Nếu địa phương nào cũng bị những người như ông Nguyễn Thanh Tùng làm lãnh đạo thì đất nước này sớm muộn gì cũng lụn bại!”
Trong vụ Công Ty Hợp Thành thâu tóm cổ phần Cảng Quy Nhơn, có thông tin cho rằng doanh nghiệp này là “sân sau” của cựu Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải. Tuy vậy, không có nguồn tin độc lập nào kiểm chứng thông tin này. Thông tin duy nhất liên quan đến ông Hải có thể tìm thấy trên website của Cảng Quy Nhơn là hồi Tháng Tám, 2012, ông Hải ký văn bản đồng ý để Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư dự án nâng cấp quốc lộ 19, đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến quốc lộ 1A. (T.K.)
No comments:
Post a Comment