RFA 2017-10-09
Công an Việt Nam trong một cuộc biểu tình phản đối Formosa tại Hà Nội hôm 1/5/2016
Hai lực lượng công an và quân đội tại Việt Nam thường được ví như là ‘thanh kiếm, lá chắn’ bảo vệ đảng và chế độ.
Ban Chỉ đạo Xây dựng Đề án ‘tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động, hiệu lực, hiệu quả’ do Ban Bí Thư đảng cộng sản Việt Nam lập nên từ tháng 11 năm ngoái vừa qua có gợi ý với Quân Ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương có báo cáo tại Hội Nghị Trung ương 6 về việc bảo đảm cơ chế lãnh đạo và chấp hành sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của đảng đối với quân đội và công an.
Giáo sư Zachazy Abuza, một chuyên gia Việt Nam thuộc trường đại học Quốc phòng Hoa Kỳ, có nhận định liên quan về vai trò của đảng đối với hai lực lượng công an và quân đội ở Việt Nam hiện nay:
Tôi nghĩ cần phải hiểu rằng trong bối cảnh hiện nay công an Việt Nam có rất ít quyền lực trong bộ Chính trị. Chỉ có ba thành viên của bộ Chính trị xuất thân từ Bộ Công an. Nhiều đối thủ của ông Tổng Bí thư nằm trong số này. Trong đó có cựu Thủ tướng người không còn nằm trong Bộ Chính trị hay Ủy ban Trung ương nhưng tay chân của ông ấy vẫn có nhiều ảnh hưởng với chính trị. Và ông Tổng Bí thư đã áp dụng cuộc chiến chống tham nhũng để bài trừ tay chân của ông này.
Ngay trong quân đội có nhiều người lên tiếng nói rằng Việt Nam đang bị Trung Quốc lấn át chủ quyền tại Biển Đông, và nhiệm vụ của quân đội là phải bảo vệ chủ quyền quốc gia chứ không phải là bảo vệ chế độ.
- Cựu đại tá Bùi Tín
Về phía quân đội, giáo sư Zachary Abuza nói rằng không có bằng chứng rõ rằng về đối thủ chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng trong quân đội. Tuy nhiên, ông chỉ ra một nhân tố quân đội có thể tác động đến đương kim Tổng bí thư đó là việc quân đội khẳng định nhiệm vụ là bảo vệ quốc gia chứ không phải chế độ:
Vài năm trước, từng xuất hiện lời kêu gọi rằng quân đội phải bảo vệ đất nước chứ không phải bảo vệ Đảng. Trong khi đó lẽ ra quân đội Nhân dân Việt Nam phải giống Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là phải bảo vệ Đảng. Ấy vậy mà, Chính điều này đã làm nhiều lãnh đạo cao cấp lo lắng.
Từ Pháp, cựu đại tá Bùi Tín, người từng là đảng viên Đảng cộng sản hơn 4 thập niên và có 37 năm góp mặt trong Quân đội Nhân dân cho rằng việc Đảng muốn kiểm soát chặt chẽ công an và quân đội liên quan đến 3 chuyện đó là chiến dịch chống tham nhũng, việc thoát khỏi sự phụ thuộc của Trung Quốc và vấn đề công an đàn áp người dân. Trước hết ông phân tích về đề nghị “thoát Trung” của quân đội:
Vừa rồi ý kiến của quân đội và Đảng nói rằng ít nhất phải tách dần ra khỏi Trung Quốc, hay còn gọi là “thoát Trung” thế nhưng hiện nay chính sách của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn là dính liền với Trung Quốc một cách chặt chẽ nhất và phụ thuộc vào Trung Quốc, để Trung Quốc chiếm đất đai, boxit, cao nguyên,… Người Trung Quốc cũng nhập vào Việt Nam rất đông đảo khắp các nơi. Các nhà máy lớn đều do Trung Quốc thầu hết mà làm thì không đến nơi đến chốn.
Gần đây trong dư luận xuất hiện nhiều ý kiến lên án việc Chính phủ Hà Nội quá nhún nhường Trung Quốc, đặc biệt là trong vụ việc công ty Repsol của Tây Ban Nha phải ngưng khoan thăm dò khí tại khu vực tranh chấp ở biển Đông. Nguyên nhân được giới lãnh đạo Repsol cho biết là Trung Quốc dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu không dừng việc khoan thăm dò.
Một nguyên nhân khác nữa, đại tá Bùi Tín cho rằng chiến dịch chống tham nhũng không được làm đến nơi đến chốn cũng gây bất bình trong giới công an, quân đội:
Chiến dịch chống tham nhũng của ông ấy cũng làm dở dang. Tất cả các đại án gần hết năm rồi mà chưa ra gì cả. Quân đội và công an dù sao cũng theo lòng dân, rất xao xuyến.
Vụ Trịnh Xuân Thanh cũng gây ra rắc rối với quốc tế nữa.
Giáo sư Abuza cũng nhắc đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh như một trường hợp Đảng không thể kiểm soát được các hoạt động và mối quan hệ của lực lượng an ninh:
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào mà ông ấy trốn khỏi đất nước được? Có ai đó mách nước cho ông ta không? Có quan chức an ninh nào thuộc Bộ Công an giúp đỡ ông ta hay không? Và mối quan tâm được nêu ra là chuyện những quan chức tham nhũng lợi dụng kết nối quan hệ để trốn khỏi đất nước.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị cho là đã làm thất thoát hơn 3.300 tỷ đồng khi giữ chức chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xây lắp dầu khí PVC. Sau đó ông này trốn sang Đức xin tị nạn và bị Việt Nam cho người sang bắt cóc đưa về nước. Hành động này gây ra căng thẳng ngoại giao Việt – Đức, tuy nhiên Việt Nam khẳng định rằng ông Thanh về nước tự thú.
Đáp lại câu hỏi của chúng tôi rằng có khi nào công an và quân đội có dấu hiệu vượt khỏi sự kiểm soát của Đảng hay không, cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang cho biết:
Tôi nghĩ ngay lúc này đây chưa có một cơ sở hay hiện tượng nào để có thể nói như thế. Bởi vì Đảng đang nắm chặt hai lực lượng này, luôn luôn nắm chặt từ trước đến nay và hiện nay cũng vậy thôi.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào mà ông Thanh trốn khỏi đất nước được? Có quan chức an ninh nào thuộc Bộ Công an giúp đỡ ông ta hay không?
- Gs. Achazy Abuza
Một yếu tố quan trọng khác được cựu đại tá Bùi Tín chỉ ra, đó là chuyện giới công an ngày càng tăng cường đàn áp người dân, đặc biệt là các nhà đấu tranh dân chủ. Ông cho rằng điều này gây mâu thuẫn nặng nề trong xã hội, vì thế khiến Tổng bí thư “lo lắng”:
Gần đây quá nhiều người dân bị tra tấn và chết trong các trụ sở công an. Và vào thời của ông Nguyễn Phú Trọng, tức hai ba năm trở lại đây, số người bị bắt và bị tù là nhiều lắm. Nhiều hơn tất cả các thời kỳ trước.
Một số đơn vị công an ngày 9/10 cho biết suốt hai năm nay ngành công an Việt Nam không tuyển thêm người từ bên ngoài. Đồng thời theo các nguồn tin thì Bộ Công an Việt Nam đang nghiên cứu một đề án kéo dài trong hai năm về hiệu quả công việc liên quan đến bộ máy nhân sự.
No comments:
Post a Comment