Wednesday, August 9, 2017

Giận chuyện Biển Ðông, Vương Nghị bỏ cuộc gặp Phạm Bình Minh

Ngoại Trưởng CSVN Phạm Bình Minh từng bắt tay Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị trước cuộc họp song phương bên lề hội nghị ASEAN-Trung Quốc ở thủ đô Lào vào ngày 24 Tháng Bảy 2016. Năm nay cuộc họp song phương bị hủy bỏ vì Bắc Kinh tức giận Hà Nội về chuyện Biển Ðông. (Hình: Getty Images)
BẮC KINH (NV) – Ngoại trưởng Trung Quốc hủy bỏ cuộc họp song phương với ngoại trưởng Việt Nam bên lề hội nghị ASEAN và đối tác tại Manila trong khi Bắc Kinh cho Tân Hoa Xã đả kích Hà Nội chống Trung Quốc.
Hãng tin Bloomberg loan tin Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hủy bỏ cuộc họp song phương với Ngoại Trưởng Việt Nam Phạm Bình minh dự trù diễn ra hôm Thứ Hai vì Bắc Kinh tức giận với hành động của Hà Nội trong cuộc họp của ASEAN tại thủ đô Manila về chuyện Biển Ðông.
Bắc Kinh bực tức cho Tân Hoa Xã – cơ quan thông tấn chính thức của Trung Quốc – đả kích Hà Nội là đang làm suy yếu sự đoàn kết của các nước của tổ chức ASEAN vì những mưu cầu riêng hàm ngụ chống lại Trung Quốc.
Sự lên án của Bắc Kinh qua các bản tin và bình luận trên Tân Hoa Xã tiếp theo hội nghị giữa các nước ASEAN và Trung Quốc về vấn đề ngăn ngừa các xung đột võ trang có thể xảy ra trên Biển Ðông. Việt Nam là nước đòi dự thảo khung để đàm phán Bộ Quy Tắc Ứng Xử phải có ràng buộc pháp lý mới có “thực chất” trong khi một số nước thành viên ASEAN không liên quan đến tranh chấp thì chống lại.
Lời đả kích Hà Nội của Bắc Kinh đưa ra cùng ngày với lời lên án của cả Hoa Kỳ, Nhật và Úc (ba thành viên của tham dự cuộc họp ASEAN và các đối tác Á Châu-Thái Bình Dương tiếp theo cuộc họp cấp ngoại trường của 10 nước ASEAN với Trung Quốc tại thủ đô Manila) đối với việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và biến các nơi này thành các căn cứ quân sự khổng lồ trên biển.
Lời đả kích Trung Quốc của ba nước vừa kể hoàn toàn trái ngược với thái độ trung lập hoặc ngầm về phe với Trung Quốc của nhiều nước ASEAN để hưởng các mối lợi kinh tế cục bộ.
Khi thảo luận về bản thông cáo chung sẽ được đưa ra sau khi đã thông qua bản dự thảo khung về Bộ Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Ðông, Tân Hoa Xã nói Việt Nam đòi có những từ như “xây dựng trên các đảo và bãi ngầm.” Mục đích Việt Nam muốn là “tạo áp lực với Trung Quốc” nhưng “vô ích” nên “nhóm từ đã bị loại bỏ do sự chống đối của các nước ASEAN khác.”
Tân Hoa Xã nói rằng, “Trong bầu khí thân hữu, chủ trương của Việt Nam không những đi ngược lại khuynh hướng tích cực trên Biển Ðông mà còn có có nghĩa là làm suy giảm sự thống nhất của ASEAN chống lại ý chí của người dân khu vực.”
Bên cạnh bản tin có những lời phê phán phía Việt Nam như vừa kể, cùng trong ngày 7 Tháng Tám 2017, Tân Hoa Xã bình luận kiểu vừa đánh trống vừa ăn cướp rằng, “Ðã đến lúc Việt Nam phải điều chỉnh lại thái độ và cổ võ cho hòa bình trên Biển Ðông.”
Bắc Kinh đánh cướp của Việt Nam quần đảo Hoàng Sa năm 1974 rồi xua quân đánh cướp tiếp một số bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa năm 1988 nhưng Tân Hoa Xã ngược ngạo chửi Việt Nam là “tên trộm hô hoán bắt trộm” để tạo áp lực với Trung Quốc về việc bồi đắp, cơi nới các đảo trên Biển Ðông.
Tảng lờ chuyện mình bồi đắp đảo nhân tạo, mở rộng thêm đảo và biến chúng thành các căn cứ quân sự để khống chế toàn bộ Biển Ðông, Bắc Kinh trơ trẽn cáo buộc Hà Nội “từ từ lấn chiếm các đảo và bãi ngầm của Trung Quốc từ năm 2007, gia tăng nhịp độ bồi đắp quy mô lớn trên 21 đảo và bãi đá ngầm chiếm cứ bất hợp pháp, và còn xây dựng một số cơ sở quân sự mới trên Biển Ðông.”
Bắc Kinh đả kích Hà Nội là “ý đồ phá hoại của Việt Nam muốn đầu độc tình hình đã được cải thiện trên Biển Ðông và gây chia rẽ giữa ASEAN với Trung Quốc thì không được hoan nghênh ở khu vực.”
Bởi vậy, Bắc Kinh cảnh cáo: “Ðã đến cao điểm để Việt Nam điều chỉnh thái độ và cách tiếp cận vấn đề, và thành khẩn tham gia nỗ lực của các nước trong khu vực để cổ võ hòa bình, thịnh vượng chung trên Biển Ðông,” Tân Hoa Xã viết.
Ðây là một trong những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đặt trên “16 chữ vàng” và “4 tốt” của hai nước Cộng Sản anh em đang ở những lúc xuống rất thấp.
Báo chí quốc tế đã nhiều lần viết về sự mua chuộc bằng lợi lộc của Trung Quốc cho một số nước ASEAN để hậu thuẫn cho họ trên các diễn đàn quốc tế. (TN)

No comments:

Post a Comment