Quang Nguyên-24-07-2017
(VNTB) - Chắc chắn lúc đó trong đầu chàng trai 13 tuổi không hề biết đến cái gọi là tiêu chí phương tây để đóng khung, be bờ tự do, vo tròn, bóp méo dân chủ cho hợp với hoàn cảnh lịch sử nước nhà như nhiều học trò của ông muốn ngày hôm nay.
Tờ Quân Đội Nhân Dân ra ngày 17 tháng 7 đưa bài Phòng, chống hoạt động lợi dụng xã hội dân sự để chống phá Đảng, Nhà nước. Bài báo nhắc đi nhắc lại về điều gọi là “tiêu chí tây phương” của các tổ chức xã hội dân sự ( XHDS); lấy đó đả kích một số tổ chức XHDS, không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên thế giới, gọi đó là tay sai của các thế lực xấu, tạo nên các cuộc cách mạnh lật đổ ở các nước Đông Âu hay biến động chính trị ở Trung Đông, Bắc Phi gần đây. Bài báo cùng với luận điệu đó đả kích nhiều tổ chức XHDS tại Việt Nam, điển hình là 3 hội “Hội phụ nữ nhân quyền”,“Hội nhà báo độc lập”, “Hội anh em dân chủ”. Bài báo này viết “Hội phụ nữ nhân quyền”,“Hội nhà báo độc lập”, “Hội anh em dân chủ..thông qua các diễn đàn trực tuyến, mạng xã hội..công khai tổ chức, tuyên truyền, lừa bịp, lôi kéo quần chúng tham gia.
Không biết cái gọi là “tiêu chí phương tây” trong khái niệm tự do, dân chủ, nhân quyền và xã hội dân sự có gì là xấu, nhưng không riêng tác giả bài này, các chức quyền trong đảng và nhà nước VN mỗi khi nhắc đến các tổ chức dân sự đang có mặt tại VN, các vận động tự do, dân chủ, nhân quyền, đều quàng lên cổ các hoạt động, tổ chức này “mang tiêu chí tây phương.”
Tiêu chí tây phương là gì? 2 tự điển của Thiều Chửu và Đào Duy Anh đều không thấy có từ Tiêu chí, chỉ có từ tiêu chuẩn dược giải nghĩa: “cây nêu và cây thước để làm chừng mực, làm căn cứ” (Thiều Chửu). Vũ Cao Phan trong bài “Về hai từ kinh điển và tiêu chí có đoạn viết “ từ tiêu chí trở thành đa nghĩa trên mọi lĩnh vực: kinh tế, văn hoá-xã hội, chính trị.... thậm chí ngay cả các "danh nhân" và một số vị lãnh đạo cũng thường dùng, và dùng sai” (1).
Tôi nghĩ rằng tác giả bài viết trên báo QĐND dùng chữ tiêu chí có ý chỉ tiêu chuẩn. Nhưng tiêu chuẩn tây phương hay nói tiêu chí tây phương như tác giả bài viết của báo QĐND này thì có gì sai trái? Mọi người đều biết rằng ngày nay, nhiều người hãnh diện có được hàng tiêu chuẩn tây phương, nhất là thứ mang nhãn hiệu Made in USA, American standard, tránh xa hàng Tàu.
Ai đó lên tiếng chê trách, tròng vào cổ những khái niệm tự do, dân chủ, nhân quyền, tổ chức dân sự thuộc tính tiêu chí tây phương và than phiền nó “bất chấp đặc thù lịch sử, văn hóa và chế độ chính trị nước ta” để đòi, thí dụ như cắt bớt tự do, giới hạn nhân quyền, định khuôn dân chủ chẳng hạn. Nhưng họ quên rằng đảng Cộng Sản Việt Nam đã hình thành, đi đến “thành công” như ngày hôm nay hoàn toàn xây dựng trên chủ nghĩa cộng sản phát xuất từ các tư tưởng tây phương, tại các quốc gia hoàn toàn xa lạ với người Việt.
Những người dị ứng với cái gọi là tiêu chí tây phương quên rằng:
Nguyễn Tất Thành đã kể “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp Tự do, Bình đẳng, Bác ái… Tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”.
Chắc chắn lúc đó trong đầu chàng trai 13 tuổi không hề biết đến cái gọi là tiêu chí phương tây để đóng khung, be bờ tự do, vo tròn, bóp méo dân chủ cho hợp với hoàn cảnh lịch sử nước nhà như nhiều học trò của ông muốn ngày hôm nay. Ông học được ba chữ Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái từ ngay bọn thực dân Pháp, kẻ thù của ông. Sau này ông bảo đó là những tư tưởng cao quý nhất của đại cách mạng Pháp.
Người ta lại quên rằng Nguyễn Ái Quốc đã òa khóc khi mới đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lenin. “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”(*)
Không biết nước ta ngày nay ra sao, nếu lúc đó Nguyễn Ái Quốc suy nghĩ về cái gọi là có tiêu chí tây phương trong bản luận cương của Lenin này và có dị ứng với nó.
Người ta lại càng quên HCM đã lấy hứng từ bản Hiến Pháp Hoa kỳ để viết lời mở đầu cho Tuyên Ngôn Độc Lập
Hỡi đồng bào cả nước,
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Không biết quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc HCM dẫn chứng từ bản hiến pháp Hoa Kỳ và Bản tuyên ngôn Pháp về nhân quyền, dân quyền mà HCM bảo là những lời lẽ ‘không thể chối cãi được’ có khác với tự do nhân quyền, dân chủ mà ngày nay thường bị các học trò của ông bài bác, hạn chế vì có những cái không hợp với ‘tình hình, xã hội, tính lịch sử của nước ta’? Thậm chí những người này còn lấy cái tiêu chí tây phương ra làm con ngáo ộp hù dọa dân chúng; bài xích, đàn áp, đánh đập, bỏ tù những người hoạt động cho tự do, dân chủ nhân quyền mà họ vu cáo là phản cách mạng, tuyên truyền dối trá bịp bợm.
Đảng CSVN từ manh nha, hình thành, kháng chiến cho đến khi thành công ngày hôm nay luôn dựa vào chủ nghĩa Cộng Sản, một chủ nghĩa có ‘tiêu chí tây phương’, xuất phát từ các nước tây phương xa xôi, hoàn toàn khác văn hóa, phong tục, tập quán VN, từ các nhà tư tưởng Marx, Engels chẳng hề có chút tư tưởng, đặc tính dân tộc VN nào. Lenin hoàn toàn xa lạ được gọi là cha dân tộc Việt Nam!
Chỉ có một việc đảng CSVN đem ra thi hành, chắc chắn không mang dấu ‘tiêu chí tây phương’, là chính sách cải cách ruộng đất đã đem lại kết quả “siêu kinh điển” cho nhân dân Việt Nam (theo cách nói của nhiều phóng viên thể thao VN, tường thuật bóng đá, mà Vũ Cao Phan đã viết trong bài (1)
Tại phiên họp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, buổi chiều ngày 26-12-1920, Nguyễn Ái Quốc tố cáo những sự tàn bạo mà bọn thực dân Pháp đã gây ra ở Đông Dương, và cho rằng:“Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức”, rằng “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa..”. Nguyễn Ái Quốc kết thúc bài phát biểu: “Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức”, rằng “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa… đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa…”. Nguyễn Ái Quốc kết thúc bài phát biểu bằng lời kêu gọi thống thiết:
“Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi: Các đồng chí, hãy cứu chúng tôi!” (**).
Nhưng ngày nay nhiều người trong đảng, trong chính quyền đã từng thống thiết lên tiếng rằng nạn cường hào ác bá, nạn người áp bức người còn kinh khủng hơn thời phong kiến, rằng tự do, nhân quyền, dân chủ, ngôn luận không có hoặc chỉ thấy ghi trong Hiến Pháp mà không cho thi hành, rằng tham nhũng ăn tất cả của dân chẳng chừ thứ gì, đất đai bị cướp bóc trắng trợn, hay bằng các thủ đoạn tinh vi, lừa gạt xảo quyệt, rằng xã hội băng hoại từ trong học đường, v..v rằng chính quyền đã không làm được gì, thậm chí còn để các tình trạng xấu nẩy nở, lan tràn nhiều hơn nữa…
Còn nhiều tổ chức xã hội dân sự mà trong bài báo nói trên của QĐND, tác giả Nguyễn Đức Quỳnh đã chẳng đặng đừng phải nhận là :”hình thành và hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp lý và đạo lý, cùng với Nhà nước kiểm soát và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ nhằm duy trì sự ổn định, cân bằng và phát triển bền vững của Nhà nước và xã hội” đã “thực hiện mối liên hệ giữa công dân với Nhà nước”, phải lên tiếng, phải làm nghĩa vụ con người. Những con người đấu tranh cho tự do, dân chủ nhân quyền trong tay không một tắc sắt, chỉ biết liên kết với nhau, cắn răng chịu đựng, chưa hề thống thiết kêu gọi ngoại bang, hay các tổ chức nước ngoài”cứu lấy chúng tôi”:
- Hội Phụ Nữ Nhân quyền đòi nhân quyền.
- Hội Nhà Báo Độc Lập phản biện những sai lầm trong đường lối chính sách của đảng CSVN và nhà nước, và đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí.
- Hội anh em dân chủ đòi dân chủ.
Tất cả những đòi hỏi ấy, Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc cũng đã đòi hỏi trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Versailles.
1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;
2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng nhữngđảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xoá bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;
3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
4. Tự do lập hội và hội họp;
5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
V v..
Những điều Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc đòi hỏi thực dân Pháp thực hiện tại VN đến nay dưới chế độ XHCN, trong nước VN với tiêu chí Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc, dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN của chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn chưa có được. Đảng và nước nước VN không thực hiện điều người dân mong ước. Các tổ chức dân sự, tiêu biểu là 3 tổ chức mà bài báo nêu trên, phải thúc đẩy đảng, chính phủ phải thực hiện.
Người ta có quyền nghi ngờ đảng CSVN, chính quyền VN, cả những người gọi là nhà báo viết dưới sự chỉ đạo của cấp trên, không muốn đem lại tự do, dân chủ, nhân quyền thật sự và đầy đủ cho người dân khi họ luôn rêu rao về cái gọi là tiêu chí tây phương để vu khống, vu cáo, trù dập, đàn áp thậm chí bắt bớ, cầm tù những người trong các tổ chức xã hội dân sự không chịu lệ thuộc vào đảng và chính quyền, và đang tích cực hoạt động trong nước.
---------------------------
Tham khảo
(*) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập.10, tr. 127.
(**) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập.1, tr. 23-24.
(1) http://ngonnguhoc.org/index.php?option=com_content&view=article&id=149:ch-va-ngha-v-hai-t-kinh-in-va-tieu-chi&catid=29&Itemid=39
No comments:
Post a Comment