Sunday, July 23, 2017

Thêm người bạn nữa của tôi ra tù

Huỳnh Anh Tú (Danlambao) - Ông Danh Hưởng, người thứ 34 trong số 38 người tù chúng tôi vừa mãn án ngày hôm qua 22/7/2017. Ông "được tự do" về sống trong cái nhà tù lớn mang tên CHXHCNVN sau 18 năm tù dài đằng đẳng. Nói là người thứ 34 ra tù cho oai, thực tế thì đã có một số anh em đã được "mãn án trước thời hạn" vì chết trong tù. Chết bởi sự ngược đãi, tra tấn, đói rét, chết trong sự đau đớn và cô đơn. Nhưng dù bỏ mạng trong nhà tù vì lý do gì đi nữa thì các anh em đồng đội ấy của tôi đã hy sinh vì lý tưởng tự do, vì tình yêu cho dân tộc trong hãnh diện và tự hào. Họ là những Lê Ngọc Anh Tuấn, Nguyễn Văn Hà, Lê Thân, Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Văn Bình, Sơn Tâm...

Trong suốt 18 năm qua, tính cả số người chết trong tù lẫn người mãn án trở về là ba mươi tư con người tất thảy. Có nghĩa là vẫn còn 4 người nữa đang kẹt lại trong tù. Đó là các anh Văn Ngọc Hiếu, Nguyễn Thanh Vân, Hồ Long Đức, Lê Kim Hùng. Cả bốn người này đều nhận mức án nặng nhất là hai mươi năm tù. Còn hai năm nữa, không dài cho một đời người nhưng là thời gian đằng đẳng cho một đời tù 20 năm trời.

Viết đến đây, cần nói thêm một chút về cụm từ “mãn án trở về”. Tôi không tìm được từ nào lột tả thật đúng hoàn cảnh của chúng tôi. Án tù đối với những công dân yêu nước, không chấp nhận chế độ độc tài, có lẽ không bao giờ kết thúc, không bao giờ “mãn” cả. Những người "được trả tự do" như chúng tôi không ai có nhà cửa, giấy tờ tùy thân (ngoài giấy ra tù) để gọi là “trở về”. Trong một bài viết gần đây, tôi có thổ lộ rằng hầu hết chúng tôi trước khi đi tù đều đang sinh sống tại Campuchia và Thái Lan. Không ai còn nhà cửa, ruộng đất gì ở Việt Nam cả. Vì thế mà án tù cũng như số phận của 38 con người chúng tôi (dường như) cay đắng, xót xa hơn những anh em tù khác thì phải.

Để bạn đọc biết thêm về người tù chính trị can trường này, tôi xin tóm tắt một số thông tin cũng như những biến cố lớn trong đời Danh Hưởng.

Ông Danh Hưởng sinh ngày 15/10/1962, tại Sóc Trăng, dân tộc Khơ Me.

Năm 1990, vì cuộc sống quá khó khăn nên ông đã cùng vợ con vượt biên sang Campuchia để mưu sinh.

Vào giữa năm 1999 ông về Việt Nam để hoạt động tranh đấu.

Trong lần trở lại thăm nhà ở Campuchia, ngày 22/07/1999 ông bị an ninh cộng sản Việt Nam bắt tại Phnom Peng, bỏ lại vợ và hai người con bơ vơ bên xứ lạ quê người.

Tòa án cộng sản thành Hồ đã kết án ông 18 năm tù giam và 4 năm quản chế với cáo buộc “khủng bố chống chính quyền nhân dân” theo điều 84 BLHS.

Trong suốt 18 năm tù đày, mặc dù ông và các tù nhân chính trị phải chịu bao cảnh đàn áp khủng bố của cai ngục, nhưng ông vẫn luôn giữ vững tinh thần và lý tưởng mình đã chọn. Ông tham gia hầu hết những cuộc tranh đấu chống sự ngược đãi của cai tù, đòi quyền lợi chính đáng cho các tù nhân khác. Không ít lần ông phải trả giá cho những việc làm chính nghĩa của mình. Có thể nói, mười tám năm lao ngục là mười tám năm khí phách Danh Hưởng khiến cho cai tù nể trọng và khiếp sợ. Và đương nhiên, những gì ông và chúng tôi đã làm trong tù, thế giới bên ngoài không hay biết. Với tôi, những Danh Hưởng, Văn Ngọc Hiếu, Huỳnh Anh Trí, Sơn Nguyễn Thanh Điền, Nguyễn Văn Phương, Trần Hoàng Giang, Lý Ngọc Hà, Phạm Văn Mười, Lê Văn Minh, Đinh Quang Hải, Nguyễn Văn Bình, Trần Hoàng Hải, Lê Kim Hùng… (đều trên mười năm) là những anh hùng. Những anh hùng vô danh chưa bao giờ được ca tụng.

Sau khi ra tù (gần 4 năm trước) tôi có tìm hỏi tin tức về vợ con của Danh Hưởng thì hay tin chị đã đưa con về Việt Nam tìm chồng. Nhưng không biết họ lưu lạc nơi đâu trên xứ này. Tôi nhận được tin từ người bạn rằng sau khi mãn án, công an đưa Danh Hưởng về ấp Chùa Phật, thị trấn Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu để thụ án quản chế 4 năm tiếp theo.

Chúc mừng người anh, người bạn vừa mãn án sau 18 năm dài trong lao ngục. Tôi chúc mừng anh trong nỗi xót xa và đau đớn. Chúc mừng anh mà thật sự cũng không biết mừng cho những gì sẽ đón chờ anh khi mà số phận chúng mình cũng vẫn nổi trôi như số phận mẹ Việt Nam này vậy.

23.07.2017

No comments:

Post a Comment