Sunday, February 5, 2017

Mùi rác

Hồ Chí Phèo (Danlambao) - Thành phố vào xuân với một buổi sáng êm dịu, gió lạnh của mùa đông đã qua đi và cái nóng của muà hè vẫn còn xa. Trên con đường chính của thành phố, xe cộ qua lại tấp nập. Mọi người đều vội vã hơn ngày thường vì đã gần Tết. Anh phu rác gồng mình dùng hai tay kéo hai cái càng đưa chiếc xe rác đến chỗ đậu. Chổ đậu chỉ là lề đường, gọi là chổ đậu vì anh đã kéo một xe rác khác đến trước đó, vợ anh, con anh cũng đang ở đó. Anh kéo nón xuống, đưa tay quẹt những hạt mồ hôi trên trán, mỉm cười nhìn vợ. Chị vợ vội đeo găng tay, cầm cái cào nhỏ, nhanh nhẹn bới đống rác trên xe. Chị đã quen công việc. Ngày đầu tiên chị ra phụ chồng, chị lúng túng sử dụng cái cào, nhưng tệ nhất là cái mùi. Cái mùi nồng nặc từ rác, nhiều thứ đã phân huỷ do sức nóng để thành chất lỏng sền sệt, nó chảy ra một cách tự nhiên để hợp với đủ thứ rác khác tạo ra cái mùi không con người nào muốn ngửi. Chị đã muốn ngộp thở, quay mặt đi chỗ khác. Chồng chị đã vội quàng cho chị mạng che:

- Mới bắt đầu nó như dzậy. Từ từ em quen liền hà. Hổng sao đâu! 

Chị từ từ quen với nó thật. Những ngày mát mẻ, cái mùi rác cũng dịu đi, chị không cần mang che: 

- Mang vô khó thở quá trời. 

Anh chồng cũng lấy cái cào, căm cụi làm. Cặp mắt, bàn tay thành thạo, nhanh nhẹn họ chọn ra thứ nào còn có thể bán lại, còn có thể sử dụng được. Họ làm việc cần mẫn như những con kiến đang tìm mồi tha về tổ. Thỉnh thoảng họ ngừng, liếc nhìn đứa con gái đang chơi trên lề. Anh chị lấy nhau đã được năm năm, đứa con gái được ba tuổi. Nó được cha mẹ đặt trong cái mẹt dưới bóng cây. Trong cái mẹt có hai món đồ chơi anh chị đã mót được từ xe rác và anh đã kỳ cọ rửa sạch sẽ đêm hôm qua. Ngày gần Tết, con bé được mặc cái áo đầm mới màu trắng mà anh chị đã mua tối qua ở Big C. Khi ngồi xuống chơi, như người lớn, nó cẩn thận kéo áo lên cao, không để cái mẹt làm bẩn aó. Đấy thế giới bé bỏng của nó. 

Buổi chiều chị đưa con về trước, anh ở lại chờ chuyển rác cho xe lớn. Xong anh tay vác bao hàng đã chọn ra từ xe rác về. Hôm nay anh vui: 

- Bữa nay không đến nỗi tệ. Gần Tết người ta dọn dẹp cho sạch nhà nên cũng đỡ. 

Về đến nhà, chị vợ đã soạn xong cơm chiều. Anh khẽ đưa tay vờ chạm vào má con. Đứa nhỏ nheo mũi, hai tay nắm mép áo, bỏ chạy, cười nhạo: 

- Ba hôi quá… 

Anh bật cười. Phải đi tắm cho sạch mùi rác. 

Buổi tối, đứa nhỏ đã ngủ say. Anh nằm xuống cạnh vợ, ôm vợ vào hai tay: 

- Sao em không thay áo cho nó. 

Chị vợ mỉm cười, quấn chặt tay chồng vào người: 

- Em nói nó thay, nó khóc, hổng chịu. Nó mê cái áo mới quá. 

Anh có tài kể chuyện, vợ anh đã quen nên nhắc: 

- Anh kể lại cho em chuyện cổ tích bửa trước. Em thích nó. 

Anh cười, giọng anh êm như giòng suối chảy rì rào: 

“Ngày xửa, ngày xưa có ông bán ve chai. Ổng người Việt gốc Hoa. Mọi buổi sáng trời nóng cũng như lạnh, ông quẩy hai cái gánh lên vai, rảo bước qua mọi con đường mà ông như thuộc lòng: 

- Ai có ve chai bán hông... Ai có ve chai... 

Ngày qua ngày, căn nhà lụp sụp cạnh bờ sông của ông như khu chứa đồ rác, nào chai lo cũ, bao ny lông, sách báo cũ... Ông sắp sếp ra từng món riêng, có món chất cao quá đầu người. Rồi ông gọi người đến bán. Công việc làm ăn từ từ khấm khá, nhiều người gánh ve chai đến bán hàng cho ông, ông đứng giữa ăn hoa hồng. Ông bớt tự gánh đi mua hàng, dùng nhiều thời gian để phân loại, xếp gọn hàng… 

Sau 1975, cửa hàng ve chai trống vắng, người ta tiết kiệm hoặc không còn gì để bán ve chai nữa. Ông đã luống tuổi, ông ngày ngày thẩn thờ ngồi trước nhà như chờ đợi. Chờ đợi gì? Chắc không. Ông chỉ ngồi và nhớ về ngày xưa. 

Năm 1979, người gốc Hoa được đăng ký đi bán chính thức. Một người phải trả cho nhà nước trên 10 cây vàng, một số tiền rất lớn không dễ kiếm ra. Mọi người vô cùng ngạc nhiên khi ông cho biết hai đứa con vừa trưởng thành đã được ông cho đi vượt biên bán chính thức: 

- Tui nó li tàu sắt đàng hoàng. Ló công an canh gác, “canh me” hổng được cho lên lâu. 

Người ta hỏi sao ông không đi. Ông mỉm cười, lắc đầu: 

- Ngộ lâu có nhiều tiềng. Lủ cho hai lứa thôi. Mình già dồi. 

Nhưng bẩy tám năm sau, ông và vợ lên máy bay xuất ngoại theo diện gia đình đoàn tụ. Qua xứ sở ấy ông như lạc vào xứ thần tiên. Ông không trở lại nghề ve chai. Hai vợ chồng già chỉ an hưởng tuổi già, buổi sáng hay chiều đưa nhau đi bộ trên những con đường đầy bóng cây. Thỉnh thoảng ông thấy một hai chiếc xe rác. Một ngày trong tuần, người ta kéo thùng rác để trên bãi cỏ trước nhà, thường một thùng cho rác, một thùng cho rác tái chế. Trên xe rác chỉ có người lái xe, những thùng rác được tự động nâng lên, lắc hết rác, tự động hạ thùng rác xuống. Ông mỉm cười: 

- Đổ rác kiểu này sao có nghề ve chai như mình." 

Anh chồng ngừng kể chuyện, vợ anh đang ngáy đều. Anh không ngửi thấy mùi rác từ vợ. Anh chìm vào giấc ngủ, mỉm cười. Trong giấc mơ, anh đang lái xe rác trên xứ thần tiên trong chuyện cổ tích. Ngồi trong buồng lái, ăn mặc tươm tất, sạch sẽ, quần aó còn mùi thơm từ xà bông giặt, anh đưa tay nhấn nút, cái càng trên xe rác từ từ hạ xuống nhấc thùng rác lên… 

*

Ông cầm quyển sách lên mũi ngửi. Ông yêu cái mùi từ quyển sách quá. Được gần quyển sách từ lúc còn nhỏ, ông quen với cái mùi ấy. Nó trở thành cái mùi không thể tách rời khỏi cuộc sống, thà chết chứ không ai bắt ông phải sống xa nó. Ở xứ tây phương, quyển sách mang cái mùi này người ta đã đem bán ve chai hay quăng nó vào thùng rác. Mỗi lần nghĩ đến chuyện này, ông lại lầm bầm: 

- Cứ quăng vào thùng rác đi. Có ngày nó thành đồ cổ quí và hiếm, giá cao hơn bình cổ thời Khang Hi, lúc đó bọn bay có tiếc đến mà vỡ tim. 

Ông tạm ngưng hít hà cái mùi sách vì có tiếng điện thoại reo. Ông sẳng giọng sau khi nghe báo cáo từ đầu dây bên kia: 

- Nó viết sặc mùi phản động. Sao không đưa nó ngay vào tù. 

Ông gỡ mắt kính xuống, nghe có vẻ lơ đảng. Đột nhiên, bật cười: 

- Đồng chí nói gì? Chuyện cổ tích trên xứ thần tiên à. "Hiến pháp đã thắng thế. Không ai ở trên luật pháp, kể cả tổng thống!". Đồng chí nên trở lại thực tế của Cộng Hoà Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam nhé! Đảng trên hết, đảng ra hiến pháp, luật pháp, đảng nắm toà án, công an. Đồng chí gọi ngay cho Chánh Ngửa, kết án thằng viết blog phản động tối thiểu 10 năm tù. Rõ chửa? Đảng phát động chiến dịch đánh phản động đến mức cao điểm, tránh “tự diễn biến, tự chuyển hóa” làm hại đến đảng, đến quyền lực của chúng ta. 

Đặt điện thoại xuống, sực nhớ chuyện cổ tích, ông bực bội lẩm bẩm: 

- Con mụ vợ lại trốn đâu rồi. Tối đi ngủ nghe chuyện cổ tích thiên đường cộng sản thì cứ ngáp tới ngáp lui. Không tiến bộ tí nào. Bên cái bóng dáng vỹ đại của ông chồng cứ yên phận làm cái bóng mờ. Mấy đứa con cũng không khá hơn. Nghe bố nói chuyện cổ tích thiên đường cộng sản là cứ ngơ ngơ, ngác ngác. Đầu óc như thế làm sao trèo lên bí thư này, bí thư nọ với người ta kia chứ. Chả có ai thèm nghe chuyện cổ tích của mình. Thôi đi ngủ. 

Ông ngủ, mỉm cười trong mơ. Ông thấy mình bước trên con đường gập ghềnh, phía trước sương mù đang che khuất. Một người đứng cạnh ông cúi xuống, nhìn ông mỉm cười, hàm răng khấp khểnh, màu vàng nâu lẫn lộn, mùi thoát như mùi rác, y như mùi sách Mác Lê mà ông ấp ủ. Ông sung sướng như chưa có bao giờ trong đời: 

- Bác đưa cháu lên thiên đường. Thiên đường của Mác Lê đấy. 

Bác nắm tay cháu, tay Bác lạnh quá: 

- Ừ, để Bác đưa cháu lên thiên đường. Đường mịt mờ và còn xa vời vợi. Nhưng phải đi thôi cháu. Không đi sao có Tổng Bí Thư, sao có đảng? 



No comments:

Post a Comment