Friday, November 3, 2017

Phình to, nhưng… hợp lý và cần thiết

Theo VOA-04/11/2017 
Lê Anh Hùng
Chưa kịp tăng biên chế CSGT thì huy động lực lượng “thanh niên cờ đỏ”. Ảnh: Lê Anh Hùng
 Chưa kịp tăng biên chế CSGT thì huy động lực lượng “thanh niên cờ đỏ”. Ảnh: Lê Anh Hùng
“Tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy” là một điệp khúc mà người ta vẫn thường được nghe từ hàng chục năm nay, đến mức hiếm có chủ đề nào khiến công chúng Việt Nam nhàm tai hơn.
Càng “tinh giản” càng phình to
Tuy nhiên, mặc cho ai nói cứ nói, ai nghe cứ nghe, bộ máy công quyền Việt Nam vẫn không ngừng phình ra, cả về số cơ quan lẫn biên chế. Tính đến ngày 31/10/2016, tổng số công chức biên chế trong hệ thống chính trị là 3.734.302 người, tức chiếm tới 4% dân số.
“Đến hẹn lại lên”, Hội nghị Trung ương 6 khoá XII vừa qua lại nêu vấn đề “tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy” lên như một chủ đề nóng bỏng. Chưa hết, đây cũng là một nội dung quan trọng mà kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV, nhóm họp từ ngày 23/10 đến 22/11, đưa ra bàn thảo.
Sau khi Hội nghị Trung ương 6 kết thúc 2 tuần, TBT Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Nội dung quan trọng nhất của cái nghị quyết dài lê thê tới 12 trang giấy A4 này thực ra chỉ gói gọn trong mấy chữ ở trang 5 (điểm [4] của phần “Mục tiêu cụ thể”): “Đến năm 2021, giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015.”
Đây là một mục tiêu hết sức khiêm tốn, còn lâu mới đáp ứng được đòi hỏi của người dân, bởi nếu xét theo tỷ lệ công chức trên dân số thì bộ máy công quyền Việt Nam hiện lớn gấp gần 6 lần so với Mỹ.
Mặc dù vậy, để đạt được mục tiêu trên cũng không hề đơn giản, xuất phát từ vô số kinh nghiệm trong quá khứ, mà gần nhất là… một nghị quyết tương tự ra đời cách đây hơn 2 năm.
Ngày 17/4/2015, trong bối cảnh nợ công trên mức báo động và tình trạng ngân sách khốn quẫn tạo áp lực ngày một nặng nề lên hệ thống, TBT Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”. Nghị quyết này cũng đặt ra mục tiêu “tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
Ấy vậy nhưng, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, tổng biên chế trên cả nước không những không giảm mà còn tăng hơn 11.000 người. Báo cáo do Đoàn Giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 trình bày tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra đã nhận định: Sau 5 năm tinh giản, biên chế phình to, tăng số người lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian. Đặc biệt, hiện có đến 20/22 bộ, ngành gửi hồ sơ về Bộ Nội vụ xin thẩm định đề xuất… tăng cả tổ chức bên trong lẫn biên chế.
Tuy nhiên, không phải vô cớ mà hầu hết các bộ, ngành đều xin tăng tổ chức bên trong và biên chế, nếu không muốn nói điều đó không chỉ hợp lý mà còn… cần thiết. Tại sao vậy?
Ý thức tuân thủ pháp luật ngày càng kém
Trước hết, có lẽ ai cũng hiểu, chức năng của bộ máy công quyền là sử dụng pháp luật để quản lý xã hội, và thông qua việc thực thi pháp luật để thiết lập và đảm bảo trật tự xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển.
Pháp luật là một cơ chế cưỡng bách của xã hội. Xã hội ổn định và phát triển lành mạnh khi và chỉ khi pháp luật được các thành viên trong xã hội tuân thủ, và những ai vi phạm pháp luật thì bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt cần lưu ý ở đây là, nếu các thành viên xã hội thiếu thái độ tuân thủ tự phát (ý thức chấp hành pháp luật) thì vào bất cứ thời điểm nào bộ máy công quyền cũng chỉ có thể áp đặt nhiều lắm là từ 3 đến 7% toàn bộ quy chuẩn pháp lý thông qua hình thức cưỡng bách (“Institutional Economics: Social Order and Public Policy”, Wolfgang Kasper & Manfred E. Streit, NXB Edward Elgar, Anh, 1999, trang 139; xem bản Tiếng Việt tại địa chỉ https://goo.gl/U7NJ1a).
Và đây mới chính là vấn đề của Việt Nam trong “thời đại Hồ Chí Minh”: tình trạng người dân ngày càng thiếu ý thức tuân thủ pháp luật là lý do khiến bộ máy công quyền không ngừng phình ra để… thực thi pháp luật.
Xin dẫn ra đây một ví dụ. Ý thức chấp hành luật lệ giao thông (hay nói một cách bóng bẩy hơn là “văn hoá giao thông”) của người dân ngày càng kém là lý do để Bộ Công an đề xuất tăng biên chế cho lực lượng cảnh sát giao thông, để rồi hình ảnh mà người ta thường thấy tại các điểm giao cắt giao thông trên khắp Việt Nam là các chú cảnh sát giao thông với cây gậy lăm lăm trong tay luôn túc trực bên cạnh các cột đèn tín hiệu giao thông. Và mặc dù lực lượng CSGT hiện nay đã “đông như quân Nguyên” nhưng có lẽ ai cũng trả lời được câu hỏi “văn hoá giao thông” ở Việt Nam đang chuyển biến theo chiều hướng tốt hay xấu. (“Trông người lại ngắm đến ta.” Không chỉ ở các quốc gia dân chủ trên thế giới hiện nay, mà ngay tại Việt Nam Cộng Hoà trước 1975, hình ảnh một người dân kiên nhẫn chờ đèn đỏ một mình trong đêm hôm khuya khoắt là điều hết sức bình thường.)
Tương tự, mặc dù lực lượng kiểm lâm viên, thanh tra viên vệ sinh an toàn thực phẩm, viên chức hải quan chống buôn lậu… không ngừng tăng lên nhưng mạch nguồn đất nước vẫn đang hàng ngày hàng giờ bị triệt phá, tình trạng vệ sinh - an toàn thực phẩm vẫn ngày càng xấu đi, nạn buôn lậu ngày một phổ biến, v.v.
“Thượng bất chính, hạ tắc loạn”
Pháp luật là tập hợp các quy tắc điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể khác nhau trong xã hội, do những người đại diện chính trị (vốn được lựa chọn thông qua một quy trình chính trị) soạn ra và áp đặt từ trên xuống.
Tương tự như sự ra đời và áp đặt của pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật cũng hình thành trong xã hội theo hướng từ trên xuống, tức là từ nhà lãnh đạo quốc gia đến bộ máy công quyền và cuối cùng là xuống người dân.
Do vậy, một khi hệ thống pháp luật của một quốc gia nào đó có vấn đề thì vấn đề ấy xuất phát từ thượng tầng chính trị, chứ không phải là từ dưới lên. Tục ngữ Việt Nam có câu “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” hay “Nhà dột từ nóc” là vì thế.
Khi nói “Kỷ luật Nguyễn Xuân Anh vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn”, ông Nguyễn Phú Trọng đã tự cho phép mình ngồi xổm trên pháp luật, bởi câu phát ngôn đó của nhân vật đứng đầu Đảng CSVN kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng đồng nghĩa với việc hành vi tham nhũng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của viên cựu Bí thư Đà Nẵng sẽ không bị xét xử theo luật định.
Tương tự, câu “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của đảng” của nhà lãnh đạo cao nhất Việt Nam trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 6 vừa qua không những đã vô hiệu hoá cả guồng máy pháp luật, mà còn khiến tinh thần “thượng tôn pháp luật” trong xã hội vốn đã thấp kém lại càng thêm tồi tệ. (Rốt cuộc thì nhiều lắm họ cũng chỉ đưa những trò hề như “tự phê bình và phê bình” hay “kỷ luật đảng” ra để doạ nhau, mà vụ “biệt phủ Yên Bái” đang khiến dư luận chú tâm theo dõi chỉ là một trong vô số minh chứng.)
Khi ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương tỏ ra bức xúc “Tôi mua thuốc lá lậu mà không thấy lực lượng chức năng đâu” trước diễn đàn Quốc hội ngày 31/10 có lẽ ông chưa biết Thiếu tướng Nguyễn Chí Phi – Giám đốc Công an Tiền Giang – cũng từng bày tỏ nỗi niềm tương tự tại một phiên họp của Hội đồng Nhân dân tỉnh: “Một mình công an thì làm sao xuể. Công an lấy đâu ra người canh bắt từng người vi phạm pháp luật!”
Xin cung cấp thêm một vài con số để độc giả dễ hình dung: Theo TS Vũ Quang Việt, chuyên gia thống kê Liên Hợp Quốc, tỷ trọng ngân sách dành cho bộ máy công an trong tổng chi ngân sách của Việt Nam năm 2014 lên tới 12%, tức gấp 6 lần con số của Hoa Kỳ (2% ngân sách chi cho cảnh sát).
Sở hữu một lực lượng công an hùng hậu bậc nhất thế giới, với “năng lực điều tra hàng đầu thế giới”, song tình hình tội phạm của Việt Nam, từ nạn tham nhũng trong bộ máy công quyền cho đến tình trạng buôn lậu, làm hàng giả, trộm cướp, đâm chém… trong dân chúng, đang diễn biến như thế nào thì có lẽ ai cũng biết.
Rõ ràng, hệ thống chính trị ở Việt Nam đang lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu không tăng biên chế để thực thi pháp luật, thiết lập trật tự thì xã hội sẽ loạn, nhưng nếu cứ để bộ máy tiếp tục phình to và ngày càng đè nặng trên tấm lưng còm cõi của người dân đóng thuế thì rồi đến một lúc nào đó “bần cùng sinh đạo tặc”, “bất công sinh đạo tặc”, “pháp luật lỏng lẻo sinh đạo tặc”… xã hội cũng sẽ rơi vào vòng tao loạn.

No comments:

Post a Comment