Thiền Lâm-05-07-2017
(VNTB) - Người dân thấy gì nếu đối sánh lời khẳng định “Quân đội không làm kinh tế nữa” của tướng quân đội Lê Chiêm với lời cam kết, chữ ký sống lẫn dấu lăn tay của một cựu tướng công an là Nguyễn Đức Chung trong bản cam kết với người dân xã Đồng Tâm nhưng sau đó ông Chung đã trở mặt hoàn toàn?
Còn xuất hiện ý kiến nghi ngờ rằng phát biểu của ông Lê Chiêm chỉ mang tính chất cá nhân chứ không phải của “vua tập thể”.
Sau phát biểu của Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về “Quân đội không làm kinh tế nữa” và “Bộ Quốc phòng đã có chủ trương về việc này”, báo chí và công luận sôi nổi được một thời gian ngắn với đa số ý kiến ủng hộ “chủ trương” của ông Lê Chiêm.
Tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn. Còn sau đó, mặt nước chợt lặng hẳn đi như chưa hề có một hòn đá nào được ném xuống. Thậm chí còn xuất hiện ý kiến nghi ngờ rằng phát biểu của ông Lê Chiêm chỉ mang tính chất cá nhân chứ không phải của “vua tập thể”.
Nghi ngờ trên phần nào có cơ sở. Tướng Lê Chiêm bật ra những phát biểu trên trong ngữ cảnh không phải là một cuộc họp chính thức của Bộ Quốc phòng, cũng chẳng có văn bản nào của Bộ Quốc phòng đính kèm, mà lại trong một cuộc họp với Thành ủy và chính quyền TP.HCM do Thủ tướng Phúc chủ trì với chủ đề chính là về “sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất”.
Cho dù có dư luận cho rằng “chủ trương quân đội không làm kinh tế nữa” là của Quân ủy trung ương, nhưng sự thật là cho tới nay vẫn chưa có bất cứ một nhân vật có trách nhiệm nào trong quân ủy này lên tiếng để hoặc xác nhận lời tướng Lê Chiêm hoặc phủ nhận điều đó.
“Quân ủy trung ương” ở đây không ai khác là Bí thư quân ủy Nguyễn Phú Trọng và Phó bí thư quân ủy kiêm bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch - những nhân vật chưa bao giờ dám lộ diện để hồi âm trước đòi hỏi “trả sân golf về sân bay” của công luận.
Trong khi đó, báo Quân Đội Nhân Dân đã mở cả một chiến dịch như thể phản bác và phủ nhận thủ trưởng Lê Chiêm của họ. Vào ngày ngày 30/6/2017, tờ báo chuyên chính này đăng bài “Khẳng định vai trò của Quân đội ta trên mặt trận sản xuất, xây dựng kinh tế”, trong đó:
“Sau vệt bài “Kết hợp kinh tế với quốc phòng-Nhiệm vụ chiến lược lâu dài” được đăng trên Báo Quân đội nhân dân từ ngày 28-6 đến ngày 30-6, tòa soạn nhận được rất nhiều ý kiến của các tướng lĩnh, nhà quản lý, đại biểu Quốc hội các khóa, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các doanh nghiệp và người dân… Các ý kiến đều khẳng định tính đúng đắn, sâu sắc của chiến lược kết hợp kinh tế với quốc phòng; đánh giá cao kết quả đạt được của Quân đội ta trên mặt trận sản xuất, xây dựng kinh tế; đồng thời bày tỏ tin tưởng quá trình đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp quân đội sẽ giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội ta”.
Cần nhắc lại, cách đây không lâu Quân đội nhân dân đã lên tiếng bảo vệ nhóm lợi ích tại bộ này liên đới vấn nạn “sân golf trong sân bay”.
Ngày 13/6/2017, Quân đội nhân dân phỏng vấn TS Lương Hoài Nam, chuyên gia về lĩnh vực hàng không - người nêu ra quan điểm ủng hộ phương án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất về phía nam, và “mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất về phía nam là phương án hợp lý nhất”.
“Phía Nam sân bay Tân Sơn Nhất” lại là toàn bộ các khu dân cư của các quận Gò vấp, Phú Nhuận, và cả Công viên Gia Định - một trong hiếm hoi lá phổ xanh cuối cùng của Sài Gòn.
Ngay lập tức, những phát ngôn của nhóm lợi ích quân đội kết hợp với quan chức chính quyền đã bị công luận phản ứng dữ dội.
Một bạn đọc đã viết ý kiến “quân đội ra Trường Sa và Hoàng Sa mà ở chứ chui vào sân golf làm gì!”.
Quân đội nhân dân cũng đóng góp một phần không nhỏ vào cái sự nghiệp kinh doanh trên đầu người dân. Tờ báo này, trong khi luôn công kích các quyền căn bản của nhân dân như tự do biểu tình, tự do lập hội, tự do ngôn luận…, thì lại sẵn sàng bao che cho những bất công khủng khiếp mà Tập đoàn Him Lam của nhóm lợi ích Bộ Quốc phòng đã gây ra trên đất nước tàn tạ này.
Cũng cần nhắc lại, ở Trung Quốc, Tập Cận Bình đã tước hẳn quyền làm kinh tế của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Các doanh nghiệp quân đội Trung Quốc đã phải chấm dứt cảnh “mượn đầu heo nấu cháo” kể từ năm 2016.
Trong khi đó, hàng trăm doanh nghiệp kinh tế quân đội ở Việt Nam vẫn nghiễm nhiên kinh doanh, trong số đó có nhiều vụ việc lợi dụng chính sách như dạng chiếm dụng 157 ha của sân bay Tân Sơn Nhất nhưng đã không hề bị pháp luật sờ gáy.
Nhìn lại lời khẳng định “Quân đội không làm kinh tế nữa” của tướng quân đội Lê Chiêm, và nếu đối sánh với lời cam kết, chữ ký sống lẫn dấu lăn tay của một cựu tướng công an là Nguyễn Đức Chung trong bản cam kết với người dân xã Đồng Tâm nhưng sau đó ông Chung đã trở mặt hoàn toàn, người dân và công luận chẳng có bất kỳ cơ sở nào, dù chỉ tương đối, để có thể tin vào hứa hẹn của phía quân đội sẽ ngừng hoạt động “nhảy múa kiếm cơm”.
No comments:
Post a Comment