Theo VOA-01/07/2017
Thiên Hạ Luận
Tướng Ngô Xuân Lịch, bìa phải.
Trân Văn
Các tổ chức chính trị đối lập tại Nhật đang đòi bà Tomomi Inanda, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật từ chức vì hôm 27 tháng 6, bà đã lấy tư cách Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Nhật (Self Defense Forces, có thể xem như quân đội Nhật - SDF), kêu gọi dân chúng Nhật bỏ phiếu ủng hộ Đảng Dân chủ Tự do (Liberal Democratic Party – LDP) - đảng đang điều hành chính quyền Nhật, trong cuộc bầu cử vào tháng tới. Những tổ chức chính trị đối lập này lập luận, về nguyên tắc, SDF phải duy trì sự độc lập về chính trị, không thể chấp nhận việc bà Inanda lợi dụng SDF để hỗ trợ cho LDP.
Dẫu bà Inanda đã xin lỗi vì lỡ lời nhưng các tổ chức chính trị đối lập tại Nhật không chấp nhận. Họ mới tiến thêm một bước, đòi ông Shinzo Abe - Thủ tướng Nhật phải nhận trách nhiệm vì đã bổ nhiệm bà Inanda làm Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tư lệnh SDF...
Chuyện đang diễn ra tại Nhật làm người ta liên tưởng đến những chuyện đã và đang diễn ra ở Việt Nam.
***
Từ đầu năm đến nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam dính vào hàng loạt scandal.
Scandal đầu tiên là làm lá chắn cho một số doanh nghiệp liên tục moi cát trong nhiều năm ở những đoạn bờ biển xung yếu để bán cho Singapore, bất chấp sạt lở đang là tai họa nhãn tiền. Dù có những bằng chứng rất rõ ràng là những doanh nghiệp này chỉ “mua đi bán lại” quyền “nạo vét” để hưởng lợi, bán mười - khai một trốn đủ loại thuế nhưng nhờ khoác vỏ “quốc phòng”, đến nay, không có doanh nghiệp nào “mắc nạn”.
Scandal thứ hai là gây ra vụ nổi loạn ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội do thu hồi “đất quốc phòng”.
Thập niên 1960, xã Đồng Tâm từng bị thu hồi 300 héc ta đất vì Bộ Quốc phòng muốn xây dựng tại đó một xạ trường (trường bắn Miếu Môn). Thập niên 1980, xã Đồng Tâm mất thêm khoảng 54 héc ta đất nữa vì Bộ Quốc phòng muốn xây dựng thêm một phi trường quân sự tại Đồng Tâm (phi trường Miếu Môn). Tuy nhiên kế hoạch xây dựng “phi trường Miếu Môn” bất thành. Do thiếu đất canh tác, dân chúng xã Đồng Tâm đã đề nghị Lữ đoàn 28 thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân (phía được giao quản lý 54 héc đất bị thu hồi) cho họ thuê đất để trồng trọt. Từ đó, Lữ đoàn 28 sắm vai trò như địa chủ, chuyên “phát canh, thu tô”.
Theo đề nghị của chính quyền địa phương, năm 2007, Lữ đoàn 28 giao lại cho chính quyền huyện Mỹ Đức 6,78 héc ta trong dự án “phi trường Miếu Môn”, 47,3 héc ta đất còn lại vẫn bị bỏ hoang. Gần đây, Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định đem toàn bộ đất của dự án “phi trường Miếu Môn” giao cho Viettel - một công ty của Bộ Quốc phòng. Dân chúng xã Đồng Tâm nổi loạn vì không chấp nhận chuyện phải giao lại 6,78 héc ta đất mà Lữ đoàn 28 đã trả hồi 2007 thêm một lần nữa.
Sự bất bình âm ỉ suốt sáu năm trước chuyện Bộ Quốc phòng cương quyết giữ 157 héc ta đất ở phi trường Tân Sơn Nhất để cho Công ty Long Biên thuê làm sân golf, bất kể phi trường Tân Sơn Nhất nghẽn cả trên trời lẫn dưới đất đã bùng phát thành scandal thứ tư. Mức độ phẫn nộ của dân chúng Việt Nam trước scandal này mãnh liệt tới mức, một Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phải hứa: “Quân đội sẽ không làm kinh tế nữa”! Trước viễn cảnh sẽ không còn phải nhìn thấy quân xa chở hàng lậu, các doanh trại trở thành kho chứa hàng cấm, Bộ Quốc phòng Việt Nam thôi làm con rối múa may dưới tác động của chủ một số doanh nghiệp, cả báo chí lẫn dân chúng đồng loạt hoan hô.
Tuy nhiên tiếng vỗ tay chưa dứt thì scandal thứ năm bùng lên. Sau khi người sử dụng Internet tại Việt Nam chia sẻ với nhau những tấm ảnh chụp cảnh ba núi đá vôi ven vịnh Hạ Long, vốn bất khả xâm phạm vì thuộc khu vực đã được UNESCO xác định là “di sản thiên nhiên của thế giới” đang bị băm ra để lấy vôi, ngày 28 tháng 6, ông Vũ Văn Hợp, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, to63 chức họp báo để phân biện, ba núi đá vôi đang bị phá nằm trên “đất quốc phòng”, do Lữ đoàn 170 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân CSVN quản lý. Việc phá ba núi đá vôi là nhằm thực hiện một “công trình quốc phòng” đã được Bộ Quốc phòng Việt Nam phê duyệt. Chính quyền tỉnh Quảng Ninh không can dự.
Theo ông Hợp, Bí thư tỉnh Quảng Ninh đã phê bình và yêu cầu Lữ đoàn 170 tạm ngưng phá núi lấy vôi, đồng thời đã đề nghị Bộ Quốc phòng phối hợp giải quyết việc thực hiện “công trình quốc phòng” vừa kể.
Ngay sau scandal thứ năm là scandal thứ sáu, Ủy ban nhân dân quận Tân Bình cấp báo và đề nghị chính quyền thành phố Sài Gòn kiểm tra ngay doanh trại của Sư đoàn 370 Không quân vì sư đoàn này đã lấy đất của phi trường Tân Sơn Nhất giao cho một số doanh nghiệp xây dựng các khu giải trí, dịch vụ mà không hề xin phép. Chính quyền quận Tân Bình giải thích thêm, sở dĩ họ phải cấp báo vì họ không được phép vào “khu vực quân sự” để kiểm tra!
***
Đã có rất nhiều người bảo rằng, sở dĩ Bộ Quốc phòng Việt Nam liên tục vướng vào đủ thứ scandal là vì được phép “làm kinh tế”. Nhiều người khác bảo rằng, quân đội được phép “làm kinh tế” chỉ là một vế trong một mệnh đề lớn hơn. Đó là Đảng CSVN dung dưỡng cho quân đội nói riêng, lực lượng vũ trang nói chung là vì cần duy trì sự trung thành của lực lượng này đối với mình. Thiếu sự trung thành ấy làm sao có thể duy trì mong muốn “muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ”.
Không may cho chúng ta là dù chẳng giống ai nhưng tại Việt Nam, chuyện lực lượng vũ trang (gồm cả quân đội lẫn công an) công khai thề trung thành với Đảng CSVN vẫn còn được xem như đương nhiên. Đem chuyện đó so với thiên hạ, nêu thắc mắc hay đề nghị chỉ chuốc thêm phiền hà. Học thiên hạ, sau một số scandal, dân ta đã từng đòi Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Y tế từ chức nhưng trước những scandal nghiêm trọng hơn (kiểu như sân golf Tân Sơn Nhất, hay chuyện hàng loạt nghi can, bị can thi nhau chết trong trại giam), chưa ai dám đòi Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an từ chức. Chuyện này không lạ và cũng chẳng khó hiểu vì cả hai bộ đã dư cả súng lẫn còng lại đông thuộc hạ.
Hồi đầu tháng 6, khi đến thăm Nhật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức nhờ Nhật bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là “lãnh đạo cấp chiến lược” của Việt Nam. Theo Thông tấn xã Việt Nam thì chuyện bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo của Việt Nam đã chính thức trở thành một trong những thỏa thuận liên quan đến hợp tác Việt – Nhật để “phát triển nguồn nhân lực”. Khi nhờ Nhật bồi dưỡng đã trở thành “chủ trương của Đảng và Nhà nước”, nhân chuyện mới xảy ra tại Nhật với bà Inanda, có thể đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam hướng sang Nhật học một chút những chuyện mà hệ thống trường Đảng chưa dạy, đó là xin lỗi đồng đội, đồng chí, đồng bào vì chưa chu toàn trách nhiệm, để xảy ra nhiều hậu quả nghiêm trọng không?
Bạn nghĩ sao về đề nghị này? Nó có quá đáng đến mức không thể chấp nhận được hay không?
No comments:
Post a Comment