Friday, June 30, 2017

Đã đến lúc Cách Mạng Dân Chủ xảy ra

Lê Minh Nguyên (Danlambao) - Việc kết án Quỳnh 10 năm tù làm cho ly nước cách mạng dân chủ đang nửa vơi đã biến thành đầy, chỉ cần một vài giọt nước nhỏ nữa để khai ngòi thì nó sẽ tràn ly cho một cuộc cách mạng dân chủ. Nó đã làm cho khả năng chịu đựng của nhân dân với cái trật tự khắc nghiệt của xã hội do Đảng CSVN tạo ra đã không thể chịu đựng hơn được nữa. Sự tích lũy các mâu thuẫn xã hội đã hơn 70 năm ở Miền Bắc và hơn 40 năm ở Miền Nam, nơi mà trước đây chưa từng xảy ra một hệ thống độc tài khắc nghiệt như vậy, nơi mà nếp sống tự do dân chủ đã thành một nề nếp, một văn hóa chính trị. Thời gian đã đủ dài để sự tích lũy các mâu thuẫn xã hội do chế độ gây ra cao lên chất ngất, để ý chí phản loạn muốn thay đổi trật tự của dân chúng vượt qua giới hạn của cái trật tự hiện hành mà nhân dân không thể kiên kham...

*

Theo báo Công An Nhân Dân ngày Thứ Năm 29/6/2017, Tòa Án Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) 10 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo quy định tại khoản 1 điều 88 Bộ Luật Hình Sự. 

Điều 88(1) có mức án tù từ 3 đến 12 năm và họ tuyên án ở mức cận tối đa. Họ truy tố NQ cả ba tội trong khoản 1 này: 88(1)(a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; 88(1)(b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; 88(1)(c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (http://bit.ly/2urXruh)

Qua bài báo của CAND, Quỳnh bị kết án nặng nề vì những việc làm sau đây:

- "sử dụng facebook cá nhân để soạn thảo, đăng tải... chia sẻ nhiều bài viết"

- "trả lời phỏng vấn báo chí và truyền thông nước ngoài"

- "khai thác thông tin trên các báo điện tử về 31 trường hợp người chết xảy ra trong và sau khi nghi can làm việc với cơ quan công an"

- "kêu gọi mọi người tham gia hoạt động 'Dã ngoại nhân quyền'"

- "khởi xướng, kêu gọi mọi người tham gia cái gọi là 'Chiến dịch tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền 2015'"

Đây là những việc làm ôn hòa và hết sức bình thường trong một đất nước bình thường, nhưng ở Việt Nam thì lại là một tội phạm hình sự với án nặng nề hơn tội giết người hay tội tham nhũng của cán bộ.

Trong khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hay trong thần học, luật “tác lực sẽ gây ra phản lực” (A-->R hay Actions Arrow Reactions) hay luật nhân quả (the Law of Karma) cho thấy cách mạng dân chủ ở Việt Nam đã gần kề. Lực sẽ gây ra phản lực và lực càng tàn bạo thì phản lực sẽ đánh ngã kẻ bạo tàn. (http://bit.ly/2urO9yq)

Ông Ngụy Kinh Sinh, được coi là cha đẻ của phong trào dân chủ TQ, nhận xét rằng: Lịch sử đã chứng minh, bất kỳ cuộc cách mạng thành công nào trong việc lật đổ chế độ hay thay đổi triều đại, nó chỉ thành công khi có áp lực từ hai hoặc thậm chí ba phía. Đầu tiên là sự tích lũy các mâu thuẫn xã hội qua nhiều năm, khi ý chí phản loạn của dân chúng cứ tăng dần rồi vượt qua giới hạn của cái trật tự có thể chịu đựng được. Cái áp lực đó được người dân Trung Quốc cổ thời gọi là ý dân (the usable power of the people). Áp lực thứ hai là sự chia rẽ trong hàng ngũ giai cấp cầm quyền, khi những mâu thuẫn nội bộ đã hết sức trầm trọng không thể nào hàn gắn được. Đôi khi có thêm một áp lực thứ ba; tức áp lực bên ngoài tham gia vào, chẳng hạn như năm 1644 khi giới Quan lại (Mandarins) ở mạng đông-bắc TQ tiến về nam đưa đến việc kết thúc sự cai trị của nhà Minh.

Ba điều kiện trên hiện nay Việt Nam đang có.

Việc kết án Quỳnh 10 năm tù làm cho ly nước cách mạng dân chủ đang nửa vơi đã biến thành đầy, chỉ cần một vài giọt nước nhỏ nữa để khai ngòi thì nó sẽ tràn ly cho một cuộc cách mạng dân chủ. 

Nó đã làm cho khả năng chịu đựng của nhân dân với cái trật tự khắc nghiệt của xã hội do Đảng CSVN tạo ra đã không thể chịu đựng hơn được nữa. Sự tích lũy các mâu thuẫn xã hội đã hơn 70 năm ở Miền Bắc và hơn 40 năm ở Miền Nam, nơi mà trước đây chưa từng xảy ra một hệ thống độc tài khắc nghiệt như vậy, nơi mà nếp sống tự do dân chủ đã thành một nề nếp, một văn hóa chính trị. Thời gian đã đủ dài để sự tích lũy các mâu thuẫn xã hội do chế độ gây ra cao lên chất ngất, để ý chí phản loạn muốn thay đổi trật tự của dân chúng vượt qua giới hạn của cái trật tự hiện hành mà nhân dân không thể kiên kham.

Đây là tiếng gọi non sông của trí thức tầm cao ở Việt Nam, những người mà giới trẻ và quần chúng coi như là khối óc (mentors) và lãnh đạo, để đóng góp vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình, xăn tay áo huy động và hướng dẫn quần chúng cho một phong trào chính trị. 

Đây là lúc nhân dân cần sự lãnh đạo của trí thức trong nước, cần sự lãnh đạo sâu sắc, kinh nghiệm và có năng lực tối thiểu cho một cuộc cách mạng dân chủ. Đây là lúc để chuẩn bị cho sự đứng lên của nhân dân ba miền Bắc Trung Nam, cùng một lúc cùng một lòng để giành lại sự sinh tồn cho dân tộc trước họa diệt vong từ môi trường sống cho đến hiểm họa nội cướp, ngoại xâm.

Hiện nay các mâu thuẫn trầm trọng trong nội bộ của giai cấp thượng tầng, của các nhóm lợi ích, của hàng ngũ lãnh đạo Đảng CSVN đã đến mức tột cùng cho sự thay đổi. Các tranh chấp không còn giữ trong nội bộ như xưa nữa mà đã kéo quần chúng vào, dẫn đến việc lâu nay nổ bên trong hệ thống (implosions) đang trở thành nổ tung ra bên ngoài cho vỡ hệ thống (explosions). 

Ông TBT Nguyễn Phú Trọng tìm cách đuổi tận giết tuyệt phe ông Nguyễn Tấn Dũng và đè bẹp đám cán bộ Miền Nam đã làm tăng thêm căng thẳng vùng miền đến mức độ vô cùng ngột ngạt trong Đảng. Một đại bộ phận cán bộ Đảng đang bị hèn và bị nhục. Nó làm cho bất cứ một xử lý mềm mỏng nào của phe yếu thế sẽ đồng nghĩa với sự tự sát.

Những mũi nhọn mà ông Trọng tấn công ông Dũng như vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Vũ Đình Duy-nhà máy sợi Đình Vũ, Đinh La Thăng, Mobilephone, xây dựng ven biển Phú Quốc... cũng như tình trạng các ông Nguyễn Văn Bình, Tô Lâm đang nằm trong tầm ngắm, nằm trong mục tiêu thu tóm và củng cố quyền lực mà ông Trọng sẽ thực hiện trong Hội Nghị Trung Ương 6 vào Tháng Mười năm nay, để ông ngồi suốt nhiệm kỳ 5 năm, nhất thể hóa (Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước) và đưa người của ông lên trong Đại Hội 13 năm 2021. Dĩ nhiên các phe bị ông đè bẹp không ngồi yên chịu trận, và khi cách mạng dân chủ xảy ra, lịch sử cho thấy, một số của họ sẽ chạy về phía quần chúng.

Trong khi đó người Mỹ gốc Việt có tiếng nói và ảnh hưởng lớn hơn trong chính sách của Hoa Kỳ với Việt Nam, họ biết cách vận động hơn để HK dù dưới bất kỳ một tổng thống nào cũng không thể khước từ và nhanh chóng lên tiếng ủng hộ khi cách mạng dân chủ nổ ra.

Ông Ngụy Kinh Sinh hồi đầu Tháng Sáu 2017 cho biết rằng nội tình Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang nát bét, Đại Hội 19 dự trù vào mùa thu này không chắc sẽ tổ chức được đúng thời điểm. Tỷ phú địa ốc Quách Văn Quý đang bị CSTQ truy nã (đang ở New York) thường xuyên liên lạc ông với mong muốn TQ có cách mạng dân chủ. 

Tập Cận Bình muốn làm Mao Trạch Đông 2 nhưng không đủ khả năng và tầm vóc. Vương Kỳ Sơn, cánh tay mặt của Tập và đang cầm quyền sinh sát, nay là gánh nặng của Tập vì bỏ thì sập mà mang thì họa. Cánh Thượng Hải đang vùng dậy. Cánh Lý Khắc Cường và Đoàn Thanh Niên CS đang buông bỏ Tập. Tập vì cần người trung thành nên tìm cách thăng tiến cực nhanh tay chân mình như đưa Thái Kỳ vào Bộ Chính Trị và làm Bí Thư Bắc Kinh tuy chưa phải là trung ương ủy viên, dù là dự khuyết, hay Vương Tiểu Hồng làm Thứ Trưởng Bộ Công Vụ, Phó Thị Trưởng kiêm Giám Đốc Công An Bắc Kinh. (http://bit.ly/2tur9l6).

Theo ông Ngụy, Việt Nam nên tận dụng giai đoạn này để thay đổi thể chế chính trị mà TQ không thể nào can thiệp được dù có muốn. Theo ông, VN có cửa sổ cơ hội hai năm để làm cách mạng dân chủ vì đó là hai năm mà TQ loạn lạc chính trị và không phe nhóm nào dám có chủ trương can thiệp vào nội bộ VN để mang lấy rủi ro chính trị.

Thời điểm nhân dân muốn thay đổi vận mệnh đã đến, nội bộ thượng tầng Đảng CSVN đã chia rẽ đến mức phải vỡ ra chứ không thể hàn gắn được, người Việt hải ngoại đang một lòng hổ trợ trong nước đứng lên cho sự sinh tồn của dân tộc, các nước dân chủ nhất là Hoa Kỳ không thể làm ngơ khi cách mạng xảy ra. Dù ngày tháng chưa định nhưng năm thì đã gần kề. Khi các tinh tú thẳng hàng thì một vận hội mới cho dân tộc sẽ xảy ra.

01.07.2017

Câu hỏi cho người bên lề

Trần Quốc Việt (Danlambao) - Phiên tòa Mẹ Nấm cuối cùng đặt cho ta một câu hỏi mà chung cuộc quyết định số phận cá nhân và quê hương. Cái giá nào cho người đứng bên lề phải trả?

Người đứng bên lề dù muốn hay không là người tham dự vào cuộc xổ số của số phận. Giải nhất là chết trong đồn công an. Giải nhì là bị cướp ruộng đất nhà cửa. Giải ba là tuyệt đường sinh kế do thảm họa môi trường lan rộng từ biển cả đến đồng bằng. Các giải tư đồng hạng rất phong phú từ chết vì đụng xe, vì ung thư từ thực phẩm và sự ô nhiễm độc hại; đến hối lộ đủ loại "bánh mì" cho cảnh sát giao thông, thầy cô giáo, y bác sĩ, cán bộ hành chính địa phương... đến phong bì cho các quan chức. Cuối cùng vô vàn giải khuyến khích cho tất cả mọi người chọn đứng bên lề. Đó là vật giá phi mã, đường sá ngập lụt, chạy trường, chạy việc, tâm hồn băng hoại, lương tâm hoen ố, con cái nghiện ngập, nhân phẩm tan biến, hận thù lên ngôi, lòng người tan tác, chân thiện mỹ chẳng còn...

Vé xố xổ hằng phút, hàng giờ và hằng ngày. Tuy nhiên giải toàn quốc đặc biệt cho tất cả mọi người sẽ được công bố vào thời điểm chính trị thuận lợi mà có lẽ không còn xa lắm. Đó là ngày Việt Nam chính thức là phần của Tàu cộng.

Bạn phải nhận giải vì bạn để cho chế độ toàn trị chi phối toàn diện cuộc đời tinh thần, vật chất của bạn. Bạn xứng đáng tham gia vào cuộc xổ số này vì bạn từ bỏ vai trò của công dân có trách nhiệm. Bạn đứng ngoài chính trị nhưng chính trị không bao giờ đứng ngoài bạn dù bạn sống ở chân trời góc bể nào. Bạn phải nhận giải để cho chế độ toàn trị tồn tại.

Bạn càng sống lâu bạn càng nhận rất nhiều giải dọc theo đường đời bên lề. Bạn hãy suy nghĩ lời của triết gia Voltaire để nghiệm ra số phận cuối cùng bên lề của mình:

"Dưới một bạo chúa, tôi chỉ cần đứng thẳng tựa lưng vào tường khi tôi thấy y đi ngang qua; hay tôi nằm phủ phục, hay vập đầu dưới đất, tùy theo phong tục trong nước. Nhưng dưới đám đông có lẽ hàng trăm bạo chúa, tôi có thể bị bắt buộc lặp lại nghi lễ này cả trăm lần mỗi ngày; mà thật là khó nhọc cho những ai không nhanh nhẹn lắm."

Tất cả những gì bạn làm để nhận giải là im lặng và đóng thuế. Ngoài ra hãy cố gắng khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Thật lòng chúc bạn may mắn.

01.07.2017


Tranh đấu vì hận thù hay vì thương yêu

Kông Kông (Danlambao) - ...Bản thân người phụ nữ là sự kết hợp đường nét mềm mại, hài hòa. Dịu dàng trong cư xử. Nhân ái trong đời sống. Bao dung với người lầm lỗi. Từ đó, xin xem ảnh của những “nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” rồi so sánh với ảnh của những phụ nữ đang tranh đấu sẽ thấy rõ sự khác biệt ngay trên nét mặt, nếu không muốn nói là trái ngược!...

*

Tranh đấu ở đây giới hạn trong phạm vi mà những người chống lại chế độ đương quyền vì cho rằng chế độ đó đang sai lầm nghiêm trọng cần phải sửa đổi hoặc bị thay thế.

Những phụ nữ tranh đấu thời trước 1975

Trong thời gian chiến tranh Bắc/Nam trước năm 1975 do đảng cộng sản Việt Nam chủ xướng họ đã ca ngợi nhiều nhân vật nữ và tuyển chọn vào danh sách “Nữ anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”. Lướt qua “thành tích” của một số “nữ anh hùng" đó đều có một điểm chung nổi bật: Đó là sự căm thù! Tất cả công trạng đạt được đều nhờ vào tài “đánh”, “giết”, “mưu trí” kể cả khủng bố, mà nạn nhân của họ là người cùng nòi giống Việt Nam!

Nói chung là họ dùng súng đạn, bạo lực và máu. Ví dụ như:

Út Tịch: Tham dự 23 trận đánh lớn nhỏ, “góp phần quan trọng cùng đơn vị diệt và làm tan rã 200 giặc và thu 70 súng...”, “nhiều lần đưa bộ đội vào diệt bót lấy súng không tốn một viên đạn”.

Võ Thị Sáu: 16 tuổi đã trở thành “đội viên công an xung phong, dùng lựu đạn tấn công phá mít tinh”.

Đinh Thị Vân: Đại tá, một tình báo viên nổi tiếng, phục vụ đắc lực cho các kế hoạch tấn công Tết Mậu Thân 1968.

Nguyễn Thị Thứ: Che chở, tổ chức, tranh đấu du kích trong mọi hoàn cảnh. Được làm tượng đài hoành tráng với tổng diện tích 15 ha tại Tam Kỳ, Quảng Nam, thời giá năm 2011 là 410 tỉ đồng, đây là “công trình đạt quy mô là tượng đài lớn nhất Đông Nam Á”! “Thành tích” là có 9 con ruột, 1 con rể, 1 cháu ngoại hy sinh” trong chiến tranh chống Mỹ Ngụy. Như vậy chính bà là nguyên nhân đưa con cháu đi vào chỗ chết một cách oan uổng!

Dương Thị Cẩm Vân: Năm 1966, lúc 19 tuổi, đã cùng đồng đội trực tiếp chiến đấu ở “hầm râu tôm” dài 2000 mét, “đã bắn xâu táo 1 viên giết 2 tên địch” cách xa khoảng 50-70 mét... “Dùng phân chuồng trộn với lá dá thắt con cúi, lợi dụng chiều gió un khói độc vào đồn địch... suốt 21 ngày đêm trong trận tấn công Chi khu Đầm Dơi... “tham gia 130 trận đánh.. tiêu diệt 150 tên địch, thu 120 súng”.

Võ Thị Thắng: Mới 9 tuổi đã bắt đầu “bước vào cách mạng” làm liên lạc, chuyển thư và đem cơm cho cán bộ trong hầm bí mật. Lớn lên hoạt động trong phong trào sinh viên tranh đấu Sài Gòn. Gia nhập Mặt trận Giải phóng miền Nam. Năm 1968, lúc 23 tuổi, thì thi hành lệnh ám sát ông Trần Văn Đỗ, tại Quận 6, Sài Gòn vì nghi ông nầy làm “mật vụ chỉ điểm”.

“Thành tích” chung của những anh hùng trên luôn luôn gắn liền với Súng đạn, Bạo lực và Máu!

Vào Google gõ dòng chữ “nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thì sẽ thấy một danh sách rất dài.

Những phụ nữ đang tranh đấu

So với số phụ nữ tranh đấu bên trên thì thành tích của những phụ nữ hiện đang tranh đấu để Việt Nam sớm có Tự do, Dân chủ và Nhân quyền hoàn toàn trái ngược. Những phụ nữ nầy dù được quốc tế công nhận với các giải thưởng giá trị, được ca ngợi hay không, tất cả đều tranh đấu trong ôn hòa cho dù bản thân họ có bị giam cầm, bị tra tấn, bị hạ nhục nhân phẩm nhưng vẫn kiên định chấp nhận thiệt thòi bản thân, với hy vọng đánh thức được lương tâm nhân loại kể cả với những người đang nhẫn tâm ra tay tàn độc họ.

Họ tranh đấu chỉ vì sự tồn vong của đất nước và dân tộc. Tuyệt đối không phải vì hận thù! Xin được nêu tên (chỉ đại khái một số người vì không thể ghi ra đầy đủ được) như:

Lê Thị Công Nhân: Thành viên khối 8406, bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN VN” thực sự là tranh đấu cho dân quyền.

Phạm Thanh Nghiên: Bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” thực sự là tọa kháng chống Tàu cộng chiếm Hoàng Sa, Trường Sa ngay tại nhà, chống Trung Quốc giết ngư dân ngoài biển Đông.

Đỗ Thị Minh Hạnh: Bị buộc tội “rải truyền đơn kêu gọi công nhân một công ty da giày ờ Trà Vinh đình công” thực sự là tranh đấu vì chế độ đương quyền cấu kết với tư bản hoang dã bóc lột tàn tệ công nhân.

Bùi Thị Minh Hằng: Bị kết tội “gây rối trật tự công cộng” thực sự là xuống đường tranh đấu cho Dân chủ và Nhân Quyền.

Cấn Thị Thêu: Bị kết tội “chống người thi hành công vụ” thực sự là dân oan Dương Nội, tranh đấu vì các nhóm lợi ích của đảng cướp đất nông dân.

Nguyễn Thị Minh Thúy: Bị bắt với cáo buộc “lợi dụng các quyền tư do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” thực sự là cộng tác với ông Nguyễn Hữu Vinh thực hiện trang Anh Ba Sàm, là tiếng nói đa chiều phản ảnh mặt thật xã hội chống độc tài đảng trị.

Trần Khải Thanh Thủy: bị bắt vì tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN VN” thực sự là tố cáo tội ác cộng sản ra công luận..

Trần Thị Nga: Bị buộc tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN VN” thực sự là người năng nổ đấu tranh cho Dân chủ và Nhân quyền.

Nguyễn Đặng Minh Mẫn: Trong nhóm 14 thanh niên Công Giáo và Tin Lành Nghệ An, bị kết tội “hoạt động lật đổ chính quyền” và “có liên quan đến khủng bố Việt Tân” thực sự họ là những thanh niên hoạt động xã hội tranh đấu chống bất công.

Và, mới nhất, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm): Bị chế độ buộc tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” thực sự là tranh đấu cho dân quyền, dân sinh. Chống Tàu cộng cướp Hoàng Sa, Trường Sa, giết ngư dân. Chống Formosa gây ra thảm họa môi trường biển đang để lại hậu quả lâu dài...!

Tạm kết

Bản thân người phụ nữ là sự kết hợp đường nét mềm mại, hài hòa. Dịu dàng trong cư xử. Nhân ái trong đời sống. Bao dung với người lầm lỗi. Từ đó, xin xem ảnh của những “nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” rồi so sánh với ảnh của những phụ nữ đang tranh đấu sẽ thấy rõ sự khác biệt ngay trên nét mặt, nếu không muốn nói là trái ngược!

Còn thể hiện qua ngôn ngữ, thì xin tạm dùng 2 câu nói của 2 phụ nữ tranh đấu sau khi họ bị Tòa tuyên án, sẽ thấy bản chất người Cộng sản với người Tự do là trái ngược:

Võ Thị Thắng tuyên bố khi nhận bản án 20 năm tù với thách thức: “Liệu chính quyền của các ông còn tồn tại được bao lâu mà kết án tôi đến 20 năm tù.”

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh khi nhận bản án 10 năm tù vẫn rất nhã nhặn và hiền hòa: “Con xin cảm ơn mẹ và các con, các luật sư đã cố gắng bảo vệ cho tôi. Mỗi người chỉ có một cuộc đời nhưng dù được làm lại con vẫn sẽ làm như vậy và con tin mẹ và các con sẽ không bao giờ phải hối hận mà sẽ tự hào vì con. Tôi mong muốn xây dựng một xã hội và đất nước tốt đẹp. Một quốc gia chỉ tự cường khi nó luôn gắn liền với nền tảng một xã hội mà người dân có tự do và hạnh phúc. Người dân chỉ có tự do và hạnh phúc khi có tự do ngôn luận và quyền tự do biểu đạt những điều mình mong muốn. Tôi mong rằng mọi người sẽ lên tiếng và đấu tranh, vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình để xây dựng một đất nước tươi đẹp hơn”.

Cùng tranh đấu nhưng người cộng sản họ lấy hận thù làm gốc nên sau chiến thắng 1975 là ly tán. Là chia rẽ. Là thù hận. Là đất nước tụt hậu, đưa đến tình trạng nợ nần chồng chất và có nguy cơ bị nô lệ Tàu cộng. Còn người đang tranh đấu thì chỉ vì một Việt Nam Dân chủ, Tự do, Nhân quyền, đặt trên nền tảng nhân bản, giải phóng đất nước và dân tộc.

01.07.2017

Bản án 10 năm đối với Mẹ Nấm: trò kiếm vốn để đi buôn chính trị của CSVN

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Thủ đoạn bắt người, bỏ tù để dùng đó làm món hàng đổi chác trong thương thảo quốc tế của CSVN không có gì mới. Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chỉ là nạn nhân mới nhất trong ván bài mặc cả của CSVN đối với Hoa Kỳ để ra vẻ có một nhượng bộ về nhân quyền nhằm đổi lấy đầu tư của Mỹ.

Khi vinh danh Mẹ Nấm là một trong những phụ nữ quốc tế can đảm, khi đích thân bà Melania Trump có mặt tại buổi lễ vinh danh do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức, Mẹ Nấm đã trở thành "món hàng đắt giá" để CSVN đem rao bán với Hoa Kỳ.

Suốt gần 8 tháng, kể từ khi bắt giam Mẹ Nấm vào ngày 10/10/2016, CSVN đã dùng Mẹ Nấm để "gom góp vốn liếng làm ăn". Đó là: (1) bỏ tù không định thời hạn, (2) không cho gia đình gặp mặt và (3) không cho phép chính thức có luật sư.

Ba "cái vốn" trên được tạo dựng trên những khổ đau của người tù và những lo lắng khôn nguôi của người thân trong gia đình của Quỳnh.

Ba "cái vốn" trên đã được đem lên bàn đổi chác khi Nguyễn Xuân Phúc vận động để được qua Hoa Kỳ gặp Donald Trump.

Ba "cái vốn" trên đã được Hoa Kỳ đòi hỏi và CSVN đương nhiên chấp nhận. 

Kết quả: Nguyễn Xuân Phúc kiếm được hơn 20 hợp đồng với tổng giá trị khoảng 10 tỉ đô la.

2 ngày sau khi rời Mỹ với 20 hợp đồng, 10 tỉ đô la, Nguyễn Xuân Phúc "trả nợ" cho Hoa Kỳ bằng cách "tháo vốn": Ngày 02/06/2107, ra lệnh các cai tù công an Khánh Hòa cho phép Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh viết thư gửi cho 2 luật sư Võ An Đôn và luật sư Nguyễn Khả Thành để chính thức mời biện hộ cho mình; Chấm dứt tình trạng cầm tù vô thời hạn và đưa Mẹ Nấm ra xử vào ngày 29.06.2017; Cho phép bà Nguyễn Tuyết Lan vào thăm con gái vài ngày trước phiên tòa.

Tất cả vốn liếng kiếm được bằng thủ đoạn đày đọa công dân yêu nước đã được CSVN xài hết trên bàn cờ đổi chác sau chuyến đi Hoa Kỳ của Nguyễn Xuân Phúc vào cuối tháng 5.

Ngày 02/06/2017, vốn mới được tạo ra cho sự nghiệp buôn người để kiếm đô la của đảng. Đó là bản án 10 năm đổ lên đầu Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. 10 năm tù đóng vào cuộc đời của người được vinh danh phụ nữ can đảm cũng được dùng để làm tổn thương danh dự của bà vợ ông tổng thống Hoa Kỳ nếu Donald Trump không nhượng bộ để rửa mặt cho vợ. Với cái "vốn 10 năm tù đày", CSVN sẽ mở đường cho cuộc đổi chác đợt hai: đề nghị Hoa Kỳ chấp nhận cho cả 3 mẹ con sang Mỹ sau khi CSVN trục xuất Quỳnh.

Màn đổi chác này sẽ không thành công nếu bản án chỉ kéo dài 2-3 năm. Mẹ Nấm là người hoạt động ôn hòa, mềm dẻo nhưng rất cương quyết, không bao giờ bỏ lại quê hương tang tóc sau lưng để tìm một lối thoát riêng cho cá nhân. Mẹ Nấm cũng là một người mẹ thương 2 con mình một cách tha thiết và sâu đậm. An ninh cộng sản biết rõ 2 điều trên.

Do đó, chỉ có bản án dài 10 năm tù thì CSVN lẫn Hoa Kỳ mới có hy vọng thuyết phục Mẹ Nấm đồng ý ra khỏi tù để xum họp với 2 con nhỏ và chấp nhận sống đời lưu vong.

Ngày 29 tháng 6 năm 2017 chỉ là khởi đầu cho giai đoạn 2 của cuộc thương thảo làm ăn giữa Hà Nội và Washington. 

"Món hàng" đổi chác là tự do và tình mẫu tử của một người mẹ với 2 đứa con nhỏ.

"Món hàng" đó mang tên: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh-Nguyễn Bảo Nguyên-Nguyễn Nhật Minh.

30.06.2017

Cưỡng chế đất, cơ sở tôn giáo và hệ lụy

Hòa Ái 2017-06-30  
An ninh và côn đồ đến đập phá thánh giá tại Đan viện Thiên An.
 An ninh và côn đồ đến đập phá thánh giá tại Đan viện Thiên An.  Tin Mừng Cho Người Nghèo
Vụ việc Đan viện Thiên An trong thời gian qua liên tục bị lực lượng chức năng địa phương theo dõi, sách nhiễu thậm chí ra tay hành hung những tu sĩ tại đó do xung đột đất đai giữa tu viện Công giáo này với chính quyền Thừa Thiên-Huế.
Đây có phải chỉ là một vụ việc đơn lẻ? Và nếu tình trạng phổ biến sẽ dẫn đến hệ lụy gì?

Cơ sở tôn giáo bị trưng thu

49 héc-ta đất rừng thông thuộc sở hữu của Đan viện Thiên An, được Ty Điền địa Thừa Thiên-Huế chứng nhận từ năm 1959, bị chính quyền Thừa Thiên-Huế trưng thu hồi năm 1998 để xây khu du lịch mà không bồi hoàn một đồng nào cho Đan viện Thiên An.
Quá trình khiếu nại, kiện tụng từ địa phương đến trung ương trong suốt thời gian dài của các vị tu sĩ ở Đan viện Thiên An về 49 héc-ta đất rừng thông vừa nêu không được giải quyết.
Nếu gọi là một di tích lịch sử hay di tích về văn hóa thì phải được tôn trọng. Không phải chính quyền tôn trọng mà tất cả người dân cũng phải tôn trọng.
- TS. Sử học Nguyễn Nhã
Không những vậy, hồi đầu tháng 5 năm 2017, các vị tu sĩ còn bị chính quyền và những cơ quan truyền thông bôi nhọ với cáo buộc “có những phần tử xấu trong Đan viện Thiên An tàn phá rừng thông đặc dụng trên 60 năm tuổi”. Đơn thư yêu cầu giải quyết thông tin không đúng sự thật của Đan viện Thiên An được chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế hứa sẽ làm việc trong tháng 8 tới đây.
Tuy nhiên, trong hai ngày liên tiếp 28-29/6 vừa qua, một lực lượng đông đảo khoảng 100 công an, an ninh và côn đồ đến đập phá thánh giá cũng như hành hung các tu sĩ. Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi, người phát ngôn của Đan viện Thiên An cho RFA biết vụ việc xảy ra là do Đan viện quyết tâm bảo vệ 107 héc-ta tổng thể đất đai còn lại của Đan viện trước những dấu hiệu cho thấy chính quyền địa phương rắp tâm chiếm đoạt và bán cho các công ty Đài Loan.
Không chỉ Đan viện Thiên An mà nhiều cơ sở tôn giáo khác nhau từ Bắc vô Nam đều buộc phải ký vào các văn bản hiến tặng hoặc cho mượn đất đai và tài sản vật chất bởi sức ép của chính quyền Cộng sản sau năm 1975. Chúng tôi có thể trưng dẫn trường hợp điển hình như khu đất Tòa Khâm sứ cũ bị trưng dụng để xây dựng công viên hồi năm 2008, Nhà dòng nữ tu ở Vĩnh Long, thuộc Dòng thánh Phao Lồ bị tịch thu hơn 30 năm và đến năm 2008 nhà dòng bị mua bán để làm khu du lịch. Hay hai trường hợp mới nhất có thể kể đến gồm Chùa Liên Trì, ở quận 2, Sài Gòn bị cưỡng chế san bằng hồi đầu tháng 9 năm nay và tu viện Dòng Mến Thánh giá, giáo xứ Thủ Thiêm, được thành lập trên 177 năm, đứng trước nguy cơ bị giải tỏa và di dời do đề án xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận mặc dù Chính phủ Việt Nam chủ trương hạn chế trưng dụng đất đai của các cơ sở tôn giáo, trong đó có Công giáo. Và đối với những cơ sở Công giáo đã hiến tặng cho chính quyền với mục đích được sử dụng vào từ thiện hay công ích xã hội mà nhận thấy việc sử dụng không còn theo như yêu cầu ban đầu thì các cơ sở này có nhu cầu cần dùng sẽ được chính quyền có thể xem xét trả lại. Thế nhưng, hầu hết các trường hợp xin xét duyệt được trả lại của các cơ sở tôn giáo đều không được chấp thuận.
19424403_1397197467066340_264498422109060923_n.jpg
Một Đan sĩ Đan viện Thiên An bất tỉnh sau khi bị côn đồ tấn công. Tin Mừng Cho Người Nghèo
Trả lời câu hỏi của RFA về khía cạnh lịch sử, văn hóa thì những di tích tôn giáo như nhà thờ, chùa chiền, đền miếu nên được bảo tồn và gìn giữ hay không, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã cho biết quan điểm của ông:
“Về nguyên tắc thì tất cả những gì liên quan đến di tích lịch sử văn hóa là không nên đụng tới. Bởi vì nếu đụng tới thì có hệ lụy không hay. Theo tôi, nếu gọi là một di tích lịch sử hay di tích về văn hóa thì phải được tôn trọng. Không phải chính quyền tôn trọng mà tất cả người dân cũng phải tôn trọng. Một quốc gia biết tôn trọng văn hóa lịch sử của mình thì tự nhiên đất nước đó sẽ phát triển. Bởi vì nếu tự hào với lịch sử văn hóa của mình thì mình sẽ có động lực để làm cho đất nước mình phát triển. Còn không biết khai thác và sử dụng thì theo tôi cuối cùng sẽ không hay.”

Hậu quả ra sao?

Mặc dù việc trưng dụng đất đai và tài sản tôn giáo tại Việt Nam trong suốt hơn 4 thập niên qua được chính quyền giải thích phục vụ cho nhu cầu xây dựng và phát triển quốc gia, nhưng hiệu quả từ việc làm này cho đến nay vẫn chưa có một thống kê chính thức nào được công bố. Ngược lại, một trong những hậu quả nghiêm trọng như Tiến sĩ Nguyễn Nhã đề cập đến “hệ lụy không hay” là sự xung đột giữa chính quyền với tôn giáo trong vấn đề tranh chấp đất đai. Nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng nhận định:
Việc đụng tới một cơ sở đất đai tôn giáo như Đan viện Thiên An thì rõ ràng có thể nói là một tình huống mà chính quyền đã hành xử cực kỳ thiếu ngôn ngoan.
- TS. Kinh tế Phạm Chí Dũng
“Qua việc đụng tới đất đai của tôn giáo, đặc biệt đụng tới đất đai của các cơ sở Công giáo thì điều đó không phải là chỉ ảnh hưởng đến niềm tin hay lòng tin của giáo dân đối với Chính phủ, chế độ hay đảng cầm quyền mà còn khuấy động cả một cuộc xung đột giữa Công giáo và Cộng sản mà đã từng xảy ra trong quá khứ. Đây mới là nguy cơ rất ghê gớm. Cho nên việc đụng tới một cơ sở đất đai tôn giáo như Đan viện Thiên An thì rõ ràng có thể nói là một tình huống mà chính quyền đã hành xử cực kỳ thiếu ngôn ngoan.”
Chúng tôi cũng tìm hiểu về ích lợi kinh tế, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đưa ra một ví dụ, diện tích đất 600 m2 của Chùa Liên Trì, vừa bị cưỡng chế, theo giá thị trường hiện tại có thể thu về 60 tỷ đồng. Theo suy luận của một nhà kinh tế, ông Phạm Chí Dũng cho rằng số tiền này là không lớn đối với chính quyền và hiệu quả kinh tế mang lại cho quốc gia từ diện tích đất đai của Chùa Liên Trì trong tương lai như thế nào thì chưa ai biết. Nhưng rõ ràng, thực tế cho thấy chính quyền quận 2 cưỡng chế đất đai Chùa Liên Trì sai luật theo Luật Đất đai 2013 cũng như vi phạm Luật Tố tụng Hành chính 2010.
Qua tìm hiểu và tiếp xúc với một số cơ sở tôn giáo ở Việt Nam bị trưng thu đất đai, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận sự phân hóa ngày càng lớn giữa chính quyền với tôn giáo trong tranh chấp đất đai đến mức các tổ chức nhân quyền thế giới lên tiếng cáo buộc Hà Nội không quan tâm gì về tâm linh, tín ngưỡng của người dân, thậm chí đàn áp tôn giáo qua việc cưỡng chế đất đai thờ tự và tu tập.

Tướng Ngô Xuân Lịch sẽ học Nhật và sẽ xin lỗi?

Theo VOA-01/07/2017 
Thiên Hạ Luận
Tướng Ngô Xuân Lịch, bìa phải.
Tướng Ngô Xuân Lịch, bìa phải.
Trân Văn
Các tổ chức chính trị đối lập tại Nhật đang đòi bà Tomomi Inanda, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật từ chức vì hôm 27 tháng 6, bà đã lấy tư cách Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Nhật (Self Defense Forces, có thể xem như quân đội Nhật - SDF), kêu gọi dân chúng Nhật bỏ phiếu ủng hộ Đảng Dân chủ Tự do (Liberal Democratic Party – LDP) - đảng đang điều hành chính quyền Nhật, trong cuộc bầu cử vào tháng tới. Những tổ chức chính trị đối lập này lập luận, về nguyên tắc, SDF phải duy trì sự độc lập về chính trị, không thể chấp nhận việc bà Inanda lợi dụng SDF để hỗ trợ cho LDP.
Dẫu bà Inanda đã xin lỗi vì lỡ lời nhưng các tổ chức chính trị đối lập tại Nhật không chấp nhận. Họ mới tiến thêm một bước, đòi ông Shinzo Abe - Thủ tướng Nhật phải nhận trách nhiệm vì đã bổ nhiệm bà Inanda làm Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tư lệnh SDF...
Chuyện đang diễn ra tại Nhật làm người ta liên tưởng đến những chuyện đã và đang diễn ra ở Việt Nam.
***
Từ đầu năm đến nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam dính vào hàng loạt scandal.
Scandal đầu tiên là làm lá chắn cho một số doanh nghiệp liên tục moi cát trong nhiều năm ở những đoạn bờ biển xung yếu để bán cho Singapore, bất chấp sạt lở đang là tai họa nhãn tiền. Dù có những bằng chứng rất rõ ràng là những doanh nghiệp này chỉ “mua đi bán lại” quyền “nạo vét” để hưởng lợi, bán mười - khai một trốn đủ loại thuế nhưng nhờ khoác vỏ “quốc phòng”, đến nay, không có doanh nghiệp nào “mắc nạn”.
Scandal thứ hai là gây ra vụ nổi loạn ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội do thu hồi “đất quốc phòng”.
Thập niên 1960, xã Đồng Tâm từng bị thu hồi 300 héc ta đất vì Bộ Quốc phòng muốn xây dựng tại đó một xạ trường (trường bắn Miếu Môn). Thập niên 1980, xã Đồng Tâm mất thêm khoảng 54 héc ta đất nữa vì Bộ Quốc phòng muốn xây dựng thêm một phi trường quân sự tại Đồng Tâm (phi trường Miếu Môn). Tuy nhiên kế hoạch xây dựng “phi trường Miếu Môn” bất thành. Do thiếu đất canh tác, dân chúng xã Đồng Tâm đã đề nghị Lữ đoàn 28 thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân (phía được giao quản lý 54 héc đất bị thu hồi) cho họ thuê đất để trồng trọt. Từ đó, Lữ đoàn 28 sắm vai trò như địa chủ, chuyên “phát canh, thu tô”.
Theo đề nghị của chính quyền địa phương, năm 2007, Lữ đoàn 28 giao lại cho chính quyền huyện Mỹ Đức 6,78 héc ta trong dự án “phi trường Miếu Môn”, 47,3 héc ta đất còn lại vẫn bị bỏ hoang. Gần đây, Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định đem toàn bộ đất của dự án “phi trường Miếu Môn” giao cho Viettel - một công ty của Bộ Quốc phòng. Dân chúng xã Đồng Tâm nổi loạn vì không chấp nhận chuyện phải giao lại 6,78 héc ta đất mà Lữ đoàn 28 đã trả hồi 2007 thêm một lần nữa.
Sự bất bình âm ỉ suốt sáu năm trước chuyện Bộ Quốc phòng cương quyết giữ 157 héc ta đất ở phi trường Tân Sơn Nhất để cho Công ty Long Biên thuê làm sân golf, bất kể phi trường Tân Sơn Nhất nghẽn cả trên trời lẫn dưới đất đã bùng phát thành scandal thứ tư. Mức độ phẫn nộ của dân chúng Việt Nam trước scandal này mãnh liệt tới mức, một Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phải hứa: “Quân đội sẽ không làm kinh tế nữa”! Trước viễn cảnh sẽ không còn phải nhìn thấy quân xa chở hàng lậu, các doanh trại trở thành kho chứa hàng cấm, Bộ Quốc phòng Việt Nam thôi làm con rối múa may dưới tác động của chủ một số doanh nghiệp, cả báo chí lẫn dân chúng đồng loạt hoan hô.
Tuy nhiên tiếng vỗ tay chưa dứt thì scandal thứ năm bùng lên. Sau khi người sử dụng Internet tại Việt Nam chia sẻ với nhau những tấm ảnh chụp cảnh ba núi đá vôi ven vịnh Hạ Long, vốn bất khả xâm phạm vì thuộc khu vực đã được UNESCO xác định là “di sản thiên nhiên của thế giới” đang bị băm ra để lấy vôi, ngày 28 tháng 6, ông Vũ Văn Hợp, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, to63 chức họp báo để phân biện, ba núi đá vôi đang bị phá nằm trên “đất quốc phòng”, do Lữ đoàn 170 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân CSVN quản lý. Việc phá ba núi đá vôi là nhằm thực hiện một “công trình quốc phòng” đã được Bộ Quốc phòng Việt Nam phê duyệt. Chính quyền tỉnh Quảng Ninh không can dự.
Theo ông Hợp, Bí thư tỉnh Quảng Ninh đã phê bình và yêu cầu Lữ đoàn 170 tạm ngưng phá núi lấy vôi, đồng thời đã đề nghị Bộ Quốc phòng phối hợp giải quyết việc thực hiện “công trình quốc phòng” vừa kể.
Ngay sau scandal thứ năm là scandal thứ sáu, Ủy ban nhân dân quận Tân Bình cấp báo và đề nghị chính quyền thành phố Sài Gòn kiểm tra ngay doanh trại của Sư đoàn 370 Không quân vì sư đoàn này đã lấy đất của phi trường Tân Sơn Nhất giao cho một số doanh nghiệp xây dựng các khu giải trí, dịch vụ mà không hề xin phép. Chính quyền quận Tân Bình giải thích thêm, sở dĩ họ phải cấp báo vì họ không được phép vào “khu vực quân sự” để kiểm tra!
***
Đã có rất nhiều người bảo rằng, sở dĩ Bộ Quốc phòng Việt Nam liên tục vướng vào đủ thứ scandal là vì được phép “làm kinh tế”. Nhiều người khác bảo rằng, quân đội được phép “làm kinh tế” chỉ là một vế trong một mệnh đề lớn hơn. Đó là Đảng CSVN dung dưỡng cho quân đội nói riêng, lực lượng vũ trang nói chung là vì cần duy trì sự trung thành của lực lượng này đối với mình. Thiếu sự trung thành ấy làm sao có thể duy trì mong muốn “muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ”.
Không may cho chúng ta là dù chẳng giống ai nhưng tại Việt Nam, chuyện lực lượng vũ trang (gồm cả quân đội lẫn công an) công khai thề trung thành với Đảng CSVN vẫn còn được xem như đương nhiên. Đem chuyện đó so với thiên hạ, nêu thắc mắc hay đề nghị chỉ chuốc thêm phiền hà. Học thiên hạ, sau một số scandal, dân ta đã từng đòi Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Y tế từ chức nhưng trước những scandal nghiêm trọng hơn (kiểu như sân golf Tân Sơn Nhất, hay chuyện hàng loạt nghi can, bị can thi nhau chết trong trại giam), chưa ai dám đòi Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an từ chức. Chuyện này không lạ và cũng chẳng khó hiểu vì cả hai bộ đã dư cả súng lẫn còng lại đông thuộc hạ.
Hồi đầu tháng 6, khi đến thăm Nhật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức nhờ Nhật bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là “lãnh đạo cấp chiến lược” của Việt Nam. Theo Thông tấn xã Việt Nam thì chuyện bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo của Việt Nam đã chính thức trở thành một trong những thỏa thuận liên quan đến hợp tác Việt – Nhật để “phát triển nguồn nhân lực”. Khi nhờ Nhật bồi dưỡng đã trở thành “chủ trương của Đảng và Nhà nước”, nhân chuyện mới xảy ra tại Nhật với bà Inanda, có thể đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam hướng sang Nhật học một chút những chuyện mà hệ thống trường Đảng chưa dạy, đó là xin lỗi đồng đội, đồng chí, đồng bào vì chưa chu toàn trách nhiệm, để xảy ra nhiều hậu quả nghiêm trọng không?
Bạn nghĩ sao về đề nghị này? Nó có quá đáng đến mức không thể chấp nhận được hay không?

Vụ việc nhà báo Lê Duy Phong và sự khủng hoảng lòng tin

—06/30/2017 - 04:08 

Vụ việc nhà báo Lê Duy Phong, trưởng Ban Bạn đọc của báo Giáo Dục Việt Nam bị công an tỉnh Yên Bái bắt giữ tại một nhà hàng ở Thành phố Yên Bái với cáo buộc nhận tiền hối lộ. Đáng chú ý, nhà báo Lê Duy Phong là tác giả của loạt bài báo chống tham nhũng về dinh thự khủng của ông Phạm Sỹ Quý- Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường và là em ruột bà Phạm Thị Thanh Trà – Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái. Theo ông Nguyễn Tiến Bình - Tổng Biên tập báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết nhà báo Duy Phong là người trực tiếp điều tra và viết bài về một số vụ việc “nóng” tại Yên Bái trong thời gian vừa qua. Điều đó đã khiến nhiều người nghĩ rằng nhà báo Lê Duy Phong, trưởng Ban Bạn đọc của báo Giáo Dục Việt Nam bị oan.
Ngày 28/6/2017, Bộ Công an họp báo cung cấp thông tin về vụ Nhà báo Lê Duy Phong bị bắt, nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng ông Lê Duy Phong đã không chỉ nhận tiền 50 triệu đồng từ chủ Doanh nghiệp tên là Thực ở Yên Bái hôm đó, mà trước đó - ngày 16/6 ông Phong cũng đã nhận của ông Vũ Xuân Sáng – Giám đốc Sở KH&ĐT Yên Bái 200 triệu đồng để bỏ qua các sai phạm và không viết bài. Điều này hoàn toàn trùng hợp với thông tin đầu tiên từ báo Tuổi trẻ ngày 23/6/2017 cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Yên Bái đã bắt quả tang Lê Duy Phong 32 tuổi, là trưởng Ban bạn đọc báo điện tử Giáo dục Việt Nam và sự việc xảy ra tại nhà hàng ăn uống Oanh Hiện - tổ 66, phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái. Lý do bị bắt, theo cơ quan công an, là vì phóng viên Lê Duy Phong đã có hành vi lợi dụng hoạt động báo chí để chiếm đoạt tài sản. Tại đây, khi bắt quả tang cơ quan điều tra xác định số tiền thu được trên bàn ăn và số tiền trong người ông Phong là 50 triệu đồng và tại cơ quan công an, ông Phong khai nhận trước đó có nhận tiền của một số cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái hàng trăm triệu đồng để bỏ qua các sai phạm và không viết bài.
Theo Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, tại cuộc họp báo nói trên đã cho biết, căn cứ báo cáo của Công an Yên Bái, ngày 16/6, ông Lê Duy Phong đã lên Yên Bái gặp ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, tại đây Lê Duy Phong đã nêu một số vi phạm của Sở này. Đồng thời, Lê Duy Phong đã cung cấp một số thông tin để yêu cầu ông Sáng chuyển 200 triệu đồng. Tại thời điểm đó, ông Vũ Xuân Sáng không có đủ tiền nên chuyển cho Phong 100 triệu đồng, và đến chiều đã chuyển tiếp 100 triệu đồng cho ông Lê Duy Phong. Ngày 22/6, khi bị phát hiện và bắt giữ, nhà báo Lê Duy Phong đã thừa nhận việc nhận tiền ngày 16/6/2017 từ ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Yên Bái.
Trong chuyến đi lên Yên Bái vầ bị bắt lần này, nhà báo Lê Duy Phong đã không đi với mục đích tác nghiệp lấy thông tin để viết bài, vì theo như bản tường trình của nhân chứng cho biết, ông Phong đến Yên Bái cùng bạn gái (không phải vợ) và sẽ trở về Hà Nội ngay để hôm sau đi nghỉ mát cùng cơ quan. Ngày 23/6, ông Lê Duy Phong được Đỗ Viết Công bạn học cũ, hiện công tác tại Đài Truyền hình Yên Bái mời ăn cơm. Bữa cơm có ông Thực là công an về hưu, hiện kinh doanh vận tải giống như em trai của ông Đặng Trần Chiêu – Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái (!?). Trong bản tường trình của người bạn đi cùng ông Lê Duy Phong, thì trong bữa ăn trưa, ông Lê Duy Phong và mọi người chỉ nói chuyện vui đùa, không bàn công việc. Sau đó, một người đàn ông tên Thực cố dúi tiền 50 triệu cho nhà báo Lê Duy Phong. Khi tiền đã nằm gọn trong túi nhà báo Lê Duy Phong thì công an ập vào, bắt giữ  và lập biên bản.
Với thực trạng đa số các nhà báo ở Việt Nam lợi dụng danh nghĩa nhà báo để công bố hay không công bố các thông tin bất lợi nhằm lấy tiền từ các doanh nghiệp hay cá nhân là chuyện hết sức phổ biến. Mà nghề công an thì họ "trọng chứng hơn trọng cung". Người xưa có câu "Qua ruộng dưa chớ buộc dây giày", chẳng lẽ nhà báo Lê Duy Phong là người trực tiếp điều tra và viết bài về một số vụ việc “nóng” tại Yên Bái trong thời gian vừa qua lại không ý thức được điều đó. Để rồi cùng ngồi ăn nhậu và nhận 50 triệu từ tay một chủ Doanh nghiệp mới quen lần đầu, vì lý do say rượu nên số tiền lớn đó đã nằm gọn trong túi của mình. Thì cũng khó bao biện nổi
Ban đầu thông tin trên mạng với các tình tiết dường như nhà báo Lê Duy Phong đã bị một thế lực nào đó cố ý "gài bẫy" hòng nhằm để bịt miệng báo chí trong việc phanh phui khối tài sản khổng lồ của các quan chức tỉnh Yên Bái. Vụ việc xảy ra vào thời điểm Bộ Chính trị đảng CSVN đang tiến hành rà soát kiểm tra kê khai tài sản của 1000 quan chức cấp cao và ngày 27/6, đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra đột xuất về các vấn đề liên quan đến nguồn gốc khối tài sản lớn gồm đất đai, dinh thự một số quan chức tỉnh Yên Bái.
Việc trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cung cấp thông tin cho biết, việc Công an Yên Bái bắt giữ nhà báo Lê Duy Phong, vì đã nhận hối lộ 200 triệu đồng của của ông Vũ Xuân Sáng – Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Yên Bái. Để đổi lại sẽ dừng đưa tin về một dinh thự nguy nga bề thế của ông Sáng tại đường Nguyễn Tất Thành, tổ 12, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái có điều gì không bình thường. Đây là điểm mới, khác với các thông tin các quan chức sở hữu dinh thự khủng trước đó cho biết, chỉ có ông Phạm Sỹ Quý- Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường và ông Đặng Trần Chiêu – Giám đốc Công an mà thôi.
Trong bối cảnh tình hình chính trị ở tỉnh Yên Bái hiện nay đang có những biến động bất thường, đã cho thấy việc tranh chấp giữa các phe phái trong nội bộ lãnh đạo tỉnh hết sức phức tạp và có biểu hiện mất kiểm soát. Sau cái chết đầy bí ẩn của tướng của tướng Lê Xuân Duy tư lệnh Quân khu 2, rồi đến cuộc thanh toán máu nhuộm Yên Bái, khi nghi phạm Đỗ Cường Minh - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh dùng súng quân dụng sát hại ông Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy và ông Ngô Ngọc Tuấn - Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái. Điều đó đã cho thấy mâu thuẫn trong nội bộ ban lãnh đạo tỉnh Yên Bái nói riêng và đảng CSVN đã trở thành mâu thuẫn đối kháng, một mất một còn.
Với vị trí địa lý đặc biệt chỉ cách Hà nội 189 km của tỉnh Yên Bái, trấn giữ vị trị trọng yếu phía tây bắc thủ đô Hà Nội, lâu nay giới phân tích chính trị Việt Nam cho rằng, "Ai nắm được tỉnh Yên Bái sẽ giữ được ghế Tổng Bí thư". Vì thế vụ việc bắt nhà báo Lê Duy Phong có lẽ cũng cần được xem xét dưới góc độ tranh chấp quyền lực. Rất có thể đây là cuộc chiến giữa các phe phái trong đảng, trong đó nhà báo Lê Duy Phong được giao nhiệm vụ viết bài điều tra để đánh đối thủ chính trị của mình, chứ không đơn thuần là việc một phóng viên lợi dụng nghế báo để kiếm chác? Rủi cho ai đó, nhà báo Lê Duy Phong vẫn không bỏ được cái máu tham tiền.
Trước đây từng rộ tin đồn đoán cho rằng, Trung tướng Lê Xuân Duy tư lệnh Quân khu 2 và các ông ông Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy và ông Ngô Ngọc Tuấn - Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái là những tay chân của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Mà trong số đó ngoài bà Phạm Thị Thanh Trà – Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái và em trai; còn có cả ông Đặng Trần Chiêu – Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái cũng bị nằm trong tầm ngắm. Cũng như việc báo điện tử Giáo dục Việt Nam vẫn "mang tiếng" thuộc phe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lâu nay, tờ báo này bằng các bài viết điều tra, chính luận... có tính mạnh mẽ với mục đích tấn công phe của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đàn em. Vì thế, các thông tin thiếu thiện chí đối với tỉnh Yên Bái gần đây đã được coi là, nhằm làm mất uy tín và dọn đường cho việc kiểm tra tài sản của các lãnh đạo của Tỉnh Yên Bái, để xóa sổ và thay máu bằng người thân tín của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Việc ngày 27/6/2017, ông Nguyễn Tiến Bình, Tổng Biên tập báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, tại cuộc họp giao ban báo chí trung ương, đề nghị Bộ Thông tin - truyền thông, Hội Nhà báo VN có ý kiến để Bộ Công an rút hồ sơ vụ án nhà báo Lê Duy Phong lên để điều tra cho đảm bảo tính khách quan đã cho thấy điều đó. Song Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho rằng trước hết thẩm quyền điều tra là của Công an Yên Bái, nếu rút lên Bộ Công an phải trong trường hợp phải hết sức phức tạp. Nghĩa là Bộ Công An sẽ tiếp tục để cho Công An tỉnh Yên Bái - dưới sự chỉ đạo của  ông Đặng Trần Chiêu – Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái một nghi can trong tầm ngắm của ông Nguyễn Phú Trọng lại trực tiếp xử lý vụ việc liên quan đến cá nhân mình. Động thái đó cũng là biểu hiện của việc che chắn và thiếu khách quan từ phía Bộ Công An.
Lâu nay, nhiều ý kiến cho rằng, ý đồ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn sử dụng báo điện tử Giáo Dục Việt Nam để thổi bùng vụ việc ở tỉnh Yên Bái. Nhằm tạo sự chú ý của công luận với mục đích để hợp thức hóa việc sắp xử lý hàng loạt các quan chức tỉnh Yên Bái và thay bằng các tay chân thân tín của ông Trọng. Có lẽ đó là nguyên nhân sâu xa của các diễn biến phức tạp của Yên Bái hiện nay.
Trong cái ma trận thông tin hỗn độn thực giả lẫn lộn ấy, người dân càng không biết tin ai. Việc Đảng CSVN cố gắng bưng bít thông tin thì càng làm cho họ mất uy tin trầm trọng, dẫn đến việc báo chí nhà nước hết khả năng dẫn dắt dư luận. Chuyện cười ra nước mắt của làng báo Việt Nam bây giờ là: nói đúng, nói sai thì người dân đều không tin. Điều đó đã và đang dẫn đến một thảm họa như ta đã thấy qua vụ việc nhà báo Lê Duy Phong. Đó là khủng hoảng lòng tin.
Ngày 30 tháng 06 năm 2017
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA