Mặt boong tàu vỏ thép của ngư dân bị rỉ sét nặng khi vừa đưa vào hoạt động. (Ảnh: Dân Trí)
Một câu tuyên bố thuộc loại “đỉnh cao trí tuệ” của thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn CSVN Vũ Văn Tám đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong giới nông dân, ngư dân và giới trí thức Việt Nam.
Sự việc liên quan đến nhiều tàu vỏ thép vừa đóng, khi đem vào xử dụng không lâu thì đã bị rỉ sét, hư hỏng tại tỉnh Phú Yên và Bình Định. Sau khi bị báo chí đưa tin, ông Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã xuống địa phương kiểm tra, và tuyên bố rằng trách nhiệm giám sát tàu trong khi đóng thuộc về người dân, chứ không phải thuộc về cơ sở đóng tàu!
“Đây là trách nhiệm chung, trong đó có trách nhiệm của ngư dân là chủ tàu. Bởi ngư dân chính là chủ khoản nợ vay của ngân hàng để đóng tàu nên phải là bên giám sát chính. Nếu chủ tàu giao hết trách nhiệm giám sát cho cơ sở đóng tàu là sai, là thiếu trách nhiệm”. – ông Vũ Văn Tám tuyên bố.
Theo thông tin trên tờ báo Dân Trí ngày 24/05, ngư phủ Nguyễn Văn Mạnh, bảo rằng cơ sở đóng tàu đã không đóng theo thiết kế đã quy định. Chẳng hạn, thiết kế dùng thép Nam Hàn để đóng, nhưng công ty lại dùng thép Trung Cộng, cho nên mới gây ra tình trạng rỉ sét nhanh chóng khi vừa mới hạ thủy.
Nhiều ý kiến trên tờ Dân Trí đã phê bình ông Vũ Văn Tám rất nặng nề về cách lý luận của ông. Họ mỉa mai rằng chính quyền cần phải đưa các ngư phủ qua một lớp đào tạo về kiến thức kim loại, rồi sau đó qua một lớp kiểm tra kim loại bằng quang phổ, hóa học, kim tương thì mới có thể giám sát quá trình đóng tàu.
Một độc giả đặt câu hỏi: “Dân giám sát bằng cách nào? Dân tiếp tục đi thuê một nhà máy đóng tàu khác giám sát thay mình hay sao?”
“Nếu ngư phủ qua được các lớp này rồi, thì họ chẳng cần làm nghề cá, mà có khi thay luôn cái chức vụ của ông Vũ Văn Tám.” – một độc giả khác bình luận.
Tường Thắng / SBTN
No comments:
Post a Comment