Friday, April 21, 2017

Đồng Tâm: Dân phóng thích thêm Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Một người dân xã Đồng Tâm đang xem lại “Bản tường trình” của Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỹ Đức (phải) trước khi bàn giao ông này cho phía chính quyền. (Hình: VnExpress)
VIỆT NAM (NV) – Đó là diễn biến mới nhất tính đến chiều 21 Tháng Tư, sau khi Chủ tịch thành phố Hà Nội, hứa sẽ đến tận nơi “đối thoại” với dân chúng.
Theo VnExpress, sáu ngày sau khi bị dân chúng xã Đồng Tâm cầm giữ, ông Đặng Văn Cảnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỹ Đức đã được phóng thích vì bị viêm xương, đau lồng ngực, cần đến bệnh viện.
Báo điện tử này tường thuật, trước khi rời khỏi xã Đồng Tâm, ông Cảnh đã dùng loa, đọc một “Bản tường trình” với dân chúng. Ông Cảnh giải thích, Huyện ủy Mỹ Đức chỉ đạo ông đến xã Đồng Tâm vận động dân chúng bình tĩnh và bị cầm giữ cùng với cảnh sát cơ động, công an địa phương suốt từ đó chiều 15 đến chiều 21 Tháng Tư. Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỹ Đức “thay mặt anh em, cảm ơn bà con”. Bày tỏ hy vọng “bà con hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, kiềm chế”. Hứa hẹn “các cấp chính quyền sẽ giải quyết, nguyện vọng của người dân sẽ được đáp ứng, chúng tôi sẽ luôn ở bên cạnh dân”.
Tờ Thanh Niên cho biết, ông Cảnh được phóng thích sau khi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội, hứa với một cụ ông – đại diện cho dân Đồng Tâm là ông ta sẽ đến tận nơi để đối thoại với dân.
Trước đó, ông Chung từ Hà Nội đến Mỹ Đức, báo chí Việt Nam cho biết, ông Chung đến Mỹ Đức và “vời” dân chúng tới hội trường trong trụ sở của huyện này để đối thoại nhưng không ai chịu đến. Cũng vì vậy, ông Chung đã “đối thoại” với những viên chức cấp xã và cấp huyện. Kết thúc buổi “đối thoại” giữa các viên chức với nhau, ông Chung đưa ra hai cam kết: (1) Sẽ tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý – sử dụng đất đai tại Đồng Tâm. (2) Tạm ngưng thi công “dự án quốc phòng” tại Đồng Tâm. (3) Sẽ sớm “đối thoại” trực tiếp với dân Đồng Tâm.
Chủ tịch thành phố Hà Nội cũng kêu gọi dân chúng Đồng Tâm phóng thích 20 con tin còn lại, dọn dẹp các chướng ngại vật trên những con đường dẫn vào xã này. Theo nhiều tờ báo của chính quyền Việt Nam thì dân chúng xã Đồng Tâm đã “dọn dẹp hội trường” để có chỗ đối thoại với Chủ tịch thành phố Hà Nội.
Trong ngày 21 Tháng Tư, nhiều tờ báo của chính quyền Việt Nam loan báo, Viện Kiểm sát thành phố Hà Nội đã hủy bỏ “quyết định tạm giữ” cụ Lê Đình Kình – người được xem là “linh hồn” trong cuộc đối đầu giữa dân chúng xã Đồng Tâm với hệ thống công quyền để bảo vệ đất của họ.
Ngày 15 tháng 4, cụ Kình được mời tham dự hoạt động cắm mốc, phân ranh, xác định “đất nông nghiệp” và “đất quốc phòng” rồi bị bắt cùng với bốn người khác. Lúc đầu, chính quyền Việt Nam loan báo, việc bắt cụ Kình và bốn người khác là do cả năm đã bị khởi tố vì “gây rối trật tự công cộng”. Hôm 18 tháng 4, hệ thống tư pháp Việt Nam đã “thay đổi biện pháp ngăn chặn” đối với bốn người dân bị bắt cùng với cụ Kình, sau khi dân chúng xã Đồng Tâm phóng thích 15/38 con tin. Riêng cụ Kình thì sức khỏe chưa hồi phục (phải mổ cấp cứu bởi cổ xương đùi gãy khi bị công an quật ngã, vứt lên xe) nên không trong đợt phóng thích này.
Có một điểm mà nhiều người không chú ý là việc “thay đổi biện pháp ngăn chặn” (cho tại ngoại) đối với bốn người dân bị bắt cùng với cụ Kình hay hủy “quyết định tạm giữ” đối với cụ Kình không đồng nghĩa với việc xác định cả năm vô tội. Họ vẫn là bị can trong một vụ án hình sự, sẽ bị điều tra trog tương lai.
Ngày 18 Tháng Tư, một viên tướng là Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, từng khẳng định “sẽ nghiêm trị những kẻ cầm đầu”. Ngày 20 tháng 4, tại một cuộc họp báo theo định kỳ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố với báo chí quốc tế rằng, Việt Nam sẽ giải quyết vụ Đồng Tâm “theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”.
Đó là lý do khiến người ta tin rằng, cuộc “đối thoại” mà Chủ tịch thành phố Hà Nội mong muốn nhằm chấm dứt tình trạng dân chúng xã Đồng Tâm rào làng tử thủ và phóng thích toàn bộ con tin sẽ là khởi đầu cho một tiến trình khác: Tiến trình của một vụ bắt bớ – phạt tù hàng loạt. (G.Đ)

No comments:

Post a Comment