Phản Động, anh là ai?
Hồ Chí Phèo (Danlambao) - Phản Động ở Việt Nam lại được tự do đi du lịch. Một chuyện lạ! Công an cửa khẩu Việt Nam dễ gì cho một người có hội chứng phản động tự do đi nước ngoài: "Đi để bắt tay, cấu kết các thế lực thù địch ở nước ngoài à?”. Nhưng Phản Động ở đây là tên bạn bè gọi, chứ tên cúng cơm, trong hộ chiếu của anh là Phan văn Đông. Bố P V Đông rất thích một bản nhạc của nhạc sĩ Nguyễn văn Đông, rảnh rỗi là ông lên giọng: “Chiều mưa biên giới anh đi... à... về đâu...". Ông tự bè, tự độc tấu “Vế đâu... về đâu... về đâu...”. Khi có thằng con trai ông đặt ngay tên nó là “văn Đông”. Không thể lấy họ Nguyễn được vì tổ tiên dòng họ ông là Phan.
P V Đông học hành khá giỏi. Cũng như những đứa trẻ lớn lên ở Việt Nam, anh cũng bị nhồi nhét tư tưởng Mác Lê, bác Hồ. Nhưng P V Đông bị một cái tật, anh hay ngủ khi nghe bài giảng về Bác và Đảng. Tật này thể hiện rõ khi lên trung học, trong các buổi họp đoàn TNCS, P V Đông ngủ say sưa. Có tật nhưng lại có tài, P V Đông ngủ nhưng mắt lại mở, mở như đang chăm chú, xem xét vấn đề một cách cẩn thận. Thật là tài! Tư thế ngủ ngồi của anh cũng rất đặc biệt. Khi đầu chúi về phía trước, anh thở ra nhẹ nhàng. Khi đầu nghiêng hơi về phía sau, anh hít vào, không khí luồn qua khí quản tạo nên âm thanh: “Cục... Cục...”. Cử động ngủ của P V Đông được Bí thư đoàn xem như cổ vủ khiến Bí thư ăn nói càng hùng hồn hơn: "Mác Lê mình cũng hay quên đầu, quên đuôi. Đôi lúc nói, mình cũng cảm thấy trật lất, mà thằng P V Đông cứ gật gù: "Đúng… Đúng…". Có lẽ ra mình nói đúng thật!". Khi Bí thư đoàn tuyên bố họp đoàn chấm dứt, cũng rất tài, PV Đông tự động choàng tỉnh, vui vẻ trò chuyện với bạn bè.
Chuyện ngủ của PV Đông trong họp đoàn một ngày bị khám phá ra. Hôm đó Bí thư đoàn yêu cầu biểu quyết để nhất trí thông qua một điều lệ sửa đổi. Tất cả đều giơ tay tán thành, đương nhiên trừ P V Đông. Bí thư bối rối: "Cái thằng này giở chứng sao không chịu giơ tay. Nó cứ gật gù "Đúng… Đúng..." là cái quái gì?”. Một thằng bạn ngồi cạnh bèn đưa tay phẩy phẩy trước mắt P V Đông rồi vội la to: "Báo cáo đ/c Bí Thư, PV Đông đang ngủ". Cả phòng học cười ồ lên: "Thằng Phản Văn Động đang ngủ gật". Một thằng đập mạnh vào vai Phản Văn Động. P V Động bật tỉnh, ngơ ngác nhìn bạn bè chung quanh. Anh đột nhiên chợt hiểu, phất tay cao: "Nhất trí... Nhất trí...".
Sau sự cố hiếm hoi này, P V Đông có biệt danh Phản Văn Động, bạn bè gọi tắt là Phản Động. Bí Thư không thích từ này nên cấm không được nói đến, nhưng bạn bè vẫn thích gọi PV Đông là Phản Động. Phản Động tiếp tục ngủ khi họp đoàn. Bí Thư đoàn sau khi hiểu ra tật ngủ của Phản Động, tuy mất đi một nguồn cổ vũ to lớn, nhưng vẫn cảm thấy hài lòng: "Chủ trương của Đảng, dân ngủ còn tốt hơn thức. Thức thì cứ bức xúc, thắc mắc, đòi hỏi cải cách thay đổi. Ngủ là tốt nhất".
Thật đúng, vụ cá chết ở miền Trung, mọi người dân nên ngủ yên để nhà nước giải quyết. Đừng thức để biểu tình, đòi hỏi lung tung, làm nhà nước phải huy động công an ra tay đàn áp đánh đập. Người nào không chịu ngủ, chỉ thức để xem sự việc xẩy ra, nhà nước còn phải tốn công làm con ngáo ộp, hù dọa, y như cha mẹ đang bắt đứa con nhỏ nằm ngủ yên.
Sau khi tốt nghiệp đại học với điểm số cao, Phản Động không tìm được việc làm trong cơ quan nhà nước. Tật ngủ trong giờ học chính trị chỉ được làm dân thường, làm gì vào được đảng để mom mem vào cơ quan công quyền? Phản Động mở cơ sở kinh doanh nhỏ. Với tri thức, sự khéo léo, anh thành công trên thương trường, đủ tài chánh đùm bọc gia đình và đủ cho hoài bảo :đi du lịch các nước trên thế giới.
Người ta có nhiều lý do đi du lịch. Du lịch để ngắm cảnh lạ, cảnh đẹp, thăm người thân, để thư giãn đầu óc qua năm tháng làm việc căng thẳng, để tận hưởng những mọi thú vui trên thế giới… Phản Động đi du lịch không chỉ tò mò về cảnh trí, anh muốn biết đất nước, con người khác trên thế giới qua khía cạnh chính trị, kinh tế, văn hoá. Nước anh chọn đầu tiên: Cambodia.
*
Cambodia với đền Angkor
Cambodia, một quốc gia láng giềng Việt Nam, đã có một lịch sử oai hùng. Vào thế kỷ thứ 9, vương quốc Khmer trở nên hùng mạnh. Sau nhiều chiến thắng hiển hách, diệt được vương quốc Phù Nam, đã lập nên đế quốc Khmer rộng lớn nhất ở Đông Nam Á gồm Miền Nam Việt Nam (Thủy Chân Lạp), Cambodia (Lục Chân Lạp ), Lào, và Nam Thái Lan. Trong các triều đại huy hoàng kế tiếp, nhiều ngôi đền nổi tiếng trên thế giới được xây dựng trong số đó, Angkor Wat, Angkor Thom được xây dựng trong khoảng gần 40 năm. Sau hơn 600 năm, đế quốc Khmer suy tàn. Đền đài, kinh đô ở Siem Reap bị lãng quên. Khoảng thế kỷ 16, người Tây Phương đã sững sốt trước kỳ quan có một không hai trên thế giới cuả Angkor Wat, Angkor Thom... Ngày nay, du lịch phát triển, Siem Reap hàng ngày tiếp đón hàng vạn du khách khắp nơi trên thế giới đến đến thăm để trầm trồ, thán phục, không sao hiểu được người Khmer khi xưa có thể xây dựng bằng sức người để tạo nên kiến trúc đồ sộ, đậm màu sắc văn hóa đến như vậy.
Phản Động lên xe bus du lịch từ Sài Gòn. Trên xe có khoảng 40 khách, khoảng gần một nữa là Việt kiều nước ngoài. Nổi bật trong khách đi du lịch, một bà khoảng 40 tuổi, có vẻ cán bộ cấp xã huyện, lúc nào cũng nói huyên thuyên mọi chuyện, bên cạnh ông chồng thường yên lặng, ít nói. Gần đấy một ông đạo mạo khoảng 70, cao lớn, vốn cấp tá bộ đội nhưng đã định cư ở Mỹ.
Xe ngừng lại ở Trảng Bàng, mọi người xuống xe thưởng thức món ăn đặc sản Bánh Canh Trảng Bàng. Xe lại ngừng ở cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, để kiểm soát hộ chiếu. Sau đó du khách bước qua cửa khẩu Bavet, Svay Rieng, Cambodia, chờ thủ tục nhập cảnh. Du khách không quên nhìn những casino gần đó. Nơi quyến rũ những con bạc ngoại kiều, chủ yếu người Việt Nam, sang nướng tiền. Thậm chí có người Việt thua, thiếu nợ nặng, chủ nợ nhờ công an Cambodia giữ lại, bắt người nhà từ V N mang tiền qua để chuộc thân.
Xe tiếp tục lăn bánh với anh hướng dẫn viên người Campuchia vui tính. Đường lộ khá tốt, chạy qua Svay Rieng. Sát đường là ruộng lúa, rải rác vài căn nhà ở cách xa đường: "Người Campuchia không thích ở nhà gần dường cái, khác hẳn người Việt", anh HDV giải thích. "Nhìn cửa sổ của căn nhà có màn che màu hồng có nghĩa trong gia đình có người con gái chưa lập gia đình? Các anh chàng trai tơ, hay goá vợ có thể an tâm rình rập quanh nhà người đẹp (nếu rình trúng bà già xồn xồn thì ráng chịu vì màu màn cửa không phân biệt già trẻ ) mà không phải ăn nhát búa vào đầu vì một ông chồng ghen tuông!". Anh HDV rất tận tụy với nghề nghiệp, tiếng Việt rất giỏi, tỉ tê kể những câu chuyện vui buồn, tập quán người Campuchia.
Ngừng ăn trưa trong một nhà hàng ở Kampong Thom, quê hương Pon Pot, một lãnh tụ cộng sản mang tội diệt chủng, một kẻ bị bệnh tự khùng rất nặng. Xe tiếp tục chạy đến Siem Reap. Tại đây mọi người nhận phòng, dùng cơm tối. Gạo ở Cambodia rất ngon, chỉ trồng mỗi năm một mùa, trứng vịt nhỏ nhưng lòng trắng chắc và ngon. Phản Động cảm thấy yên tâm, người Campuchia chưa học cách sử dụng hóa chất một cách bừa bãi, vô tội vạ như Tàu hay Việt Nam. Hiện nay ở các nước tiên tiến, thực phẩm chỉ dùng phân hữu cơ (organic food) rất đắt. Ngược lại tại Cambodia, thực phẩm loại này còn rẻ lắm vì nó nhỏ, xấu xí, vỏ trái cây hay bị sâu...
Ngày ở Siem Reap, Phản Động đã đi thăm các đền đài, cung điện chính Angkor Wat (Đế Thiên, chịu ảnh hưởng Ấn Độ giáo), Angkor Thom (Đế Thích, ảnh hưởng Phật giáo), Bayon, Ta Prohm (trong phim Tomb Raider với Angelina Jolie )…
Hôm nay ngày cuối cùng ở Siem Riep, Phản Động ngồi trên một viên đá trong bãi đá hỗn độn với hàng ngàn viên đá lớn rơi rớt ngổn ngang. Sau lưng anh, ánh nắng chiều nhạt nhoà còn vương vấn trên đỉnh một hai ngọn tháp tạm xem còn nguyên vẹn. Anh nhìn những viên đá, nó được đẻo gọt thành hình khối chữ nhật đều nhau, hai bên có hai lỗ để người ta đóng vào hai thanh cây, buộc dây vào đấy, rồi dùng voi kéo đi từ một ngọn núi cách xa đây bao nhiêu cây số. Những viên gạch này được xếp chồng lên nhau tạo ra ngọn tháp, tạo ra những bức tượng.
Phản Động có mua vé xem màn trình diễn “Nụ cười Angkor”. Đạo diễn người Tàu Trương Nghệ Mưu đã cố giải mã nụ cười hiền hoà nhưng bí ẩn của những tượng đá trong các đền thờ. Buổi trình diễn vô cùng hoành tráng với âm thanh, màu sắc, tài nghệ các vũ công người Campuchia lại không gây cảm xúc nhiều như buổi chiều cuối cùng này. Anh rùng mình. Những viên đá đang nằm vô tri kia như bổng nhiên tất cả bay vút lên, nằm đúng vào vị trí của nó cách đây hàng ngàn năm. Ánh sáng trở nên chói loà như trong buổi sáng rực rỡ. Những thiếu nữ người Campuchia trang phục màu sắc lộng lẫy đang nối nhau theo điệu múa Apsara dọc theo hai bên đường vào cung điện. Ở giữa, nhà vua cùng các quan trang trọng, uy nghi bước vào lễ đài cúng thần linh... Ngừng giấc mơ, đưa mắt nhìn lần cuối chứng tích hoang phế cuả một thời Angkor huy hoàng, Phản Động không khỏi chạnh lòng nhớ bà Huyện Thanh Quan đã ngậm ngùi trước cảnh hoang tàn của thành Thăng Long:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Hôm sau đoàn du lịch đến thủ đô Phnompenh.
Phnompenh thành phố có khoảng 1 triệu rưỡi dân nên giao thông ít tắt nghẽn, không khí không bị ô nhiễm nhiều. Hồi sinh sau nạn diệt chủng, kinh tế phát triển, người Campuchia bắt đầu tiêu sài. Nhiều nhà mới được xây cất, xe hơi đa số Lexus. Không đủ chổ đậu cho nhu cầu xử dụng xe hơi nên xe hơi được phép đậu cả bên trên lề đường.
Buổi sáng đoàn đi thăm hoàng cung, chùa Vàng, chùa Bạc, trung tâm thủ đô... Cách kiến trúc giống như hoàng cung, chùa ở Thái Lan. Ngày hôm sau, đoàn đi chợ Phnompenh, một ngôi chợ như chợ Bến Thành nhưng nhỏ hơn. Trưa xe lăn bánh trở về Sài Gòn.
*
Những ghi nhận của Phản Động qua chuyến du lịch:
* Nhạc chào đón du khách Việt:
Trên đường đi bộ vào thăm đền, một nhóm dân nhạc người Campuchia khoảng năm người ngồi trên một phản cây kê bên cạnh đường. Họ dùng nhạc cụ dân tộc, tương tự như đàn cò ở VN. Dựa vào lá cờ của HDV dẫn đầu, biết được quốc tịch du khách, nhóm ca nhạc người Campuchia kéo nhạc chào mừng. Đoàn VN được chào mừng bằng bài ca ngợi HCM: "Ò... e... Ò Í... Inh... Ò... e... Ò. Í. Inh...”. Bà cán bộ huyện xã cười toe toét: "Cho... Cho họ tiền...". Đối với dân tộc thiểu số ở Cambodia, người Campuchia không ưa người Việt, họ chơi đểu khi dùng nhạc kéo đám ma “ò... e” để ca ngợi lãnh tụ vĩ đại của CSVN!
* Người gốc Việt ở Cambodia:
Trên đường lộ, HDV chỉ cho mọi người những cây xăng hầu hết mang tên Sukimex. Chủ nhân là người gốc Việt, Sok Kong, hay Sáu Cò. Ông một trong những người giàu nhất ở Cambodia, rất có thế lực vì quan hệ tốt với Thủ Tướng Hun Sen và được vua Sihanouk tặng danh hiệu công tước Oknha Sok Kong. Ông nắm trong tay những hợp đồng cung cấp xăng dầu, trang bị quân đội, khách sạn, khu nghỉ mát, khu du lịch Angkor… Ông là một số nhỏ người gốc Việt thành công trong cộng đồng khoảng 156.000 người Việt đang sinh sống rãi rác khắp Cambodia. Con số này không được chứng minh chính xác, nhưng chắc chắn cộng đồng người gốc Việt tại Cambodia đông đảo đứng hàng thứ hai chỉ sau cộng đồng người Việt tại Mỹ. Nhưng đây lại là cộng đồng nghèo khó nhất của người Việt hải ngoại. Được sự hổ trợ nhiều đoàn thể trong nước cũng như nước ngoài, làng nổi cuả người Việt trên Biển Hồ còn rất nhiều khó khăn, ăn xin như trở thành nghề. Một đứa trẻ khoảng sáu tuổi, quần áo rách rưới, bồng đứa em trần trụi một, hai tuổi, chìa tay xin tiền khách du lịch, một hình ảnh như đập mạnh vào mắt khách du lịch. Thật bất nhẫn khi những trẻ em hàng ngày chỉ biết sóng nước bập bềnh, phải mưu sinh qua ngày như thế. Cũng có những em cố gắng học tập trên các ghe tàu dập dềnh để may ra rồi sẽ có một ngày…
Người Việt sinh sống ở Biển Hồ có gốc gác từ miền Nam. Thời kỳ nông nghiệp thịnh vượng của miền Nam đã tàn lụi nhiều năm qua. Thống kê chỉ trong 10 năm đã có khoảng 13 triệu người rời bỏ đồng bằng sông Cửu Long, đa số lên Sài Gòn, Bình Dương..., một số tha phương cầu thực ở xứ lạ quê người như Biển Hồ đây. Nhiều cô gái miền Tây trù phú ngày nào, đau lòng trước nỗi khổ của cha mẹ, anh em, phải nhắm mắt làm vợ người chồng không hề biết mặt cuả một xứ sở xa xăm. Những Huyền Trân Công chúa ấy nhiều vô số kể. Trong tương lại với chế độ cộng sản hiện tại, sẽ vẫn còn rất nhiều người nước non ngàn dậm ra đi.
* Đồng hồ “Bác Hồ”
Tại chợ Phnompenh người ta bán đồng hồ “Bác Hồ”. Gọi như vậy vì trên mặt đồng hồ có in hình bác Hồ. Đương nhiên ruột, vỏ, pin “Bác Hồ” đều là hàng sản xuất đại trà, rẻ tiền của Tàu. Bà cán bộ huyện xã cùng ông chồng hãnh diện khoe với mọi người, hai cái “Bác Hồ” made in China 100%, được đeo lên tay. Chắc hẳn bà đeo “Bác Hồ” để tưởng nhớ ngày "Bác cùng chúng cháu hành quân". Bây giờ không có hành quân, chỉ có du hí, nên "Bác cùng chúng cháu du hí". Đi du hí, vung tay nhiều, Bác chóng mặt, nên để Bác vào túi quần. Túi quần sau, mông to ngồi lên xe, Bác bị dẹp lép. Nên để túi trước để còn thấy cảm giác lúc lắc phía trước: "À, Bác vẫn còn đấy!".
* Tượng đài hữu nghị VN-Cambodia:
Xe ngừng taị đài hữu nghị VN-Cambodia. Trên xe mọi người nhìn thấy ông “Tá về hưu”, dâng hương, đứng rất lâu trước bức tượng hai người lính Việt Nam và Cambodia. Bà cán bộ huyện xã đưa tay chấm nước mắt: "Trời ơi... Bác ấy có lòng quá. Xa quê hương bao năm về vẫn nhớ đồng đội đã ngã xuống!". Tượng người lính bộ đội đứng kia chắc không có lệ để khóc, chỉ có đôi môi như muốn nói: "Bác là chỉ huy nên khéo léo quá! Qua sống với đế quốc Mỹ đã lâu, dễ dầu không được tiền già, con cái thì thành đạt, lương đế quốc trả cao. Về Việt Nam chơi, bác lãnh thêm tiền hưu. Một bên túi bác, tiền đế quốc. Một bên là tiền Bác Hồ. Khôn thế là cùng! Chỉ có chúng em ngu xuẩn ngày đêm dang nắng phơi sương, gia tài để lại cho vợ con chỉ tờ giấy lộn liệt sĩ”.
Đảng viên cộng sản, những người đã có thời gào thét "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào". Nay họ, con cháu hay cùng con cháu sang định cư tại các nước tư bản Mỹ, Âu châu, Canada, Úc... không phải là số nhỏ. Họ đi đi, về về, làm ăn hoặc gom nhặt bổng lộc còn sót lại Việt Nam. Lý tưởng cộng sản bốc hơi đâu mất, chỉ có “lý tưởng vì tiền”.
*Sihanouk:
Người Campuchia rất yêu mến vua Sihanouk. Đây là nhân vật đặc biệt không chỉ với người Campuchia, mà sách kỷ lục Guiness đã đưa ông vào danh sách các chính khách giữ nhiều chức vụ nhất. Lên ngội vua năm 1941... nhường ngôi cho vua cha xuống làm Thái tử... lập đảng chính trị, thắng cử, làm Thủ tướng.... rồi Quốc Vương...
Lý do Sihanouk được cảm tình không phải ông dành lại độc lập cho Cambodia mà vì người Campuchia tin tưởng vào vua và những năm 1953-1966 dưới quyền lãnh đạo của Sihanouk là thời thịnh trị, dân Campuchia ấm no, hạnh phúc. Sau 1966 chiến tranh VN tăng cường độ, vị thế trung lập của Cambodia không còn, chiến tranh liên tục xẩy ra giữa Lon Nol được Mỹ yểm trợ và Khmer Đỏ Pol Pot với hậu thuẩn của Bắc Việt, Bắc Kinh, người Campuchia bắt đầu nếm mùi đau thương của chiến tranh.
Hiện tại, người Campuchia vẫn nhớ những năm tháng thanh bình, sung túc thời Sihanouk thập niên giữa 50-60 "Ước gì Cambodia không ở gần VN thì bây giờ Cambodia thua gì Thái Lan?". Người Campuchia đâu có hiểu, người Việt cũng có ước mơ "Ứơc gì không có Hồ Chí Minh, không có đảng Cộng sản VN, bây giờ chắc gì Singapore hơn Việt Nam?"
*Từ bỏ Mác Lê
Tách từ đảng Cộng sản Đông dương trở thàng đảng Nhân Dân Cách Mạng Khmer, tập hợp những người Cam theo chủ thuyết Mác Lê. Những năm 60 đảng được đổi tên thành đảng Nhân Dân Khmer, rồi đảng Cộng sản Khmer (Khmer Đỏ) với Pol Pot làm TBT. Những đảng viên chống lại Pol Pot đã tập hợp, lấy lại tên đảng Nhân Dân Cách Mạng Campuchia (CPRP). Ngày 17 tháng 10 năm 1991, CPRP đã đổi tên thành Đảng Nhân Dân Campuchia (CPP) và từ bỏ ý thức hệ Mác-xít. Đảng CPP đang nắm quyền ở Cambodia với Hunsen chủ tịch kiêm TBT đảng, Thủ tướng chính phủ.
Thay đổi từ chế độ cộng sản sang một thế chế dân chủ tự do một cách hoà bình đương nhiên tiến theo nhiều bước. Tùy thuộc vào hoàn cảnh, dân trí của từng quốc gia, những bước đi này sẽ nhanh hay chậm. Con đường thay đổi này diễn ra khá nhanh chóng ở Đông Đức, Ba Lan, Tiệp. . . Có phần chậm hơn ở các nước trong liên bang Xô Viết cũ. Các bước đi trên con đường thay đổi có thể song hành, có thể uyển chuyển thay đổi thứ tự tùy theo mức độ:
1/ Chính danh người lãnh đạo đất nước :Tổng thống hay Thủ tướng được người dân chọn trong một cuộc bầu cử công bằng. TBT không thể xem người lãnh đạo đất nước.
2/ Loại bỏ chủ thuyết lỗi thời làm trì trệ kinh tế, đạo đức xã hội suy đồi. Chủ nghĩa Mác Lê nhân loại ngày nay đã vứt vào sọt rác.
3/ Đa nguyên, đa đảng, mọi người dân được bày tỏ chính kiến thúc đẩy xã hội tiến bộ.
4/ Tôn trọng nhân quyền, luật pháp...
Hunsen cuả Campuchia đã có những bước đi trên con đường thay đổi. Người Campuchia không còn phải tụng kinh Mác Lê. Hunsen là người lãnh đạo chính phủ Campuchia có chính danh để thảo luận, đàm phán... với chính phủ các nước khác. Có đảng đối lập tuy vẫn bị chính phủ chèn ép, nhưng là bước khởi đầu căn bản. Dù là ông Thủ tướng chỉ còn một mắt, trình độ học vấn không cao, tiếng Anh tiếng U vẫn còn loay hoay, nhưng xem ra Hunsen sáng suốt hơn nhiều đám Tứ trụ của đảng CSVN.
Đám Tứ trụ VN như những con lừa có đến bốn mắt, cổ đeo đủ loại bằng cấp, nhưng khổ chỉ biết nắm đuôi nhau đi vòng vòng trong cái vòng tròn Mác Lê mà Bác Hồ đã vẽ ra cho chúng từ mấy chục năm trước. Chúng không có đủ năng lực để can đảm bước ra khỏi cái vòng tròn ấy. Khi một chính phủ nước ngoài muốn nói chuyện với lãnh đạo cao nhất của VN, những con lừa Tứ trụ ấy có dịp ngừng lại, ngơ ngáo nhìn nhau. Tuy tổ chức lãnh đạo cổ lổ, không còn giống nước nào trên thế giới nhưng những con lừa yên tâm. Lừa có bốn chân như tứ trụ nên đứng vững lắm, đi lại chậm theo đúng nguyên tắc “chậm thì chắc”. Cái gì cần vững chắc nhất? Đương nhiên quyền lợi lãnh đạo, dân è cổ đóng thuế trả lương, trả chi phí cho cả đảng, cả nhà nước, cả tứ trụ đều có phần. Trách nhiệm ư? Ồ, có đến bốn nên đẩy qua, đẩy lại dễ dàng, nếu không cả bốn cùng chung tay đẩy xuống cấp dưới cho xong. Khôn thế thì có thể không bị tự khùng, chỉ tự khùng giả, giả vờ đóng kịch làm con lừa phục vụ cho lý tưởng tiền và quyền.
15/3/2017
No comments:
Post a Comment