HÀ NỘI (NV) – Bất chấp quy định của nhà nước, 380 công ty quốc doanh của Hà Nội không công khai công bố thông tin thường niên về tình hình hoạt động và tài chính, gồm cả những đại công ty.
Nghị định 81 có từ năm 2015 của chế độ Hà Nội ấn định rằng, theo định kỳ, các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, các công ty con do doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ phải “công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, đồng thời gửi các báo cáo công bố thông tin về Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư để thực hiện công bố thông tin.”
Tuy nhiên, theo tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam, 620 doanh nghiệp nhà nước thuộc diện bắt buộc phải công bố thông tin, nhưng đến 31 Tháng Mười Hai, 2016, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư cho biết mới nhận được báo cáo của 241 doanh nghiệp, chiếm tỉ lệ 38.87%.
Theo nguồn tin vừa kể, 380 doanh nghiệp còn lại “chưa thực hiện công bố thông tin, chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thủy nông, thủy lợi, doanh nghiệp là các công ty nông, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của các địa phương.”
Đặc biệt, các công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (5 doanh nghiệp), Tập Đoàn Hóa Chất Việt Nam (2 doanh nghiệp), Tập Đoàn Than – Khoáng Sản Việt Nam (6 doanh nghiệp), Tập Đoàn Cao Su Việt Nam (4 doanh nghiệp) “chưa thực hiện công bố thông tin theo quy định của Nghị định số 81.”
Không những vậy, một số tổng công ty lớn như Thuốc Lá, Công Nghiệp Tàu Thủy, Đầu Tư Phát Triển Nhà và Đô Thị, Phát Triển Đường Cao Tốc, Cà Phê, Đảm Bảo An Toàn Hàng Hải miền Bắc “chưa thực hiện công bố báo cáo tài chính 2015.”
Cho dù công bố thông tin, nguồn tin của TBKTVN nói, “trong số 41 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện công bố thông tin theo quy định nhưng chưa thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn.”
TBKTVN thuật lại nguồn từ Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư cho biết, chỉ có hai doanh nghiệp là Tập Đoàn Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam, Tổng Công Ty Xây Dựng số 1 thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc công bố thông tin theo quy định (gồm 9 báo cáo về sản xuất kinh doanh, lương thưởng, báo cáo tài chính,…).
Theo một bản báo cáo hồi Tháng Mười, 2016, kết thúc năm tài chính 2015, tại Việt Nam vẫn còn 652 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng tài sản trên 3 triệu tỷ đồng. Phần lớn là các công ty “lời giả lỗ thật.” Suốt bao năm qua, các định chế tài trợ quốc tế thường xuyên thúc hối Hà Nội giải thể hết đám quốc doanh ăn bám này. Nhưng các chương trình cổ phần hóa, hoặc giải thể, tiến hành rất ì ạch.
Hiện có 12 đại công ty thua lỗ trầm trọng với hàng chục ngàn tỷ đồng đang nằm “đắp chiếu” mà nhà cầm quyền trung ương không biết phải giải quyết ra sao. Trong số đó có 4 dự án của Tập Đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem), Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) 5 dự án, còn 2 dự án có “bóng dáng” Tổng Công Ty Thép Việt Nam (Vnsteel).
Nhà máy sản xuất sợi polyester Đình Vũ ở Hải Phòng (tức PVTex thuộc Bộ Công Thương, dính tới Đinh La Thăng khi ông này còn làm chủ tịch Tập Đoàn Dầu Khí – Petro Vietnam) coi như “mất trắng 7,000 tỷ đồng hay khoảng $350 triệu, hiện gây nhiều chú ý hơn khi cựu tổng giám đốc Vũ Đình Duy trốn ra nước ngoài (Tháng Mười năm ngoái) khi “đánh hơi” thấy có thể bị truy cứu trách nhiệm. (TN)
No comments:
Post a Comment