Trúc Giang-21-12-2016
(VNTB) - Thời gian gần đây dường như điều luật 258 Bộ Luật Hình sự được ‘vận dụng’ để ngăn cản những tin tức về chính trị, hoặc những vấn đề nhạy cảm thường được dư luận quan tâm. Người dân phản ứng bằng việc tổ chức những cuộc biểu tình, viết những ‘status’ trên trang cá nhân facebook, phát biểu trên video clip youtube…, thì phải đối mặt với điều luật 258.
Câu hỏi đặt ra: Lợi ích dân tộc, lợi ích công chúng hay lợi ích chính quyền, mới là lợi ích chịu sự điều chỉnh của điều luật 258? Sở dĩ đặt câu hỏi như vậy, vì điều 2 Hiến pháp ghi rằng Nhà nước là “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.
Những chế độ hướng tới kìm chế sự đối lập về dân sự và chính trị đã tìm ra một công cụ mới trong việc kiểm soát thông tin của họ: truyền thông nhà nước. Điều này xảy ra bất chấp sự thật rằng truyền thông nhà nước, cũng như nhiều phương tiện thông tin khác có thể phục vụ lợi ích của mọi công dân và cung cấp thông tin miễn phí về thương mại, nhà nước hay ảnh hưởng chính trị.
“Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”. (Bộ Luật Hình sự 1999)
Lợi ích dân tộc
Khái niệm lợi ích dân tộc có nội hàm rộng, bao hàm trong đó tất cả những gì tạo thành điều kiện cần thiết cho sự trường tồn của cộng đồng với tư cách quốc gia dân tộc có chủ quyền, thống nhất, độc lập, lãnh thổ toàn vẹn; cho sự phát triển đi lên về mọi mặt của quốc gia dân tộc theo hướng làm cho đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng ngày càng phong phú, tốt đẹp hơn; cho sự nâng cao không ngừng sức mạnh tổng hợp quốc gia, năng lực cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế, vị trí, vai trò, uy tín quốc tế của quốc gia dân tộc.
Các dân tộc trên thế giới đều coi lợi ích căn bản nhất của dân tộc là Tổ quốc độc lập, thống nhất, giàu mạnh, lãnh thổ toàn vẹn (bao gồm vùng đất, vùng trời, vùng biển, hải đảo, thềm lục địa), nhân dân làm chủ đối với Tổ quốc mình.
Trong lợi ích dân tộc có những nhân tố thuộc về tự nhiên được cộng đồng sở hữu: đất đai, sông hồ, biển đảo, khí hậu, tài nguyên, vị trí địa lý,... và có những điều kiện xã hội: truyền thống tốt đẹp, độc lập, thống nhất, dân tộc đoàn kết, các quan hệ xã hội ở trong nước và những quan hệ quốc tế tích cực... Những điều kiện tự nhiên và xã hội đó, xét đến cùng, đều do cộng đồng dân tộc tạo lập, giữ gìn bằng mồ hôi, nước mắt và máu xương của nhiều thế hệ. Lợi ích dân tộc không phải những mong muốn, áp đặt chủ quan mà là những yếu tố, quan hệ khách quan hình thành trong lịch sử cần được nhận thức và xử lý đúng đắn.
Như vậy, vì sao những người viết báo ở Việt Nam trên nền internet truyền thông mạng xã hội lại luôn đứng trước một đe dọa của cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”? Ở nhiều quyết sách mà Nhà nước đưa ra, vấp nhiều phản đối của người dân, thì những phản biện ấy dễ dàng bị quy chụp là phản động.
Đơn cử, các trận lũ dọc dài miền Trung từ ngày 14/10 đến nay đã làm 235 người chết, thiệt hại lên đến 37.650 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD) theo thông tin từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Không thể lúc nào mưa lũ cũng nói đến do thiên tai mà nhân tai từ thủy điện và một số tác động khác của con người qua nhóm lợi ích đứng ngoài phủi tay.
Các dự án thủy điện ở miền Trung luôn đưa ra những hứa hẹn cho quan chức địa phương duyệt là giảm lũ, điều tiết lũ, cắt lũ hạ du. Họ cũng hứa trồng rừng trả lại rừng khi đi vào vận hành. Nhưng cho đến nay, chưa có báo cáo nào về chủ thủy điện đầu tư trồng lại rừng sau khi lấy rừng làm thủy điện.
Rõ ràng ở đây lợi ích của người dân, của công chúng miền Trung đã bị xâm phạm. Khi bị truy vấn, các chủ thủy điện đều nói về quy trình họ vận hành đúng, nhưng khi cho kiểm tra lại sai nhiều vấn đề mà thủy điện Hố Hô là một ví dụ. Lũ về, nước xả lênh láng, sau đó lãnh đạo Hố Hô bao biện xả đúng quy trình, đến khi đoàn kiểm tra vào cuộc, hàng loạt lỗi bị phạt hàng trăm triệu đồng. Các thủy điện xả lũ cuối năm này, chưa thấy đoàn nào vào thanh tra để người dân được biết cái quy trình ấy là gì mà gây thiệt hại thảm khốc.
Thế nhưng nếu người dân phản ứng bằng việc tổ chức những cuộc biểu tình, viết những ‘status’ trên trang cá nhân facebook, phát biểu trên video clip youtube…, thì phải đối mặt với điều luật 258 như đã nói ở trên.
Lợi ích Nhà nước
Xót của giùm cho Nhà nước, cũng không dễ khi muốn thể hiện qua những hình thức truyền thông trên mạng xã hội. Đơn cử như trường hợp Trịnh Xuân Thanh, cựu Tổng giám đốc PVC và Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang thôi đã rõ. Từ cả một quá trình dài quản lý gây thua lỗ hàng ngàn tỉ mà vẫn được tuyên dương khen thưởng của ông ta, cho đến việc được điều động về làm phó chủ tịch một tỉnh rồi sau đó âm thầm “chui lọt lỗ kim” trốn ra nước ngoài trước khi bị khởi tố, những cá nhân liên quan liên đới không ai bị buộc tội tòng phạm mà tất cả đều biện minh là thực hiện “đúng quy trình”!
Ai mà chẳng biết được rằng chỉ đơn độc một mình Trịnh Xuân Thanh thì ông ta không thể “một tay che cả bầu trời” nếu không có sự giúp sức, hỗ trợ hay làm ngơ của những cá nhân liên đới…
Có đến hàng chục, hàng trăm vụ việc, lớn có, nhỏ có, “đại án” có, liên quan đến những chuyện làm “đúng quy trình”. Mới đây nhất là vụ thăng chức “siêu tốc” cho một “thần đồng” vào vị trí Phó vụ trưởng tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Vâng, đúng thì đúng quy trình thật đấy, nhưng lại có thể và đã có gây ra những hậu quả nghiêm trọng, như vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy như đã kể…
Tuy nhiên đến khi người dân lên tiếng kiểu cho rằng chuyện Internet ‘truy nã đỏ’ là trò đùa lố, thì dễ dàng nhận được “giấy triệu tập” của nhà chức trách.
Trước đó, dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, khi luật sư Cù Huy Hà Vũ nộp đơn khởi kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi cho rằng ông Dũng đã vi phạm pháp luật khi ra quyết định về dự án trong đó có luật bảo vệ môi trường, luật bảo vệ di sản văn hóa, thì lập tức xảy ra vụ án ‘bao cao su’ đẩy ông luật sư này vào chốn tù tội.
Tạm kết
Tránh bị quy chụp vào điều luật 258, xin tạm kết bài viết này bằng một lý thuyết thuần túy trường luật: Không phải tất cả những gì mà các chính phủ tuyên bố là “lợi ích quốc gia” đều là lợi ích dân tộc chính đáng.
Vấn đề ở chỗ, luật pháp của một quốc gia có thể chỉ là quan điểm đơn phương của quốc gia đó, nên nó không thể là căn cứ duy nhất để giải quyết mâu thuẫn về quyền lợi dân tộc.
Luật pháp quốc tế một mặt phản ánh ý nguyện của các dân tộc, phản ánh kết quả đấu tranh của các dân tộc yêu độc lập, tự do, hòa bình, công lý. Nhưng mặt khác, luật pháp quốc tế phản ánh tương quan lực lượng trên trường quốc tế mà tương quan này không phải bao giờ cũng có lợi cho các dân tộc đang đấu tranh cho độc lập, dân chủ, công bằng, bình đẳng.
Lẽ đó nên lợi ích căn bản của dân tộc Việt Nam, hay nói rộng hơn là lợi ích quốc gia Việt Nam, phải là thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân ấm no, tự do, hạnh phúc. Thể chế chính trị nào làm được điều đó, tất yếu sẽ được người dân ủng hộ.
No comments:
Post a Comment