Thursday, October 13, 2016

Giải pháp nào để ổn định cuộc sống ngư dân miền Trung

Anh Vũ, thông tín viên RFA 2016-10-12  
Làng chài Mũi Né chụp tháng 3/2016.
Làng chài Mũi Né chụp tháng 3/2016. Làng chài Mũi Né chụp tháng 3/2016.  AFP photo
Chính phủ đã định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại trong 6 tháng, trong lúc biển chưa hoàn toàn sạch và người dân không có việc làm. Sau tháng 9/2016 thì người dân sẽ tiếp tục sống ra sao và cần có những giải pháp nào để đảm bảo ổn định cuộc sống của họ?
Chính sách đền bù
Theo Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết, đến cuối tháng 9/2016 đã có đến gần 25.000 người dân mất việc, sau sự cố  môi trường biển bị nhiễm độc do Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Ông Lê Sáng, một người dân ở Hà Tĩnh cho biết, không chỉ tàu cá phải nằm bờ, hay ngư dân và những người sống dựa vào biển không có việc làm, mà những người buôn bán như ông cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều của thảm họa môi trường biển. Ông nói với chúng tôi:
“Từ cái bữa biển và cá bị nhiễm độc thế này thì họ bị thất thu nên họ thôi không đi chợ nữa, trước đây chồng đi đánh cá về thì vợ mang đồ hải sản ra chợ bán. Nhưng bây giờ có bán cũng không có ai mua nên chồng cũng không đi biển luôn. Như tôi là có xe ô tô buôn hải sản, mà bây giờ họ không ra biển thì tôi lấy gì buôn? Đấy là một cái thất thu của tôi. Rồi những người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm, bia rượu để cho dân phục vụ cho dân đi biển, nhưng bây giờ dân không đi biển thì họ bán cho ai?”
Ngày 29/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1880/QĐ-TTg về định mức bồi thường thiệt hại cho 7 nhóm đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã bị thiệt hại do sự cố môi trường biển. Theo đó, thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa là 6 tháng, từ tháng 4 đến hết tháng 9/2016. Nguồn kinh phí bồi thường được sử dụng từ nguồn kinh phí do Formosa đền bù.
Chính sách đền bù vừa qua của Chính phủ thì bà con không thể chấp nhận được, với lý do là biển chết mà nhà nước chỉ đền bù cho 6 tháng thì sau 6 tháng sẽ như thế nào?
- Ông Hoa, ngư dân Vũng Áng 
Đánh giá về định mức bồi thường của chính phủ, ông Hoa một ngư dân ở Vũng Áng thấy rằng, mức bồi thường ở mức thấp nhất là 2,9 triệu đồng và cao nhất là 3,69 triệu đồng/người/tháng là quá thấp, chỉ tương đương với mức thu nhập của 1-2 ngày làm nghề trước đây. Ông cho biết:
“Chính sách đền bù vừa qua của chính phủ thì bà con không thể chấp nhận được, với lý do là biển chết mà nhà nước chỉ đền bù cho 6 tháng thì sau 6 tháng sẽ như thế nào? Thứ 2 là chỉ đền bù cho những người đi biển thì còn bà con ở nhà sống bám biển như: buôn cá, làm nước mắm và những nghề ăn theo thì sẽ giải quyết thế nào? Họ là những người sống bám biển thì nhà nước cũng phải có các chế độ, chính sách đối với người ta”
Theo Nhà báo Nguyễn An Dân, việc chính phủ cho ứng trước 3.000 tỷ để giải quyết việc đền bù chỉ mang tính hình thức, theo ông Chính phủ cần có các giải pháp để giải quyết việc làm cho người dân đó mới là vấn đề cần thiết và lâu dài. Ông nhận định:
“Nếu chính phủ để lực lượng lao động này ở không, không làm việc thì nó sẽ ảnh hưởng và tạo ra khủng hoảng xã hội. Và nếu đẩy bài toán đó ra ngoài xã hội thì như vậy chính phủ đã không làm tròn vai trò an dân của mình.”
Trả lời báo Nông Nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai cho biết, cùng với việc hỗ trợ ngư dân chuyển từ đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ, nếu người dân có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì được ưu tiên các ngành nghề phù hợp với đặc điểm của ngư dân vùng biển.
Vai trò của Giáo hội
Trả lời câu hỏi, vai trò của Giáo hội Công giáo trong việc có một giải pháp lâu dài nào để đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân?
Theo Linh mục An tôn Đặng Hữu Nam, chánh xứ Phú Yên, hạt Thuận Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An thấy rằng, Giáo hội đã làm hết sức mình để đảm bảo cuộc sống của bà con giáo dân. Ông khẳng định:
“Đối với Giáo hội thì chúng tôi luôn luôn sẵn sàng, song đối với chính phủ thì họ chỉ xác định là trong 6 tháng. Cuộc sống của người dân ở đây qua 6 tháng thì vô cùng thê thảm rồi, nhưng điều quan trọng nhất là hậu quả của thảm họa này sẽ là 50 -70 năm. Vậy liệu chúng ta có thể giúp đỡ được họ mãi hay không? Trong suốt 6 tháng vừa qua, tôi và Tòa Giám mục Giáo phận Vinh đã rất nỗ lực kêu gọi trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”, thế song đó không phải là kế sách lâu dài. Vấn đề để giải quyết triệt để việc này là phải có một chính sách cụ thể từ phía Nhà nước.”
Khi được hỏi, chính phủ cần có một giải pháp lâu dài nào để đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân?
Nhà báo Nguyễn An Dân thấy rằng, vấn đề bế tắc nhất hiện nay là việc người tiêu dùng mất lòng tin và không dám tiêu dùng hải sản, điều đó đã tạo ra một phản ứng mang tính dây chuyền, đã khiến hải sản của ngư dân đánh bắt không tiêu thụ được. Theo ông, lấy lại lòng tin của người tiêu dùng là điểm cần đột phá. Ông đề xuất:
“Để giữ được niềm tin của người dân thì chính phủ cần ra ngay một lệnh cấm khai thác gần bờ từ 20 hải lý trở vào. Sau đó thì mời các trung tâm kiểm định thực phẩm uy tín của thế giới vào để kiểm định chất lượng hải sản đánh bắt ở khu vực từ 20 hải lý trở ra và quảng cáo thật mạnh. Rồi chính các tổ chức đó họ sẽ công bố cho nhân dân biết các loại hải sản đó là an toàn.”
Ông Hoa cho biết, bản thân mỗi người dân cũng đã nỗ lực hết sức để tìm các giải pháp nhằm ổn định cuộc sống của bản thân mình. Ông nói:
Đối với Giáo hội thì chúng tôi luôn luôn sẵn sàng, song đối với chính phủ thì họ chỉ xác định là trong 6 tháng.
- Linh mục Đặng Hữu Nam
“Bây giờ tất cả dân chúng đều ăn không ngồi rồi, muốn đi làm thuê cũng không biết đi kiếm ở đâu, cho nên chúng tôi đang phải tìm cách tìm một cái nghề gì đó cho bà con lao động để kiếm tiền chi tiêu cho cuộc sống. Chúng tôi đã tính có phương án sẽ tổ chức trồng nấm, trồng rau sạch cho bà con.”
Nhà báo Nguyễn An Dân cũng cho biết thêm, bước thứ 2 Chính phủ cần chú trọng giải quyết nghề nghiệp cho lực lượng đánh bắt gần bờ hiện đang không có việc làm. Ông cho biết:
“Theo tôi, chính phủ nên cơ cấu lại, có nghĩa là vùng 20 hải lý trở vào chịu ảnh hưởng của xả thải thì dừng khai thác, còn từ 20 hải lý trở ra thì cần chú trọng đánh bắt xa bờ. Vì thế Chính phủ nên thành lập một hợp tác xã nghề cá ở mỗi tỉnh và luân chuyển một số lao động đánh bắt gần bờ dôi dư vào là các việc chế biến, sơ chế và tiêu thụ hải sản.”
Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc tới Cục Việc làm, Bộ Lao động-TB&XH để tìm hiểu về chính sách trong việc giải quyết việc làm cho các lao động chịu tác động của biển nhiễm độc thuộc 4 tỉnh miền Trung, nhưng không nhận được sự trả lời.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT ông Vũ Văn Tám thấy rằng, "Rời biển, chắc chắn đời sống ngư dân sẽ rất khó khăn, cho nên cách tốt nhất giúp họ bảo đảm cuộc sống chính là sớm phục hồi hệ sinh thái biển. Nếu có chuyển đổi nghề thì cũng chuyển đổi theo hướng nghề nghiệp có liên quan. Trong trường hợp bất đắc dĩ mới chuyển lên lao động trên bờ, mà lao động trên bờ cũng ưu tiên nghề gắn với biển, dựa trên hiệu quả thật sự. Ðó là mong muốn và cũng là trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương liên quan".

No comments:

Post a Comment