Monday, July 4, 2016

Doanh nghiệp sẽ bỏ sang các nước ASEAN nếu VN không giảm quan liêu

Công nhân đang làm việc tại một công xưởng ở Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế lo ngại bộ máy công chức cồng kềnh, kém hiệu quả sẽ dẫn dến nguy cơ nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam chạy sang các nước lân cận để kinh doanh vì có môi trường thuận lợi hơn.
Công nhân đang làm việc tại một công xưởng ở Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế lo ngại bộ máy công chức cồng kềnh, kém hiệu quả sẽ dẫn dến nguy cơ nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam chạy sang các nước lân cận để kinh doanh vì có môi trường thuận lợi hơn.
 Theo VOA-04.07.2016
 An Tôn
Theo báo chí Việt Nam, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói hôm 4/7 rằng trong nửa đầu năm 2016 bộ máy nhà nước đã cắt giảm hơn 10.000 người. Việc tinh giản biên chế diễn ra ở 18 bộ và 61 tỉnh thành trên cả nước.
Tính từ đầu năm 2015 đến nay, bộ máy hành chính đã tinh giản gần 15.000 người. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tân nói trong một cuộc họp của chính phủ cách đây ít ngày rằng tỷ lệ cắt giảm như vậy là “quá thấp” so với yêu cầu giảm 1,5% mỗi năm, tương đương 40.000 biên chế trên tổng số hơn 2,6 triệu công chức, viên chức đang có hiện nay. Khi còn là Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc từng nói có đến 30% làm việc không hiệu quả.
Một số cuộc khảo sát, điều tra trong những năm gần đây của cả các tổ chức trong nước lẫn nước ngoài, như Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cho thấy bộ máy công chức quá đông có liên quan mật thiết đến nạn nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp và lạm dụng chức quyền ở Việt Nam.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nói bộ máy công chức cồng kềnh, làm việc kém hiệu quả sẽ dẫn dến nguy cơ nhiều doanh nghiệp trong nước chạy sang các nước lân cận để kinh doanh vì có môi trường thuận lợi hơn. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã có hiệu lực. Ông nói:
“Rất nhiều doanh nghiệp, tôi có thể nói là số ấy là đang tăng lên, đã có nói là nếu mà cái sự nhũng nhiễu và cái chi phí ở Việt Nam mà không giảm bớt, thì họ sẽ đi ra nước ngoài họ bỏ vốn họ đầu tư và họ sẽ sản xuất ở đó, rồi thì họ sẽ xuất khẩu về Việt Nam với cái thương hiệu của các nước ASEAN khác. Và nếu cái điều này mà cứ tiếp diễn thì tiền vốn của Việt Nam, trí tuệ của người Việt Nam, cái sự năng động của người Việt Nam lại đem lại lợi ích cho nước ngoài, nộp thuế cho nước ngoài chứ không nộp thuế cho ngân sách Việt Nam”.
Đây sẽ là một sức ép không thể xem thường đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, bộ máy hành chính thừa quá nhiều người còn đe dọa đến việc thực thi các hiệp định quốc tế trong đó có Hiệp định TPP. Tiến sỹ Doanh cảnh báo:
"Nếu mà cái sự nhũng nhiễu và cái chi phí ở Việt Nam mà không giảm bớt, thì họ sẽ đi ra nước ngoài họ bỏ vốn họ đầu tư và họ sẽ sản xuất ở đó, rồi thì họ sẽ xuất khẩu về Việt Nam với cái thương hiệu của các nước ASEAN khác. "-TS. Lê Đăng Doanh.
“Cái bộ máy này sẽ cần phải đổi mới một cách hết sức mạnh mẽ. Nếu không có, thì nó sẽ không thể nào đáp ứng được các cái yêu cầu của cái Hiệp định hợp tác Xuyên Thái Bình Dương”.
Để có thể cắt giảm nhiều hơn nữa con số công chức, viên chức trong bộ máy hành chính, vị cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đề xuất rằng hệ thống những người ăn lương từ ngân sách phải được cải tổ một cách cơ bản. Ông nêu ra những vấn đề cần giải quyết:
“Các cái tiêu chí đề ra là phải làm rõ anh ăn lương để anh làm cái việc gì, đem lại cái hiệu quả gì, và cái trách nhiệm giải trình của anh đối với đồng lương nó là như thế nào để làm cái căn cứ để có thể giảm bớt các cái biên chế, giảm bớt bộ máy cồng kềnh, và làm rõ thế thì anh ăn lương thì anh phải đem lại cái lợi ích gì cho người dân”.
Các thống kê và báo chí trong nước chỉ ra rằng tỷ lệ công chức của Việt Nam quá lớn so với dân số vì ngoài bộ máy chính phủ còn có nhiều người hưởng lương từ ngân sách song lại làm việc cho bộ máy của đảng Cộng sản cầm quyền và các đoàn thể. Bên cạnh đó là số cán bộ khá lớn tại các xã, phường được hưởng lương nhà nước song không rõ chức năng nhiệm vụ là gì.
Tiến sỹ Doanh cho rằng sau khi lên làm thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có những động thái đáng chú ý và được xem là tích cực như chỉ đạo cắt giảm giấy phép con trong kinh doanh, không hình sự hóa các giao dịch dân sự, tinh giản biên chế, yêu cầu bộ máy làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, điều quan trọng, theo ông Doanh, là phải biến các chỉ đạo đó thành hiện thực cũng như phải hình thành các đề án có tính hệ thống và có tính căn bản.

No comments:

Post a Comment