Monday, July 4, 2016

Nhà máy giấy tỷ USD Trung Quốc: “Đầu độc vùng đầm lầy tự nhiên”?

 NGUYỄN THẢO  09:56 04/07/2016
 BizLIVE - Không nằm trong quy hoạch về ngành giấy, không có vùng nguyên liệu nhưng nhà máy giấy Lee & Man vẫn được cấp phép. Nếu chế biến, sản xuất giấy ở Hậu Giang sẽ có thể đầu độc sông Hậu và toàn bộ vùng đầm lầy có giá trị tự nhiên lớn.

Nhà máy giấy tỷ USD Trung Quốc: “Đầu độc vùng đầm lầy tự nhiên”?
Nhà máy giấy Lee & Man tại Hậu Giang. Ảnh TL
Tham vấn cộng đồng cấp xã
Dự án nhà máy giấy Lee & Man tại Hậu Giang có quy mô lớn nhất Việt Nam và là một trong năm nhà máy lớn nhất thế giới, là dự án sử dụng nhiều hoá chất độc hại hại. Nhưng, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhà máy, năm 2008, nhà máy đã tham vấn cộng đồng xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Mặc dù vậy, theo thông tin trên VTV, người dân tại khu vực này khẳng định rằng họ chưa hề được nhà máy hỏi han, tham vấn. Đồng thời, lãnh đạo mới của thị trấn Mái Dầm (trước đây là xã Phú Hữu A) cũng không nắm được việc tham vấn trước đây. Từ khi xây dựng nhà máy này tại đây, các ngành chức năng của thị trấn Mái Dầm không được phép vào nhà máy giấy.
Trong đánh giá mới đây của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng nhận định rằng đây là dự án tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường, nếu không thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo đó, yêu cầu các đơn vị thanh, kiểm tra cần kiểm tra quy trình phê duyệt, nội dung đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải nước thải, công nghệ sản xuất và xử lý nước thải đặc biệt là công nghệ xử lý nước thải.
Thứ hai, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam trong thực hiện quy định đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải, áp dụng quy chuẩn Môi trường; việc thiết kế, thẩm định, xây dựng, kế hoạch vận hành thử nghiệm...
Thứ ba, kiểm tra phương án, công trình ứng phó sự cố môi trường, hồ chỉ thị sinh học, hệ thống giám sát tự động, trực tuyến kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường địa phương, đảm bảo nước thải trước khi thải ra môi trường được kiểm soát đầy đủ các thông số về môi trường theo quy định. Hệ thống này phải dễ dàng tiếp cận và được sự giám sát của người dân.
Hút kiệt dinh dưỡng đất, bức tử dòng sông Hậu
Trao đổi với BizLIVE, ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group cho biết, đồng bằng sông Cửu Long không nên có các xí nghiệp công nghiệp, trong quá khứ nơi đây chưa bao giờ có xí nghiệp công nghiệp.
Lý giải về khẳng định nêu trên, theo ông, do sự chênh lệch mực nước của đồng bằng sông Cửu Long đối với thuỷ triều là luôn luôn bấp bênh hàng nghìn năm nay, trước đây chỉ phát triển công nghiệp ở Đông Nam Bộ mà không phát triển công nghiệp ở miền Tây Nam Bộ là có nguyên do.
“Đồng bằng sông Cửu Long có thể chuyển từ trồng lúa sang trồng xoài nhưng không thể chuyển sang làm giấy. Dinh dưỡng trong đồng bằng sẽ bị hút kiệt nếu chúng ta dùng để trồng nguyên liệu giấy và nếu chế biến giấy ở đây chúng ta sẽ đầu độc sông Hậu và toàn bộ vùng đầm lầy có giá trị tự nhiên lớn là đầm lầy ở đồng bằng sông Cửu Long”, ông Bạt nói.
Thậm chí, ông Bạt so sánh, tác hại, ảnh hưởng môi trường của dự án này sẽ không kém với nhà máy Formosa tại Hà Tĩnh làm thuỷ sản tại 4 tỉnh ven biển miền Trung chết hàng loạt hồi tháng 4 vừa qua. Và khẳng định đây là dự án “đáng bỏ đi”.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Trần Bạt, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng từng gửi công văn tới Quốc hội và Chính phủ cho biết, nhà máy dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 8/2016, xả thải khoảng 28.500 tấn xút (NaOH)/năm xuống sông Hậu.
Vì dự án được đặt ở vùng trũng nhất khu vực nên rất khó rửa trôi một lượng xút lớn, cụ thể, để sản xuất 1 tấn giấy hoặc bột giấy cần 50 kg xút làm chất tẩy. Theo đó, với lượng lớn xút nêu trên đổ ra sông Hậu và biển sẽ huỷ hoại nguồn lợi thủy sản ở sông và biển, đồng thời ảnh hưởng lớn tới việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
“Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lo lắng về dự án nhà máy giấy xả xút công suất khủng đang “bức tử” dòng sông Hậu. Đây quả thực là một vấn đề đáng lo ngại cho vùng sản xuất thủy sản trọng điểm của cả nước - Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực chiếm trên 70% diện tích thủy sản, 40% sản lượng nuôi trồng và 60% sản lượng xuất khẩu của cả nước”, đại diện VASEP chia sẻ.
Được biết, trước khi vào Hậu Giang, Công ty TNHH Giấy Lee & Man thuộc Tập đoàn Lee & Man Hong Kong - Trung Quốc đã muốn đặt nhà máy ở Cần Thơ nhưng bị các chuyên gia môi trường ở Trường Đại học Cần Thơ mà lãnh đạo tỉnh này mời tham gia tiếp xúc phản đối, vì lo ngại sẽ xảy ra những tác động xấu đến môi trường và đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt.

No comments:

Post a Comment