Ngày 15/3/2016, Bộ Xây Dựng có văn bản gửi Ngân hàng nhà nước, đề nghị xem xét kéo dài thời hạn giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30,000 tỷ đồng nếu chưa giải ngân hết sau ngày 1/6.
Theo Bộ Xây Dựng, sau ba năm thực hiện, gói hỗ trợ đã tạo ra những hiệu ứng tích cực đối với thị trường bất động sản. Lượng giao dịch ngày càng tăng, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở nhỏ, trung bình, giá thấp và nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Đến nay tổng số tiền đã ký hợp đồng cam kết cho vay đạt trên 29,500 tỷ đồng, đã giải ngân trên 20,300 tỷ đồng. Trong trường hợp không thể kéo dài thời hạn giải ngân gói tín dụng này, Bộ Xây Dựng đề nghị Ngân hàng nhà nước cho phép các khách hàng được tiếp tục vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất.
Liên quan đến gói cứu trợ 30,000 tỷ đồng vừa được ban hành, Ngân Hàng Nhà Nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường kiểm tra, rà soát việc cho vay, giải ngân đối với khách hàng, đồng thời nghiêm cấm các hành vi lách luật, trục lợi chính sách trước thời điểm gói cứu trợ này kết thúc (ngày 1/6).
Gói cứu trợ 30,000 tỷ đồng này thực chất là khoản hỗ trợ lãi suất cho vay ưu đãi, mà Ngân hàng nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại thực hiện, sử dụng tiền ngân sách nhà nước. Lãi suất thông thường đối với khách hàng vay mua nhà ở trong khoảng 10-12%/năm, nếu được vay ưu đãi từ gói cứu trợ thì lãi suất là 5%/năm.
Tuy nhiên, điều kiện để được vay mua nhà theo gói cứu trợ này là các dự án nhà ở giá rẻ (dưới 1 tỷ đồng), quy mô nhỏ và nhắm tới các dự án chung cư cho người có thu nhập thấp. Do vậy, nếu gói cứu trợ chấm dứt, các khách hàng đã vay sẽ phải trả lãi hàng tháng theo lãi suất thị trường, khiến đời sống của người thu nhập thấp vay mua nhà có nhiều xáo trộn. Mục tiêu an sinh xã hội của gói cứu trợ cũng không còn.
Trên thực tế, khó khăn của ngành bất động sản vẫn còn, bởi nguồn cung dư thừa nhiều so với nhu cầu, đặc biệt là loại nhà ở trung và cao cấp. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng đối với các doanh nghiệp vẫn còn cao, tác động đến giá bán, cũng như khả năng thanh toán.
Để giải quyết khó khăn chung của nền kinh tế của người dân và ngành bất động sản, lãi suất cho vay tại Việt Nam cần được hạ xuống ở mức hợp lý. Điều này khó có thể thực hiện trong tình trạng lạm phát thường xuyên của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
03/16/2016 - 06:52
Nhật Nam / SBTN
No comments:
Post a Comment