Lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam sắp sửa mất đi trong thời gian ngắn, vì người lao động Việt Nam chủ yếu có trình độ tay nghề thấp, và các công ty nước ngoài đang có khuynh hướng hồi hương các hãng xưởng để sản xuất bằng robot.
Đó là cảnh cáo của tác giả Nguyễn Tuyền, trong một bài viết trên báo mạng Dân Trí hôm 27 tháng 11. Tác giả viện dẫn dự báo của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới WEF, cho biết cuộc cách mạng kỹ nghệ thứ tư sẽ khiến cho 5.1 triệu người lao động trên thế giới mất việc do robot.
Theo WEF, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là cơ cấu lao động lạc hậu và trình độ lao động thấp. Nghiên cứu của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế ILO cho thấy, trình độ và mức lương của công việc càng thấp thì nguy cơ bị tự động hóa thay thế càng cao. Tại Việt Nam, WEF cho rằng, cuộc cách mạng kỹ nghệ thứ tư chắc chắn sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh của lao động giá rẻ. Theo dự đoán, người lao động trong các ngành chế tạo và lắp ráp sẽ được thay thế bằng các công nghệ tự động và máy in 3D. Các công nhân có tay nghề thấp, làm việc trong những những ngành thâm dụng nhân lực như dệt may, da giầy, lắp ráp điện tử, chế biến thủy hải sản, dịch vụ bán lẻ… nơi có số lượng doanh nghiệp và số người lao động đang làm việc đông đảo, đều có nguy cơ bị thay thế bởi các tiến trình tự động hóa và robot.
Huy Lam / SBTN
No comments:
Post a Comment