Friday, October 21, 2016

Lũ Quảng Bình, Hà Tĩnh: Người khóc, kẻ cười

Nhiều người dân bắt chuột làm thức ăn khi nước vẫn cao gần tới dây điện. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Liêu Thái/Người Việt
QUẢNG BÌNH (NV) – Trận lũ kinh hoàng trong các ngày 14, 15 và 16 ở Quảng Bình, Hà Tĩnh do thủy điện Hố Hô xả lũ gây ra đã nhấn chìm nhiều huyện ở Quảng Bình và Hà Tĩnh trong biển nước.
Người chết, nhà cửa, tài sản bị cuốn theo dòng nước, xác súc vật trôi nổi ngổn ngang… Ði đâu cũng thấy thảm cảnh, cũng nghe tiếng khóc và tiếng thở dài. Nhưng lạ một chuyện mà lần này chúng tôi gặp ở ngay vùng lũ lụt, vẫn có tiếng cười, cười rất thoải mái, nơi chỉ cách chưa đầy một cây số là đồng loại đang chưa biết sống chết ra sao bởi nước vẫn chưa rút hẳn.
Khi xuống xe ở Lệ Thủy, Quảng Bình, tôi tìm được ông xe ôm, nhờ ông chở về phía sông Kiến Giang. Ông lắc đầu cười: “Bộ muốn tự tử sao đi về hướng đó, nước ngập làm sao mà đi.”
Sau đó tôi tự đi bộ đến chỗ nước sâu và thuê đò đi lên vùng rốn lũ ở Nhật Lệ. Mặc dù nước đã rút đi được 1.5 mét nhưng cánh đồng bên quốc lộ 1A của Lệ Thủy, nơi vốn là vựa lúa của Quảng Bình vẫn còn ngập sâu có nơi lên gần 2 mét nước, dòng nước chảy xiết, đời sống người dân trong vùng ven sông Kiến Giang vẫn còn bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.
Khi chúng tôi đến đây thì có nhà đã dội bùn sạch sẽ bởi nền cao, nước đã rút ra khỏi nhà. Nhưng hầu hết nhà nào cũng còn nước ngập tới gối, bếp núc ướt mèm, không có cơm để ăn, thức ăn chính là muối tiêu, có nhà còn không có muối tiêu để ăn. Có nhà may mắn còn được vài gói mì ăn liền để nhai sống, lấy gói gia vị bên trong hòa với nước lã để húp cho đỡ nhạt miệng.
Người dân kiếm thức ăn sau lũ. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Người dân kiếm thức ăn sau lũ. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Ghé vào một gia đình đang thu nhặt vỏ chai trôi nổi trước sân để đợi nước rút bán ve chai. Nhà có một phụ nữ, một đứa trẻ chừng 15 tuổi gương mặt lơ ngơ đang ngồi ăn bắp bung, một loại bánh làm từ bắp rang mà người dân vùng lũ thường cột thật chặt bao tải rồi bỏ vào bao nilon cho khỏi bị ẩm, bỏ lên gác phòng khi lũ lụt. Hỏi thăm, người đang dọn dẹp đồ và nhặt vỏ chai, vỏ lon trả lời: “Tốc độ nước dâng nhanh kinh hoàng lắm, hãi hùng, hai giờ đồng hồ mà nó dâng gần hai mét nước, không kịp trở tay, ai lại chơi trò xả lũ trong đêm chứ, dân đang ngủ mà xả như vậy thì khác nào giết dân!”
Tiếng khóc ở Ba Ðồn
Rời khỏi nơi các ngôi nhà đang bị cô lập ở Lệ Thủy, tôi thuê đò quay trở ra quốc lộ 1A và tiếp tục bắt xe ra Ba Ðồn, đây cũng là cái rốn lũ ở Quảng Bình. Ba Ðồn cách Lệ Thủy chừng 60 km, nếu đi tiếp vào các xóm thì mất thêm chừng 20km nữa.
Xe chạy nhanh, đến Ba Ðồn trời nhá nhem tối. Tôi nghĩ rằng giờ này là giờ người ta ăn cơm, tôi muốn mục kích khoảnh khắc người dân vùng lũ sinh hoạt trong hoàn cảnh không nước, không điện, không chăn mền, không giường chiếu vì mọi thử đã ngập ngụa bùn non.
Tôi đến rốn lũ lúc 7 giờ tối, sau khi đi một đoạn bằng xe ôm dài gần 10 km để đến Cồn Sẻ. Chúng tôi thuê đò ở Cồn Sẻ, mượn một chiếc áo phao của một giáo viên tiểu học mới quen để đến rốn lũ. Xã Quảng Thiện tuy nước rút nhưng có nhiều nhà vẫn còn bị ngập nửa mét, lội bì bõm. Một số nhà không còn gì, tường đổ, bàn ghế trôi mất, áo quần ướt sạch. Có nhà ăn bắp hầm (bắp đỏ cho heo ăn, mang ra đổ nước vào nấu cho đến khi hạt bắp nở bung ra, bỏ một nắm muối vào cho dễ ăn) có nhà còn được nửa nồi cơm. Nhưng đó là thức ăn quí giá của ngày sau lũ.
Rẽ vào một gia đình đang ngồi ăn cơm dưới ánh đèn dầu tù mù, trong đáy nồi còn đọng vài hạt cơm, bà mẹ trong gia đình đang dùng chiếc vá khui từng hạt cơm nơi đáy nồi đưa lên miệng.
Sách vở của các em nhỏ ướt hết sau cơn lũ. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Sách vở của các em nhỏ ướt hết sau cơn lũ. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Nhìn cảnh gia đình này ăn cơm, thực tâm là tôi muốn ghi lại một bức ảnh lắm nhưng không dám, bởi không thể giải thích được nhưng tôi chỉ thấy là không nên chụp ảnh, chờ người ta ăn xong thì tôi chụp cái đáy nồi cơm chứ chụp gia đình họ dường như có một sự mạo phạm.
Người đàn ông chủ nhà đứng dậy, lấy một chai rượu gạo còn dính đầy bùn non ra rót một tách nhỏ mời tôi: “Chai rượu này tôi đã uống được mấy ly ngày hôm qua, nó an toàn anh ạ, tôi nhặt nó ngoài nước lụt, mở ra thì thấy là rượu nên mang vào uống.”
Khi được hỏi “nhà mình có bị trôi mất đồ không chú,” cười chua chát: “Lên đến đây thì nhà báo đừng hỏi câu đó, vì trôi đồ là không có nhà nào thoát cả, không trôi con bò thì cũng trôi con heo, không ngập cái ti vi, cái tủ lạnh thì cũng ngập bàn ghế, áo quần, không có ai là thoát trận lũ này cả! Nhà báo nên hỏi là có ai chết không mới đúng!”
“Nhà mình ngập tới đâu vậy chú, mấy ngày lụt mình có gì để ăn uống không?,” tôi hỏi.
“Ngày đầu tiên thì còn mấy gói mì tôm để nấu canh, thường thì bữa cơm bình thường nhà tôi ăn canh rau tự trồng quanh vườn, bữa nào cải thiện thì nấu canh mì tôm ăn cơm. Nhà có bốn đứa đi học, chỉ làm ruộng nuôi heo thì ăn được vậy là quá tốt rồi.”
“Nhà mình đang phơi lúa, mai mốt xay gạo nấu cơm có ảnh hưởng gì không chú?”
“Thì nó sẽ bã ra rất khó ăn, may mà tôi phơi sớm chứ lỡ nhà chưa rút nước hết, không có chỗ thì chắc là không ăn được, bởi khi mà lúa nảy mầm rồi thì hạt gạo đắng ngắt à, nấu thành cơm thì nở và để lâu một chút thì thành bột, rất khó ăn!”
“Hôm trong cơn lụt, có ai đến cứu trợ không chú?” “Ðang lụt thì làm sao cứu trợ được!”
Một trong những nhà nằm ở đất cao rốn lũ Hương Khê. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Một trong những nhà nằm ở đất cao rốn lũ Hương Khê. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
“Ý cháu là có nhà nước hay quân đội chạy ca nô máy mang mì tôm hoặc bánh mì đến cứu trợ cho mình không?”
“Hôm đó nước chảy lớn quá, bên Lệ Thủy có người trôi chết nữa mà nhà nước nào dám tới! Anh không thấy sao, thường những quan chức tai to mặt lớn họ đến muộn lắm, ít nhất là khi nước đã rút hẳn, trước khi họ đến thì các cơ quan địa phương lo dọn dẹp sạch sẽ để đón họ, họ tặng quà thì có sắp xếp trước. Hầu hết mấy bà mẹ liệt sĩ và thương binh nhận quà của họ chứ dân thường đâu có được tới gần họ đâu. Trên TV hay báo chí có hình mấy ông bà cán bộ trung ương tặng quà cho mấy người dân, thực ra là dân cán bộ về hưu hoặc gia đình liệt sĩ, thương binh chế độ chứ không phải dân đen cuốc đất đâu!”
“Mấy người con trong nhà học trường nào vậy chú?”
“Ðứa đầu học năm thứ tư Ðại Học Bách Khoa Ðà Nẵng, đứa thứ hai học Ðại Học Sư Phạm Huế, đứa thứ ba học lớp 11 và đứa út học lớp 8. May mắn là mấy đứa con tôi học giỏi, chứ không thì tiền học thêm của hai đứa nhỏ mình trả cũng đọa. Ðược cái là thầy cô ngoài này tốt, họ không bắt con tôi phải học thêm hoặc ép uổng nếu con tôi không học thêm mà thấy con tôi học giỏi, họ còn giúp đỡ. Nhờ vậy mà vợ chồng tôi trụ nổi. Mà có trụ gì thì cũng nợ ngân hàng sáu chục triệu đồng rồi. Thế chấp cái nhà này để vay tiền cho hai đứa lớn ăn học đấy, đứa học sư phạm thì ít tốn tiền nhưng không biết ra trường làm gì đây, đứa bách khoa thì tốn nhiều tiền lắm nhưng có hy vọng là ra trường nó tự tìm việc được. Giờ thêm trận lụt này nữa thì chẳng biết tính sao đây!”
Tôi chỉ biết tặng ông một chút tiền mọn rồi tiếp tục đi sang những nhà khác, thú thực, đâu rồi cũng giống đâu, nhà nào cũng đói, lạnh, trôi vật dụng, chết trâu bò, không chết trâu bò thì cũng chết gà, vịt chết… Không khí có chút gì đó tang tóc, khó tả mặc dù xã này không có người nào bị nước cuốn chết. Nhưng chưa chắc! Nước không cuốn, đó là một may mắn, nhưng sống trong điều kiện không có vệ sinh, nguồn nước chứa đầy xác động vật và thiếu thốn đủ thứ như vậy, chuyện bệnh tật sau lũ lụt là chuyện khó tránh khỏi!
Hương Khê vẫn chìm trong biển nước
Tạm biệt Ba Ðồn, chúng tôi tiếp tục bắt xe ra Hà Tĩnh, tiếp tục bắt xe lên Hương Khê, đây là huyện nằm về phía Tây tỉnh Hà Tĩnh, địa hình bán trung du đồi núi, có độ cao nhỉnh hơn so với Hà Tĩnh nhưng lại bị lũ lụt thường xuyên, chuyện này chỉ mới xảy ra chừng mười năm trở lại đây, kể từ khi thủy điện Hố Hô tích nước quá nhiều vào mùa Hè để đảm bảo công suất và đến mùa mưa lại xả ồ ạt “đúng qui trình” để giữ thân đập không bị vỡ.
Các em nhỏ dọn dẹp trường học sau cơn lũ. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Các em nhỏ dọn dẹp trường học sau cơn lũ. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Người dân Hương Khê vốn quen với đời sống nước lũ mỗi khi mùa Ðông tới, quen đến nỗi thành một thứ đặc trưng kinh tế, đã có khá nhiều cửa hàng chuyên bán bơm áp lực để rửa nhà ở thị trấn Hương Khê. Và dù giàu nghèo gì thì mỗi nhà ở huyện Hương Khê đều phải trang bị cho họ một cái máy bơm áp lực để khi nước lũ rút đi, họ mang ra xịt bùn non và xịt các cây bị dính bùn non. Bởi sống quá gần cửa xả của thủy điện Hố Hô nên khi có lũ, Hương Khê đón bùn đất đầu tiên và nhiều nhất. Khi tôi đến, bùn non vẫn còn đọng một lớp dày trên ngọn cây các vườn.
Mà hầu hết người Hương Khê đều trồng cam, bưởi, chuối, đây là ba loại nông sản chính ở huyện này. Cứ sau mỗi trận lụt, mức độ thiệt hại ở đây không dừng ở đồ vật mà cả cây cối. Cây chết, người ta lại trồng cây khác, may mắn thì năm sau lụt ít, ngập không lâu, nó sống, không may bị nước ngập chừng hai ngày thì những cây từ một đến hai tuổi, rễ cắm chưa đủ sâu sẽ chết sạch.
Tôi gọi điện thoại về hỏi thăm ở Quảng Bình nước rút đến đâu rồi thì ông xe ôm ở ngã ba Lệ Thủy, người chở tôi đi hôm trước cho biết là nước đã rút gần hết. Trong khi đó, tại Hương Khê, nước lên với tốc độ rất nhanh nhưng nước rút lại rất chậm. Vì địa hình Hương Khê giống như cái lòng chảo, vùng bán trung du này khá cao trong Hà Tĩnh, nhưng nghiệt nỗi con sông Ngàn Sâu chảy ngang qua cái lòng chảo này và lại gần với cửa xả lớn nhất của Hố Hô nên khi thủy điện này xả nước thì Hương Khê sẽ nhanh chóng chìm trong biển nước.
Và có một điểm rất lạ, Hương Khê là thị trấn núi, dân tình hầu hết nghèo khổ nhưng lại có khách sạn của Hoàng Anh Gia Lai ở đó và có khách sạn ba sao. Tìm một quán cơm bình dân trong thị trấn Hương Khê chẳng khác nào tìm kim đáy biển nhưng tìm một quán lẩu dê, lẩu hải sản hoặc quán nhậu, nhà hàng thì vô cùng dễ, karaoke cũng mọc đầy. Tôi rất ngạc nhiên về chuyện này, nhất là sáng hôm sau khi đi một vòng quanh thị trấn tôi nhìn thấy có khá nhiều biệt thự vườn. Hỏi ra mới biết tất cả các biệt thự là của các quan huyện, các trưởng, phó công an huyện, các hiệu trưởng.
Chiều hôm đó, tôi đến xã Gia Phố và thăm những nhà bị ảnh hưởng nặng, trong đó có ba gia đình Thiên Chúa Giáo neo đơn, chỉ có hai vợ chồng già, người chồng đi giữ trâu thuê, đi cuốc cỏ thuê để nuôi người vợ đau ốm.
Chúng tôi tặng quà cho các gia đình này tất thảy 8 triệu đồng cùng 2 triệu đồng do nhà thơ Lê Vĩnh Tài nhờ gởi tặng giùm. Khi về lại phòng trọ, hỏi tìm quán cơm tuyệt nhiên không có. Cuối cùng, tôi tự thưởng cho một ngày làm việc “hiệu quả” bằng cách vào quán dê núi gần chỗ trọ. Tại đây có cả một hội đồng giáo dục trường trung học phổ thông đang ăn nhậu, cười nói vui vẻ trong quán.
Trong câu chuyện của họ cứ lòng vòng quanh chuyện ai hát hay, ai hát dở bởi sau chầu thịt dê này, cả hội đồng sẽ kéo nhau đi hát karaoke gọi là đón ngày 20 tháng 10, ngày thành lập Hội Phụ Nữ Việt Nam sớm trong lúc lũ lụt, để mai mốt hết lụt thì dạy bù không có thời gian đi chơi. Tự dưng lúc đó tôi nhớ đến anh Lê Vĩnh Tài bởi lời nhắn trên facebook là không nên khoe món ngon mình đang hưởng thụ mà hãy quan tâm hơn đến những người đang đói rét ở vùng lũ.
Tôi nghĩ, chắc lúc viết status này, anh Tài có vắt óc cũng không tưởng tượng ra được những trận cười trong lúc cách chỗ họ hưởng thụ không xa, chưa đầy một cây số là những gia đình cơm không có mà ăn, ngủ lạnh, có cả cảnh màn trời chiếu đất!

No comments:

Post a Comment