CÀ MAU (NV) – Hàng trăm người dân khắp nơi tiếp tục khai thác nghêu vì cho rằng đây là bãi bồi tự nhiên bị chiếm hữu làm của riêng, trong khi hợp tác xã nuôi nghêu Ðất Mũi khẳng định họ được phép nuôi.
Theo VNExpress, ngày 19 tháng 10, hàng trăm người dân từ các nơi vẫn đổ về bãi bồi Khai Long, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, dùng vợt cào bắt nghêu trong khu vực được cho là vùng nuôi nghêu của hợp tác xã nuôi nghêu Ðất Mũi, buộc chính quyền địa phương phải huy động nhiều lực lượng ra giữ gìn trật tự.
Tại các bãi nghêu, các xã viên chỉ biết đứng nhìn và xin người dân chừa lại cho họ một phần để gỡ vốn đầu tư. Trong khi đó, người bắt nghêu lại cho rằng mình không cướp của ai, mà chỉ khai thác nghêu tự nhiên trên vùng ngư trường sinh kế đã có từ bao đời nay.
Ông Ðạo, một hộ nghèo ở huyện Năm Căn cho biết, trước khi mùa nghêu giống sản sinh từ đầu tháng 4, gia đình ông sống bằng nghề đăng lú bắt tôm, cua theo bãi bồi. Ðến lúc nghêu giống xuất hiện, ông và hàng ngàn hộ dân nghèo ở khắp nơi đến khai thác vì nghĩ là “lộc trời ban.”
Những người nghèo cho rằng, việc một số người có tiền đến “bắt tay” với hợp tác xã khoanh vùng, dùng cọc cắm bao chiếm diện tích mặt nước bãi bồi mà vốn là “nồi cơm” của họ là điều vô lý.
Song, bà Nguyễn Ngọc Sương, người phụ nữ khóc van xin hàng ngàn người đừng cướp nghêu vài ngày trước lại cho biết, mình đã đầu tư tiền tỷ để mua nghêu giống từ Vũng Tàu, Tiền Giang,… về nuôi trên diện tích hơn 5 ha được thuê này. “Tôi chỉ biết đứng nhìn và cầu cứu ngành chức năng bảo vệ tài sản cho mình,” bà Sương nói.
Nói với VNExpress, ông Nguyễn Hoàng Khương, chánh văn phòng ủy ban huyện Ngọc Hiển, cho biết, năm 2014, tỉnh thành lập 16 hợp tác xã tại vùng bãi bồi, với diện tích được giao hơn 400 ha, nhưng đã bị tỉnh thu hồi do: “Ði vào hoạt động, các hợp tác xã không làm đúng quy định và không có hiệu quả.”
Theo ông Khương, hiện chính quyền vẫn chưa giao lại phần bãi bồi này cho hợp tác xã nuôi nghêu Ðất Mũi, thế nhưng hợp tác xã đã lấy một số diện tích được giao trước đây cho nhiều người thuê lại là sai.
“Sắp tới huyện sẽ ra quyết định giải thể bắt buộc hợp tác xã nếu họ tiếp tục vi phạm,” ông Khương nói với VNExpress.
Ngược lại, ông Lê Phú Sánh, giám đốc hợp tác xã nuôi nghêu Ðất Mũi khẳng định, phần đất hợp tác xã cho các xã viên thuê vẫn thuộc quyền mình quản lý, vì theo quyết định giao đất trước đây đến năm 2019 mới hết hiệu lực.
“Chính quyền địa phương nói chúng tôi bao chiếm đất, cho thuê thu lợi bất chính là hoàn toàn không đúng, bởi hơn 180 xã viên đã đầu tư, nguồn vốn khoảng 11 tỷ đồng,” ông Sánh bất bình cho biết. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment