Saturday, September 3, 2016

Thủ tướng Phúc có dám thanh trừng bộ máy tham mưu?

Một đoàn xe cơ quan nhà nước đi ăn đám giỗ. Ảnh baodatviet.vn
Ba tuần sau “biến cố Hội An” mà đã làm mất mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi để đoàn xe công tràn vào phố đi bộ, ông Phúc vừa có một động thái đáng chú ý về chấn chỉnh tác phong làm việc đối với giới quan chức các bộ ngành và tỉnh thành.
Trong một văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo “về việc tham gia đoàn công tác địa phương của lãnh đạo Chính phủ”,Thủ tướng Phúc yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố không tổ chức đón đoàn trên đường đi, chỉ tổ chức đón tại địa điểm đến công tác, trừ lực lượng công an dẫn đường. Thành phần tham gia đoàn của tỉnh, thành phố không quá 3 xe hơi (bao gồm xe chung của bí thư, chủ tịch và xe chung của các sở, cơ quan khác theo yêu cầu); Thứ trưởng trở xuống, các thành phần khác tham gia đoàn công tác đi xe chung do văn phòng chính phủ bố trí (bộ trưởng được đi xe riêng).
Cần nhắc lại, ngày 9/8/2016, một đoàn xe hơi sang trọng đến 30 chiếc của Thủ tướng Phúc lừ lừ tiến và chiếm lĩnh con đường chỉ dành tiêng cho người đi bộ tại Phố cổ Hội An. Lâu lắm rồi, không gian văn hóa dân tộc tĩnh mịch được UNESCO công nhận này mới bị phá vỡ bởi tiếng còi hụ dẹp đường của lớp cảnh sát giao thông kiêu binh. Cũng lâu lắm rồi, người dân Phố cổ mới ngơ ngác và kinh ngạc trước đoàn xe bất chấp biển hiệu đường cấm xe hơi. Ngay lập tức, những hình ảnh của đoàn xe Thủ tướng Phúc cùng ý kiến bày tỏ sự bất bình của nhiều du khách nước ngoài xuất hiện lên trên mạng xã hội, gây nên một làn sóng công phẫn và phản đối dữ dội. Hành vi phạm luật đã quá rõ: ông Nguyễn Xuân Phúc bị điểm âm trong vai trò thủ tướng.
Sau đó, vài tờ báo nhà nước đã mau mắn viết bài thanh minh cho Thủ tướng Phúc. Nhưng không hiểu do nhiệt tình đáng nghi ngờ hay ấu trĩ kiến thức mà càng viết, những tờ báo này lại càng khiến cho người đọc có cảm giác rõ rệt là thủ tướng Việt Nam là một nhân vật rất đặc quyền, muốn đi như thế nào thì đi và luật sinh ra là để phục vụ cho cái chuyện đi đứng ấy.
Để sau đó, ông Nguyễn Xuân Phúc đã phải công khai xin lỗi người dân về hành vi xe công vào đường cấm và cho rằng ông “không biết chuyện này”. Dù sao, hành động xin lỗi của ông Phúc cũng được nhiều người, kể cả giới trí thức bất đồng ở Việt Nam, đánh giá là “chưa có tiền lệ”, và đương nhiên vượt hơn hẳn mặt bằng công khai ém nhẹm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đây.
Vấn đề còn lại là sau lời xin lỗi, Thủ tướng Phúc sẽ làm gì để chấn chỉnh bộ máy tham mưu - một dàn quan chức quen cậy thần thế và xu nịnh, chưa tính đến việc có thể có thuộc cấp nào đó muốn “gài” tân thủ tướng? 
Thói nhơ nhớp, ăn bẩn và thủ đoạn phe phái đã từ lâu được giới quan chức các cấp ở Việt Nam “thấm nhuần”. Ngay cả với Nguyễn Xuân Phúc – người đã có thâm niên làm quen với cơ quan Văn phòng chính phủ một số năm trước khi trở thành thủ tướng, cũng chỉ nắm được một bộ phận nhân sự thuộc loại “trung thành”, trong lúc còn quá nhiều nhân sự khác mà ông Phúc “chỉ hở ra là bị gài”.
Bởi thế, muốn tồn tại đủ lâu trên cái ghế thủ tướng, ông Phúc bắt buộc phải có những động tác quyết liệt và quyết liệt hơn hẳn để không chỉ chấn chỉnh mà còn thanh trừng một số trong giới tham mưu chuyên tác oai tác quái.
Cho tới nay, chủ trương giảm thiểu “giấy phép con” để hỗ trợ doanh nghiệp của Thủ tướng Phúc, dù được dư luận đánh giá là đúng, vẫn ậm ạch trên cung đường quá nhiều lực cản ở nhiều tỉnh thành, và đặc biệt là một cơ quan tham mưu sát sườn ông Phúc – Bộ Công Thương.
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment