HÀ NỘI (NV) – “Bớt chỉ đạo, tăng kiến tạo” là khuyến nghị của Ngân Hàng Thế Giới (WB) đối với chính quyền Việt Nam, khi công bố nghiên cứu về việc chuyển đổi nhằm tăng giá trị của nông nghiệp Việt Nam.
Nói thêm tại buổi công bố nghiên cứu về phát triển nông nghiệp Việt Nam, ông Ousmane Dione, giám đốc chi nhánh tại Việt Nam của WB, nhận định, lối điều hành-quản trị nông nghiệp của chính quyền Việt Nam đã lỗi thời. Hậu quả nhãn tiền là tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp liên tục sụt giảm. Nông nghiệp trở thành lĩnh vực dễ bị tổn thương trước những biến đổi thời tiết và những tác động của môi trường. Nếu muốn bảo đảm sự tăng trưởng của nông nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nông dân, chính quyền Việt Nam phải thay đổi lối quản trị-điều hành.
Lối quản trị-điều hành trước nay của chính quyền Việt Nam đã biến nông nghiệp Việt Nam trở thành manh mún, qui mô thì nhỏ bé. Khoảng 90% đất nông nghiệp nằm trong tay các gia đình nông dân và các trang trại, song diện tích canh tác bình quân/nông dân của Việt Nam chỉ đạt 0.34 hecta – thấp nhất Ðông Nam Á, thua cả Cambodia, Myanmar. Do chính quyền ngăn cản việc tích tụ ruộng đất bởi “định hướng xã hội chủ nghĩa,” không bảo đảm các quyền về tài sản nên doanh giới không muốn đầu tư vào nông nghiệp.
Những biện pháp kiểm soát mang tính hành chính về đất đai, việc hệ thống công quyền can thiệp quá sâu vào cả thị trường đầu vào lẫn đầu ra được cho là đang kìm hãm quá trình chuyển đổi của nông nghiệp Việt Nam, khiến nông nghiệp không thể chuyển hướng để có thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò quan trọng của mình đối với kinh tế Việt Nam.
Lối quản trị-điều hành nông nghiệp cũng được xác định là nguyên nhân chính khiến chi phí cho lao động trong nông nghiệp tăng, năng lực cạnh tranh mà trước đó dựa chủ yếu vào chi phí thấp của nông sản thô bị suy giảm. Việc sử dụng quá mức cả tài nguyên lẫn các thứ “vật tư đầu vào” (như phân hóa học, thuộc bảo vệ thực vật,…) tạo ra những vấn nạn về môi trường, làm suy giảm vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới vì cả chất lượng lẫn độ an toàn không cao.
Theo WB thì những yếu tố vừa kể khiến GDP của nông nghiệp Việt Nam giảm liên tục, tốc độ tăng năng suất khựng lại, khoảng cách về thu nhập giữa nông dân với lao động của các lĩnh vực khác càng lúc càng rộng. Nông nghiệp không có khả năng chống đỡ với việc bị quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp và dịch vụ, cạnh tranh về nhân lực, các nguồn tài nguyên quan trọng như đất và nước.
Năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế được nhận định là chỉ có thể thay đổi khi nông dân và doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm có độ tin cậy cao về, chất lượng, sự an toàn và mức độ bền vững.
WB khuyến cáo, muốn có nền nông nghiệp hoạt động hiệu quả và nâng được giá trị gia tăng của nông nghiệp thì chính quyền Việt Nam phải gia tăng đầu tư có chọn lọc, đầu tư tập trung vào những loại hàng hóa, dịch vụ công quan trọng. Chính quyền Việt Nam được đề nghị là phải giảm quy hoạch sử dụng đất dài hạn, giảm các nông trường và lâm trường quốc doanh, tham gia trực tiếp vào việc mua bán-tiêu thụ nông sản cho nông dân. Chỉ tăng những quy định nhằm hỗ trợ phát triển thị trường đất đai, hỗ trợ sự kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp, hỗ trợ rủi ro trong sản xuất, kinh doanh nông sản.
Khi được mời nhận xét về các nhận định và khuyến cáo của WB đối với nông nghiệp Việt Nam, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế của Việt Nam, cho rằng, chắc chắn nông nghiệp phải đi theo một con đường khác với trước đây, không thể chỉ là chỗ dựa cho nền kinh tế (vắt kiệt nông nghiệp, nông dân để phát triển những lĩnh vực khác). Theo bà Lan, lẽ ra WB nên có thêm ý kiến cả về yếu tố công bằng trong phát triển nông nghiệp vì phân hóa giàu nghèo hiện rất lớn và là thách thức không hề nhỏ. Nông dân vẫn là giới chịu đủ thứ thiệt thòi nhưng được hưởng rất ít lợi ích. Bà Lan lưu ý thêm là nếu nông dân không có quyền sở hữu đất đai một cách đầy đủ thì mô hình nào cũng khó thành công.(G.Ð)
No comments:
Post a Comment