Wednesday, September 21, 2016

Hậu Trịnh Xuân Thanh tung tăng tẩu thoát: Tổng bí thư Trọng bất ngờ ‘vào’ đảng ủy công an trung ương

Cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lẫn Thủ tướng Chính phủ tham gia Đảng ủy Công an Trung ương. Ảnh TTXVN
Chỉ ít ngày sau khi xảy ra biến cố Trịnh Xuân Thanh ung dung tẩu thoát ngay trước mũi công an và biến Tổng bí thư Trọng thành trò hài hước trong dư luận xã hội, ông Nguyễn Phú Trọng đã “được chỉ định” vào Ban thường vụ đảng ủy công an trung ương.
Báo chí nhà nước ghi nhận: đây là lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ, Tổng bí thư tham gia đảng ủy và Ban thường vụ đảng ủy Công an Trung ương.
Sự kiện được xem là rất đặc biệt này xảy ra vào ngày 21/9/2016 với lễ công bố Quyết định của Bộ Chính trị Khóa XII về việc chỉ định đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 16 người; Ban thường vụ đảng ủy gồm 7 người, trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Như vậy kể từ nay, ông Nguyễn Phú Trọng đã trở thành “công an”, và lịch giao ban định kỳ của Tổng bí thư Trọng sẽ có thêm mục làm việc tại đảng ủy công an trung ương. Cũng kể từ nay, Đảng ủy công an trung ương sẽ phải giao ban định kỳ và họp dột xuất với sự “giám sát” của Tổng bí thư Trọng.
Duy có điều, bản tin của Thông tấn xã Việt Nam về Quyết định của Bộ Chính trị về việc chỉ định đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 lại không nói rõ vai trò của ông Nguyễn Phú Trọng là gì trong Ban thường vụ Đảng ủy công an trung ương. Sự thể này là khác hoàn toàn với chức danh “được chỉ định” của ông Trọng là bí thư trong Quân ủy trung ương.
Vậy ông Tổng bí thư Trọng sẽ là cấp dưới hay cấp trên của Bộ trưởng công an Tô Lâm trong Ban thường vụ đảng ủy công an trung ương?
Vào ngày 4/5/2016, Bộ Chính trị đã công bố quyết định “phân công đồng chí Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giữ chức Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương”.
Sắp tới, nếu chức danh Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương được giữ nguyên cho ông Tô Lâm, ông Trọng sẽ phải chấp nhận giữ vai trò không đứng đầu trong Đảng ủy Công an Trung ương, và do đó bộ trưởng công an mới là người có quyền quyết định cuối cùng.
Còn nếu ông Nguyễn Phú Trọng “được chỉ định” vào chức danh Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bí thư Tô Lâm sẽ vô hình trung bị “cách chức”. Lúc này sẽ xảy ra một tình huống ngoạn mục: Bộ Công an cùng lúc có hai “bộ trưởng” - một bộ trưởng về chính quyền và một “chính ủy” chỉ đạo bộ trưởng.
Và nếu ông Trọng được cơ cấu là Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, sẽ là lần đầu tiên một tổng bí thư vừa là Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương lẫn Bí thư Quân ủy Trung ương, mà về thực chất chính là nhân vật “thống lĩnh các lực lượng vũ trang” chứ không còn là chủ tịch nước làm chuyện này theo Hiến pháp.
Khi đó, ông Trần Đại Quang sẽ làm gì?
Cũng cần nhắc lại, vụ Trịnh Xuân Thanh tung tăng đào tẩu nhưng đến giờ chưa dò ra đã khiến bùng nổ nhiều dư luận về việc có một đường dây giúp cho Thanh trốn và Tổng bí thư Trọng không “nắm” được Bộ Công an lẫn Đảng ủy Công an Trung ương.
Còn bây giờ, xin chúc mừng ông Trọng đã cố “nắm” được Đảng ủy Công an Trung ương.
Chỉ có điều, chưa biết đây có phải là một nước cờ đủ sức tập quyền cho ông Trọng hay sẽ khiến mọi chuyện trở nên rối beng?
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment