Tuesday, August 30, 2016

Ðinh La Thăng có thật sự ‘bật đèn xanh’ cho công nhân đình công?

Luật Sư Lê Công Ðịnh trong một lần tuần hành đòi chính quyền minh bạch vụ biển nhiễm độc ở 4 tỉnh miền Trung. (Hình: Facebook Luật sư Lê Công Ðịnh)
Luật Sư Lê Công Ðịnh trong một lần tuần hành đòi chính quyền minh bạch vụ biển nhiễm độc ở 4 tỉnh miền Trung. (Hình: Facebook Luật sư Lê Công Ðịnh)
Ðiếu Cày/Người Việt
LTS: Báo Người Việt phỏng vấn Luật Sư Lê Công Ðịnh về việc ông Ðinh La Thăng, bí thư thành ủy Sài Gòn trong cuộc họp mới đây “đề nghị” Liên Ðoàn Lao Ðộng thành phố này mạnh dạn tổ chức cho cán bộ công đoàn lãnh đạo công nhân đình công theo luật.
***
Người Việt (NV): Thưa luật sư. Tại Việt Nam, tất cả cán bộ công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp là do chủ doanh nghiệp trả lương, vậy họ bảo vệ lợi ích của chủ doanh nghiệp hay bảo vệ lợi ích của công nhân?
Luật Sư Lê Công Ðịnh (LCÐ): Do luật hiện hành không cho phép thành lập các công đoàn cơ sở độc lập và cũng không cho phép các công đoàn cơ sở được gây quỹ hoạt động riêng lẻ, nên cán bộ công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp là do chủ doanh nghiệp trả lương. Ðiều này dẫn đến sự xung đột lợi ích trong trường hợp công đoàn đứng ra bảo vệ lợi ích của công nhân.
NV: Ông Ðinh La Thăng đề nghị Liên Ðoàn Lao Ðộng Sài Gòn mạnh dạn tổ chức cho cán bộ công đoàn lãnh đạo công nhân đình công theo luật. Luật sư cho biết ý kiến về sự kiện này?
LCÐ: Bộ Luật Lao Ðộng hiện hành đã tạo hành lang pháp lý để công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo đình công của công nhân, nhưng trên thực tế Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng luôn chi phối mọi hoạt động công đoàn, trong đó có vấn đề tổ chức đình công, mà Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng là cánh tay nối dài của đảng Cộng Sản trong lĩnh vực nghiệp đoàn. Vì lý do an ninh quốc gia và trật tự xã hội, chắc chắn đảng Cộng Sản và nhà nước không bao giờ muốn bất cứ sự kiện nào có thể gây bất ổn cho sự cai trị của họ.
Do vậy, tuy luật cho phép, nhưng công đoàn cơ sở và đặc biệt là Liên Ðoàn Lao Ðộng thành phố Sài Gòn chưa bao giờ dám tự ý tổ chức đình công, mà không có sự cho phép trước trên nguyên tắc của Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng. Lời đề nghị của ông Ðinh La Thăng thật sự táo bạo trong hoàn cảnh hiện nay và cũng cho thấy sự bất lực của các công đoàn cơ sở trong việc bảo vệ quyền lợi của công nhân.
Ông Ðinh La Thăng, bí thư thành ủy Sài Gòn, trong cuộc họp hôm 23 tháng 8 chất vấn chủ tịch Liên Ðoàn Lao Ðộng thành phố Trần Kim Yến rằng, “Công đoàn tổ chức cuộc đình công nào thành công chưa?” (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
Ông Ðinh La Thăng, bí thư thành ủy Sài Gòn, trong cuộc họp hôm 23 tháng 8 chất vấn chủ tịch Liên Ðoàn Lao Ðộng thành phố Trần Kim Yến rằng, “Công đoàn tổ chức cuộc đình công nào thành công chưa?” (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
NV: Ðiều 210 của Bộ Luật Lao Ðộng về tổ chức và lãnh đạo đình công: “1. Ở nơi có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công phải do ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo. 2. Ở nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công do tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức và lãnh đạo theo đề nghị của người lao động.” Luật sư cho biết điều luật này đã gây khó khăn gì cho công đoàn độc lập trong việc tổ chức đình công về mặt pháp lý?
LCÐ: Do công đoàn độc lập chưa được công nhận và cấp phép hoạt động, nên nếu việc tổ chức đình công phải thông qua ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tổ chức công đoàn cấp trên, thì chắc chắn việc tổ chức đình công của công đoàn độc lập sẽ bị xem là bất hợp pháp. Ðiều này là một trở ngại lớn, vì công nhân sẽ không dám tham gia công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của mình.
NV: Khi Việt Nam tham gia vào TPP và các tổ chức công đoàn độc lập công khai hoạt động thì những điều luật hạn chế này có còn giá trị?
LCÐ: Nếu Quốc Hội các nước thành viên TPP phê chuẩn thỏa ước liên quốc gia về TPP, thì công đoàn độc lập có thể được thành lập một cách hợp pháp tại Việt Nam. Tất nhiên việc ban hành hay duy trì các quy định hạn chế hoạt động của công đoàn độc lập sẽ bị chế tài nghiêm khắc bởi cộng đồng các nước thành viên TPP. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhà nước Việt Nam dễ dàng chấp nhận vai trò của công đoàn độc lập và tạo mọi điều kiện để nó hoạt động dễ dàng.
Thái độ thiếu nghiêm túc của nhà nước Việt Nam trong việc thi hành các thỏa ước quốc tế về thương mại trước đây như Hiệp Ðịnh Thương Mại Việt-Mỹ (BTA) năm 2000 và các thỏa thuận của Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO) năm 2007 là bằng chứng thuyết phục để chúng ta quan ngại rằng công đoàn độc lập sẽ không đương nhiên có được một hành lang pháp lý tốt để khai triển hoạt động của mình trong tương lai.
Nhà nước Việt Nam từng tự tiện đặt ra các chính sách và quy định dưới luật để hạn chế quyền của nhà đầu tư và thương nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, mặc dù các quyền đó được BTA và WTO công nhận theo lộ trình mở cửa thị trường nội địa mà chính Việt Nam đã cam kết thực hiện.
Trên thực tế, trong nhiều năm qua, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam luôn cố tình dựng lên hàng rào giấy phép vô lý để ngang nhiên cản trở và tước đoạt các quyền kinh doanh hợp pháp của giới kinh doanh quốc tế trong những ngành nghề kinh tế khác nhau, mà không bị trừng phạt nghiêm khắc.
Với não trạng và thói quen quản lý gian lận đó của nhà cầm quyền, có thể tiên liệu rằng các công đoàn độc lập mà TPP yêu cầu thành lập chắc chắn sẽ không có một tương lai rộng mở, nhất là khi đảng Cộng Sản luôn nhìn công đoàn độc lập như những “tổ chức chính trị trá hình” chịu sự chi phối của các “thế lực thù địch.”
NV: Xin cảm ơn luật sư!

No comments:

Post a Comment