VIỆT NAM – Ông Phạm Thanh Hải, ngụ tại Ðà Nẵng đã dùng cả chứng minh nhân dân lẫn hai hộ chiếu đã hết hạn và đang còn hạn sử dụng mà vẫn không “chứng minh” được ông chính là… Phạm Thanh Hải!
Theo lời ông Hải thì vì cần sử dụng dịch vụ thanh toán tự động nên ông đến chi nhánh Ðà Nẵng của Ngân Hàng Ngoại Thương (Vietcombank) để làm thủ tục. Nhu cầu vốn dĩ chính đánh và thủ tục được quảng cáo là giản đơn cuối cùng trở thành một hành trình dài dàng dặc, hiện chưa có hồi kết.
Ông Hải cho biết, giai đoạn từ 1993 đến 1997, ông theo học tại Ðại Học Tổng Hợp Huế. Ðó cũng là lúc ông mở tài khoản tại Vietcombank bằng “chứng minh nhân dân” do công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp.
Sau đó ông quay về Ðà Nẵng nên đổi “chứng minh nhân dân” do công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp thành “chứng minh nhân dân” do công an thành phố Ðà Nẵng cấp.
Tất cả những giấy tờ tùy thân ông Hải đang sử dụng đều dùng số “chứng minh nhân dân” do công an thành phố Ðà Nẵng cấp.
Mới đây, khi ông Hải cần sử dụng dịch vụ thanh toán tự động của Vietcombank thì dựa trên dữ liệu lưu trữ, nhân viên chi nhánh Ðà Nẵng của Vietcombank đòi ông Hải xuất trình “chứng minh nhân dân” mà công an tỉnh Thừa Thiên-Huế từng cấp. “Chứng minh nhân dân” do công an thành phố Ðà Nẵng cấp không có giá trị sử dụng vì không khớp với dữ liệu lưu trữ.
Ông Hải quay về nhà bới tung mớ giấy tờ cá nhân và tìm được hộ chiếu cũ được cấp dựa trên “chứng minh nhân dân” mà công an tỉnh Thừa Thiên-Huế từng cấp. Cẩn thận hơn, ông Hải mang luôn cả hộ chiếu mà ông đang sử dụng đến Vietcombank để chứng minh ông chính là Phạm Thanh Hải – chủ tài khoản mà xưa giờ ông vẫn sử dụng nhưng nhân viên Chi nhánh Ðà Nẵng của Vietcombank không chấp nhận. Hộ chiếu không phải là “chứng minh nhân dân,” không có số khớp với dữ liệu mà họ lưu trữ.
Cuối cùng, ông Hải phải chạy tới công an thành phố Ðà Nẵng, xin xác nhận Phạm Thanh Hải hiện nay là Phạm Thanh Hải hồi… xưa. Ðáng ngạc nhiên là khi đổi chứng minh nhân dân cho ông Hải, công an Ðà Nẵng đã từng kiểm tra kỹ càng nhưng khi ông Hải có nhu cầu, công an Ðà Nẵng vẫn bắt điền… đơn, đưa đơn về cho chính quyền địa phương xác nhận và nộp thêm copy các loại giấy tờ cho thấy ông Hải từng có một “chứng minh nhân dân” như ông đã dùng để mở tài khoản tại Vietcombank.
Tính ra ông Hải mất khoảng một tuần để chạy tới, chạy lui từ nhà tới ngân hàng, từ ngân hàng tới công an để tìm cách “chứng minh nhân dân” đang dùng là từ “chứng minh nhân dân” cũ mà ra. Phạm Thanh Hải hồi 1993-1997 với Phạm Thanh Hải hiện nay chỉ là một người. Số “chứng minh nhân dân” ở hai thời kỳ khác nhau là vì qui định của ngành công an chứ không phải vì đương sự có “gian ý.” Tuy nhiên đến nay chuyện vẫn chưa xong.
Ông Hải kể với báo giới rằng, trong quá trình chạy tới, chạy lui vì những yêu cầu hết sức như vậy, ông được một sĩ quan làm việc tại Phòng Cảnh Sát Quản Lý Hành Chính về Trật Tự Xã Hội của công an thành phố Ðà Nẵng “an ủi” rằng, ông không phải là nạn nhân duy nhất đâu. Sĩ quan này và các đồng nghiệp “suốt ngày phải làm giấy xác nhận số “chứng minh nhân dân” cho công dân. Tuy đương nhiên đấy đúng là họ nhưng chuyện vẫn rắc rối vì đó là yêu cầu của… ngân hàng.
Ông Hải kết thúc câu chuyện của ông bằng một thắc mắc: Ðã thấy như vậy thì tại sao ngành công an lại tiếp tay cho ngân hàng hành dân?
Chưa có ai trả lời và cũng không chắc sẽ có ai trả lời câu hỏi đó. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment