Theo VOA-23.03.2016
Lâu lâu tôi lại thấy một số bạn bè trên facebook chia sẻ những đường link để nhận giải thưởng. Nội dung trong các đường link đại loại như sau: Nhân dịp Vespa Việt Nam mừng kỷ niệm 15 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, chúng tôi tổ chức một lễ trao tặng 10 chiếc xe miễn phí nhằm tri ân khách hàng. Các bạn chỉ việc làm 3 bước ngắn gọn sau đây: 1) Like Fanpage này của Vespa. 2) Comment màu xe mà bạn thích. 3) Chia sẻ trên trang cá nhân dưới chế độ công cộng (public). Những nội dung như thế được áp dụng trong rất nhiều mặt hàng đắt tiền khác như điện thoại iPhone, xe ô tô BMW…
Khi thấy trào lưu này gần đây có vẻ phổ biến, tôi tò mò ấn vào đường link để xem, thì tròn mắt vì lượng like, share, comment lên đến con số trăm ngàn. Kéo xuống dưới xem lịch sử các bài viết thì thấy page này chỉ mới thành lập chưa đầy 1 tuần. Như vậy số lượng người tin chương trình là thật không hề ít và khi nhìn vào một số lời lẽ chia sẻ trên trang cá nhân thì có thể nhận thấy họ thực sự mong muốn được trúng giải.
Bạn có thể liên tưởng đến các chương trình như trên giống lottery – mua vé xổ số kiến thiết. Tuy nhiên nếu như hình thức xổ số với khả năng trúng thưởng là có thực, người chơi cũng phải bỏ tiền ra mua vé, thì những chương trình trao tặng đang gây sốt kia hoàn toàn không có thông tin nào xác minh để tin tưởng khả năng trúng giải. Thực tế đây cũng chỉ là một hoạt động vô thưởng vô phạt, kẻ làm ra page “câu” like như vậy sau đó sẽ bán lại dựa trên số lượng like/follow rồi đổi tên page. Tất cả mọi bài viết trước đó sẽ chìm vào quên lãng.
Qua làn sóng “give away” đó, tôi nhận thấy một tâm lý “há miệng chờ sung” rất phổ biến trong xã hội Việt. Họ nghĩ đơn giản thôi, chỉ cần click một biểu tượng like, rồi share, có thể sẽ có “cục tiền” rơi trước mặt, không cần mất công làm gì phức tạp dù chỉ là dành thêm thời gian xem xét kỹ nguồn gốc thông tin. Trên mạng là ảo nhưng không khó để có thể liên tưởng áp dụng kiểu cách trên cho những công việc thật ngoài đời sống, cụ thể nhất là kinh doanh đa cấp, đang thu hút hàng ngàn người từ trẻ đến già tham gia nhiệt tình.
Tôi áp dụng 3 bước quy tắc như trên vào công việc đa cấp. Bước 1: Like, tương đương với việc biết đến công ty. Bước 2: Comment sở thích, cũng như trao đổi về sở thích cá nhân, ước muốn công việc… Bước 3: Share, chia sẻ về công ty về sản phẩm kinh doanh và cũng như thu hút người khác làm công việc giống mình. Những kẻ sáng chế ra mô hình kinh doanh đa cấp tại Việt Nam đã đánh đúng vào tâm lý mong muốn làm giàu của con người nói chung, và “làm giàu không khó” của người Việt nói riêng.
Công cuộc lôi kéo bắt đầu từ cuộc nói chuyện thân mật giữa bạn bè, người thân, hiện lên với một hình ảnh công việc trong mơ: bạn là người làm chủ và công việc chỉ đơn giản là ngồi nhà thu thập nhân viên qua các cuộc điện thoại. Những nhân viên bạn tuyển dụng, được gọi là nhánh dưới cũng áp dụng các bước tương tự, tạo nên một mô hình kim tự tháp ảo. Số tiền hưởng được hoặc từ lợi nhuận từ kinh doanh mặt hàng hoặc là từ các nhân viên cấp dưới bỏ ra lúc đầu với mục đích như phí tham gia. Trong trường hợp có kinh phí từ việc buôn bán sản phẩm thì lãi cũng cực kỳ ít (khoảng 10% mỗi sản phẩm mà cấp dưới bán ra). Thì cách kiếm được tiền nhanh nhất vẫn là tuyển càng nhiều người cấp dưới càng tốt để ăn tươi số tiền khởi đầu.
Mới đây, một công ty mang tên Liên Kết Việt, sau khi “lừa” 6 vạn người với tổng tiền là 1.900 tỉ đã bị lên án và bị bắt, tôi thắc mắc tại sao số lượng “nạn nhân” lại lớn tới vậy. Video của kẻ chào mời được đăng tải lên mạng trong đó là hàng loạt thông tin chối tai và vô lý đến mức viển vông, nhưng ngồi bên dưới khán đài, cả gần trăm con người liên tục vỗ tay cổ vũ hò hét. Trên kênh truyền hình quốc gia, một người đàn bà nghèo ngồi trước bậu cửa nước mắt lưng tròng kể về gần 30 triệu, cả gia tài của gia đình đem gom góp lại để tham gia làm giàu, giờ một đi không trở lại mà không biết trách móc, kiện cáo ai. Chính bản thân họ, cũng chẳng thể hiểu tại sao con đường “làm giàu không khó” lại trắc trở đến thế. Những gì họ được nghe thấy, được nhìn thấy tưởng chừng trước mắt mà nắm bắt khó khăn, biết đến bao giờ mới thoát khỏi mái nhà tranh nát bươm, thoát khỏi ruộng đồng, đàn gà, con lợn?
Đất nước phát triển được hơn 40 năm nhưng cái giàu cái nghèo cứ đan xen lẫn lộn. Cái giàu có thể đến chớp nhoáng ngày một ngày hai, bằng việc bán đi vài thửa ruộng ven thành phố, hay qua cọc tiền tham nhũng, trong khi tầng lớp người lao động đang sống bằng số tiền lương ít ỏi qua ngày và vẫn còn đó cả những phận người nhọc nhằn trồng trọt làm lụng đến mùa bỗng mất trắng. Hai chữ “làm giàu” đối với họ là quá đỗi mơ hồ. Giá trị đồng tiền bị tách biệt hẳn với giá trị lao động. Đa cấp chỉ hiện lên như bộ mặt của một kẻ lừa đảo lâu ngày bị bọc mẽ, nếu không phải là đa cấp, thì rất rất nhiều người Việt vẫn đang tự đi kiếm tìm cho mình những con đường làm giàu giản đơn. Như việc một cô gái trẻ miền Tây nổi tiếng nhờ vòng eo 56, với làn da trắng nõn nà và lối sống thẳng thắn “không có tiền thì cạp đất ăn”, và sắp tới là cả một bộ phim nghệ thuật được đầu tư công phu về con đường thoát nghèo của mình.
* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment