Tuesday, March 1, 2016

Từ 1/3 phi mã viện phí: Người dân rước mối oan khiên mới !

Cuối cùng, sau một thời gian co kéo, kết cục oan khiên cũng phải tới. Tác nhân gây ra là Bộ Y tế. Từ ngày 1/3/2016, gần 1,900 dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ được điều chỉnh giá với mức tăng trung bình từ 30-50%.

Vô số cảnh bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang bệnh viện. Hình Internet

Tăng mạnh nhất là giá khám chữa bệnh và giá ngày giường. Cụ thể, giá khám bệnh bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 tăng từ 20,000 lên 39,000 đồng; Bệnh viện hạng 2 tăng từ 15,000 lên 35,000 đồng; Bệnh viện hạng 3 từ 10,000 lên 31,000 đồng.
Chi phí chạy thận nhân tạo có thể tăng từ 460,000 đồng một lần lên ít nhất 0.9 - 1 triệu đồng một lần. Giá chụp CT có thể cũng sẽ tăng từ 500,000 đồng lên 1 triệu đồng.
Thậm chí trong tương lai, người không có thẻ bảo hiểm y tế cũng phải áp dụng theo mức giá mới.
“Giờ bị bịnh mà không có tiền thì chỉ có nằm chờ chết” đã trở thành một thành ngữ phổ biến đến mức sinh tử mặc lòng trong xã hội Việt Nam.
Nhưng một quan chức của Bộ Y tế là Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - lại cố ngụy biện: "Tăng giá ở đây không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây được nhà nước bao cấp các bệnh viện vào giá sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Theo đó, tiền lương của cán bộ y tế trước đây do ngân sách đảm bảo, giờ sẽ do người bệnh và Quỹ bảo hiểm y tế chi trả nên các bệnh viện, cán bộ y tế phải nâng cao chất lượng phục vụ mới có bệnh nhân, mới có tiền hoạt động". 
Nhưng trong thực tế, giá cả chữa bệnh lại đạp lên đầu lương tâm để vượt dốc. Những năm qua, chiến dịch tăng giá phi mã viện phí đã thường nâng mặt bằng giá dịch vụ y tế bình quân lên gấp rưỡi đến hai lần qua mỗi năm, quá đủ để làm bệnh nhân khốn đốn và thỉnh thoảng lại có người lao mình từ tầng mười bệnh viện xuống đất.
Không thiếu gì cái chết của bệnh nhân bị đẩy ra nằm ở hành lang khu cấp cứu quá lâu khi người nhà không đủ tiền để “tạm ứng” cho bệnh viện. Ngày càng hiện ra nhiều hơn những mạng người ra đi để càng tô thắm cho một chế độ “của dân, do dân và vì dân.”
Ông Phùng Sanh - như tựa đề một bài báo “Người đàn ông chờ chết vì không có tiền mổ tim” - đã phải bán hết ruộng vườn để lo cho vợ bị suy thận. Nhưng khi người vợ vừa qua đời, ông Sanh lại nhập viện vì bệnh tim kéo dài hơn sáu năm. Số tiền hơn 90 triệu đồng dự kiến phẫu thuật là không tưởng với người đàn ông 57 tuổi này.
Có lẽ tôi phải về quê chứ không còn cách nào khác. Các con nghèo quá, đất ruộng đã bán hết, nợ ngân hàng còn mấy chục triệu chưa trả xong. Giờ có bán căn nhà nhỏ thì cũng không đủ trang trải mà lại không có chỗ dung thân. Đành buông xuôi sống được ngày nào hay ngày ấy” ông Sanh nghẹn ngào.
Cái chết hữu thể của những bệnh nhân không tiền đang biến dư luận xã hội và nỗi phẫn uất dân chúng thành nơi chôn cất cuối cùng cho một chính thể “ăn của dân không chừa thứ gì.”
02/29/2016 - 17:38
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment