Friday, March 4, 2016

Không còn đường mưu sinh

LĐ - 47 XUÂN HÙNG  8:10 AM, 02/03/2016
Hàng trăm ngư dân bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ biển khơi lên ngồi lỳ trước cổng UBND tỉnh Thanh Hoá.
Ba ngày qua, hàng trăm người dân thuộc xã Quảng Cư và một số phường thuộc thị xã Sầm Sơn liên tục vây quanh trụ sở UBND tỉnh để phản ánh việc họ bị gây khó trong hoạt động đánh bắt cá truyền thống, bế tắc sinh kế và đứng trước tương lai mờ mịt. Con thuyền mưu sinh của hàng trăm hộ ngư dân không biết sẽ đi về hướng nào? Hàng trăm người vẫn ngồi trước cửa UBND tỉnh như trông chờ một hướng đi cụ thể.
    Thu hồi, giải tỏa đã đẩy ngư dân vào ngõ cụt
    Người dân xã Quảng Cư, Quảng Tiến (nay là P.Quảng Tiến) bao đời nay gắn bó với nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản. Ngư dân ở đây chủ yếu đánh bắt ven bờ bằng các phương tiện nhỏ như thuyền thúng, mảng và thuyền dưới 30CV. Vì vậy, nghề biển đã là kế sinh nhai nuôi sống bao thế hệ. Năm 2014, đại dự án sân golf, khu du lịch nghỉ dưỡng của Cty CP Tập đoàn FLC triển khai đã gây cú sốc lớn về sinh kế với hàng trăm hộ, hàng ngàn ngư dân địa phương này, đặc biệt ngư dân xã Quảng Cư.
    Theo ông Vũ Thanh Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Cư, để dành đất cho đại dự án, 100% bãi nuôi tôm, cua, hải sản đã bị san lấp, hầu hết đất trồng lúa phía trong cũng được chuyển đổi, san lấp thành các khu tái định cư. Nghề nuôi trồng hải sản và trồng lúa bị khai tử. Việc buôn bán kinh doanh bám vào thị xã du lịch Sầm Sơn ngày càng khó khăn khi họ không có vốn, không có kiến thức. Việc buôn thúng bán bưng phục vụ du khách ngày càng bị siết chặt và ngăn cấm triệt để. Số người được tuyển vào làm trong khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf của Tập đoàn FLC không được bao nhiêu vì không đáp ứng được yêu cầu.
    Gần 10.000 người dân xã này chỉ trông chờ, bám víu vào nghề đi biển. Tuy nhiên, kể từ ngày khu du lịch đi vào hoạt động, nghề biển của cư dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, sau khi Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thanh Hoá tiếp tục có quyết định giao toàn bộ 3,5km chiều dài bãi biển từ Vạn Chài, cổng FLC đến chân đền Độc Cước cho Tập đoàn FLC cải tạo, nâng cấp. Theo đó, sẽ không còn nơi cho tàu thuyền neo đậu. Theo ông Lê Văn Hinh - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sầm Sơn, chủ trương của lãnh đạo tỉnh là không để tồn tại bến thuyền trong khuôn viên bãi biển vì “tỉnh đang phấn đấu thu hút mỗi năm từ 3,5 - 4 triệu lượt khách, phấn đấu 5 triệu lượt thì không thể còn chỗ cho các hoạt động khác nữa”.
    Cũng theo ông Hinh, lãnh đạo tỉnh, thị xã đã đưa ra phương án thành lập bến thuyền cho bà con ngư dân tại xã Quảng Hùng, huyện Quảng Xương. Tuy nhiên, phương án này đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của ngư dân. Anh Lường Văn Ngọc (thôn Hồng Thắng, xã Quảng Cư), cho hay: “Bắt ngư dân chúng tôi phải di chuyển tới 10km mới tới được bến thuyền là điều không thể vì xa quá đối với nghề đánh bắt ven bờ”.
    Theo quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng của FLC, sẽ có đường cho ngư dân ra biển nhưng đến nay, không có bất cứ con đường nào để ngư dân đi qua khu du lịch này. Việc cào ngao ven bờ sát khu resort, sân golf bị bảo vệ Tập đoàn FLC ngăn cấm quyết liệt. Tập đoàn FLC còn cho thả phao trên phần nước biển phía trước và không cho thuyền bè hoạt động.
    Phải đi xa 10km mới được đánh bắt gần bờ
    “Làm gì để sống đây?”, “Chúng tôi biết bấu víu vào đâu bây giờ?”... Đó là những câu hỏi cháy lòng của hàng trăm ngư dân đang tập trung trước cổng UBND tỉnh Thanh Hoá. Đại dự án của Tập đoàn FLC đã thay đổi hoàn toàn diện mạo, tính chất và chất lượng của thị xã du lịch Sầm Sơn, đánh thức tiềm năng và hứa hẹn thu hút ngày càng nhiều du khách, đặc biệt khách quốc tế và những người có nhiều tiền. Nguồn thu, uy tín và điều kiện nghỉ dưỡng của Sầm Sơn ngày càng cao hơn.
    Vậy nhưng, đâu là hướng đi cho hàng ngàn ngư phủ? Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Sầm Sơn, hiện có 705 phương tiện phải di dời khỏi bãi biển. Đi liền với số phương tiện đó là hàng nghìn con người. Họ thiếu kiến thức, thiếu vốn và đang thiếu một hướng đi.
    Đến nay, chưa có phương án nào cụ thể được sự đồng thuận của ngư dân.
    Nên chăng, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá hỗ trợ cho ngư dân đầu tư nâng cấp các phương tiện đánh bắt nhỏ lẻ, những tàu thuyền dưới 30CV lên trên 30CV và quy hoạch bến đậu tàu thuyền ngay trong cảng Hới gần đó - nơi đã có sẵn âu tàu được xây dựng với kinh phí hàng trăm tỉ đồng. Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ ngư dân được tiếp cận vốn, đóng tàu dịch vụ hậu cần theo Nghị định 67 của Chính phủ.
    Có tàu lớn, tổ chức sản xuất tốt, ngư dân vẫn bám được biển mưu sinh, bảo vệ biên giới trên biển của tổ quốc mà hiệu quả đánh bắt ngày càng cao hơn, có thể làm giàu từ biển. Và như vậy, hàng trăm ngư phủ sẽ vẫn ra khơi bám biển, trần mình hạnh phúc với những mẻ cá lớn chứ không phải ngồi lỳ nhiều ngày trước cổng UBND tỉnh.
    Và nên chăng, giữa bãi biển hiện đại vẫn có bãi đậu thuyền, bè được quy hoạch cụ thể để du khách cùng hoà mình với ngư dân đánh rùng, kéo lưới?

    No comments:

    Post a Comment