Friday, March 4, 2016

Giới trẻ với bầu cử tại Việt Nam

Chân Như, phóng viên RFA 2016-03-03 
000_Hkg4923735.jpg
 Cử tri bỏ phiếu tại một điểm bầu cử được thành lập tại một ngôi đền ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 22 năm 2011.  AFP PHOTO
Vào ngày 22 tháng 5, 2016 tới đây cử tri Việt Nam sẽ bỏ phiếu chọn ra người có tài có đức để đại diện cho người dân trong cơ quan nhà nước, nhưng liệu hệ thống bầu cử tại Việt Nam đã thực sự đúng theo hiến pháp hay còn khá nhiều khuyết điểm cần phải thay đổi. Đó là chủ đề cho diễn đàn bạn trẻ kỳ này do Chân Như thực hiện cùng với các bạn trẻ khách mời từ Việt Nam.
Chân Như: Theo bạn, bầu cử có ý nghĩa thế nào đối với đời sống chính trị của một nhà nước dân chủ thực sự?
Tôi nghĩ là tôi cũng như các khách mời ở đây và đông đảo cử tri Việt Nam không hài lòng về hệ thống bầu cử của Việt Nam hiện nay. Về cơ chế Đảng cử - Dân bầu cũng như những ngôn từ hoa mỹ của một nền bầu cử chỉ mang tính chất hình thức!
- Hương
Hương: Theo ý kiến cá nhân tôi, bầu cử có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của bất cứ quốc gia nào. Đặc biệt, đối với chính trị, bầu cử mang ý nghĩa sống còn, quyết định tầm vóc và sự lành mạnh của thể chế được bầu, quyết định đối tượng hưởng lợi từ các quyết sách của các nhà lãnh đạo, từ đó cũng quyết định luôn cả vận mệnh dân tộc. Điều này đặc biệt đúng đối với cục diện chính trị của đất nước ta hiện nay. Chỉ cần có một cơ chế bầu cử minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, thì rất nhanh thôi dân tộc Việt Nam chúng ta sẽ chọn được những người tài lãnh đạo đất nước, tạo ra những cuộc cách mạng trong mọi mặt của đời sống xã hội. Rồi mỗi người dân ta sẽ hiểu ra giá trị và quyền lực của mỗi một lá phiếu do mình tự tay bầu. Tôi tin là như vậy.
Lâm Duy: Đối với bất kỳ quốc gia nào hoặc một thể chế chính trị nào, bầu cử luôn luôn là dịp người dân dựa vào lá phiếu của mình để quyết định người sẽ thừa hành họ để quyết định những quyết sách của quốc gia trong một nhiệm kỳ nhất định. Bầu cử thực sự tự do dân chủ và công bằng, theo tôi là một cột trụ vững chắc của một nền dân chủ và một thể chế dân chủ. Đó được xem như là một điểm khởi đầu để hình thành nên một chính phủ ổn định hay một chính phủ có đủ tính chính danh để bảo vệ các quyền của những người thiểu số, đảm bảo những quyền về tự do ngôn luận, tôn trọng pháp quyền, và thúc đẩy một xã hội dân sự mạnh mẽ.
Thomas Võ: Em đồng tình với ý kiến của hai bạn, bầu cử dân chủ là điều kiện tiên quyết để người dân của một đất nước có thể chọn ra được một nhà lãnh đạo đủ tài, đủ đức để lèo lái đất nước phát triển. Qua hình thức bầu cử một quốc gia người ta có thể ít nhiều đánh giá được mức độ dân chủ ở quốc gia đó, ở thế chế chính trị đó.
Chân Như: Cảm nhận của bạn về hệ thống bầu cử tại Việt Nam hiện nay ra sao?
Hương: Tôi nghĩ là tôi cũng như các khách mời ở đây và đông đảo cử tri Việt Nam không hài lòng về hệ thống bầu cử của Việt Nam hiện nay. Về cơ chế Đảng cử - Dân bầu cũng như những ngôn từ hoa mỹ của một nền bầu cử chỉ mang tính chất hình thức! Các bạn có nhận thấy sự thay đổi nào trong đời sống nhân dân vào những ngày bầu cử hay không? Tôi cá là không, hoặc có thì cũng thay đổi rất ít. Hàng năm con số công bố của chính phủ đều là trên 90% cử tri đi bầu, tôi hoàn toàn không tin con số đó. Ngay ở địa phương, số người tự ứng cử rất ít, có thì cũng gần như không thể trúng cử. Không phải đất nước chúng ta không có người tài, mà rất nhiều người tài không có cơ hội hoặc không tin rằng mình có thể góp sức thay đổi một hệ thống với cơ cấu về lợi ích chồng chéo, cơ chế kiểm phiếu không minh bạch. Đặc biệt, người dân không trực tiếp được bầu ra những người đứng đầu nhà nước, mà hoàn toàn phải thông qua các cấp bầu cử. Ngoài ra, tôi lấy ví dụ như chuyện ứng cử đại biểu quốc hội, quốc hội được cho là đại diện cho 90 triệu dân Việt Nam hay đang đại diện cho đảng? Tại sao hơn 3 triệu đảng viên với tỷ lệ chỉ có hơn 3% dân số mà lại chiếm gần trọn quốc hội? Hay người ngoài đảng thì không có đủ tài đủ đức, hay chính cơ chế bầu cử thếu minh bạch và thiên về bảo vệ lợi ích của chế độ tạo ra sự nực cười này.
000_Hkg4923732.jpg
Khi đến ngày bầu cử, cử tri đi đến tiếp xúc với danh sách ứng cử viên, và thực sự họ không biết danh sách ứng cử viên đó là những ai mặc dù biết lý lịch, thậm chí chưa từng tiếp xúc qua. (minh họa)
Thomas Võ: Em thấy nhận xét của bạn Hương đúng. Hiện tại, những người ngoài đảng mà có năng lực rất nhiều. Tuy nhiên, để lọt vào vòng trong rất khó, hơn nữa như ý kiến của Hương chia sẻ, thật ra theo thống kê mỗi lần bầu cử quốc hội, thì tỉ lệ thống kê hầu như 100%, nhưng con số đi bầu rất ít, chính quyền vẫn vận động người dân đích thân đi bầu đại biểu quốc hội họ yêu thích. Thực tế, theo bản thân mình cũng như theo ý kiến của những người khác thì đa phần họ đi bầu giùm, hoặc không quan tâm người ứng cử là ai, mà chỉ bầu đại dẫn tới vô tình họ bầu ra những đại biểu không đủ đức đủ tài dẫn đến quản lý hiện này chồng chéo. Thậm chí, bản thân mình cảm thấy hơi bị trì trệ trong giai đoạn hiện nay; một phần do cơ chế, thể chế chính trị ở Việt Nam có vẻ như đang phản ứng không phù hợp đối với tình hình kinh tế xã hội diễn biến nhanh chóng như hiện nay. Vừa rồi Bộ trưởng kế hoạch đầu tư là ông Bùi Văn Vinh có phát biểu trước quốc hội rằng trong 30 năm đổi mới thì Việt Nam mới đạt được một số thành tựu về kinh tế nhưng về thể chế chính trị thì chưa thay đổi nhiều. Ông không nói nhiều nhưng ai cũng hiểu ý của ông như thế nào.
Lâm Duy: Hai bạn Thomas và Hương cũng đã nói sơ qua về một số điểm mà mình cũng chia sẻ với hai bạn. Mình cũng muốn nhắc thêm một ý đó là mình có đọc được bài phỏng vấn của ông Nguyễn Đình Lộc, tiến sĩ và từng là bộ trưởng của bộ tư pháp. Trong bài phỏng vấn với Vietnamnet, ông đánh giá hệ thống bầu cử ở Việt Nam là dân chủ hình thức bởi vì khi đến ngày bầu cử, cử tri đi đến tiếp xúc với danh sách ứng cử viên, và thực sự họ không biết danh sách ứng cử viên đó là những ai mặc dù biết lý lịch, thậm chí chưa từng tiếp xúc qua. Sau khi bỏ phiếu dựa trên danh sách mà vốn được ấn định bởi cánh tay nối dài của đảng Cộng sản, thông qua nhiều lần hiệp thương thực chất một quá trình sàn lọc rất kỹ lưỡng. Mình sẽ không nói qua về số lượng thống kê đối với các tỉ lệ cử tri đi bầu cử, ngày bầu cử thì có thể không kiểm chứng được vì ở Việt Nam những cuộc bầu cử không có quan sát viên độc lập. Và một tình trạng lâu nay đó là một người mà đi bầu cho cả gia đình thì đó cũng là tình trạng có thật. Vì vậy, sau khi ngày bầu cử xong, hỏi thì có thể nhiều người sẽ không còn nhớ được tên đại biểu họ bầu. Thực tế này đã chứng minh được là hệ thống bầu cử ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều khuyết điểm và cần phải được chỉnh sửa rất nhiều.
Chân Như: Các cuộc bầu cử Đại biểu quốc hội hay Hội đồng nhân dân các cấp hiện nay tại Việt Nam đều theo “cơ cấu, thành phần” ứng viên và đại biểu được đề ra từ trước. Bạn nghĩ sao về điều này? Đó có phải là điều phù hợp với các giá trị dân chủ, tiến bộ
Hương: Đây là câu hỏi mà tôi nghĩ ai cũng có câu trả lời của mình. Với cá nhân tôi, tôi hết sức bất bình trước cách thức tổ chức kiểu cơ cấu - thành phần, bao nhiêu phần trăm người thế này, bao nhiêu phần trăm người nhóm kia, và đặc biệt danh sách được đề cử trước! Tôi e rằng chính sự thờ ở của các cử tri, họ không có một phản ứng mạnh mẽ nào để thúc ép thay đổi cơ chế trên, thì còn rất lâu nữa chúng ta mới tiến được bắt kịp được với kinh tế thế giới và văn minh nhân loại. Thực sự đây là điều tôi thấy đáng buồn nhất!
Lâm Duy: Mình cũng có chia sẻ về điều bạn Hương vừa đề cập đến.Thể chế bầu cử Việt Nam cần phải có những cải cách lớn để sao cho đạt được những tiêu chí của một cuộc bầu cử tự do và công bằng như những chuẩn mực quốc tế. Ở đây mình có trình bày một ý là hãy xem đại hội đảng vừa kết thúc thì họ đã thống nhất thông qua danh sách gọi là đề cử dành cho những chức danh chủ chốt của nhà nước bên cạnh chức danh Tổng Bí thư đảng Cộng sản vốn là công việc nội bộ của đảng Cộng sản. Bên cạnh đó họ còn bầu cử những chức danh của nhà nước như chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và thủ tướng, danh sách đề cử nhiều khả năng là sẽ được quốc hội khóa mới mặc dù chưa được bầu lên thông qua. Đây cũng là một minh chứng cho việc tình trạng đảng cử dân bầu là có thật. Mình chưa thấy ở một đất nước nào có những cuộc bầu cử gọi là thực sự tự do dân chủ và công bằng hay nói là “dân chủ đến thế là cùng” thì lại có một chuyện là đảng lại quyết định những chức danh của nhà nước khi quốc hội mới chưa được bầu lên. Đó là một điều phi dân chủ rất hiển nhiên và kể cả những đại biểu trong đảng và ngoài đảng khóa mới có 95% đại biểu sẽ là đảng viên của đảng Cộng sản Việt Nam và nó cũng vi phạm nguyên tắc đảng phái chính trị không phải đối mặt với bất kỳ một cuộc sàng lọc nào của cử tri như ở những quốc gia có những cuộc bầu cử dân chủ khác. Do không cạnh tranh chính trị nên đảng Cộng sản sẽ không đối mặt với bất kỳ một thách thức từ quyền lực nào, mà những thách thức về quyền lực đó vốn là động lực rất mạnh mẽ cho những nước đa đảng cải tiến chính sách, cương lĩnh hành động của mình để đưa đất nước đi lên. Do động lực này đối với quốc gia Việt Nam không có, nên đây là một thiếu sót rất trầm trọng và mình nghĩ cần phải thay đổi trong tương lai.
Mình nghĩ phong trào tự ứng cử hiện này cũng là một trong những nhân tố để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi hay sửa phương thức bầu cử lạc hậu, nó trở nên càng hoàn thiện hơn. Đó sẽ là một động lực để khiến người khác quan tâm nhiều hơn đến với cơ chế bầu cử lỗi thời hiện nay.
- Lâm Duy
Chân Như: Bạn mong muốn hệ thống bầu cử của Việt Nam trong tương lai thay đổi thế nào?
Lâm Duy: Như đã phân tích từ đầu, mình cho rằng so với những nước trong khu vực nói riêng và cũng theo chính lời của những quan chức Việt Nam mà các bạn đã có dẫn lời thì mình nhận định là thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay được quyết định một phần bằng phương thức bầu cử quá lạc hậu cho nên đó là một lực cản rất lớn cho việc hội nhập kinh tế. Hệ thống bầu cử này sẽ phải được thay đổi nếu muốn giải quyết những vấn đề khác to tát hơn và quyết định vận mệnh của đất nước. Sự thay đổi phải có lộ trình và nó phải cần có những điều kiện cần và đủ để chuẩn bị cho một cuộc bầu cử thật sự tự do và công bằng. Mình quan sát ở Myanmar họ mới vừa tổ chức thành công một cuộc bầu cử dân chủ được quốc tế đánh giá rất cao sau nhiều thập kỷ. Để tổ chức được như vậy họ đã phải chuẩn bị rất nhiều thứ không thể trong ngày một ngày hai, nhưng ít ra nó xuất phát từ thiện chí hòa giải và mong muốn đất nước phát triển của cả hai phe. Hy vọng rằng tiến trình thay đổi Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó và sẽ bắt đầu càng sớm càng tốt. Mình nghĩ phong trào tự ứng cử hiện này cũng là một trong những nhân tố để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi hay sửa phương thức bầu cử lạc hậu, nó trở nên càng hoàn thiện hơn. Đó sẽ là một động lực để khiến người khác quan tâm nhiều hơn đến với cơ chế bầu cử lỗi thời hiện nay.
Thomas Võ: Em cũng đồng ý với ý kiến của bạn Duy. Hiện tại, Việt Nam cũng đang có một số quy chế cho những đại biểu ngoài đảng Cộng sản có thể ửng cử vào quốc hội và hiện tại đang là một phong trào mặc dù không chắc họ có thể giành được một vị trí ở quốc hội hay không. Tuy vậy, ít ra cũng gây được sự chú ý của dư luận cũng như tạo áp lực để quốc hội có thể hoạt động hiệu quả hơn. Về lâu dài, mình hy vọng rằng chính quyền có thể cải cách hình thức bầu cử nhiều hơn nữa và hy vọng một ngày nào đó (mình không dám nghĩ Việt Nam sẽ có nhiều đảng để bầu cử giống như ở nước ngoài) có thể cầm lá phiếu trên tay và bầu ra được vị lãnh đạo cao nhất của đất nước, thay vì giao cho quốc hội như hiện tại.
Hương: Tôi cũng xin góp thêm một chút ý kiến nho nhỏ vì vừa rồi bạn Duy có nhắc đến cuộc bầu cử ở Myanmar. Nhắc đến yếu tố thiện chí đến từ nhà cầm quyền, tôi e rằng ở Việt Nam mình rất khó để có được thiện chí ấy từ đảng Cộng sản chính. Vì vậy, ngoài yếu tố đến từ nhân dân ra tôi không nghĩ có yếu tố nào khác có thể thay đổi được, tôi chỉ có thể góp ý được như vậy thôi.
Cám ơn Lâm Duy, Hương và Thomas Võ đã dành thời gian cho diễn đàn kỳ này.

No comments:

Post a Comment