Saturday, February 6, 2016

Đường cong, cầu cong: lách nhà quan, đâm vào nhà dân

Theo VNTB-7.2.16
Phong Linh (VNTB) Con đường vốn chạy thẳng, nhưng tại Việt Nam, nó buộc phải bẻ cong, theo quan chức đó là đường cong mềm mại vì nó giúp nhà quan chức, anh em họ họ hàng quan chức không bị giải tỏa khỏi trục đường. Nhưng đối với dân, nó là đường cong của con đường cùng, phận con đen bỏ giỏ…

Đường cong và 3 triệu đồng

Bốn hộ dân ở khu vực cầu Rạch Chùa, khóm 2, thị trấn U Minh (huyện U Minh, Cà Mau) bị cưỡng chế ngay trước thềm tết dân tộc. Hệ quả của con đường cong “có thiết kế, thẩm định” nhưng lại vô tình né nhà chị ruột của Chủ tịch thị trấn là bà Sáu Cảnh. 

Ông Chủ tịch huyện U Minh khẳng định, việc cưỡng chế này là đúng pháp luật. Cứ cho rằng, việc cưỡng chế này là đúng luật định, thì liệu ông có thể giải thích vì sao con đường lại bẻ cong ngay đoạn nhà chị ruột chủ tịch thị trấn vốn là điểm đen giao thông? Trong khi đó, nguyên tắc xây dựng các dự án giao thông là nhằm xóa “điểm đen” và giảm ùn tắc giao thông?

Là do nhà thầu dự án yếu kém trong tầm nhìn và quên mất nguyên tắc cơ bản trong xây dựng cơ bản hay là vì điểm đen lợi ích nhóm trong mắt quan huyện và quan thị trấn?

Đường cong mềm mại Trường Chinh.
Câu trả lời không nằm đâu xa, mà chính vì bốn hộ dân là “tốt thí” để tránh đụng chạm đến chị ruột quan thị trấn, bởi nếu căn cứ tính chất “vi phạm hành chính” thì chính quyền phải giải tỏa hàng chục căn nhà khác cũng trong diện nêu trên.

Chính vì thế mới có cái chuyện, khi trao đổi với giới truyền thông, ông chủ tịch huyện – Du Bé Ba cho biết, phía chính quyền “vận động” bà chủ máy xay xát (chị ruột Chủ tịch thị trấn) nhưng “bà chủ” không đồng ý. Chính cái lắc đầu quyền uy đó của “bà chủ” đã làm nảy sinh cái gọi là “định vị cầu không vướng vào các hộ dân nhưng khi làm hàng lang bảo vệ cầu thì mới vướng”, mặc cho trước đó ông Du Bé Ba đã cho biết, công trình đã có “thiết kế, thẩm định”.

Đó là chưa đề cập đến việc, “đền bù, hỗ trợ” – khâu quan trọng trong thực hiện dự án có dính dáng đến giải tỏa, cưỡng chế lại bị chính quyền thờ ơ, bất nhất. Đó là khi ông Chủ tịch huyện chia sẻ về “dự định” cấp đất định cư cho các hộ dân bị cưỡng chế nhưng đồng thời từ chối cho biết về “thủ tục cấp phát đất” khi phía báo chí yêu cầu. Ngoài ra, khi cưỡng chế các hộ dân liên quan hoàn toàn không biết về cái gọi là “đền bù”.

Nói thẳng ra, đó là “dự định ảo” mà ông Chủ tịch huyện vẽ ra để đối phó với giới báo chí về đường cong chị ruột chủ tịch huyện. Còn với người dân, ông hoàn toàn thờ ơ đến đời sống của người dân.

Ông Chủ tịch thị trấn và huyện U Minh liệu có thấy ngượng không, khi cũng trong vấn đề giảit tỏa – cưỡng chế nhà dân dọc bờ Kênh Tẻ để chỉnh trang đô thị, nhưng chính quyền phường Tân Kiểng (Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh) cư xử một cách văn minh hơn, khi đã bà con lao động đang ở trong những ngôi gần sắp giải tỏa an tâm có chỗ ăn tết.

Điều “nhân văn” còn sót lại ở chính quyền cấp thị trấn, huyện U Minh lại chính là căn nhà đổ nát trước Tết nguyên đán, và 3 triệu đồng trợ cấp!.

Quan nể quan, dân than trời

Câu chuyện diễn ra của chính quyền thị trấn U Minh, huyện U Minh không hề xa lạ, khi tại Việt Nam, quan phụ mẫu luôn có những đặc quyền – đặc lợi gắn liền với những nhóm lợi ích. Các dự án công ích không chỉ bị rút ruột theo cách truyền thống, mà còn sẵn sàng biến hóa để đảm bảo lợi ích của những quan ông, quan bà và gia đình quan.

Trước đó không lâu, tại thủ đô ngàn năm văn hiến, con đường Trường Chinh từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng đáng ra là thẳng tắp, nhưng khi lên bản đồ chi tiết quy hoạch thì lại xuất hiện hai đoạn bị uốn cong. Vấn đề đáng nói “đoạn cong” ngẫu nhiên xuất hiện ở dãy nhà cựu tướng lĩnh, sỹ quan quân đội, trong đó có nguyên chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân; Trung tướng, Anh hùng phi công Phạm Tuân...

Mặc dù dư luận và các chuyên gia có trách nhiệm lên tiếng, bởi điểm cong gây ảnh hưởng đến sự điều tiết giao thông, làm mất mỹ quan đô thị nhưng đáp lại, chính quyền Hà Nội quyết định sẽ không điều chỉnh trở lại. Trơ trẽn hơn, Phó Chánh văn phòng UBND Hà Nội khẳng định làm nghiêm túc, và đây là phương án kinh tế nhất, đúng quy hoạch, đảm bảo tiêu chuẩn,…

Con đường vốn thẳng, nay lại cong, mà cong theo một cách đúng quy chuẩn, nên được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội gọi là đường “cong mềm mại”.

Do đó, chiếc cầu cong, con đường cong… là biểu hiện rõ nét nhất của lợi ích nhóm trong mối quan hệ của giới lãnh đạo thời XHCN, khi dự án công không những bị ăn theo cách thông thường qua thâm hụt nguyên vật liệu, mà còn ăn qua cách tương hỗ lợi ích nhóm với nhau qua những “đường cong”. 


Còn Dân. Họ chỉ biết than trời.

No comments:

Post a Comment