Saturday, February 6, 2016

Minh bạch ngân sách càng tồi tệ, chi tiêu càng bạt mạng

02/05/2016 - 20:17
Việt Nam chỉ đạt 18 trên thang điểm 100 về mức độ minh bạch ngân sách, thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình khoảng 45 điểm ở hơn 100 quốc gia khác. Đây là kết quả khảo sát "mức độ công khai ngân sách" đưa ra cho kỳ ngân sách năm 2015 được Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế (IBP) thực hiện trong 18 tháng (tháng 3/2014 đến tháng 9/2015) tại 102 quốc gia trong đó có Việt Nam. Kết quả này được phía IBP công bố vào giữa tháng Giêng năm 2016.


Ông Joel Friedman, Nghiên cứu viên cao cấp của IBP cho hay, có 3 trụ cột cơ quan khảo sát đặt ra: mức độ minh bạch, sự tham gia của công chúng và sự giám sát của cơ quan lập pháp trong đó "minh bạch" là yếu tố đầu tiên.
Tuy nhiên, theo ông, "minh bạch" cũng là trụ cột phía Việt Nam được chấm điểm thấp nhất, chỉ 18/100 điểm. Với số điểm này, Việt Nam hiện thuộc nhóm thứ 5, tức là nhóm yếu nhất với đánh giá là "ít" hoặc "không" công khai thông tin ngân sách.
Cụ thể, một trong các yếu tố cơ quan khảo sát tính tới là việc công khai các tài liệu ngân sách. Dù Việt Nam hiện đã công khai một số tài liệu theo IBP là chủ chốt như định hướng xây dựng ngân sách, dự toán, báo cáo quý, báo cáo cuối năm, tuy nhiên ông Joel Friedman thẳng thắn rằng một số tiêu chí đã đánh tụt điểm của Việt Nam là dự thảo dự toán ngân sách, báo cáo giữa kỳ và báo cáo kiểm toán.
Mức độ thiếu công khai, minh bạch về ngân sách VN luôn đứng gần chót bảng xếp hạng lại không gây ngạc nhiên với nhiều người, trong đó có Trưởng đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA), ông Mori Mutsuya. Trong nỗ lực tìm kiếm thông tin về ngân sách để phục vụ cho nghiên cứu gần đây về nợ công, nợ trong nước, nợ nước ngoài của Việt Nam mà JICA quan tâm, ông đã không khỏi thất vọng. Các số liệu ngân sách nhà nước mà Bộ Tài chính thường công khai trên cổng thông tin điện tử, ông nhận xét, không thể hiện được gì nhiều.
Ở cấp địa phương, vấn đề công khai, minh bạch ngân sách còn tồi tệ hơn nhiều. Một khảo sát gần đây với hơn 1,100 người dân tại năm tỉnh là Bắc Giang, Hòa Bình, Nam Định, Quảng Trị và Bà Rịa - Vũng Tàu của năm tổ chức xã hội dưới sự bảo trợ của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho thấy điều đó.
Kết quả tham vấn tại Bắc Giang cho thấy, hơn 43% người dân được hỏi không biết rằng ngân sách được chi cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng và đảm bảo hoạt động của bộ máy nhà nước; tới hơn 63% số người được hỏi không biết rằng ngân sách được chi trả nợ của nhà nước và chi viện trợ. Trong khi đó, có gần 43% người dân ở các tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị, Vũng Tàu và Nam Định cho biết họ có nghe hoặc có nhìn thấy báo cáo thu - chi ngân sách của xã nhưng không nhớ hoặc không hiểu được những thông tin này.
Đặc biệt, chi đầu tư xây dựng cơ bản - thường chênh lệch tới 50% so với dự toán, vượt xa so với hướng dẫn về thông lệ tốt là duy trì chênh lệch chi tiêu ở mức không quá 5% dự toán. Bình quân các tỉnh miền núi phía Bắc chi cao hơn dự toán đến 42%, các tỉnh ở Tây Nguyên chi cao hơn 35%. Còn tại khu vực Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, mức chi bình quân cao hơn lần lượt là 7% và 9%.
Bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 đã vọt lên 6.6% GDP, từ mức 5.3% GDP được phê duyệt trước đó. Bội chi năm 2015 cũng tồi tệ không kém.
Đáng chú ý, bản dự thảo đầu tiên của Luật Ngân sách nhà nước từng có điều khoản xử lý trách nhiệm cá nhân của những người chi tiêu sai ngân sách nhà nước, tuy nhiên nội dung này không còn xuất hiện trong luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 2015. 
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment