Theo VOA-13.01.2016
Nhân dịp ở Việt Nam người ta đang bầu dàn lãnh đạo cao cấp nhất của đảng và chính phủ, chúng ta thử bàn về vấn đề thế nào là một nhà lãnh đạo giỏi.
Ở Việt Nam, nói đến người lãnh đạo, người ta chỉ hay đề cập một cách chung chung, trong đó, hầu như chỉ có hai yếu tố được nhấn mạnh là lòng yêu nước và sự trung thành đối với đảng cũng như đối với chủ nghĩa cộng sản. Nhưng đó không phải là những phẩm chất thiết yếu đối với một nhà lãnh đạo. Thì đảng viên nào, ngay cả đảng viên thuộc loại thấp nhất, chỉ là những đảng viên quèn, lại không được/bị đòi hỏi phải có tình yêu và những sự trung thành như thế? Nhưng một người lãnh đạo thì khác. Khác với các đảng viên xoàng, một đảng viên được bầu vào vị trí lãnh đạo cần có tài và cần có tâm. Nhưng thế nào là tài và tâm của người lãnh đạo? Tài và tâm có nhiều loại. Tài và tâm của một người hoạt động trong lãnh vực văn học nghệ thuật, chẳng hạn, khác với tài và tâm của một người hoạt động trong lãnh vực chính trị. Trong lãnh vực chính trị, tài và tâm của người làm cố vấn khác với một lãnh tụ.
Vậy thế nào là tài và tâm của một lãnh tụ?
Trước hết, nói về tâm.
Trong cái gọi là tâm của những người lãnh đạo, điều quan trọng nhất là sự lương thiện. Xin nói ngay, theo cách nhận định thông thường, nói đến sự lương thiện của các chính khách cũng giống như việc nói đến trinh tiết của các cô gái điếm. Ở các xứ nói tiếng Anh, người ta thường cho có hai giới bị xem là ít đáng được tin cậy nhất: những người bán xe cũ và những người làm chính trị. Dù vậy, người ta không thể lãnh đạo nếu không được tín nhiệm; và người ta không thể được tín nhiệm nếu không lương thiện. Đó là lý do tại sao ở Tây phương, trong các cuộc điều tra dư luận, người ta hay đặt ra câu hỏi về sự lương thiện (và mức độ khả tín) của các chính khách. Trong chính trị, khái niệm lương thiện ấy được hiểu theo nghĩa: việc làm phải đi đôi với lời nói. Người dân có thể không đồng ý với những gì các chính khách nói nhưng người ta vẫn khâm phục và tin cậy nếu các chính khách ấy hành động đúng với những gì họ nói.
Điểm thứ hai trong cái tâm của người lãnh đạo là phải có lý tưởng, hơn nữa, lý tưởng lớn, kết tinh được những mơ ước chung của cả đất nước. Muốn được vậy, người ta phải hiểu được ý nguyện của dân chúng và có tầm nhìn rộng không những chỉ giới hạn trong những vấn đề cấp bách trước mắt mà còn bao quát cả những vấn đề có tính chiến lược lâu dài. Hơn nữa, lý tưởng ấy phải nhắm đến việc phục vụ cho mọi người. Ở Tây phương có một thông lệ rất hay: sau mỗi cuộc bầu cử, người chiến thắng bao giờ cũng, một mặt, cám ơn các cử tri đã bỏ phiếu cho mình; mặt khác, hứa hẹn sẽ phục vụ cho tất cả mọi người, kể cả các cử tri đã bỏ phiếu cho phe đối lập.
Điểm thứ ba trong cái tâm của người lãnh đạo là phải biết trân trọng tài năng của người khác. Không có một nhà lãnh đạo nào có thể làm được mọi chuyện. Công việc lãnh đạo và quản trị đất nước cần phải có một đội ngũ đông đảo những người vừa có thiện chí vừa có tài năng. Người lãnh đạo phải sáng suốt để phát hiện ra tài năng của người khác, độ lượng chấp nhận những tài năng ấy, và sau đó, biết cách sử dụng những tài năng ấy đúng chỗ.
Về tài, người lãnh đạo càng có nhiều tài càng tốt, nhưng theo tôi, có mấy tài năng cần thiết nhất:
Thứ nhất, nhạy cảm trong việc phát hiện ra ước nguyện của dân chúng cũng như những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Thiếu sự nhạy bén này, người ta trở thành, một mặt, xa cách quần chúng; mặt khác, lệch hướng so với xu thế của lịch sử.
Thứ hai, cần có tầm nhìn chiến lược. Nên lưu ý người lãnh đạo khác với người quản trị. Người quản trị chỉ cần khôn khéo giải quyết những vấn đề trước mắt, nhằm đạt đến những quyền lợi trước mắt, trong ngắn hạn. Người lãnh đạo một quốc gia, ngoài tài năng của một người quản trị, cần có một tầm nhìn phóng chiếu đến tương lai để định hướng cho việc phát triển. Bởi vậy người ta mới cho một nhà lãnh đạo giỏi là người đưa ra những dự án cho cả nhiều thế hệ, người thiết kế tương lai của đất nước.
Thứ ba, nhà lãnh đạo giỏi cần có khả năng thuyết phục quần chúng để quần chúng ủng hộ mình. Ở Tây phương, người ta cho một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà lãnh đạo là phải biết cách “bán” các chính sách, nghĩa là làm sao cho dân chúng chấp nhận các dự án mình đưa ra. Song song với việc “bán” các chính sách, nhà lãnh đạo giỏi còn phải biết cách, qua các chính sách ấy, xây dựng một “tự sự” (narrative) cho mình và cho đất nước của mình. Với các “tự sự” ấy, người dân biết rõ mình đang ở đâu và sẽ đi đến đâu.
Ứng dụng những cái tâm và những cái tài nêu trên vào giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy gì?
Trước hết, về cái tâm, giới lãnh đạo Việt Nam hầu như không có bất cứ điểm nào cả. Họ không lương thiện bởi họ thường nói một đàng làm một nẻo. Dân chúng Việt Nam từ lâu đã biết rõ điều đó. Về lý tưởng cũng vậy. Có thể thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam có chút lý tưởng về chủ nghĩa xã hội, nhưng với các thế hệ về sau, đặc biệt hiện nay, lý tưởng ấy chỉ là một ảo tưởng, được sử dụng như một chiêu bài để tự biện hộ cho sự lãnh đạo độc tôn của đảng mình. Không ai còn vẽ lên bức tranh không tưởng về viễn ảnh một xã hội không có giai cấp nữa. Cuối cùng, người ta cũng không còn biết trân trọng tài năng của nhau. Không những không tôn trọng, người ta còn đố kỵ nhau. Bởi vậy, trong hệ thống đảng, những người sắc sảo nhất thường bị loại trừ rất sớm. Chỉ còn lại những người tài năng xoàng xoàng bậc trung và vô hại.
Về tài năng, không có người nào trong bộ máy lãnh đạo tại Việt Nam hiện nay có thể đáp ứng đầy đủ những tiêu chí cần thiết. Tất cả đều rất thiếu nhạy bén. Người ta không biết ý dân và cũng bịt mắt trước xu thế phát triển của lịch sử khi khăng khăng đi theo con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa cho dù nó đã bị vất bỏ ở Liên Xô và Đông Âu cả mấy thập niên về trước. Cũng không có ai có tầm nhìn chiến lược lâu dài. Và cũng không ai có tài năng thuyết phục dân chúng. Người ta chỉ sử dụng lực lượng tuyên truyền để nhồi sọ dân chúng, đánh lạc hướng dân chúng chứ không phải để tìm kiếm sự ủng hộ của dân chúng.
Có thể nói một cách tóm tắt, cho dù, trong cuộc Đại hội đảng tuần tới, ai được bầu lên những chiếc ghế cao nhất, điều hầu như chắc chắn là họ không phải là những nhà lãnh đạo giỏi mà đất nước chúng ta đang cần.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment