Monday, September 14, 2015

'Thể chế không phụ thuộc vào số đảng'

Theo BBC-4 giờ trước
Image copyright
Image captionTBT Trọng viếng lăng Lenin trong một lần thăm Moscow
Bảo vệ cho chế độ do Đảng Cộng sản nắm quyền một mình ở Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Phú Trọng cho rằng sức sống của thể chế "không phụ thuộc vào việc có một đảng hay đa đảng" miễn là đáp ứng được chuyện vọng, lợi ích chính đáng của đại đa số nhân dân.
Trả lời báo chí và truyền thông Nhật hôm 12/9 tại Hà Nội trước khi sang thăm Nhật Bản tuần này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời câu hỏi về thể chế 'một đảng độc đáo' ở Việt Nam.
Theo bài đăng trên báo chí Việt Nam, ông Trọng đã trả lời phỏng vấn Kyodo News, báo Nikkei, hãng NHK, các báo Yomiuri Simbun, Asahi, TV Asahi và hãng thông tấn Jiji Press.
Trong số nhiều câu hỏi từ báo giới Nhật, có một câu nhằm thẳng vào tương lai thể chế độc đảng ở Việt Nam nhưng bằng lời lẽ lịch lãm, theo những gì bản dịch trên truyền thông Việt Nam đăng tải:
"Việt Nam đã thiết lập thể chế chính trị một đảng duy nhất trong nhiều năm lịch sử. Hiện nay, hệ thống chính trị như vậy là rất hiếm trên thế giới. Ngài có tin tưởng rằng hệ thống chính trị độc đáo này sẽ được duy trì lâu dài trong tương lai?
TBT Nguyễn Phú Trọng đã đáp lời:
"Tôi cho rằng bản chất cốt lõi nhất của dân chủ là bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; thể chế chính trị nào đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của đại đa số nhân dân, của dân tộc thì thể chế đó sẽ có sức sống lâu dài, mãnh liệt, không phụ thuộc vào việc có một đảng hay đa đảng. "
"Và vấn đề quan trọng quyết định không phải là ở số lượng mà là ở chất lượng của đảng, tức là đảng đó là đảng của ai, được tổ chức, hoạt động như thế nào và vì lợi ích của ai, mối quan hệ với nhân dân như thế nào, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân ra sao, có được đại đa số nhân dân ủng hộ hay không?"
Tuy thế, ông đã không né tránh xác nhận đây là một tình thế cụ thể, do hoàn cảnh lịch sử tạo ra:
"Thực tiễn lịch sử nhân loại cho thấy, việc hình thành các thể chế chính trị là dựa trên hoàn cảnh, điều kiện lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội cụ thể của mỗi quốc gia, không có mô hình duy nhất để áp đặt cho tất cả các nước."
"Chế độ chính trị của Việt Nam là kết quả của tiến trình lịch sử cụ thể của Việt Nam, trong đó có sự tín nhiệm và ủng hộ rộng rãi của nhân dân đối với vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực tiễn cuộc đấu tranh lâu dài giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đổi mới, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc."
Trả lời một câu hỏi khác về 'kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa' ông nói:
"Chúng tôi không cho rằng định hướng xã hội chủ nghĩa mâu thuẫn với kinh tế thị trường. Trái lại, đó là sự kết hợp biện chứng, cần thiết, phù hợp với thực tiễn Việt Nam."
Là nhà lý luận của Đảng Cộng sản nhưng lần này, trong cả bài trả lời phỏng vấn, Giáo sư Trọng không hề nhắc tới chủ nghĩa Marx-Lenin.
Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Nhật Bản từ 15 đến 18/9 và đây là lần đầu ông Trọng thăm Nhật từ khi trở thành Tổng bí thư năm 2011.
Image copyrightAP
Image captionTrả lời báo Nhật, ông Trọng không nhắc gì đến ý thức hệ Marx-Lenin
Người tiền nhiệm, Nông Đức Mạnh, đã thăm Nhật Bản năm 2009.
Nhân dịp này, báo Nhật, Japan Times đã đăng bài của Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Hoàng Bình Quân viết rằng:
"Cho dù có những khác biệt về chế độ chính trị và mô hình kinh tế, nhưng hai nước luôn có sự tin cậy, tôn trọng nhau, coi trọng lẫn nhau."
Sau cải cách Minh Trị từ thế kỷ 19, Nhật Bản có chế độ dân chủ đại nghị, đa đảng.
Nhật Bản là nhà tài trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư FDI lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.

No comments:

Post a Comment