Trần Văn Tý (1925-2011) Tư liệu nghiên cứu chính trị VN Theo BBC-4 giờ trước
...Ở nước ta nên tiến hành cách mạng dân chủ nhân dân thay vì làm cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Các văn kiện Đại hội đã chủ trương để kinh tế tư nhân tồn tại và phát triển lâu dài; thừa nhận sản xuất hàng hóa, cơ chế thị trường, phát triển kinh tế công cộng. Chúng tôi hiểu đó là cơ sở hạ tầng của chế độ dân chủ của nhân dân (kiểu mới).
Nhưng lại có chủ trương “chống tư tưởng tư sản”, xây dựng “pháp luật xã hội chủ nghĩa”, văn hóa “xã hội chủ nghĩa”.
Như vậy, thượng tầng kiến trúc lại là thượng tầng kiến trúc xã hội chủ nghĩa.
Vừa động viên vừa tiêu diệt?
Đã động viên khuyến khích người tư sản phát triển kinh tế, lại đồng thời chống tư tưởng của họ và hơn nữa, họ không còn được kể đích danh trong lực lượng nhân dân, thì họ yên tâm, mạnh dạn bỏ vốn ra sao được?
Kinh tế tư nhân còn chiếm tỉ trọng tuyệt đối và chỉ giảm dần dần sẽ còn tồn tại, phát triển lâu dài, sao có thể được chế định sát hợp bởi nền pháp chế xã hội chủ nghĩa?…
Thượng tầng kiến trúc không phù hợp như thế sao có thể mở đường cho hạ tầng cơ sở phát triển, mà chắc chắn chỉ có tác dụng ngược lại.
Cho nên chúng tôi kiến nghị nên dứt khoát sửa lại cho thượng tầng kiến trúc cũng là của xã hội dân chủ nhân dân, và gọi tên cách mạng nước ta là Cách mạng Dân chủ Nhân dân.
Như vậy có thể nghĩ ngay là thụt lùi, là làm chậm bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhưng thực ra, sẽ là tiến nhanh hơn, tiến vững chắc hơn.
Bởi lẽ: một mặt, không hề gây trở ngại gì cho việc xây dựng các tiền đề của chủ nghĩa xã hội, mặt khác không cản trở khu vực tư nhân phát triển, nâng cao thêm sức sản xuất, và như vậy, cũng có nghĩa là tạo thêm điều kiện vật chất - kỹ thuật khách quan cho việc hình thành quan hệ sở hữu công cộng; ngoài ra còn giúp tránh được tư tưởng nôn nóng, hành động vội vã làm sút giảm kinh tế.
Qua tổng kết tình hình phát triển cá nước Châu Á, Châu Phi tiến theo con đường phi tư bản chủ nghĩa, chỉ có mỗi một nước ở châu Phi, Cabo Verde, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn khách quan, đã ổn định phát triển được kinh tế, tránh được khủng hoảng.
Từ khi đất nước giành được độc lập cuối những năm 1960, Đảng CSVN lãnh đạo chủ trương tập hợp huy động rộng rãi nhân dân thực hiện các mục tiêu trực tiếp về dân tộc, dân chủ, dân sinh.
Trong khi đó, có những biện pháp phòng ngừa những người tư sản trở thành giai cấp thống trị, xây dựng dần dần những cơ sở kinh tế quốc doanh có hiệu quả kinh tế khá, đảm bảo cân bằng xã hội, và tiến theo mục tiêu xã hội không còn bóc lột.
Nếu đổi lại là làm cách mạng dân chủ nhân dân thì vấn đề tên gọi của quốc gia cũng nên đặt ra xem xét.
Vẫn giữ tên “xã hội chủ nghĩa ” thì tên gọi không phù hợp với nội dung kinh tế, chính trị của xã hội, trở thành một tên gọi rỗng và có thể làm nảy sinh những tư tưởng, hành động tả khuynh.
Bỏ đi thì có thể gây thắc mắc. Đảng đã từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa chăng?
Những thắc mắc này dễ giải thích thôi.
Do rất nghèo nàn về vốn và thiếu kinh nghiệm quản lý, cần trước hết thu hút vốn tư nhân để phát triển mạnh, nhưng cũng phải vững chắc, khu vực kinh tế tư bản nhà nước, vì lẽ:
a) có được thêm vốn, thêm hiểu biết quản lý của tư bản tư nhân ;
b) có được sự giám sát chặt chẽ của những người “của đau con xót”, hạn chế được tham ô lãng phí.
c) và chính quyền, do có trực tiếp bỏ vốn, trực tiếp tham gia quản lý, cũng dễ kiểm tra, điều tiết được khu vực này. Trong chính sách kinh tế mới, Lenin cũng đã coi trọng như vậy khu vực tư bản nhà nước.
Hạ thấp để đạt 'chủ nghĩa xã hội'?
Trong những kế hoạch ngắn hạn đầu tiên, khi đã có bộ máy nhà nước, thực hiện chức năng quản lý, hướng dẫn, điều tiết về kinh tế, và đã nắm xương sống của nền kinh tế, thì chưa nên vội để ra riêng cho kinh tế quốc doanh vai trò chủ đạo, nhiệm vụ giành ưu thế đối với các thành phần kinh tế khác, vì có thể dẫn đến những hậu quả :
a) phát triển tràn lan cơ sở kinh tế quốc doanh kém, thậm chí không có hiệu quả kinh tế.
b) làm giảm vốn cần thiết cho lĩnh vực sự nghiệp, tiêu dùng, khó cải thiện được đời sống nhân dân.
c) tạo ra xu hướng dành ưu thế bằng việc hạn chế sự phát triển của các thành phần khác.
Định nghĩa về xã hội chủ nghĩa trong cương lĩnh còn quá chung chung, có thể dẫn tới sự hạ thấp nội dung của chủ nghĩa xã hội, và từ đó dẫn tới những tư tưởng, hành động hoặc hữu, hoặc tả, như đã từng xảy ra trên quốc tế.
Chủ nghĩa Marx đã luôn nói có thể đặc trưng chất lượng đầu tiên của chủ nghĩa xã hội khoa học là đảm bảo một hiệu quả lao động cao hơn so với chủ nghĩa tư bản. Lenin lại còn nói rõ cao hơn các nước tư bản tiên tiến nhất. Chúng tôi nghĩ đó không hề là nói cho hay, cho đẹp.
Đặc trưng đó chỉ là hệ quả tất yếu của việc quan hệ sở hữu công cộng đến thay thế được sở hữu tư nhân bằng việc đem lại một hiệu quả kinh tế cao hơn. Và không nên nghĩ rằng chủ nghĩa xã hội ở nước ta thì không cần đến như thế; khu vực kinh tế tư nhân đang hàng ngày tiếp nhận công nghệ tiên tiến của những nước tư bản phát triển nhất.
Chủ nghĩa xã hội còn bao hàm sự vượt qua phương thức phân công lao động xã hội chật hẹp dưới chủ nghĩa tư bản, một phương thức làm cho con người thành dị dạng về thể chất và tinh thần.
Sự vượt qua đó là một biểu hiện cụ thể về con người được phát triển toàn diện như thế nào trên cơ sở một thu nhập quốc dân rất cao. Engels đã gọi During – người không hiểu đặc trưng đó – là “một tên lùn tự phụ”.
Engels còn nói chủ nghĩa xã hội khoa học bao hàm việc xóa bỏ sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn.
Đó là chỉ số cụ thể về mức sống rất cao mọi người dân trên đất nước.
Những đặc trưng cụ thể trên cho thấy cần biết bao công sức và thời gian mới có thể đạt tới chủ nghĩa xã hội khoa học.
Kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy hạ thấp chủ nghĩa xã hội thì cũng không thể có được chủ nghĩa xã hội.
Còn mất bao lâu?
...Cách mạng xã hội trong thời kỳ lâu dài này với đặc trưng phức hợp như trên không phải là cách mạng tư sản đơn thuần, cũng chưa là cách mạng xã hội chủ nghĩa có nội dung xóa bỏ sở hữu tư nhân, xác lập sở hữu xã hội.
Đó là một kiểu cách mạng đặc thù, đã được gọi trong phong trào các nước phát triển phi tư bản chủ nghĩa, là cách mạng dân chủ kiểu mới hay cách mạng dân chủ nhân dân.
Cách mạng dân chủ nhân dân sẽ chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Nhưng hai cuộc cách mạng vẫn khác biệt theo một đặc điểm quan trọng: sở hữu tư nhân vẫn còn hay đã hết tiềm năng phát triển sức sản xuất, vẫn cần được tồn tại và phát triển hay không?
Cho nên cần xác định ranh giới cho rõ ràng để tránh sai lầm tả khuynh làm ngưng trệ, sút giảm sản xuất.
Cách mạng dân chủ nhân dân ở ta sẽ diễn ra bao lâu?
Chúng tôi thiết nghĩ: cho tới khi tạo được cơ sở vật chất kỹ thuật vững chắc cho quan hệ sở hữu công cộng hình thành rộng rãi, chiếm tỉ trọng tuyệt đối, có đủ sức tiến lên chiếm lĩnh toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Thời kỳ đó chắc không thể bó gọn trong vài thập kỷ.
Tác giả Trần Văn Tý (1925 - 2011), đảng viên cộng sản, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Định năm 1945 và giữ các chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến huyện Xuân Trường và làm việc tại Cục tình báo Bộ quốc phòng và Nha Công an trong kháng chiến chống Pháp. Sau ông Giám đốc Nhà xuất bản Văn-Sử-Địa, Giám đốc Nhà xuất bản Sử học, Trưởng Phòng biên tập - trong Ban Phụ trách Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Sử học...Các đoạn trích trong bài thuộc di cảo viết trước Đổi Mới 1986, nay do gia đình công bố và đã đăng trên trang Diễn đàn - Forum ở Paris. Đề bài do BBC đặt. Các bạn xem thêm Chuyên đề 'Cách mạng Tháng 8'.
No comments:
Post a Comment