Tuesday, July 28, 2015

178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp thì đã sao?

 NGUYỄN ĐỨC HIỂN - Thứ Ba, ngày 28/7/2015 - 04:05
(PL)- Bằng đại học chỉ là khởi đầu, nếu bạn không có trách nhiệm với bản thân và chịu khó lao động thì thất nghiệp là lỗi do bạn.
Thầy giáo cũ của tôi, một người dạy toán cực giỏi, 28 tuổi đã là hiệu phó cấp 3. Ở thời buổi mỗi huyện có một trường cấp 3, thầy là một trong những hiệu phó trẻ nhất nước, đường đi thênh thang.
Đùng một cái, thầy nghỉ. Mười mấy năm sau, một ngày, tôi gặp lại thầy ở Sài Gòn. Thầy kể hồi đó đi học sư phạm ở Cần Thơ, thầy yêu một cô gái nghèo. Ra trường, về dạy nhiều năm, nhớ quá, thầy vào Cần Thơ chấp nhận làm đủ nghề, bán chợ trời, dạy kèm… để cưới cô đó. Bà xã thầy thấy cực quá, qua Úc làm thuê chui. Có chút vốn, vợ chồng con cái kéo nhau lên Sài Gòn ở trọ, cô bán quà vặt cổng trường, thầy xin làm bảo vệ trường ban ngày, tối làm gia sư, rồi làm giám thị, rồi giờ lại được hợp đồng dạy.
Thầy nói: Có kiến thức và kỹ năng thì có nghề. Nghề nào chân chính nuôi được thân thì đấy là nghề, dù bảo vệ hay bán chợ trời. Quan trọng là phải nuôi sống bản thân bằng công việc chân chính.
Một thầy giáo khác của tôi - và của nhiều nhà báo khác - là người Thụy Điển kể ông có duy nhất một đứa con trai. Nó học xong đại học, có việc làm trong một tòa soạn báo lớn ở Stockholm, sau nó học thạc sĩ rồi tìm được học bổng qua Mỹ học tiến sĩ. Hai năm nó không về thăm nhà, email chỉ nói mọi chuyện rất ổn. Rồi một ngày nó về và bảo: “Ba chúc mừng con đi!”. Ông định chúc mừng chàng tiến sĩ truyền thông thì nó nói trước: “Không, ba hãy chúc mừng vì con đã trở thành một người hạnh phúc!”.
Ra là nó đi Úc, yêu một cô thổ dân và quyết định bỏ ngang chương trình tiến sĩ, đi học một khóa huấn luyện để trở thành nhân viên cứu hộ bờ biển ở Úc, lương thấp èo so với mức thu nhập trước đây và càng thấp hơn những gì một tiến sĩ truyền thông có thể kiếm. Nó nói miễn con có một nghề chân chính, con thấy lương vậy là phù hợp và con yêu vợ con, yêu biển và yêu nghề.
178.000 ông nghè - bà cử thất nghiệp, tôi nghĩ không có chuyện gì lớn. Tôi cũng không rõ sự thất nghiệp được tính trên tiêu chí nào nhưng khoan vội đổ lỗi cho xã hội. Tư duy “có việc làm” đồng nghĩa với việc đi làm thầy giáo, nhân viên công ty, chuyên viên hay công chức, viên chức xưa rồi. Hãy nghĩ bạn cần có một việc làm nuôi thân, có trách nhiệm với bản thân và gia đình trước khi đòi hỏi gì ở xã hội.
Cũng đừng thấy 178.000 ông nghè - bà cử ấy thất nghiệp mà đổ hết lỗi cho Nhà nước, dù rằng nền giáo dục, đào tạo và dự báo nhu cầu lao động còn nhiều thứ phải bàn. Hãy nghĩ rằng bằng đại học (đặc biệt các ngành xã hội) chỉ là khởi đầu, chương trình học trang bị cho bạn một cái vốn nhận thức làm nền tảng để tiếp thu những thứ khác. Bạn chỉ giỏi và vững nghề khi vận dụng, làm việc, quăng mình vào thực tế để nâng cao kiến thức, làm giàu thêm và hoàn thiện các kỹ năng đã có.
Đừng nghĩ có cái bằng cử nhân (trừ cử nhân sư phạm) thì có thể làm thầy thiên hạ. Và giả sử nếu kẹt quá mà phải xin làm việc ở nhà máy, hãng, xưởng thì cũng đừng băn khoăn sao tôi cử nhân, kỹ sư mà được trả tiền thấp hơn thợ cơ khí. Vâng, nếu cử nhân mà không giỏi, được tuyển làm công nhân thì làm thua, lương thua anh thợ lành nghề thì có gì phải bàn cãi?
Tôi đi dạy, vào lớp hỏi sinh viên năm ba khoa báo chí: Em nào từng có tin, bài đăng báo? Chỉ chừng 1/3 số sinh viên đưa tay lên. Vậy thì ra trường thất nghiệp trách ai? Chưa kể, tôi biết nhiều bạn đi học thạc sĩ là do rảnh thôi.
Chúng ta không nên bồng bế quá nhiều những “em bé 22 tuổi”. Dù xã hội còn đầy sự ẩm ương thì việc một ai đó thất nghiệp trước tiên là do chính họ. Các xưởng may vẫn thiếu nhân công đầy ra đó, tiệm ăn thiếu bồi bàn đầy ra đó, chỗ phụ hồ hay chạy xe ôm vẫn còn rộng. Hãy tự hỏi bạn có trách nhiệm với bản thân và yêu lao động không. Nếu câu trả lời là có thì thật không hiểu vì sao bạn thất nghiệp.
Làm việc đi, kiếm tiền nuôi thân đi, rồi cơ hội sẽ tới. Dĩ nhiên cơ hội thì không chia đều cho 178.000 vị. Nhưng nếu không làm việc thì chẳng có cơ hội nào cả.
“Bài chửi” vụ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp gây sốt trên mạng
Tôi xin lỗi các ông bàđang thất nghiệp và cầm cái tấm bằng thạc sĩ, cử nhân. Tốt nhất hãy xem lại bản thân, đừng có mà đổ tại xã hội, tại nền giáo dục, tại xuất thân nghèo khó.
Tôi nói thẳng ra như sau: Nền giáo dục mà kém thì đầu ra sẽ phải thất nghiệp hết chứ không thể chỉ riêng ông bà. Đừng có nghĩ người khác may mắn với quan hệ này nọ. Bao con người đi lên từ bàn tay trắng, họ không phải siêu nhân mà họ chỉ cần siêng năng và chẳng quản ngại khó khăn.
Xã hội này không ai phải có trách nhiệm với ông bà cả. Đừng có ỷ lại và nghĩ rằng xã hội phải giúp đỡ ông bà. Đừng có mơ trông chờ vào người khác khi chính bản thân lười nhác, không có trách nhiệm với chính mình. Vứt cái tư duy ông cử, bà thạc đi. Tôi nói cho mà biết, học xong trường đại học là chỉ đủ cho các ông bà thò được đầu lên khỏi mặt đất thôi, chưa phải đã được đứng lên mà đi hiên ngang đâu. Các ông, các bà vẫn đang rơi vào trạng thái: “Không biết mình đang không biết cái gì” đấy. Và thường ở trạng thái này các ông bà cứ ngỡ mình đang biết tuốt…
Các ông bà đi làm thì kỹ năng không có, giá trị thấp nhưng lại đòi hỏi như… bố mẹ thiên hạ, rằng công việc phải nhàn hạ, lương cao, phải có tương lai này nọ... Ông bà nào đi làm việc tay chân thì y rằng: Cứ hễ hỏi đang làm gì thì lại trả lời thanh cao là đang đi làm tạm thời thôi, chờ chỗ này chỗ kia ngon. Không muốn gắn bó thì tốt nhất đừng xin việc tạm bợ! Thế giới này không có chỗ đứng cho những kẻ lười biếng mà còn bảo thủ.
Những người khuyết tật, người nhiễm chất độc da cam họ còn phải dựng rạp làm xiếc, hát rong để tạo ra giá trị cho xã hội. Họ khuyết tật cơ thể nhưng tư duy và suy nghĩ họ không tàn tật… Hãy xem lại chính mình đi. Nếu vẫn đang chờ mong xã hội cưu mang cho ông bà một công việc thì thực sự ông bà chẳng khác gì một kẻ tàn tật về tư duy và suy nghĩ…
Đứng dậy đi, chứng minh cho mọi người thấy rằng ông bà không hề tàn tật. Nếu thích thì vứt mẹ cái bằng đi và lao ra làm việc, làm như một con trâu chăm chỉ. Sống và làm điều đam mê và thích thú đi. Và đã làm thì ra làm, dồn hết tâm hết sức mà làm cho ra ngô ra khoai.
Biết nấu ăn thì hãy nấu cho ngon, nấu cả ngày, nấu cả đêm, nấu cho đến khi khách sạn 5 sao cũng phải tìm đến ông bà. Biết đá bóng thì hãy đá đi, đá cho giỏi vào, đá ngày, đá đêm, đá đến khi nào cơ bắp vỡ hết ra, đá đến khi tuyển quốc gia phải mời ông bà vào. Biết bưng bê nhà hàng thì bưng đi, bưng giỏi vào, bưng bằng ba ngón tay thôi, học cách vừa bưng vừa lắc đi, để nhà hàng 5 sao phải săn đón ông bà và rước như rước người nổi tiếng. Biết về máy tính thì kiếm tiền online đi. Click vào link cũng kiếm được tiền, tải file lên cho người ta down cũng kiếm được tiền, up video YouTube cũng kiếm được tiền, mạng xã hội cũng kiếm được tiền. Làm đi, ăn ngủ với nó, đừng có mà đứng núi này trông núi nọ. Làm đến khi cả mớ tiền đổ về, cho xã hội nể ông bà đi.
Được sinh ra lành lặn, được ăn học để nhoi lên khỏi mặt đất là ông bà đã hơn bao người rồi. Nhưng đừng nghĩ đó là đích đến mà hãy tỉnh táo nghĩ đây mới chỉ là bắt đầu, đây mới chỉ là vạch xuất phát…
Tôi chưa thấy ai chăm chỉ mà thất nghiệp cả!
(Trích trang facebook.com/GemslightCEO
của
 NGUYỄN MINH NGỌC)
NGUYỄN ĐỨC HIỂN

No comments:

Post a Comment