SÀI GÒN (NV) - Mỗi ngày, người dân ở thành phố Sài Gòn phải uống hơn 250 tấn nước đá bẩn, nhiễm nhiều chất vi sinh độc hại từ các nguồn nước không tinh khiết.
Phúc trình tại hội thảo “An toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng nước đá tại thành phố Sài Gòn” sáng ngày 22 tháng 7, 2015, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, chi cục trưởng Chi Cục An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm, Sở Y Tế thành phố Sài Gòn cho biết, thành phố Sài Gòn là nơi có nhu cầu tiêu thụ nước đá lớn với 500 tấn/ngày từ 193 cơ sở sản xuất nước đá.
Nước đá “tinh khiết” được sản xuất tại một cơ sở sản xuất nước đá ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Ðức. (Hình: Thanh Niên)
Thế nhưng, đa số cơ sở sản xuất có nhà xưởng, trang thiết bị không đạt điều kiện an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra cho thấy, có đến 54% sản phẩm nước đá bị nhiễm Clor và các vi sinh E.coli, Coliforms, Feacal streptoccoc, Pseudomonas aeruginosa...nhóm vi khuẩn gây các bệnh đường ruột, tiêu chảy.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chi cục phó Chi Cục Chi Cục An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm, Sở Y Tế thành phố Sài Gòn cho biết, nguyên liệu sản xuất nước đá hoàn toàn là nước nên việc kiểm soát nguồn nước đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên kết quả tổng kiểm tra 193 cơ sở sản xuất nước đá hiện có tại Sài Gòn thì có 114 cơ sở xài nước giếng khoan; 64 cơ sở không thực hiện việc xét nghiệm sau xử lý nước; 13 cơ sở không xét nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định...
Cùng ngày, theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên tại một cơ sở sản xuất nước đá ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Ðức, đá viên vẫn được đặt trong các bao tải, bao bố. Ðá cây thì trong tình trạng không che đậy. Cũng tại cơ sở này, các bao bố còn được giặt đi giặt lại rất nhiều lần trong một bồn nước đã chuyển sang màu đen.
Còn ngay tại trung tâm Sài Gòn, phần lớn các đại lý phân phối nước đá đều được để ở các lề đường dơ bẩn, nhếch nhác như dưới một gốc cây, sát miệng cống hay cạnh xe rác bốc mùi hôi nồng nặc.
Cụ thể trên lề đường Lê Quý Ðôn, gần giao lộ Nguyễn Ðình Chiểu, quận 3, gần cả trăm cây đá, bao đá viên được cho là “đá tinh khiết” được phủ lên bằng những cái mền, bao tải cũ lâu ngày ngả màu đen chất thành đống trên nền vỉa hè, nước đá tan chảy hòa lẫn bùn đất bẩn thỉu. Hằng này, tại khu vực này có khoảng 4 đến 5 thanh niên, trực chiến tiếp nhận điện thoại và đi giao đá cho các nhà hàng, quán ăn ở khắp nơi.
Bên cạnh việc bảo quản, bao bì không hợp vệ sinh, thì người tiêu dùng cũng không thể an tâm khi chứng kiến cảnh dơ bẩn trong quá trình vận chuyển nước đá “tinh khiết” đến các nơi kinh doanh ăn uống. (Tr.N)
07-23-2015 2:56:36 PM
No comments:
Post a Comment