Friday, October 30, 2015

Trung Quốc lên án Mỹ ‘khiêu khích’ ở Biển Đông

Tàu khu trục USS Lassen ở Biển Đông.
Tàu khu trục USS Lassen ở Biển Đông.
VOA-30.10.2015
Tư lệnh hải quân Trung Quốc phàn nàn với Tham mưu trưởng hải quân Hoa Kỳ rằng việc Washington trong tuần cho tàu khu trục hải quân tới gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây tại các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông là hành động ‘nguy hiểm’ và ‘khiêu khích’.
Phát biểu được đưa ra trong cuộc điện đàm trực tuyến được thu xếp vội vàng kéo dài một giờ đồng hồ hôm qua giữa Đô đốc Ngô Thắng Lợi của hải quân Trung Quốc với Đô đốc John Richardson, người đứng đầu các hoạt động hải quân Mỹ.
Cuộc hội đàm được các quan chức quốc phòng Mỹ mô tả là chuyên nghiệp và hiệu quả và cho biết rằng đôi bên nhất trí duy trì đối thoại thường xuyên cũng như nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc để tránh đụng độ.
Thế nhưng, các giới chức Trung Quốc đã dùng những ngôn từ không mấy nhẹ nhàng nói về cuộc thảo luận này.
Tân Hoa xã của nhà nước Trung Quốc hôm nay thuật lời Đô đốc Ngô tuyên bố "Các hành vi nguy hiểm và khiêu khích như thế đe dọa chủ quyền - an ninh Trung Quốc, đồng thời làm tổn hại hòa bình - ổn định khu vực".
Hôm thứ Ba, Washington đã thực hiện bước tiến lớn nhất từ trước đến nay để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông khi cho một tàu chiến của hải quân Mỹ đi vào phạm vi 22 km của các hòn đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp tại các vùng biển đang có tranh chấp căng thẳng.
Trung Quốc, nước nhận chủ quyền hầu hết Biển Đông, phản ứng giận dữ, gọi việc này là ‘hành động cố tình khiêu khích’ và gửi công hàm phản đối chính thức tới Đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh.
Động thái của Mỹ cũng làm sôi sục các bài bình luận trên mạng với một số ý kiến thúc giục quân đội Trung Quốc đâm húc tàu Mỹ và một số ý kiến kêu gọi có phản ứng quân sự. Một số người lập luận rằng giới lãnh đạo Trung Quốc cần bắt chước như Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc bảo vệ các lợi ích của quốc gia.
Các quan chức Mỹ cho biết bất chấp những căng thẳng, chuyến thăm đã được hoạch định của Tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, và Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift, tới Trung Quốc vẫn giữ nguyên lịch.
Hôm qua, Hoàn cầu Thời báo, tờ báo được đảng cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn, đăng bài trên trang nhất loan tin Đô đốc Harris dự kiến sẽ tới Bắc Kinh vào ngày thứ hai, 2/11. Tuy nhiên, một giới chức Bộ Quốc phòng hôm qua cho hay đôi bên vẫn còn đang thống nhất thời điểm của chuyến thăm.
Không chỉ có hải quân Hoa Kỳ gia tăng giao tiếp với Trung Quốc. Một tàu khu trục nhỏ của Pháp đang thực hiện chuyến thăm 4 ngày tới căn cứ chính của Trung Quốc ở Biển Đông thuộc tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Vào tuần tới, 2 chiến hạm của Úc sẽ tổ chức tập trận với hải quân Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo truyền thông Úc, sự kiện này sẽ bao gồm các cuộc diễn tập bắn đạn thật. Các giới chức quân đội Úc nói không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có kế hoạch trì hoãn hoặc thay đổi lịch trình cuộc tập trận.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh hôm qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thúc giục Trung Quốc giải quyết tranh chấp Biển Đông tại các tòa án quốc tế. Bà Merkel cũng nhấn mạnh rằng quan trọng là các tuyến vận chuyển thương mại trên biển không bị cản trở.
Trung Quốc có phần chắc không chấp nhận quan điểm đó vì lâu nay Bắc Kinh vẫn khước từ các nỗ lực can thiệp của quốc tế trong tranh chấp Biển Đông. Thay vào đó, Bắc Kinh muốn tổ chức các cuộc thảo luận tay đôi với các nước trực tiếp liên quan.
Hơn 5 ngàn tỷ đôla thương mại đi qua Biển Đông mỗi năm, nơi mà Việt Nam, Brunei, Philippines và Đài Loan cũng có các tuyên bố chủ quyền đối nghịch nhau.

No comments:

Post a Comment