Friday, October 30, 2015

Giáo dục ở Việt Nam và bạo lực học đường

Thạch Đạt Lang (Danlambao) Buổi sáng thứ ba 27. Oct. 2015, một bản tin trênyahoo.de khiến tôi chú ý. Aliya May, một nữ sinh 14 tuổi đã ném vào mặt cô giáo từng dạy mình một củ cà rốt dài khoảng 5 cm. Củ cà rốt trúng vào trán cô giáo và câu chuyện bùng nổ lớn dù không có thương tích nào đáng nói.

Nhà trường đã phản ứng ngay tức khắc, quyết định cấm Aliya May không được đến trường trong một tháng. Aliya May đã giải thích đó chỉ là một trò đùa, khi tan học bất ngờ gặp lại cô giáo đã dạy mình, Aliya nổi tính nghịch ngợm, lấy củ cà rốt nhỏ còn lại trong phần ăn trưa vào ném vào cô giáo.

Theo đài truyền hình WTVR.com cho biết, quan điểm của nhà trường rất rõ ràng trong việc duy trì kỷ luật học đường bằng các văn bản, qua đó củ cà rốt có thể coi như vũ khí tấn công.

Karrie May, mẹ của Aliya May cũng nhận được một lá thứ thông báo nội vụ, đồng thời yêu cầu Aliya May phải nhận lỗi, nhưng gia đình bà từ chối.

Nói với đài truyền hình WTVR, "Karrie May đồng ý rằng Aliya phạm lỗi, phải chịu hình phạt không được đến trường một tháng là tương xứng. Tuy nhiên, đưa Aliya ra tòa về tội danh sử dụng bạo lực, gây chấn thương cơ thể là quá đáng. Tôi không hiểu được."

Todd Stone, chuyên gia về luật pháp của đài CBS-6 cho biết, việc đánh giá sử dụng củ cà rốt như một vũ khí là khả dĩ, tuy nhiên cũng thật khó lòng mà kết án một cô gái 14 tuổi vì tội ném một củ cà rốt vào người khác. Ban giám hiệu nhà trường nơi Aliya May học không lên tiếng gì về chuyện này.

Bản tin khiến tôi nhớ lại những video clip quay cảnh nữ sinh đánh nhau ở các trường trung học tại Việt Nam phổ biến đầy trên facebook, youtube... Điểm đặc biệt của đa số các video clip là hầu hết những học sinh tham gia trong việc ấu đã đều là các nữ sinh từ lớp 7, 8 đến lớp 11-12.

Các video clip chắc chắn gây ngạc nhiên chen lẫn bực bội cho những người bình thường, nhất là những ai có con em còn đang đi học, không thích chuyện bạo lực khi thấy 3-4 em nữ sinh xông vào đánh, đá, nắm, giật tóc một em khác trong khi vài nam sinh khác thản nhiên đứng nhìn, không hề ngăn cản, thậm chí có em còn la ó, cổ võ cho những hành vi bạo lực đang diễn ra trước mắt.

Chuyện bạo lực học đường trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam thỉnh thoảng cũng xảy ra, nhưng thường rất ít và hầu hết chỉ xẩy ra ở các trường trung học dành cho các nam sinh. Ngay cả sau khi cho nam nữ học chung ở các trường trung học công lập từ năm 1971, việc các nữ sinh đánh nhau hoặc đánh hội đồng hầu như không có.

Chỉ cần vào Google gõ mấy chữ "bạo lực học đường hiện nay". Chỉ trong vòng 0,46 giây có tất cả 12.200.000 kết quả được tìm thấy.

Trong vài bài viết, nhận định ngay trang đầu, mọi người thấy nhiều phụ huynh cũng như các nhà giáo, những người liên hệ đến ngành giáo dục quan tâm đến sự việc. Cũng có một số sinh viên đại học ngành giáo dục nghiên cứu đề tài Bạo Lực Học Đường làm thành luận án tốt nghiệp. 

Người ta đưa ra nhiều nguyên nhân khiến bạo lực học đường ở Việt Nam ngày nay gia tăng đáng kể so với vài chục năm trước. Những nguyên nhân chính được nêu ra có thể tóm lược như sau:

1. Sự gia nhập của chế độ Cộng sản VN vào nền kinh tế thị trường.

2. Các bậc phụ huynh không quan tâm đúng mức đến sự giáo dục con cái (vì lý do gì thì không thấy ai nói tới).

3. Các nhà giáo đã không làm đúng chức năng của mình.

4. Chương trình giảng dạy, chính sách giáo dục không phù hợp với từng lứa tuổi.

Còn nhiều nguyên nhân khác nữa, nhưng trong phạm vi bài này chỉ bàn về những nguyên nhân nêu trên.

Về nguyên nhân đầu tiên, trang pes.htu.edu.vn cho rằng sự hội nhập của chế độ CSVN vào nền kinh tế thị trường của thế giới là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường tăng cao.

Trích: "Xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa Nho giáo với những lễ nghi, phép tắc và chuẩn mực đạo đức. Chính nhờ những lễ nghi, phép tắc đó mà xã hội luôn được ổn định. Những nét văn hóa ấy đã ăn sâu vào trong tâm thức của mỗi người dân Việt với sự tôn trọng lễ nghĩa giữa cha con, anh em, thầy trò, bằng hữu. Thế nhưng, kể từ khi đất nước chuyển hướng theo cơ chế kinh tế thị trường, cùng với đó là xu thế toàn cầu hóa, đất nước mở cửa hội nhập thì những nét văn hóa truyền thống đã dần thay đổi. Những chuẩn mực đạo đức quý giá ấy đã dần bị phai nhạt, thay vào đó là những nét văn hóa hiện đại, lai căng." - Hết trích.

Đây là một nhận định hoàn toàn sai trái nếu không muốn nói là gian trá, lẽo lự, ngụy ngôn, chạy tội cho chế độ cộng sản VN. Bạo lực học đường ngày hôm nay là hậu quả của chính sách giáo dục của chế độ cộng sản 40 năm ở miền Nam, 70 năm trên cả nước.

Miền Nam VN trước đây đã có 21 năm sống dưới nền kinh tế thị trường, giao dịch với thế giới tự do Âu, Mỹ trong thương mại, trao đổi văn hóa... không hề có giới hạn, tại sao môi trường học đường vẫn bình yên, hiền hòa? Trước năm 1975 hầu như không ai nghe nói hoặc thấy báo chí đăng tin về việc các nữ sinh trung học đánh nhau

Văn hóa truyền thống của Việt Nam với các tiêu chuẩn đạo đức Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín... đã bị văn hóa cộng sản xóa bỏ hoàn toàn từ ngày cộng sản chiếm được miền Nam. Sau 30.04.1975 bao nhiêu sách báo miền Nam đã bị thu gom, đốt sạch. 

Nền giáo dục nhân bản, văn hóa trong sáng của miền Nam đã bị chế độ CS tìm mọi cách hủy diệt không thương tiếc ngay từ sau 30.04.75 chứ không phải chờ đến ngày cộng sản Việt Nam thay đổi chính sách kinh tê XHCN sang kinh tế thị trường vào năm 1990 mới bị văn hóa tây phương ảnh hưởng.

Không cần phải nói đâu xa, hãy nhìn chung quanh, so sánh với các nước láng giềng, những nước Đông Nam Á theo kinh tế thị trường, có nước nào mà nữ sinh trung học bạo hành nhiều như Việt Nam?

Trích: "Sự tiếp biến văn hóa là điều không thể tránh khỏi, thế nhưng để những nét văn hóa không phù hợp du nhập vào và làm lu mờ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp là những điều không nên. Giờ đây, có những học trò ngang nhiên cãi lại thầy, thậm chí đánh thầy ngay trên bục giảng đến mức ngất xỉu; bạn bè đánh đấm, đâm chém nhau xảy ra khá thường xuyên. Chính những hành động ấy đã càng làm lu mờ những nét văn hóa truyền thống của xã hội, thể hiện một sự suy đồi về mặt đạo đức và sự sai lệch về mặt hành vi một cách đáng báo động." Hết trích.

Giao dịch kinh tế kéo theo giao dịch về văn hóa là điều không thể tránh được. Vấn đề là chính sách cai trị, giáo dục của chế độ như thế nào? Tại sao không tự hỏi:- Nước Nhật, khởi đi từ Minh Trị Thiên Hoàng, canh tân xã hội theo tây phương, đưa nước Nhật lên hàng cường quốc thế giới, dù bị thiệt hại nặng nề sau 2 trận thế chiến vẫn là một trong các cường quốc hàng đầu về khoa học, kỹ thuật, bằng cách nào vẫn giữ được nền văn hóa truyền thống của mình? 

Lỗi của người dân hay lỗi của chế độ, của kẻ lãnh đạo? Ai cho phép trò cãi lại thầy, đánh thầy ngay trên bục giảng nếu không phải là chế độ, những kẻ nắm quyền cai trị đất nước? Cứ nhìn xã hội mà xem, chẳng những cho phép mà còn khuyến khích nữa. 

Chính quyền cướp đất của dân, công an cậy quyền thế giết dân trong đồn rồi tung tin là nạn nhân tự tử xẩy ra đều đặn, khắp nơi. Trò đánh thầy ngay trên bục giảng không sợ hậu quả vì trò là đoàn viên đoàn Thanh Niên CS HCM. Tất cả chỉ là hậu quả của chính sách, đường lối giáo dục của cộng sản mấy chục năm qua.

Một nền giáo dục dạy con trẻ những bài toán cộng trừ bằng cách đếm xác "Mỹ Ngụy", đếm máy bay địch bị bắn rớt, tẩm xăng tự đốt cháy chạy vào kho xăng địch... thì học đường không xẩy ra bạo lực mới là chuyện lạ.

Nguyên nhân thứ hai cho rằng các bậc phụ huynh không quan tâm đúng mức đến sự giáo dục con cái lại càng ngụy biện. Thế nào là quan tâm đúng mức? 

Trong trường học, thầy cô dậy rằng Liên Xô thả hai trái bom nguyên tử xuống Okinawa và Hiroshima khiến Nhật đầu hàng, chấm dứt chiến tranh thế giới thứ hai, về nhà bố mẹ nói cô giáo dậy sai, hai trái bom đó do Mỹ thả. Học sinh báo lại cho thầy cô, bố mẹ bị bắt lên trường làm kiểm điểm, bố mẹ còn lòng dạ nào để quan tâm đến con cái nữa? Biết con nói sai, nói bậy cũng chỉ ngậm câm chứ lạng quạng nó báo công an thì đi tù như chơi.

Trừ một thiểu số phụ huynh có lương tâm, còn ưu tư về những vấn đề của xã hội, của đất nước, dân tộc, cố gắng hướng dẫn, giáo dục con cái theo đường lối, phương pháp riêng, đa số các bậc phụ huynh khác giao hết trách nhiệm cho nhà trường, cho xã hội. Chỉ nghĩ đến lo chuyện cơm áo không cũng đã đủ điên đầu, thì giờ đâu lo thêm chuyện khác?

Về nguyên nhân thứ ba, cho rằng nhà giáo không làm đúng chức năng của mình chỉ là một nhận định vô trách nhiệm. Thầy cô đứng lớp nếu không muốn bị trù dập, theo dõi, trả thù... phải dạy cho đúng giáo án, giáo trình, không được thêm bớt, đi lệch lạc ra ngoài. 

Giáo trình do bộ giáo dục, đào tạo soạn thảo với sự chỉ đạo của đảng cộng sản, giáo án soạn ra phải theo đúng giáo trình từ nội dung tới hình thức. Mọi sách vở, tài liệu học tập, nhất là về khoa học nhân văn, khoa học xã hội, lịch sử... không còn tính khách quan mà phải được soạn thảo, giảng dậy sao cho có lợi tối đa cho chế độ, cho chủ nghĩa cộng sản, cho lãnh tụ. 

Bàn tay của đảng thọc thật sâu, sát vào từng trường, lớp, kiểm soát tất cả sinh hoạt học đường bằng các đoàn viên của đoàn TNCSHCM. Ngay cả các thầy cô, ban giám hiệu cũng kiểm soát, theo dõi, báo cáo, dèm xiểm, đề phòng lẫn nhau thì tâm trí đâu để dạy dỗ, hướng dẫn học sinh? Bên cạnh đó còn là vấn đề kinh tế, giáo chức với đồng lương eo hẹp, không đủ sống, phải tìm mọi cách kiếm thêm thu nhập để bù đắp vào chỗ thiếu hụt ngân sách gia đình.


Giáo dục là ngành truyền bá chữ nghĩa, văn hóa, khó lòng ăn cắp vật liệu, tham nhũng. Chỉ có những nơi ấn loát, xuất bản, phát hành sách vở, tài liệu giáo dục mới có thể ăn cắp, cắt xén được vật liệu, ngân sách...Giáo chức vì thế chỉ còn cách chèn ép học sinh, mở lớp dạy thêm ngoài giờ để kiếm tiền. Học sinh nào không theo học sẽ bị điểm xấu trong học bạ hay kết quả thi cử, làm bài kiểm…

Làm đúng chức năng nhà giáo thì chỉ có nước chết đói, bởi giá trị nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn không quan trọng bằng phe đảng, bè phái, liên hệ, cấu kết với nhau để tranh giành những chức vụ có quyền hạn có thể làm ra tiền.

Trong một xã hội mà mọi giá trị đạo đức, trật tự xã hội bị đảo lộn như ở Việt Nam hiện nay, chỉ còn một thiểu số giáo chức còn quan tâm đến giáo dục đào tạo con người một cách đúng nghĩa.

Nguyên nhân thứ tư rất đúng, bởi giáo dục dưới chế độ CS chỉ có mục đích đào tạo con người biết nghe, nói, hành động theo lệnh đảng, hoàn toàn không có mục đích huấn luyện con người có tư duy độc lập, suy nghĩ khác biệt những gì đảng, chế độ mong muốn. 

Ngay từ lúc còn nhỏ, bắt đầu đến trường đã bị đoàn ngũ hóa, bị tuyên truyền nhồi sọ, học tập gian dối, theo dõi, nghi ngờ, dò xét người khác thì lớn lên làm sao còn có lòng tự trọng, nhân cách để cư xử cho ta một con người?

Nói tóm lại, với chính sách giáo dục hiện nay của chế độ cộng sản Việt Nam, việc ngăn chận hoặc hy vọng làm giảm bớt bạo lực ở học đường đang xảy ra hàng ngày là điều bất khả thi.



_____________________________________

Tài liệu tham khảo:




No comments:

Post a Comment