Wednesday, September 2, 2015

Bánh Trung Thu Trung Quốc

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2015-09-02
Các gian hàng bán bánh trung thu được dựng lên chen kín các vỉa hè.(minh họa)
Các gian hàng bán bánh trung thu được dựng lên chen kín các vỉa hè.(minh họa)  File photo
Có thể nói rằng, hiếm có mùa Tết Trung Thu nào mà người ta sợ bánh Trung Thu như năm nay. Bởi lẽ, hàng hàng lớp lớp bánh Trung Thu hiện ra thừa mứa trên đất Hà Nội cùng với nguồn gốc xuất xứ bất minh của nó giữa lúc kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, người nghèo không có cái để ăn đã khiến cho hình ảnh chiếc bánh Trung Thu trở nên trơ trọi, thậm chí lố bịch. Nhưng vấn đề đáng bàn nhất vẫn là những chiếc bánh Trung Thu của Trung Quốc!
Bánh Trung Thu của Trung Quốc
Một người dân Hà Nội tên Huy, hiện đang sống ở quận Hoàn Kiếm, lắc đầu đưa ra nhận xét: “Nó bán ở đường đầy, hiện nay nó đã qui hoạch, cho bán ở các siêu thị thôi. Thực ra tôi cũng không để ý lắm, chủ yếu là mua bánh gia truyền thôi. Nhưng làm gì mà không có bánh Trung Quốc lẫn lộn trong đó. Động cơ lợi nhuận mà!”.
Theo ông Huy, thật là khó phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng giả khi đi mua bánh Trung Thu. Bởi bánh Trung Thu trên đất Hà Thành hiện nay đã rơi vào tình trạng loạn cào cào, rất khó để phân biệt một chiếc bánh chính hãng với một chiếc bánh mang từ Trung Quốc sang.
Sở dĩ có tình trạng như vậy trong khi Việt Nam vẫn có những hãng bánh uy tín và có đầy đủ bản quyền sản xuất là vì các kênh phân phối đã bị nhiễu. Vấn đề nhiễu kênh phân phối, theo ông Huy, hiện nay rất khó để xác định đâu là nguyên nhân và tìm ra manh mối nhằm khắc phục.
Vì hiện tại, kênh phân phối chính của các hãng bánh Trung Thu vẫn là các đại lý chuyên bán hàng tạp hóa. Nhưng ở đây lại là các ổ bánh giả. Thậm chí ngay cả những cửa hàng bánh lưu động phục vụ Tết Trung Thu của các hãng lớn cũng có cả bánh đểu do Trung Quốc tuồn vào.
Gải thích cho tình trạng loạn cào cào thật giả này, ông Huy cho rằng có ba nguyên nhân: Tiền lương và lương tri của người bán hàng quá thấp; Lợi nhuận cao đã làm cho các đại lý mờ mắt và; Hệ thống kiểm định chất lượng cũng như hệ thống công an cửa khẩu của Việt Nam có vấn đề trầm trọng.
Nhưng trên hết, theo ông Huy, vấn đề công an cửa khẩu và đội ngũ kiểm định chất lượng vẫn là nguyên nhân chính. Nếu công an cửa khẩu làm việc nghiêm túc, bộ đội biên phòng làm việc triệt để và đội ngũ kiểm định chất lượng nhà nước đừng bị phong bì đè mất nghiệp vụ thì khó có chiếc bánh Trung Thu giả nào lọt vào Việt Nam để mà hoành hành thị trường như hiện tại.
Cũng theo ông Huy, khi mà chiếc bánh Trung Thu của Trung Quốc tung hoành trên đất Hà Nội, điều này cũng đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất hàng đểu của Trung Quốc cười vào mũi giới chức Việt Nam và họ xem khả năng, trí tuệ của người Việt Nam chẳng ra trò trống gì.
Trung Thu vô vị, mất hết hồn vía…
Chị Hà, một cư dân Hà Nội hiện đang sống ở quận Hà Đông, chia sẻ: “Trung Thu ngày ấy thì là nó quí hơn Trung Thu bây giờ. Vì hồi đó thời gian nén hơn, bây giờ người ta chơi tràn lan. Hơn nữa hồi đó nó gần cái gốc hơn, gần với truyền thống hơn, hồn vía hơn. Bây giờ mọi thứ tràn lan. Đồ chơi hồi đó có thể do cha mẹ làm cho con cái, còn bây giờ người ta mua tràn lan nhưng vô vị. Bây giờ người ta biến Trung Thu thành dịp để khoe mẽ với nhau, thậm chí để hối lộ, kiếm chác…”.
Theo chị Hà, có thể nói rằng Tết Trung Thu bây giờ đã bị mất hết hồn vía, không còn như thời xa xưa của chị với Trung Thu trăng rằm lung linh, huyền ảo và những chiếc lồng đèn tự chế, những chiếc bánh ú xinh xắn cũng như tình cảm ấm áp của người lớn dành cho trẻ con. Chuyện đó bây giờ không còn nữa, thay vào là một cái Tết Trung Thu vừa thực dụng, vừa bị đánh tráo.
Hà Nội vào thu
Hà Nội vào thu
Chị Hà giải thích thêm rằng sở dĩ chị phải nói Trung Thu vừa thực dụng vừa bị đánh tráo là bởi người ta lợi dụng mùa tết Trung Thu để hái ra tiền, động cơ kiếm tiền vào mùa Trung Thu đã len lỏi vào tận từng ngõ ngách. Nói rằng Trung Thu bị đánh tráo bởi đây không còn là Tết của trẻ nhỏ nữa mà là cái Tết quà cáp, cơ hội của người lớn.
Về tính thực dụng, chị Hà cho rằng thời chị còn là một đứa bé, mỗi dịp Tết Trung Thu là dịp để cha mẹ, ông bà, người lớn nói chung thể hiện sự quan tâm của mình với con trẻ, người cha làm một chiếc lồng đèn xinh, người mẹ nấu một chiếc bánh hoặc làm một chiếc bánh gì đó, nếu không có điều kiện thì nấu một nồi chè cho con cái. Chính tâm hồn của cha mẹ gửi gắm bên trong cũng như tình yêu thương và mối tương giao giữa cha mẹ với con cái đã tạo nên không khí Trung Thu ấm áp, trong trẻo và đẹp đến vô ngần.
Điều đó khác xa với kiểu Trung Thu bây giờ, cha mẹ muốn nấu cho con một chiếc bánh ú do tự tay mình gói cũng không được vì làm như vậy sợ tổn thương con trẻ, sợ chúng nghĩ rằng mình keo kiệt hoặc không có tiền mua bánh Trung Thu cho chúng. Bên cạnh đó, các hãng bánh thi nhau tiếp thị, bánh thật bánh giả loạn xạ khiến cho Tết Trung Thu mang dáng dấp một cái chợ đời nhiều hơn là một dịp trăng tròn của trẻ thơ.
Về yếu tố đánh tráo, chị Hà nói rằng bây giờ, đúng ra là Tết Trung Thu của người lớn chứ không phải của trẻ con nữa, mà nói chính xác là Tết Trung Thu của giới chức quyền. Mỗi dịp như vậy, những chiếc bánh có giá khủng, những chiếc bánh độn vàng bên trong được cấp dưới mang đi biếu cấp trên để lấy lòng.
Với trẻ con, điều đó vừa làm tổn thương trẻ em nhà nghèo lại vừa làm hư hỏng trẻ em nhà khá giả, có chức có quyền. Đó là chưa muốn nói đến chuyện bánh Trung Thu Trung Quốc làm giả bán đầy rẫy ngoài thị trường. Chắc chắn những chiếc bánh này sẽ lọt vào nhà nghèo, nhất là những cái bánh trứng. Bởi trứng gà Trung Quốc làm giả có cấu trúc lòng trắng và lòng đỏ rất giống với cái trứng của bánh Trung Thu. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng người mua không bao giờ phân biệt được đâu là bánh giả, đâu là bánh thật.
Một mùa Tết Trung Thu đang đến gần, bánh Trung Quốc, lồng đèn điện tử của Trung Quốc và nhiều thức quà Trung Thu có xuất xứ Trung Quốc đang nhảy múa khắp hang cùng ngõ hẻm Hà Nội.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment